Nghệ sĩ Ưu tú Đức Miên những ngày tiền tuyến gọi – Bút ký của Phạm Trọng Thanh – Nam Định

Ngày đăng: 09:11 17/06/2019 Lượt xem: 763
NGHỆ SĨ ƯU TÚ ĐỨC MIÊN NHỮNG NGÀY TIỀN TUYẾN GỌI
Bút ký của PHẠM TRỌNG THANH

 
         Một ngày trung tuần tháng 2 năm 1968. Chiếc xe U-oat vượt đường dài xịch đỗ dưới bóng tre xùm xòa một làng quê thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, nơi khoa Thanh nhạc trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán. Người lái xe quân phục chỉnh tề bước vào cửa lớp, giọng gấp gáp:
- Đồng chí Đức Miên - Đỗ Đức Miên đâu?
        Nhạc sĩ Lô Thanh, Trưởng khoa, tạm dừng tiết giảng. Ông bước ra hàng hiên, gặp anh Bộ đội mang công văn của Đoàn Văn công Quân khu III triệu tập Đức Miên về đơn vị gấp. Đức Miên chỉ kịp cúi chào thầy Lô Thanh, ngoảnh lại nhìn các học viên cùng khóa đang dõi theo anh. Anh muốn gửi một lời chào từ biệt cả lớp, nhưng không kịp. Chiếc U-oát nhấn ga, đưa người nghệ sĩ tuổi ba mươi, với chiếc ba-lô xếp lại giáo trình thanh nhạc, rong ruổi mã hồi. Chiều, xe về tới điểm tập kết thuộc xã Yên Bồng huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, bản doanh sơ tán của Đoàn Văn công Quân khu III. Đức Miên thấy các chiến hữu trong Đoàn tập hợp khá đông, kẻ đi người lại vẻ khẩn trương. Thượng úy Chu Nghi tươi cười bước tới khoác vai Đức Miên khi anh vừa xuống xe. Hai người bước vào hội trường. Đợi Đức Miên uống hết ca nước chè xanh ngon lành, Chu Nghi nhìn Đức Miên, thong thả nói:
- Cậu về kịp thế là tốt. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị ta thành lập “Đoàn Văn công xung kích Quân khu III” vào phục vụ chiến trường. Tiêu chuẩn lựa chọn khá chặt chẽ: có sức khỏe tốt, có thể sô-lô, song ca, lĩnh xướng, sáng tác và biểu diễn tại trận. Không chọn “cặp đôi nghệ sĩ” trong một gia đình. Cậu sẽ là tiểu đội trưởng, đảm nhiệm một tiểu đội nghệ sĩ. Chỉ có hai ngày chuẩn bị hành trang. Ngày mai tập trung sẽ công bố danh sách chính thức. Tớ với cậu sẽ đồng hành đấy, được chưa?”
       Ngồi lại một mình, Đức Miên bỗng thấy nao nao. Bao nhiêu cảm xúc quen, lạ... lòng anh xao xuyến. Đi B, phục vụ chiến trường. Đây là mệnh lệnh, là tiếng gọi từ tiền tuyến lớn. Mấy năm qua, các văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội đã có mặt ở các mặt trận khu V, khu VI, khu VII... và ở cả chiến trường C...Với mình, đây là chuyến đi lịch sử trong đời. Hai ngày dành cho việc lĩnh quân trang, tăng võng, vũ khí với đủ cả cơ số thuốc. Lại phải khẩn trương đóng gói nhạc cụ, son phấn, trống phách... trang bị của một đoàn văn công đi chiến trường. Đức Miên muốn tranh thủ về Thành Nam thăm vợ con nơi sơ  tán, nhớ lắm, nhưng không thể,“quân lệnh như sơn”.
         Đứng trong hội trường, nghe điểm danh, anh thấy các nghệ sĩ đều nói “Có tôi” thật dõng dạc. Biên kịch, đạo diễn Chu Nghi: Đoàn trưởng. Nghệ sĩ trống chèo Văn Trưng: chính trị viên, Đoàn phó; Nghệ sĩ F’luýt (sáo sắt) Hùng Kháng: Đoàn phó, phụ trách Hậu cần. Các nghệ sĩ lên đường có: Đức Miên (hát, ngâm thơ), Trương Ngọc Toán (Ac-cooc-đê-ông), Đôn Truyền (nhạc sĩ sáng tác), Anh Minh,  Xuân Hợi (chèo), Đức Tuấn, Đức Thuận (múa) Thanh Hưng (Vi-ô-lông, nhị), Vũ Động (sáo trúc), anh nuôi Hữu Bào.
         Các nghệ sĩ phái đẹp có Tôn nữ Hoàng Anh, Thủy Chiến (hát), Thanh Hiền, Minh Miến (múa), Trần Thị Tách (chèo) và cô y sĩ mới ra trường Thu Huệ.       Đoàn chuẩn bị một chương trình gọn nhẹ: hai vở chèo ngắn:  Đường về trận địa (kịch bản Tào Mạt), Anh lái xe và cô chống lầy (kịch bản Tào Mạt - Hoài Giao); các tiết mục đơn ca, song ca, ngâm thơ, độc tấu nhạc cụ.
         Bỗng nhiên cuối hội trường, một giọng nữ cất lên:
- Tôi không được đi phục vụ chiến trường,! Nhưng chương trình của đoàn còn thiếu độc tấu. Sao lại quên  tấu?
         Mọi người biết đó là nghệ sĩ chèo Kim Yến, người bạn đời  của Thượng úy Chu Nghi. Kim Yến và Chu Nghi đã có cháu gái đầu lòng Chu Nhật Lệ, cháu trai Chu Thành Vũ. Anh vào chiến trường , chị ở nhà lo công việc “hậu phương lớn” của chồng là đúng quy chế rồi. Chờ mọi người ổn định trở lại, Đoàn trưởng Chu Nghi tươi cười:
            - Đúng, phải có tấu chứ! Vào chiến trường sẽ viết.
            Ngày lên đường đã tới. Theo nhật ký của nhạc sĩ Phạm Thanh Hưng, đó là ngày 20 tháng 2 năm 1968. Anh lính xế Văn Lương đưa chiếc xe Mô-nô vào điểm tập kết từ tinh mơ để xếp lên thùng xe toàn bộ hành trang của Đoàn. Người lên đường với quân phục mới, ba lô, giày, mũ tinh tươm. Họ giờ đây mang trong mình sức mạnh của những chiến sĩ xung kích. Xe từ từ lăn bánh. Hàng loạt cánh tay giơ mũ tai bèo vẫy chào người ở lại. Bám nhẹ vào thành sau thùng xe là những người tiễn chân, mắt họ rưng rưng, giọng nghẹn ngào. Ông cụ thân sinh Đoàn trưởng Chu Nghi dắt tay cháu Vũ, bước rảo theo sau xe. Chu Nghi từ trong ca-bin hé cửa, mấy lần lên tiếng với cha: “Bố ơi! Bố đưa cháu về đi! Con sẽ trở về!”. Phía sau, nghệ sĩ Kim Yến chắp hai tay sau gáy đứng nhìn theo. Trên xe, các nghệ sĩ tươi cười nhưng mắt họ thì lại khóc làm Đức Miên cũng rơi nước mắt.
 
NSƯT Đức Miên – Hội viên Hội VHNT Trường Sơn với cây thanh mẫu (diapason) – kỷ vật đi chiến trường.
     
         Xe chạy, sẩm tối đến Nghệ An tạm dừng, rồi chạy tiếp. Trên đường 20, xóc kinh khủng, suốt đêm không ai ngủ được. Đi 7, 8 đêm đến trọng điểm 30 A thì có lệnh dừng lại để chuyển xe. Cả Đoàn chuyển sang chiếc Zil 3 cầu, bề thế, lá ngụy trang xùm xòa. Đêm, xe chạy đèn gầm, êm ru. Sau mấy ngày ngồi xe, Đoàn bắt đầu đi bộ, làm quen với ve, vắt đường rừng. Tối, tiếp cận doanh trại Bộ Tư lệnh 559. Buổi biểu diễn tại Đoàn bộ Bộ Tư lệnh với bao nhiêu cảm hứng, trút bỏ hết vất vả đường dài. Chương trình của Đoàn được hoan nghênh đặc biệt. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên bước lên sân khấu ân cần bắt tay từng người. Tiếp theo, cuộc liên hoan “khao quân” được tổ chức ngay tại núi rừng trùng điệp Trường Sơn do Bộ Tư lênh 559 chủ trì, mừng các chiến sĩ văn công xung kích đã vào trận.
      Từ đây, bắt đầu hành trình mới: đi bộ theo đường dây binh trạm. Đầu mỗi chặng, được nghe giao liên phổ biến các quy định để mọi người cùng biết. Đây là vùng thám báo địch hoạt động ráo riết. Vất vả nhất là các nữ nghệ sĩ. Họ dễ bị tổn thương trong môi trường khắc nghiệt sơn lam chướng khí, muỗi mòng, trời nóng như thiêu đốt, thiếu rau xanh, hiếm nước sạch tắm gội. Đến binh trạm tiếp theo, cô giao liên choàng vải dù ngụy trang nhìn các nghệ sĩ quân đội: nam tay đàn, vai súng; nữ: vai đeo ba-lô, tay chống “gậy Trường Sơn” mải miết đi. Cô nể, nhưng vẫn nhắc nhở:  “Các anh chị ơi, đây mới là những chặng đầu, nhớ dành sức mà đi. Chặng này 20 km, em đi lại là thường”. Đức Miên được phân công giúp đỡ chị em khi mang các nặng, lúc lên dốc xuống đèo mệt nhọc. Anh còn được Đoàn trưởng Chu Nghi gợi ý kể chuyện tiếu lâm, pha trò để mọi người vơi bớt căng thẳng dọc đường. Đức Miên có sức vóc, tháo vát, luôn phải mắc võng vòng ngoài các chị em nữ. Anh ôm khẩu A.K báng gấp cảnh giới để họ yên tâm buông màn, ngủ võng.
          Buổi biểu đầu tiên gần một bản Vân Kiều miền tây Quảng Trị. Dưới chân một trái núi cao cây rừng xòe tán. Hai tấm võng được treo lên làm phông. Sàn diễn là thảm cỏ tự nhiên. Tiếng trống chèo nổi dậy. Tiếng sáo tiếng nhị hòa điệu rộn ràng. Đồng bào lục tục kéo đến. Họ ngồi từng vòng trên các thân tre nứa làm ghế do bộ đội chuẩn bị. Nhìn đồng bào lam lũ, khắc khổ đến xem văn công, các nghệ sĩ không giấu nổi xúc động. Đức Miên được phân công hát “hậu đài”, mở đầu vở Anh lái xe và cô chống lầy để Xuân Hợi với Thủy Chiến bước lên sàn diễn. Đồng bào không biết tiếng phổ thông nhưng họ theo dõi diễn xuất như không chớp mắt. Họ lắng nghe như nuốt lấy từng câu thoại với lời ca. Còn cánh bộ đội nhà ta thì vỗ nhịp, nghiêng ngả, dập dìu. Bao ngày nhớ hậu phương, ao ước được xem văn công , giờ họ được hòa mình với lời ca điệu múa, những làn điệu chèo mới, thắm thiết tình quân dân cá nước. Đức Miên ngâm thơ, bài Vượt đỉnh Ba Thang của Tào Mạt. Giọng ngâm nồng hậu, bài thơ đầy khí phách của bộ đội Trường Sơn và thanh niên xung phong ngày cả nước lên đường.  Sau tiết mục độc tấu nhị của Thanh Hưng Bài ca người thợ rừng (nhạc Phạm Tuyên), Trương Ngọc Toán tiếp tục đệm Ac-cooc-đê-ông , Đức Miên hát Bài ca người săn máy bay của Văn Lưu: “Cho mai sau đây chúng ta/ trông lên không gian chỉ thấy một vòm trời chim câu bay tới, vui trong nắng mới/ chiều chiều may bay”...
         Đến đây, bỗng nhiên trên chạng cây sến cổ thụ lòa xòa  trước sân khấu dã chiến vang lên giọng trai xứ Thanh chắc nịch: “Thằng nào hát hay thế?”.  “ Đức Miên đấy! Hát đi, Hát nữa...”- Đấy là mấy “tướng” trinh sát nhập cuộc từ lúc nào, giờ mới lên tiếng. Mọi người vỗ tay ào ào. Đức Miên vô cùng xúc động cúi chào khán giả và anh vẫn phải hát tiếp theo yêu cầu.
        Dư âm của đêm diễn của Đoàn vang xa. Đoàn nhận lời đến phục vụ một đơn vị đặc công. Anh Đại đội trưởng người Hà Tây, trong một trận đánh bị thương gãy chân, mới băng bó sơ cứu. Anh khước từ ra Bắc, không nhập viện, quyết ở lại đơn vị vạch kế hoạch tác chiến.
         Buổi biểu diễn của Đoàn “mở màn” trong cánh rừng đại ngàn hùng vĩ, toàn bộ đội với nhau. Sau vở chèo Đường về trận địa do Anh Minh, Trần Thị Tách thủ vai được hoan nghênh nhiệt liệt  là tiết mục muá Bắt phi công Mỹ, biên kịch múa của Ngọc Tranh, do Đức Thuận (vai phi công Mỹ) Đức Tuấn (vai dân quân) và Thủy Chiến, Thanh Hiền múa phụ họa trên nền nhạc của Ac-cooc-đê-ông, F’luýt thật hoành tráng. Tất cả trầm trồ, bộ đội nói cười vui như tết. Đức Miên hát văn:“Đường vào khu Bốn vào Thanh/ Không đi thì nhớ không đành phải đi” (thơ Tố Hữu) những lời thiết tha nhắn gửi. Đại đôi trưởng đặc công yêu cầu được nghe  đọc thơ. Ngồi tựa vào bạnh cây săng lẻ khổng lồ, anh lặng đi khi bài thơ Núi Đôi  của Vũ Cao, Đức Miên đọc đến đoạn kết: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”...
            Đại đội trưởng đặc công cao hứng giơ tay:
            - Hôm nay các đồng chí vào chiến trường, chúng tôi khâm phục các đồng chí! Đặc biệt, các đồng chí nữ vào biểu diễn, thừa khả năng được thưởng huân chương. Xa miền Bắc lâu rồi, chúng tôi đi mất 8, 9 tháng mới kịp vào chiến dịch. Hôm nay, mời các đồng chí ăn bữa cơm chiến trường, chúng tôi đã chuẩn bị, có cả thịt rừng đấy. Ăn thật lực lấy sức đi đường dài... Đúng lúc ấy, một chú gấu con từ trong ngách hầm chui ra. Mẹ chú bị bom, lính ta thương, ẵm về nuôi. Chú gấu non đã trở nên quen thân với bộ đôi. Ôi, biết bao kỷ niệm chiến trường kể sao cho hết.
          Về binh trạm, cả đoàn tranh thủ nghỉ ngơi. Mấy anh em đi bắt cua đá, cá suối, giúp anh nuôi nấu canh cải thiện. Mấy chị em rủ nhau hái rau rừng, ngâm gạo, lấy mũ sắt chiến lợi phẩm giã bột làm bún. Những bữa ăn “tự biên tự diễn” của lính văn công quân khu III để nhớ suốt đời. Cho đến hôm nay, sau 50 năm, nghệ Ưu tú sĩ Đức Miên vẫn kể vanh vách những ngày anh  cùng đồng đội hành quân vào sâu vùng chiến sự. Những “suất” biểu diễn nhỏ, lẻ đến với các chiến sĩ trên chốt, những “ca” hát qua máy bộ đàm phục vụ các chiến sĩ thông tin lưu động... Khi ấy, Chu Nghi đã viết xong độc tấu Nắm cơm hỏa tuyến, “Thừa một nắm cơm, thiếu đi  một đồng chí”. Anh Minh biểu diễn, nhiều người xúc động, có người mắt đỏ hoe. Đôn Truyền cũng viết xong ca khúc Cô giao liên và đoàn quân ra trận dạt dào cảm hứng. Hoàng Anh cùng Đức Miên thể hiện ca khúc này được bộ đội yêu cầu hát lại.
Tại mặt trận Khe Sanh, bộ đội ta ở thế áp đảo kẻ địch. Pháo binh ta trút bão lửa diệt hỏa lực địch; bộ binh ta áp sát các cứ điểm, bắn tỉa, tập kích, khiến kẻ địch vô cùng hoang mang. Căn cứ làng Vây, địch tháo chạy... Lập tức Đôn Truyền có thêm ca khúc Pháo dậy Khe Sanh. Đức Miên với Hoàng Anh hát qua máy phát sóng quay tay dưới hầm. Đài địch la lên: “Việt Cộng đã đưa bộ máy tâm lý chiến vào đây!” Nghe tin ấy, Đôn Truyền nhảy tới ôm cả Đức Miên với Hoàng Anh nhảy tâng tâng, gương mặt họ bừng lên niềm vui chiến thắng.
         Sau thời gian phục vụ chiến trường Quảng Trị, Đoàn hành quân theo trục đường Chín, vượt Trường Sơn. Văn Trưng, Thanh Hưng và y sĩ Thu Huệ sốt rét  nặng. Họ được chuyển theo đường dây ra Bắc. Đây cũng là thời điểm Đoàn chuyển vùng hoạt động, vượt sông Xê-băng-hiêng vào địa bàn Nam Lào. Đường ngầm công binh ưu tiên cho các đoàn xe vận tải phục vụ chiến trường. Giao liên chỉ lối tiếp cận một ghềnh đá, bãi sỏi, nước chỉ tới ngang lưng. Đoàn trưởng Chu Nghi phát lệnh: Nam giới quần đùi, trang thiết bị đội đầu. Riêng đồng chí Đức Miên chịu trách nhiệm cõng chị em sang sông. Đức Miên nhận từ Đoàn trưởng Chu Nghi một cái “nháy mắt” đầy ý tứ. Lần lượt các nữ nghệ sĩ được cõng qua sông vui vẻ. Đến lượt Minh Miến, cô nghệ sĩ múa “đanh đá”. Thấy Đức Miên có vẻ chần chừ, Chu Nghi lại lên tiếng: “Đồng chí Đức Miên chấp hành mệnh lệnh!” kèm theo một cái “nháy mắt” nữa. Đức Miên bước tới cõng Minh Miến, ra giữa sông, anh khuỵu chân làm Minh Miến kêu trời: “Ôi, Đức Miên, Đức Miên... làm ướt tao rồi!”- Lập tức mọi người cười vang. Lên bờ, Đức Miên còn phải nhận thêm hai quả thụi vào lưng và một cái nguýt dài!
            Hạ trại ở một binh trạm gần dòng Xê-băng-hiêng, Đoàn chia thành 3 mũi xung kích hát, biểu diễn phục vụ bộ đội. Họ cũng có những ngày nghỉ ngơi. Một buổi sáng, Chu Nghi, Đôn Truyền, Đức Miên, Đức Thuận rủ nhau đi tắm. Chu Nghi phát hiện một bộ bàn ghế đá tự nhiên bên sông, anh hào hứng nói: “Các cậu xem, ngồi đây mà uống trà thì thật tuyệt!”- Lập tức Đôn Truyền cùng Đức Thuận về lán lấy chè với ca cốc, hăng-gô. Còn lại Đức Miên, Chu Nghi chia sẻ: “Này cậu, cuộc chiến còn tiếp diễn. Ở chiến trường, chúng ta có thể còn, có thể hy sinh. Mình hỏi thật điều này, nếu phải hy sinh, cậu mong muốn điều gì?”
- Nếu phải hy sinh, Đức Miên chỉ mong Dung ở vậy nuôi con để các cháu nên người!”
Chu Nghi cầm tay Đức Miên: “Mình cũng mong muốn thế!”
          Là con trai xứ Đoài, Chu Thành Nghi nhập ngũ trong kháng chiến chống Pháp. Có duyên với nghệ thuật sân khấu, anh được đơn vị chọn đi đào tạo chuyên ngành biên kịch, đạo diễn. Tốt nghiệp, anh trở về công tác tại đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn, rồi Quân khu Hữu Ngạn, đến Quân khu III. Chu Nghi gặp Kim Yến, nữ nghệ sĩ thanh sắc quê Thái Bình. Họ nên duyên trong công tác, trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” ngày ấy.
         Còn Đỗ Đức Miên, anh quê làng Khuốc chèo gốc thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nhập ngũ tháng 8 năm 1945 khi mới mười hai tuổi, làm liên lạc rồi trinh sát. Giọng hát chèo trời cho từ thuở còn cõng em đi chơi, giọng ngâm thơ hồn nhiên từ ngày được Đài Tiếng nói Việt Nam phát hiện, Đức Miên được điều về Văn công Quân khu. Một lần về thành phố Nam Định tuyển diễn viên, anh gặp Trần Thị Dung người con gái Thành Nam, công nhân Nhà máy Dệt Lụa. Cô có mái tóc dài, gương mặt sáng tươi, tính tình đôn hậu, đằm thắm. Đức Miên chọn được người mình thương yêu. Họ đẹp đôi và có hai con trai trước ngày anh đi B.
            Rồi cái ngày ác liệt đối với Đoàn đã ập đến. Hôm ấy, người đi lấy gạo, lĩnh nhu yếu phẩm, người làm bánh cuốn, người ra suối bắt cá. Thình lình trận bom B.52 rải thảm đổ xuống cánh từng trú quân. Kịp nằm xuống mé một gồ đất, Đức Miên chỉ nghe thấy tiếng lịch bịch như đất rơi, tai anh ù đi. Nhiều cây đại ngàn đổ sập, khói đen khét lẹt. Mọi người gọi nhau thảng thốt. Anh nghe tiếng Thanh Hiền kêu cứu, anh nuôi Hữu Bào phía hầm lớn đứng khóc. Tìm đến căn hầm Chu Nghi, Đức Thuận, giờ chỉ còn là một cái phễu đất khổng lồ. Đau xót quá! Ngoài kia, nhạc sĩ Đôn Truyền mặt mũi ứa máu. Tất cả nhạc cụ, trang phục biểu diễn của Đoàn bị bom phá hủy. Buổi chiều đắng ngắt, cán bộ Binh trạm đến thăm hỏi, chia buồn, động viên. Đoàn phó Hùng Kháng liên hệ xin ý kiến của Bộ Tư lệnh cho Đoàn về Bắc. Trong khi chờ lệnh, anh chị em trong Đoàn vẫn nhận lời biểu diễn phục vụ thương bệnh binh bệnh viện dã chiến 16. Đức Miên còn giữ được cây “thanh mẫu” trong ba-lô, nhạc khí duy nhất. Anh cùng các nghệ sĩ vẫn hát và diễn, cả bệnh viện quân y trong rừng Nam Lào lắng nghe. Tại hầm thường trực, bác sĩ Nhượng, bác sĩ Cảnh và y tá Miện chuẩn bị xử lý một “ca” cưa chân mà thuốc gây tê sắp hết. Họ đang cân nhắc phương pháp xử lý trường hợp này khi thương binh Toản, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa đau đớn, vừa khóc, vừa yêu cầu: “Khổ thân em, đau quá! Gọi Đức Miên ngâm thơ! Toản đ...â...y !” Giọng Toản khẩn thiết, thương vô cùng. Trong khi các bác sĩ , y tá bắt tay vào việc thì Đức Miên ngâm thơ, bài thơ Tặng anh bộ đội của Vũ Cao, giọng ngâm trầm bổng ru đưa:“Như bức tượng vươn cao giữa trời mây bạc. Gió sông một bóng một hình”... “Anh đẹp lắm, ơi anh bộ đội. Quê từ chín núi mười sông”... Thương binh Toản sức chịu thật ghê gớm, vừa nghe thơ, vừa cắn răng chịu rạch thịt, cưa xương. Các bác sĩ mồ hôi ròng ròng. Họ bước tới cảm ơn Đức Miên. Bước ra khỏi lán hầm, anh ngoái nhìn Toản, cậu ấy ngủ thiếp từ lúc nào.
     Ngày chuyển quân đã tới. Không còn nhạc cụ và trang phục, các nghệ sĩ đành phải “hát vo”, “diễn chay” phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong trên đường ra Bắc. Đến phà Long Đại, Đoàn hứng chịu một trận bom tọa độ. Thủy Chiến bị sức ép, ngất xỉu. Tiểu đội trưởng Đức Miên phân công Trương Ngọc Toán, Xuân Hợi cáng Thủy Chiến chạy gấp ra khỏi vùng nguy hiểm, tiếp cận một dải rừng. Anh em ngỡ Thủy Chiến hy sinh, định chôn cất cô ở đây, sau này yên hàn sẽ rước liệt sĩ về. Khi chiếc cáng thương vừa đặt xuống thì Thủy Chiến kêu: “Tôi đang ở đâu đây?” Mừng quá, anh em đỡ cô dậy, thay nhau dìu cô đi cho kịp hành trình.
         Một Đoàn Văn công xung kích ra đi trang bị đầy đủ. Ngày về trắng tay. Ai nấy thấm mệt và buồn bã, tiếc thương hai đồng nghiệp đã hy sinh. Nhưng họ có quyền tự hào. Họ đã sống và cống hiến những gì cao đẹp nhất những ngày tiền tuyến gọi. Qua thời gian điều dưỡng, họ lại tề tựu tại bản doanh của Đoàn sau hơn một năm xa cách. Tất cả được Quân khu tuyên dương. Đoàn trưởng Chu Nghi, nghệ sĩ Đức Thuận được đơn vị tổ chức lễ tưởng niệm. Hai gia đình được nhận bằng Tổ quốc ghi công. Một số người được đơn vị bình bầu là  “Dũng sĩ Quyết thắng”...
        Xuất ngũ năm 1986, trung tá Đức Miên chuyển về Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh và sau đó là Sở Văn hóa Thông tin Nam Hà làm chuyên viên âm nhạc. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997, anh gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xuất bản ba tập ca khúc: Miền quê anh nhớ, Tình yêu tôi hát, tuyển tập Ca khúc Đức Miên, đoạt nhiều giải thưởng Âm nhạc. Ở tuổi 87, tại thành phố Nam Định, anh có một gia đình con cháu đông vui.  Ngày Đoàn bị trận bom B52, có tin về Bắc, chị Trần Thị Dung tìm cách liên hệ với đơn vị để hỏi thăm tin chồng. Đến Phân viện V Quân y sơ tán ở Ninh Bình, gặp nghệ sĩ Thanh Hiền đang điều trị chấn thương ở đây, chị mới biết chồng mình thoát hiểm và sắp trở về.
         Năm mươi năm trôi qua. Ngồi kể lại những kỷ niệm chiến trường, người nghệ sĩ lão thành - Chi hội trưởng Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Nam Định rưng rưng khi nhắc tên từng đồng đội thân yêu, người còn, người đã khuất. Anh Minh, Trần Thị Tách nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc. Thủy Chiến lập gia đình, các con còn bị nhiễm chất độc da cam. Tôn nữ Hoàng Anh định cư ở  thành phố Hồ Chí Minh; nhạc sĩ Phạm Thanh Hưng vào Gia Định; nhạc sĩ Đôn Truyền về Hà Nội...
         Với Đức Miên, những nghệ sĩ Văn công xung kích trong những tháng năm chiến tranh ác liệt xứng đáng là những tấm gương mà thời gian không thể xóa mờ. Anh thận trọng rút từ ngực áo, lấy ra chiếc túi lụa nhỏ có kỷ vật đi chiến trường – cây “thanh mẫu” (diapason) và gõ nhẹ lên bàn: Một âm “la” tươi sáng êm vang trong nắng hanh dịu nhẹ Thành Nam.
NSƯT Đức Miên (trái) tại nhà riêng, 182, đường Điện Biên, thành phố Nam Định
với CCB Vương Văn Kiểm – Hội viên Hội VHNT Trường Sơn..
 
Phạm Trọng Thanh
 
 

tin tức liên quan