Đọc thơ bác Việt Phương tại Văn Miếu - Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 12:21 08/05/2017 Lượt xem: 1.268

 

ĐỌC THƠ BÁC VIỆT PHƯƠNG TẠI VĂN MIẾU

       Nhà thơ – Đại tá Nguyễn Hữu Quý

Lời BBT: Nhà thơ Việt Phương, người làm trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt 53 năm đã ra đi ở tuổi 93. BBT trân trọng giới thiệu bài viết "Đọc thơ bác Việt Phương tại Văn Miếu" của Đại tá- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn.

    Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này thay cho một nén hương mà các hội viên Trường Sơn chúng ta vĩnh biệt nhà thơ.

Thời bác Việt Phương làm thơ hay tôi vẫn là con nít. Dẫu vậy, ở tít trong Quảng Bình tuyến lửa bom đạn mịt mù bọn con nít như tôi vẫn được nghe những câu thơ là lạ từ miệng người lớn úp mở đọc ra: Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ / Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào / Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ / Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao. Thời ấy, hình như người lớn xì xào rằng cái ông Việt Phương ấy phản động. Có làm sao mới chê ta thơ ngây ngờ nghệch chứ!…Thơ bác Việt Phương thời chống Mỹ không được lưu truyền rộng rãi, người ta đọc trộm cho nhau nghe và qua nét mặt của người lớn tôi nhận ra trong đó có cái gì rất nghiêm trọng. Nó không giống những vần thơ ngợi ca thời đại hùng tráng mà chúng tôi thường đọc say sưa như: Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm / Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? / -Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất / Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, / Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn, / Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc, / Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…(Thơ Chế Lan Viên) hay: Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người sống để yêu nhau / Đảng cho ta trái tim giàu / Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay / Đời vui đó hôm nay mở cửa / Như dãy hàng bách hóa của ta…(Thơ Tố Hữu ) . Nói tóm lại, cảm nhận của chúng tôi thời ấy, tuy còn lờ mờ là bác Việt Phương có cái gì đó không bình thường. Chao ôi, phải đến hơn bốn mươi năm sau tôi mới được tiếp nhận khá trọn vẹn và đầy đủ cái trung thực chân thành cũng là tình yêu vô cùng sâu sắc với Đảng, chế độ, đất nước này của nhà thơ Việt Phương từ sự không bình thường ấy của bác.

Cảm nhận hôm nay của tôi về thơ Việt  Phương xin được nói sau, giờ xin được kể lại một chút kỷ niệm còn chưa lâu lắm của tôi với tác giả Cửa mở. Ngày thơ Việt Nam - Nguyên Tiêu năm Kỷ Sửu 2009 – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh muốn bài thơ Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương của Việt Phương được đọc ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Không có gì hay hơn và tốt hơn là tác phẩm nổi tiếng ấy được chính tác giả đọc. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh sợ bác Việt Phương tuổi cao sức yếu khó đọc tốt bài thơ khá dài này. Ban tổ chức họp đề ra 2 phương án, một là nhờ nghệ sĩ trình diễn, hai là để một nhà thơ thế hệ sau đọc. Phương án hai được thông qua và tôi đã được nhà thơ Hữu Thỉnh giao nhiệm vụ đọc tác phẩm Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương. Tôi gặp riêng Việt Phương, nói ý định của ban tổ chức và xin ý kiến của bác. Nhà thơ vui vẻ đồng ý.

Có lẽ, còn lâu hoặc không bao giờ tôi quên đi cảm giác lâng lâng xúc động trong Ngày thơ Việt Nam ấy. Trước hàng nghìn nhà thơ và người yêu thơ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sau lời giới thiệu rất tình cảm của bác Việt Phương bài Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương đã vang lên qua giọng đọc của tôi. Tất cả chìm trong im lặng. Tình cảm và ý tưởng của bài thơ đã được truyền đến người nghe. Tôi biết, tôi không có kỹ thuật trình diễn của các nghệ sĩ, tôi chỉ đọc bằng trái tim mình qua chất giọng Quảng Bình mộc mạc mà quê hương và mẹ yêu dấu đã cho tôi. Tôi bị cảm xúc của bài thơ cuốn đi, dạt dào và tha thiết, sâu lắng và rưng rưng: Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp / Con xóa chữ đẹp đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con / Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép / Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn. Tôi nghĩ rằng những câu thơ như thế sẽ sốngmới rất lâu. Chẳng chút gì gọi là cầu kỳ, rối rắm; giản dị đến tận cùng, chính xác đến tận cùng và sự xúc động cũng vô cùng mãnh liệt.

Tôi sẽ khó quên hơi ấm trong vòng tay của nhà thơ tài hoa và nhân ái ấy. Việt Phương ôm chặt tôi như thể cha ôm con vậy. Và, cuốn Cửa mở với dòng chữ: Thân ái tặng bạn Nguyễn Hữu Quý / Ngày 9 tháng 2 năm 2009 / Nguyên Tiêu Kỷ Sửu cùng chữ ký của Việt Phương đã là kỷ vật quý giá trong nhà tôi. Tôi biết tôi đã diễn đạt được tình cảm đối với Bác Hồ kình yêu mà nhà thơ Việt Phương đã gửi gắm trong tác phẩm.

Có lẽ, sau Nguyên Tiêu Kỷ Sửu 2009 đáng nhớ ấy, tôi có cơ hội cảm nhận sâu hơn cái hay cái đẹp trong thơ Việt Phương. Ánh sáng minh triết và lòng nhân ái quấn quyện trong thơ ông không ít. Đọc, sẽ thấy rất rõ một thi sĩ Việt Phương yêu đời, yêu người thắm thiết: Đất được mùa hoa, ta mùa đời / Mỗi lòng thơm tỏa một hương vui / Như người ươm hạt yêu quả chín / Đi suốt đường hoa, chỉ ngắm người ( Chợ hoa ngày Tết – viết năm 1963). Đọc, sẽ thấy một đảng viên cộng sản chân chính: Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng / Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm / Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản / Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm ( Tâm sự đảng viên – 1963). Đọc, sẽ thấy một nhân cách đáng kính bởi sự trung thực và một trí tuệ đáng trọng bởi có cái nhìn cuộc sống thật biện chứng: Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin / Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả / Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ / Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn. (Cuộc đời yêu nhu vợ của ta ơi –viết năm 1969)

Thế đấy, một người có những bài thơ, câu thơ xuất sắc như thế từ những năm 1963, 1969 mà đến năm 2009 mới cầm tấm thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nó hơi khác thường nhưng theo tôi là một điềm đẹp, đẹp và lành cho tác giả Cửa mở và cho cả chúng ta những anh em thân thiết trong ngôi nhà có tên gọi Hội Nhà Văn Việt Nam. Việt Phương đã từ giã chúng ta để bước vào cõi xa xăm. Tuy nhiên, trong lòng bạn viết bạn đọc Việt Phương vẫn là một nhà thơ mở cửa rất sớm, trước cả thời đổi mới  mấy chục năm. Chính điều ấy, làm chúng ta nhớ ông lâu, rất lâu và có thể là mãi mãi.

 

 

tin tức liên quan