Chuyện tình của một người lính Trường Sơn

Ngày đăng: 04:41 23/04/2017 Lượt xem: 1.124

       CHUYỆN TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN

  (Chuyện tình có thật kể về sự hy sinh tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ của nữ TNXP Trường Sơn trong những năm chống Mĩ cứu nước)

 

  Chị hơn tôi hai tuổi (chị sinh năm 1947). Trước đây tôi và chị ở hai huyện khác nhau nhưng lại nhập ngũ cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Khi còn ở nhà chị là một cán bộ Đoàn thuộc xã Bắc Sơn, huyện Tiên Hưng; nay là xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

  Chị là Mai Thị Sỏi. Từ năm 1966 chị đã đính ước hẹn thề với tân binh Bùi Sĩ Đức người cùng quê với chị. Trước khi anh lên đường nhập ngũ chị đã thức trọn đêm bên anh, động viên anh những gì có thể và tặng anh chiếc khăn tay mà chính chị đã thêu đôi chim câu trắng đang sải cánh bay, mỏ ngậm dải lụa hồng với niềm tin bay đến bến bờ hạnh phúc. Là một đoàn viên thanh niên năng động, nhiệt tình công tác đoàn với phong trào “ thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang” trên cách đồng “năm tấn” của quê hương, tham gia tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên hăng hái lên đường tòng quân đánh Mỹ. Những năm tháng ấy cả nước tổng động viên dồn sức người, sức của chi viện ra tiền tuyến. Ở làng quê nào lực lượng lao động cũng chỉ còn là người già và phụ nữ . Mùa thu năm 1968 quê hương chị có đợt tuyển thanh niên xung phong (TNXP) nhiệm kì II, Sỏi làm đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP. Trước khi nhập ngũ ba ngày chị được cấp ủy Đảng địa phương kết nạp chị vào Đảng. Năm ấy chị tròn 21 tuổi (kết nạp ngày 12/09/1968). Ở đơn vị TNXP chị được phân công làm Tiểu đội trưởng thuộc C384 Đội 35, chốt giữ trọng điểm cầu Ma Cà tại km 29A đến km 30B đường 22A thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh (đường 22A có cây số 29A, 30A, 29B, 30B). Ngày Bác Hồ đi xa cũng là ngày đơn vị của Sỏi sáp nhập vào đơn vị C359, Đội 35 của tôi. Sỏi được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng của trung đội tôi đóng tại K37. Ở đây ngoài việc duy tu bảo dưỡng nâng cấp đường 22A, trung đội còn đảm nhiệm công tác chuyển thương cho trạm chuyển thương CT10. Bất kể thời gian sáng trưa chiều tối. Hễ khi nào có xe chở thương binh từ chiến trường chuyển ra là trung đội TNXP của tôi phải có mặt sang Trạm CT 10 làm nhiệm vụ. Khi thì cáng võng thương binh nặng, dìu đỡ thương binh nhẹ, khi thì đun nước tắm rửa giặt giũ quần áo, thay băng gạc cho thương bệnh binh. Nhiều thương binh băng kín đầu đau kêu la hét, nhiều người mất cả hai chân hai tay vết thương còn rỉ máu. Những trường hợp như vậy Sỏi thường nhắc nhở đồng đội phải kiên nhẫn ân cần gần gũi động viên, xoa dịu nỗi đau nhức nhối từ vết thương trên cơ thể và xoa dịu cả nỗi đau mất mát trong tâm hồn họ. Những thương binh vết thương ổn định, lại được chuyển ra tuyến ngoài mỗi khi có xe đến, những thương binh có dấu hiệu không an toàn khi chuyển đi, thì phải giữ lại Trạm để trung đội chúng tôi chăm sóc bón cơm canh, cháo sữa, lau rửa, tắm giăt, làm vệ sinh cá nhân cho họ.

  Rồi có một chiều như mọi lần, trung đội đang chuyển thương binh trên xe từ chiến trường ra, đang lúc tôi dìu một đồng chí thương binh bị thương ở mắt thì Sỏi bảo tôi dừng lại. Sỏi nhìn ngắm kĩ người thương binh rồi đột nhiên lao đến ôm lấy người thương binh đó miệng kêu lên: Anh Đức.... Anh Đức.... Đúng anh rồi ! Nước mắt Sỏi cứ trào ra. Sỏi khóc thật vì sung sướng làm cho chúng tôi mắt đứa nào cũng ngân ngấn lệ. Đêm ấy Sỏi thức trắng đêm cùng Đức, sau khi chăm sóc lau rửa thay băng cho anh, hai người kể cho nhau nghe tất cả những gì trong hơn ba năm xa cách. Anh Đức kể cho Sỏi nghe những ngày gian khổ hành quân vào Nam, những trận chiến đấu ác liệt sau Tết Mậu Thân, về những lần Đức và đồng đội bị trúng bom Mỹ, một vài người hy sinh… Đức và mấy người bị thương được đưa về cứ điều trị. Rồi cứ theo đường dây chuyển thương, cũng phải mấy tháng trời mới về đến trạm chuyển thương CT10. Rồi anh hỏi Sỏi về tình hình bố mẹ, anh chị em của hai bên gia đình. Sỏi ngồi im lặng tựa vào vai Đức khóc hồi lâu, rồi Sỏi gạt nước mắt thong thả nói với Đức: “Anh đi được vài tháng thì máy bay Mỹ đánh phá khắp nơi ở Thái Bình. Quê mình chúng đánh vào trạm máy kéo đầu làng. Mấy người bị bom vùi, mấy con trâu của hợp tác xã, con chết, con bị thương chạy rống lên kinh hãi. Làng xóm lúc bấy giờ trông tiêu điều xơ xác, đồng áng chúng em chỉ dám ra đồng làm vào chiều tối hoặc sáng sớm. Năm sáu sáu, sáu bẩy ở xã có hai đợt tuyển TNXP của tỉnh, cả xã có gần 20 chị em xung phong. Em cũng định làm đơn đi đợt đó, nhưng nghĩ về anh em lại chần chừ. Ở nhà mãi cũng không nhận được thư từ gì của anh, em buồn và nhớ anh lắm. Năm 1968 cả nước tổng động viên sức người sức của ra tiền tuyến, trai gái trong làng và những người trung tuổi còn đủ sức khỏe đều phải động viên gia nhập Bộ đội, TNXP. Em là cán bộ Đoàn thường xuyên phải vận động đoàn viên thanh niên thực hiện “ba sẵn sàng”. Mùa thu năm ngoái có đợt tuyển TNXP đi vào tuyến lửa do TW Đoàn TN phát động, em làm đơn xin đi, hy vọng ở nơi ấy chúng mình gặp lại nhau. Em cũng phải hành quân, đêm đi ngày nghỉ vượt qua bom đạn, phải hơn một tháng ròng mới vào được đây. Thế là hôm nay em đã gặp được anh, mong anh đừng trách em anh nhé”. Đức đẩy nhẹ Sỏi ra ! Rồi Đức “lên lớp” Sỏi một thôi một hồi, rằng tại sao không ở nhà chờ anh... con gái công trường thế này, thế nọ... thôi nếu còn yêu anh thì ngay ngày mai theo đoàn xe của anh về Bắc ... . Sỏi lịm người đi, im lặng một lúc Sỏi lấy can đảm trả lời Đức: “Em là Đảng viên, là đội viên thanh niên xung phong, đơn vị cuả chúng em cũng có kỉ cương, kỉ luật, chúng em cũng có 10 lời thề khi gia nhập lực lượng TNXP. Em không thể bỏ đồng đội mà về với anh được. Còn hai năm nữa em mới hoàn thành nhiệm vụ, nếu anh còn nghĩ về em, anh hãy để em hoàn thành nhiệm vụ khi đó anh cũng đã phục hồi sức khỏe mình về bên nhau cũng chưa muộn. Còn anh cứ bắt em phải về là bắt em ‘đảo ngũ’ đấy ! Em không chịu đâu!”… Sáng hôm sau Sỏi về lán đơn vị gọi tôi, bàn giao nhiệm vụ của ngày mới. Sỏi nói là mình mệt quá xin nghỉ một ngày. Nhìn Sỏi suy sụp, mắt đỏ hoe, tôi bảo đồng hương cứ về lán nghỉ, mọi công việc tôi lo liệu đảm đương được. Buổi trưa trong giờ nghỉ cơm, nghe đồng đội kể lại, Sỏi về bỏ ăn lên võng nằm khóc tức tưởi. Chắc đầu Sỏi nghĩ nhiều điều mông lung lắm, rồi Sỏi ngủ thiếp đi. Khoảng ba giờ chiều, tôi cho người tìm Sỏi báo là chiều nay có xe trạm ngoài Bắc vào đón thương binh, trong đó có Đức. Sỏi vùng dậy ăn gói lương khô, tắm gội, chải đầu mặc quân phục chỉnh tề cầm cuốn sổ ghi chép những kỉ niệm của Đức và Sỏi mà trước khi Đức lên đường trao cho Sỏi. Sỏi cũng tự mình dìu Đức lên xe lòng Sỏi như cố bình thản và tỏ ra cứng cỏi hơn. Đức lên xe rồi ! Đức thò tay vào túi áo ngực lấy ra vật gì đó đưa cho Sỏi, đó là chiếc khăn mùi xoa có hình đôi chim câu đang bay vẫn còn nguyên vẹn, dù thời gian có chút phai màu. Sỏi hiểu đó là câu trả lời của Đức. Chị cũng lấy cuốn sổ nhỏ mà Đức tặng chị ghi đầy những kỷ niệm yêu thương, mối tình đầu của hai người. Chị lẳng lặng trao vào tay Đức với lời chúc anh lên đường bình an, nếu về quê có sang nhà em thì báo thầy u em là em vẫn khỏe. Xe chạy rồi Sỏi vẫn cứ vẫy tay tạm biệt. Tôi biết trong tâm can Sỏi  lúc này Sỏi phải quyết tâm lắm lắm. Trên đường về lán tôi mạnh dạn hỏi Sỏi ! Sao đồng hương biết Đức sẽ trả lại kỷ vật Đức đã nâng niu hơn ba năm qua mà đồng hương mang theo cuốn sổ lưu niệm trả lại Đức. Sỏi nhỏ nhẹ trả lời tôi: “Đồng hương có phải con gái đâu mà đồng hương hiểu được. Đêm qua mình nghe Đức chỉnh huấn, về mình ngẫm nghĩ mà khóc hoài. Bởi bây giờ Đức đã bước ra khỏi cuộc chiến về với quê hương, Đức như mỳ chính cánh giữa hàng trăm gái làng xinh đẹp. Ở nhà gái thời loạn còn ế nhiều lắm. Đức chỉ cần vơ tay trái cũng có hàng chục em xin chết. Còn mình ở đây nơi khỉ ho, vượn hét, nơi rừng thiêng nước độc, sốt rét vàng da, môi thâm mắt trắng, tóc rụng hết chỉ còn như cái đuôi chuột. Lại thêm sáu tháng gió Lào làm da khô mặt sạm. Giả sử Đức nói là chờ mình hoàn thành nhiệm vụ thì mình cũng thôi. Bởi vì lúc đó bọn con gái chúng mình tuổi xuân đã gửi Trường Sơn hết rồi khác gì bà già, hỏi Đức có còn chọn mình nữa không. Bởi vậy mình đã sẵn sàng ...”.

  Thế rồi thời gian dần trôi. Sỏi và tôi cùng trung đội vẫn cứ lao vào những nhiệm vụ mới. Đầu năm 1970, đơn vị chuyển quân vào đường 10, đường 18 trực thuộc Binh trạm 16 thay cho quân của Công trình I vào mở đường từ năm sáu bẩy, sáu tám rút ra, sau chuyển sang Đội 44 thuộc C442.

  Ở Trường Sơn núi cao rừng rậm khí hậu khắc nghiệt, đạn bom Mỹ cũng đánh phá ác liệt hơn. Tôi biết Sỏi chưa quên được mối tình đầu, vì nhiều khi mê man trong cơn sốt rừng Sỏi vẫn gọi tên Đức. Sỏi thường nhận những công việc hiểm nguy, san lấp hố bom trong đêm tối ngay sau loạt bom vừa nổ hay vẫy cờ ra hiệu chỉ dẫn xe vượt qua những nơi hố bom vừa lấp vội. Có đêm cùng đồng đội đứng làm tiêu dưới trời mưa trên đường 3/2, con đường kín chạy ngầm dưới nền một con suối cạn.

  Cuối năm 1972, cả đơn vị được thay quân chuyển ra Trạm điều dưỡng T30 tại xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Giữa năm 1973, Sỏi được điều về Cục Xăng dầu tại kho xăng dầu Đức Giang. Năm 1982 thì chị nghỉ mất sức. Cũng năm ấy Sỏi cũng được “lên xe hoa” ở tuổi 36. Sỏi xây dựng gia đình với một người góa vợ tuổi đã ngoài 60 (con đầu của chồng Sỏi xấp xỉ tuổi Sỏi). Sỏi biết phận mình và coi đây là niềm an ủi trong đời vẫn còn được may mắn. Được sự động viên của các con chồng mà Sỏi từ nay được làm vợ, thoát khỏi cảnh vò võ độc thân, cô đơn, không nơi nương tựa. Và còn may mắn hơn nữa cho Sỏi là chồng của Sỏi cũng kịp gieo vào Sỏi hai mầm sống, một gái, một trai trước khi mắc bệnh và qua đời. Trước khi lấy chồng, Sỏi cũng đã mua được căn nhà rộng 14 m2 tại phường Ngọc Khánh, phố Kim Mã, quận Ba Đình.

  Là Trưởng ban đơn vị truyền thống, bạn chiến đấu thời Trường Sơn, mỗi khi có việc lên Hà Nội là tôi lại ghé thăm động viên mẹ con bà cháu Sỏi. Năm 2010, do con trai bị lừa dính vào cá độ, thương con Sỏi phải bấm bụng bán nhà trả nợ cứu con thoát khỏi búa rìu của bọn đầu gấu đòi nợ thuê. Nay Sỏi và con cháu đã mua được nhà về đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ.

  Nhiều lần Sỏi về Thái Bình gặp lại đồng đội trong ngày gặp mặt truyền thống của đơn vị, tôi hỏi Sỏi về Đức. Sỏi cho biết Đức sau khi an dưỡng tại Thuận Thành, Bắc Ninh, Đức về quê lấy vợ kém Đức sáu tuổi. Số Đức cũng vất vả như mình. Con của Đức cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam, Đức cũng đứt gánh giữa đường do vợ Đức mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Hôm vợ Đức mất mình cũng về thăm hỏi phúng viếng như người thân.

  Chuyện xảy ra đã gần 50 năm, những vết thương lòng trong tâm hồn người  đồng đội, nữ chiến sĩ Trường Sơn Mai Thị Sỏi cũng đã lành và phai mờ theo năm tháng. Những tháng ngày cùng đồng đội vượt qua bao cam go thử thách, dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ ở những trọng điểm ác liệt trên đường mòn Hồ Chí Minh cũng đã khép lại chỉ còn trong ký ức tâm hồn người lính.

  Giờ đây ở tuổi thất thập, Sỏi đã có cháu nội ngoại quấn quýt. Sỏi lại tham gia sinh hoạt vào các Hội: Hội Truyền thống Trường Sơn, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn, Hội cựu TNXP. Sỏi được hòa đồng trong tình thương yêu đùm bọc của đồng chí đồng đội, sáng tham gia tập dưỡng sinh, chiều theo lớp tập YOGA. Sỏi thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội với những nghĩa cử cao đẹp trên tinh thần nghìa tình đồng đội…

 

                                                                      Hà Đỗ Tú.

                                                                      ĐT: 0169.452.8950.

                                                                      Trưởng BLL C442 TNXP TS tỉnh Thái Bình

                                                                      Chủ tịch Hội TTTS – ĐHCM xã

                                                                      Chủ tịch Hội cựu TNXP xã

                                                                      Cộng tác viên Bản tin cựu TNXPVN

                                                                      Đ.C: thôn Kim Sơn I, xã Kim Trung

                                                                      Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

tin tức liên quan