Sữa ông Hai - Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 09:51 03/07/2019 Lượt xem: 646
       SỮA ÔNG HAI
       Truyện ngắn  của Trịnh Huỳnh Đức
 

            Ông Hai Đẫm mất đã gần một năm mà thi thoảng nhà vẫn có khách đến chia buồn. Khách đến không hẳn chỉ có đồng đội, chiến sỹ cũ của ông thời quân ngũ, đa phần là cán bộ và người dân ở vùng miền Đông Nam bộ. Mà cũng phải, ông là người đầu tiên nuôi bò sữa ở vùng này đã đành, nhưng cái công lớn của ông chính là người đề xướng và sắn tay áo thực hiện dự án xây dựng Trại nuôi bò sữa và chế biến sữa bò ở Đồng Nai. Cho nên hơn chục năm nay trẻ em, người già, người bệnh ở vùng này không còn khát sữa nữa. Sữa Ông Hai bây giờ là thương hiệu lớn, có uy tín, tiêu thụ mạnh ở các tỉnh thành phố Miền Nam…
 
***
            Cách đây gần 35 năm, ông Hai là Đại úy, Huyện Đội trưởng oách lắm chứ, đi xe zép có tài xế riêng, lính tráng vâng dạ, người đưa kẻ đón… đàng hoàng. Nhưng khi chuyển ngành về Sở Nông nghiệp ông chỉ là chuyên viên, được bố trí ở Phòng Kế hoạch. Chẳng có một tý chuyên môn gì về chuyên ngành, lính Sở gọi là Ông Hai cho nó thân mật, trọng cái tuổi quân, tuổi đời của ông để vài năm nữa ông về hưu cho nó “chuẩn” thôi. Ông Hai biết vậy nhưng vẫn ấm ức thế nào ấy. Tự nhiên mình như bị mất chức! Rồi một hôm ông Hai đánh bạo lên gặp Giám đốc Sở:
- Anh cho tôi đi một vòng quanh tỉnh để làm quen với công việc quy hoạch.
- Anh Hai nghỉ cho nó khỏe. Mới về dân chính được mấy tháng mà nôn nóng, bận bịu làm gì cho nó khổ. Nhưng nếu anh muốn thì mai tôi bố trí cho anh một chuyến xe.
- Khỏi anh, tôi đi Honda 50 của tôi, đỡ tốn xăng và chủ động thời gian…
Thế là gần một tuần, ông Hai “quần nát” từ Nam Cát Tiên, giáp Lâm Đồng đến Xuân Lộc, giáp Bình Thuận về Sông Ray, Long Đất, Long Thành… Chuyến đi làm sống lại những trận đánh Mỹ-ngụy kiên cường, dũng cảm ngày xưa, nhất là các trận đánh gay go, ác liệt ở núi Ba Chồng, chiến khu Mã Đà, Bình Châu, Xuyên Mộc. Sau chuyến đi, tác phong lính trận của ông tràn đầy, tự mình làm một bản “thu hoạch” dài hơn mười hai  trang đánh máy, gửi các địa phương, đơn vị nơi mình đã đi và Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp.
Hai ngày sau, ông Năm, Giám đốc, một kỹ sư nông nghiệp có tiếng ở Miền Bắc tăng cường cho tỉnh được vài năm nay, cho mời ông lên:
- Anh nắm tình hình tốt hơn tôi tưởng. Những đề xuất sát với chủ trương chung, tôi thích nhất là chỗ “sữa bò” ấy. Anh nên tiếp tục viết thật chi tiết về cái này, khoảng cuối tháng anh trực tiếp báo cáo tôi để trình Ủy ban tỉnh. Được không, anh Hai?
- Xin tuân lệnh! À quên, tôi sẽ cố gắng!
Ông nháp bản kế hoạch vào cuốn sổ tay cũ dùng dạo còn làm ở Huyện đội. Để chắc tay, trước khi trình cấp trên, ông Hai gặp kỹ sư Hà đang công tác ở Trại chăn nuôi heo Phú Sơn,Trảng Bom. Vì theo ông được biết Hà học ở Cu Ba chuyên về bò sữa. Khi nghe anh Hai nói về dự án của mình, Hà nhảy cẫng lên như trẻ được kẹo:
- Anh này là sỹ quan quân sự mà rành về kinh tế quá ta! Hoan hô anh! Vợ chồng em sắp hết thất nghiệp rồi! Để mai, chủ nhật em xuống nhà bổ sung cho anh mấy “chiêu” này cho nó hoàn chỉnh!
            Chưa đến hẹn, nhưng ông Hai nóng ruột quá, cầm một xếp giấy chi chít chữ, số trên tay đi một mạch lên Phòng Giám đốc. Gần đến cửa phòng thì Giám đốc bất ngờ mở cửa bước ra:
- Xong rồi hả anh Hai?
- Dạ vâng, tôi muốn trình bày trực tiếp với anh cho khỏi mất thời giờ.
- Bây giờ tôi bận đi họp trên thành phố. Anh đưa đây, tôi tranh thủ xem trước, mấy bữa nữa sẽ bố trí lịch làm việc với anh. Cứ thế nhé, chào, tôi vội đi…
Cả tuần ngóng đợi chẳng thấy lịch Giám đốc làm việc với mình, ông Hai biết là chuyện gì chẵng lành rồi đây. Đang sốt ruột gan, Trưởng phòng Kế hoạch mời ông đến có việc.
- Anh Hai biết gì không? Nghe đâu trên Ủy ban nhiều người không thống nhất với dự án của anh. Họ bảo: Đất đâu còn 500 ha ở ven sông Đồng Nai. Quỹ đất chỗ anh định làm dự án nhiều “ông lớn” nhòm ngó lâu rồi. Theo em, anh nghỉ cho khỏe, vài năm nữa nghỉ hưu tha hồ mà làm kinh tế…
Suốt tuần ấy, không gặp Giám đốc. Ở cơ quan chỗ nào người ta cũng chuyện to nhỏ về ông: “Giờ ổng nói ai thèm nghe, hết thời rồi. Chuyện “Tam Quốc, dài lắm, hồi sau sẽ rõ…”. Ông Hai nín thinh ra nhà xe dắt chiếc Honda cà tịch cà tàng ra khỏi cổng. Ông cố hết sức đạp mãi mà xe không nổ máy. Ở trong phía cổng vọng ra tiếng lẫy Kiều: “Nước dưới sông hết trong phải đục, vận người đời hết thịnh phải suy!”
 
***
Tối hôm sau, ông Hai lại lên gặp vợ chồng Hà ở Trại Phú Sơn một lần nữa. Vợ Hà không ở nhà, hai anh em đem chuyện “dự án bò sữa” ra bàn bạc, mới vỡ ra. Ban Giám đốc không thống nhất được với nhau. Xét cho cùng là sợ “đứt dây động rừng” va chạm đến lợi ích của một số cán bộ. Nếu mình không “gõ” đúng chỗ thì sẽ “chìm thuyền”. Hai anh em ngồi gần bên nhau to nhỏ một hồi lâu…
Sáng thứ ba, Ông Hai lên gặp Bí thư Tỉnh ủy. Vừa bước vào phòng, chưa kịp chào thì Bí thư đã lên tiếng:
- Anh Hai, lâu quá không gặp, sao quen việc chưa? Nghe nói anh mới có chuyến chu du khắp tỉnh phải không?
- Vâng, thưa anh, tỉnh mình nhiều tiềm năng lắm ạ!
- Chuyện ấy không mới, vấn đề là có thu hoạch gì “ngon ăn” trong chuyến thực tế không kìa?
- Dạ, em có mang theo đây, mời anh bớt chút thời giờ xem…
- Để đó cho tôi. Bây giờ 15 phút dành cho anh, thật tóm tắt nha!
Ông Hai bình tĩnh trình bày với Bí thư dự án phát triển đàn bò sữa và xây dựng  nhà máy sữa ở Đồng Nai…
- Hay, hay thật, tuyệt vời! Lâu lắm tôi mới nghe một đề xuất có tâm huyết như vậy. Thôi, anh cứ để đây, tôi sẽ bàn thêm trong Thường vụ, có gì tôi báo sau…Chúc anh sức khỏe. À vết thương vai dạo đánh Mã Đà thế nào, ổn không? Bí thư đứng dậy đi về phía khách bắt tay thân mật:
- Anh cho tôi gửi lời thăm sức khỏe của chị và các cháu!
Ông Hai đứng nghiêm đưa hai tay lên trán:
- Chào Bí thư ! Cám ơn anh nhiều!
Không hiểu sao, từ hôm gặp Bí thư tỉnh về nhiều người trong cơ quan có thái độ rất khác với ông. Họ xét nét, không đến gần như trước, sợ bị lậy bệnh hay sao ấy. Mà ông đâu có bệnh gì? Trưởng phòng hỏi ông:
- Anh Hai lớn hơn cả Ban Giám đốc kia đấy!
Ông chẳng nói chẳng rằng, ngồi bên bàn đọc sách “Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa”.
            Khoảng một tháng sau, ông Hai có quyết định làm Trại Trưởng Trại chăn nuôi bò sữa của tỉnh. Kỹ sư Hà về làm Trại Phó. Vợ Hà bác sỹ thú y cũng được điều động về công tác ở Trại.
 
***
- Thưa các đồng chí! Cuộc họp Chi bộ Trại của chúng ta hôm nay vinh dự có đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Sở đến dự và chỉ đạo. Tuy bận rất nhiều việc chuẩn bị khai trương hoạt động của Trại nhưng tôi đề nghị chúng ta phải tập trung tâm trí để đóng góp những biện pháp thiết thực để triễn khai thực hiện nghị quyết của cấp trên thật tốt. Cụ thể là làm sao, bất cứ giá nào ta cũng phải đưa Trại vào hoạt động trước ngày mùng 2-9 để lấy thành tích chào mừng ngày Quốc khánh. Trước hết, anh Hà báo cáo những nét cơ bản đã làm trong thời gian qua.
Kỹ sư Hà đứng dậy:
- Thưa các đồng chí! Tình hình cụ thể đã có trong báo cáo, tôi vắn tắt thế này: Việc trồng cỏ đã hoàn thành khoảng hai phần ba diện tích, số còn lại còn phải chờ nguồn giống từ Mộc Châu vô. Nếu giống vô kịp thì trong vòng hai tuần sẽ hoàn thành chỉ tiêu trồng 250 ha. Về bò có hai nguồn. Nguồn nhập khẩu từ Cu Ba đúng như dự kiến, khoảng nửa tháng tới bò sẽ về, việc này anh Thân lo. Nguồn nữa chưa có trả lời chính xác của Bộ. Ngày mai tôi “bay” Hà Nội và nếu cần phải “leo” lên Mộc Châu. “Con khóc mẹ mới cho bú”, nằm chờ không giải quyết được đâu!
- Chú Hai ơi, anh Hà ơi…Có chuyện rồi! Có tiếng gọi thất thanh từ ngoài cổng Trại. Sau đó có tiếng ồn ào của đám đông.
- Các anh cứ tiếp tục họp để tôi ra coi xem sao! Ông Hai cùng mấy anh bảo vệ vội vàng ra ngoài cổng:
- Có chuyện gì xin các ông bình tĩnh! Mời các ông và bà con mình vào trong này cho mát…
Một ông già khoảng 70 tuổi từ phía sau chen lên trước, mặt mày đỏ bừng, tay quơ quơ chiếc gậy mây bóng nhẵn, nói oang oang:
- Các ông làm ăn kiểu gì mà ngộ quá vậy? Vườn bạch đàn, tràm bông vàng của người ta trồng mà đem máy cày trốc gốc lên trời thế kia, có xót công, xót của không?
Cả đám đông hơn chục người được thể la lên:
- Trả đất cho chúng tôi, đền bù thiệt hại cho dân…
Ông Hai tiến lại gần đám đông:
- Tôi là Trại Trưởng ở đây! Xin lỗi các ông và bà con. Trước khi chúng tôi triển khai trồng cỏ đã có thông báo trên các thông tin đại chúng và chính quyền địa phương. Không hiểu sao bà con chưa biết. Tôi sẽ cho kiểm tra lại. Bây giờ thế này, tôi đề nghị bà con nào có thắc mắc, hãy bình tĩnh về làm đơn kiến nghị lên chính quyền và Trại để có cơ sở giải quyết cho có tình, hợp lý đúng pháp luật. Được không nào?
- Ông ấy nói chí phải! Thôi mình về đi…
            Mấy ngày sau, mọi việc được giải quyết êm thấm. Một số cán bộ ấm ức, đất công mình lấy lại làm việc Nhà nước làm gì phải đền bù. Ông Hai nhoẻn miệng cười, giải thích:
- Đúng Luật thì như vậy, nhưng khi người ta trồng cây chính quyền địa phương không can ngăn. Bây giờ cây trồng đang thời kỳ phát triển thì mình thu hồi làm việc khác. Lỗi là ở mình, không phải của dân. Dân còn vất vả lắm. Bù một ít cho họ đâu có thấm tháp gì…
            Rồi có một lần, chuyện xẩy ra như thế này: Đàn bò của Trại có hơn 100 con, bỗng hôm ấy ở Khu chuồng chăn nuôi số Một hơn 30 con đang cho sữa thì chúng đồng loạt bỏ ăn. Đang tìm nguyên nhân để chạy chữa thì có người lên tố cáo:
- Con Nga nó bỏ thuốc cho bò ăn để hại Tổ con Hằng!
Vợ Hà lên báo cáo với ông Hai:
- Chú đuổi việc nó đi! Còn để nó ở đây có ngày nó hại cả chú đấy!
Ông Hai không nói gì cả. Trước mắt cho xét nghiệm đàn bò, cỏ cho bò ăn và xử lý khu vực chăn nuôi cho thật tốt. Mặt khác động viên Nga, tránh tình trạng đáng tiếc, không ngờ có thể xẩy ra. Một tuần sau, có kết quả xét nghiệm từ thành phố Hồ Chí Minh về thì hoàn toàn không có chuyện bọn con gái hại nhau gì cả. Bò bị bệnh là do phản ứng khi chuyển vùng chăn nuôi và cách cho ăn của bò chưa hợp lý với khí hậu ở Miền Nam nắng nóng…
Từ những việc ấy, cán bộ nhân viên ở trong Trại ai cũng thương mến, quý trọng cái nết ăn, nết ở và cung cách làm việc cụ thể sát sao của ông Hai.
            Mới đi vào hoạt động được gần một năm mà cơ ngơi của Trại Bò khang trang, quy mô hẳn lên. Toàn bộ diện tích của Trại hơn 500 ha, chia thành 4 khu vực: Khu vực chăn nuôi có hơn 100 con bò cho thu hoạch sữa, bình quân mỗi con cho khoảng 18 lít sữa ngày. Khu vực hai là trồng cỏ, sản xuất thức ăn nuôi bò. Khu vực ba là chế biến sữa tươi nguyên chất và gần đây cho ra sản phẩm mới là bánh, kẹo sữa, một đặc sản thơm ngon bổ dưỡng của Đồng Nai. Khu vực thư tư “cái máy in tiền” của Trại là khu Dịch vụ ven đường Quốc lộ 51 đường Biên Hòa - Vũng Tầu. Từ chỗ sống nhờ vào đồng tiền “rót giỏ giọt” của ngân sách, sau một năm hoạt động, Trại có nguồn thu hàng trăm tỷ đồng…
Trước khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông Hai còn nghiên cứu đầu tư cho ra hai sản phẩm nữa cũng từ sữa, đó là Sữa tiệt trùng và sữa chua Gia - ua.
            Bây giờ bên cạnh những ống “Sữa Ông Hai” bổ dưỡng, trên thị trường các tỉnh thành phía Nam lại có thêm hàng chục sản phẩm mới ra mắt người tiêu dùng, đặc sản của Đồng Nai được xuất xưởng từ Trại Bò Sữa của ông Hai.
                                               
                                                  Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2-7-2019
                                                                        Trịnh Huỳnh Đức
            ( Cựu chiến binh Sư đoàn 316 – Hội viên Hội CCB thành phố Hồ Chí Minh )
  • ĐT: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
  • Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An,
Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
 
 
 

tin tức liên quan