Trao đổi thêm về bài "Vui buồn kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn".
Xin được trao đổi nhân đọc bài viết:
“ VUI BUỒN KỈ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN”
CTV: Đại tá Hoàng Văn Kính
Tôi đã đọc bài viết “ Vui buồn kỉ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn” của tác giả: Vũ Minh Vỹ nguyên cán bộ sáng tác của Đoàn văn công Trường Sơn.
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh: Những chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn ( 19/5/1959-19/5/2019 ) đã diễn ra vô cùng sôi nổi, hoành tráng, trang trọng và rực rỡ sắc mầu trên khắp các tỉnh thành ở rất nhiều sân khấu, nhiều cấp độ lớn nhỏ khác nhau …
Đấy là phần được.
Còn phần chưa được cũng theo anh: Vẫn còn đâu đó những nỗi buồn, vì thấy khá nhiều điều lạc lõng, vô lý…khi tái hiện con đường huyền thoại với những con người làm nên con đường ấy.
Về điều này thì tôi xin được trao đổi thêm.
Thứ nhất: Tổ chức kỉ niệm 60 năm mở Đường Trường Sơn là một sự kiện mang tầm vóc Quốc gia; là một hoạt động mang đậm tính nhân văn để ghi nhớ một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng; tình cảm và sự chi viện to lớn của hậu phương Miền Bắc với đồng bào Miền Nam ruột thịt; tri ân các anh hùng, liệt sỹ và tất cả những người lính Trường Sơn năm xưa. Nó không bó hẹp trong một địa danh cụ thể, trong phạm vi một con đường cụ thể nào hoặc một lực lượng cụ thể nào. Mỗi địa phương có một cách tổ chức; cùng một tác phẩm nghệ thuật nhưng ở mỗi nơi lại có một cách dàn dựng, thể hiện khác nhau để cùng hướng tới một cái đích cuối cùng. Dĩ nhiên chủ đạo như một sợi chỉ đỏ xuyên xuốt vẫn là những người lính Trường Sơn năm xưa và con đường Trường Sơn huyền thoại.
Thứ hai: Nói đến tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn là nói đến “ một trận đồ bát quái”, cả một hệ thống đường với nhiều hình thức vận tải, có chiều dài hàng vạn cây số, gồm các trục dọc, trục ngang, đường A, đường B, đường kín, đường vòng tránh…đi qua hầu hết các địa danh theo chiều dài dẫy Trường Sơn. Nói đến bộ đội Trường Sơn là nói đến tất cả các lực lượng đã sống và chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn. Bởi vậy mỗi bài hát, điệu múa, tấm hình, thước phim, vở kịch… ca ngợi một tấm gương cụ thể, một địa danh cụ thể, một lực lượng cụ thể…là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của cả dân tộc, của cả một thế hệ, của tất cả các lực lượng trên tuyến. Bước chân trên dải Trường Sơn ( Vũ Trọng Hối ) ngợi ca khí phách của cả dân tộc vượt Trường Sơn đánh Mĩ. Cô gái mở đường ( Xuân Giao ), Đường Trường Sơn xe anh qua ( Văn Dung ), Nổi lửa lên em ( Huy Du-Giang Lam ), Người lái đò trên song Pa ko ( Cẩm Phong )… ca ngợi một con người cụ thể, lực lượng cụ thể, một việc làm cụ thể. Nhưng cao hơn cái cụ thể ấy là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tin, lạc quan cách mạng, là sự hy sinh gian khổ, ý chí quyết chiến quyết thắng của cả một dân tộc. Cái ranh giới giữa xưa và nay, giữa chung và riêng luôn hòa quyện là một. Tôi đã từng được dự nhiều đám cưới, ở đó các bạn trẻ mặc comple, đeo cravat, mặc áo dài, váy ngắn vẫn say xưa hát: Trường Sơn đông- Trường Sơn tây, Bài ca bên cánh võng…trước sự tán thưởng nồng nhiệt của cả khán phòng.
Thứ ba: Nhìn lên sân khấu thấy hình ảnh người lính đi đôi dép lốp, thân mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ lưới gài lá ngụy trang là người xem liên tưởng ngay đến anh bộ đội thời chống Pháp. Thấy hình ảnh người chiến sỹ đầu đội mũ tai bèo, bộ quân phục màu xanh lá cây, đôi giầy vải cao cổ và chiếc ba lô con cóc thì chắc chắn đấy là anh bộ đội của thời đánh Mĩ cứu nước. Những trang phục ấy đã trở thành biểu tượng đánh giặc, in đậm dấu ấn, không bao giờ phai mờ trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam. Bởi vậy việc nó xuất hiện cùng những bài hát, điệu múa, vai diễn…ở các sự kiện trọng thể hay trong một buổi liên hoan vui vẻ cũng là lẽ thường tình. Chỉ có điều nếu nó được phối hợp một cách hài hòa trong từng bối cảnh cụ thể thì hiệu ứng sẽ tăng lên. Kỉ niệm 60 năm Đường Trường Sơn có nhiều tác phẩm nghệ thuật hay khi tác giả và các diễn viên đã sử lí hài hòa việc tiếp cận, lí giải sự kiện lịch sử và sáng tạo nhân vật lịch sử trong tác phẩm mang được âm hưởng của thời đại nhưng không xung đột với giá trị lịch sử.
Thứ tư: Lịch sử được viết bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của cả một dân tộc. Đã là con dân đất Việt ai cũng phải biết lịch sử của dân tộc mình, không ai được phép lãng quên, càng không được phép bóp méo, xuyên tạc lịch sử. Cách tiếp cận phổ cập nhất là thông qua các tác phảm văn học, nghệ thuật. Hóa trang cùng với diễn xuất của diễn viên là hai yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự hấp dẫn, do đó đạo cụ cũng phải phù hợp với bối cảnh của sân khấu. Khi hát “ Hò kéo pháo” có nhất thiết phải đưa cả khẩu pháo lên sân khấu; khi diễn tả anh bộ đội đang hành quân vượt Trường Sơn có nhất thiết sau lưng phải đeo chiếc ba lô căng phồng nặng 35-40 cân. Điều quan trọng là chúng ta nhìn lịch sử, viết lịch sử và tiếp cận lịch sử như thế nào để người đọc, người xem cảm nhận được và tự hào về lịch sử của dân tộc.
Những hoạt động kỉ niệm 60 năm truyền thông bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã được tổ chức rất trọng thể, rất đồ sộ, rất hoành tráng nhưng cũng chỉ phản ánh được phần nào cái khí phách của con đường và những người lính Trường Sơn. Cái được bao trùm, không thể đong đếm đây là sự nhìn nhận và tiếp tục khảng định chủ trương đúng đắn và quyết tâm chiến lược mở đường Trường Sơn của Đảng ta. Khẳng định tầm vóc, vị thế và sự đóng góp to lớn của tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Là dịp để tôn vinh lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, sự cống hiến, hy sinh to lớn của cả dân tộc nói chung và các lực lượng đã từng trực tiếp chiến đấu và công tác trên đường Trường Sơn. Một lần nữa lịch sử được truyền tải và lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ tham gia chống Mĩ cứu nước và đặc biệt là truyền lửa cho các thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất.
Trong cả một chuỗi những sự kiện “ đồ sộ” kỉ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đâu đó không tránh khỏi có những hạt sạn. Nhưng nếu cho rằng những hạt sạn ấy có ảnh hưởng đến mức“ phần nào làm giảm tầm vóc vĩ đại của tuyến đường huyền thoại mang tên Bác Hồ” thì có lẽ cũng cần phải được trao đổi thêm.