Người Hà Nội - Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 08:20 06/07/2019 Lượt xem: 869
NGƯỜI HÀ NỘI
                                                      
Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
 
            Tháng chín này nữa là ông Trần Trọng Nguyên đóng “đô” ở Quảng Bình tròn 50 năm. Ông cưới bà xã 22 tuổi, quê ở Bố Trạch, Quảng Bình. Còn ông là em út của Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly, bảo vệ bến phà Cự Nẫm, sông Son, vùng chiến sự ác liệt bậc nhất tỉnh Quảng Bình những năm 1966-1972. Quyết tâm của ta là mở thêm và bảo vệ bằng được tuyến đường chiến lược này để chi viện kịp thời cho các chiến trường. Còn giặc Mỹ muốn cắt đứt “giây rốn” huyết mạch này để dễ dàng tiêu diệt quân ta, làm chủ ở Miền Nam. Cho nên suốt ngày đêm máy bay, tàu chiến Mỹ dội hàng trăm tấn bom đạn các loại xuống đây. Riêng máy bay Mỹ có lệnh đặc biệt: Bất cứ đi đánh phá Miền Bắc Việt Nam về còn bao nhiêu đạn, bom cứ trút hết xuống “chảo lửa” Quảng Bình. Chúng phá, ta làm; chúng đánh ngày, ta làm đêm và cứ thế hệ thống cầu đường ta vẫn hiên ngang trụ vững. Từng đoàn xe, đoàn người lại tiếp tục hành quân “Xẻ dọcTrường Sơn đi cứu nước ”.
Từ khi bà xã qua đời, thi thoảng ông Nguyên lại lên Cự Nẫm ngắm cảnh “sơn thủy hữu tình” của bến sông Son, nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên của thời quân ngũ…
Hôm ấy, đơn vị cử Nguyên đi lấy gạo. Cõng ba lô đầy, đèo thêm một bao tượng dài ngoẵng, dồi chắt đét gạo trên vai, Nguyên vừa đi vừa huýt sáo bài “Tiếng đàn Ta Lư ”, nghe thật vui tai. Rồi Nguyên đứng sững người. Hình như có tiếng ai kêu:
- Có ai không ? Cứu…cứu em với! Tiếng kêu cứu ngày một nhỏ dần…
Nguyên vội vàng đặt gạo lên vệ cỏ bên đường, chạy lại phía bên suối có tiếng người.
Một cô gái nằm xoài bên mô đất, quần áo đầy bùn, hai bàn tay đẫm máu ôm chặt lấy bụng, mồ hôi túa ra trên khuôn mặt nhợt nhạt. Mùi thuốc bom khét lẹt, cạnh đó một hố bom rộng cả chục mét, nước đang bùng bục nổi tăm…
- …Bom… nổ… chậm! Cô gái nói ngắt quảng từng tiếng yếu ớt rồi nhắm nghiền mắt lại...
Nguyên nhanh tay tháo bông băng đeo ở bên người, run run kéo áo lên, lau sơ sơ, quấn băng bịt vết thương và cởi áo mình mặc cho cô gái. Anh nháo nhác nhìn xung quanh nhưng không có một bóng người. Kiểm tra trên người không còn vết thương nào, Nguyên gồng mình bế cô gái trên tay đi ra phía đường đón xe đi cấp cứu. Cũng may, vừa tới đường cái, chiếc xe tải quân sự dừng lại. Lái xe mặt trẻ măng ló đầu ra buồng lái:
- Lên xe mau lên!
Đỡ cô gái lên cabin xe, Nguyên còn kịp lấy ba lô, bao tượng gạo vứt lên thùng xe, thúc dục tài xế:
- Anh cho đến Trạm xá của Binh trạm!
- Có nặng không?
- Vào bụng, hơi sâu…
- Có sốt không?
- Không, nhưng mất máu nhiều, mệt thiếp đi!
Đưa cô gái vào Trạm xá xong, Nguyên mệt lả nhưng vẫn cõng gạo về đơn vị. Mãi khuya mới về tới. Mấy anh chọc Nguyên:
- Em út hôm nay trúng mánh, bị mấy cô thanh niên Xung phong “lấy mất hồn” nên giờ mới về kia kìa!
Ông Cần, trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn, người như hộ pháp, cười hở hai hàm răng to tướng:
- Biết Út “mê gái” như vầy, anh sẽ cho chú đi “lấy hàng” hoài hoài nha!
Lính bếp đã lên giường ngủ nhưng nghe ông Cần nói vậy cười ầm lên.
- Ngủ đi, mai hành quân đấy!
            Suốt đêm, dù rất mệt nhưng Nguyên không sao nhắm được mắt. Khuôn mặt của cô gái dễ nhìn, lông mày mỏng cong, mắt tròn, nước da trắng, người cao dong dỏng…cứ lởn vỡn trong đầu. Mai hành quân, thế là mình không có cơ hội được gặp cô ấy nữa rồi!
Mà mình khỉ thật, lúc đầu cô ấy còn tỉnh táo mình không hỏi tên, địa chỉ ở đâu, để mà…
 
***
            Ba năm sau, khi học xong khóa Chính trị viên Đại đội tại Trường sĩ quan Chính trị ở Hà Tây, Nguyên được tranh thủ về thăm gia đình ở Cầu Giấy, Hà Nội. Cả gia đình ai cũng vui vì Nguyên khỏe mạnh, đẹp trai và trưởng thành vượt bậc. Mới 23 tuổi mà đã lên Trung úy rồi!
- Bố mày lên Thiếu úy rồi về hưu, ngữ này chắc phải làm Tá đây! Mẹ Nguyên vỗ lưng nựng yêu con. Bố Nguyên từ ngoài ngõ đi vào cười thật tươi. Hai gò má nhăn nheo nhô cao:
- Bà nói xấu gì tôi vậy? Tôi “xưa nay hiếm rồi” làm sao bì kịp với đám thanh niên trai tráng được học hành bài bản như ngày nay.
Mẹ Nguyên nghe chồng nói vậy, vội lấy tay cầm miếng trầu thuốc vừa dập vỏ ra húng hắng lên tiếng:
- Con hơn cha là nhà có phúc!
- Nhưng phải có hiếu nữa mới chu toàn, phải không bà? Bố Nguyên chen lời bà xã.
Nguyên nắm lấy tay Bố:
- Tay bố còn cơ bắp đây này! Được rồi, ý bố là con cố “kiếm” một cô vợ về để mau có thằng cu cho vui cửa, vui nhà, chứ gì?
- Con nói chí phải, nhanh lên để các cụ trong khu phố mình được ăn cỗ !
Cả nhà được bữa cười trước buổi cơm chiều. Nhưng “cuộc vui nào rồi cũng phải tàn ”. Tối hôm ấy, Nguyên lên tầu hỏa đi Vinh để về Quảng Bình nhận nhiệm vụ mới.
            Vừa đến Vinh, Nguyên đang loay hoay tìm đường ra bến xe thì gặp Toàn, lái xe của đơn vị cũ, mồ hôi ướt đẫm áo đang hì hục thay vỏ xe trên đường Trần Phú.
- Có phải anh Toàn đó không?
Toàn nghe tiếng ai gọi quen quen, ngoái đầu lại, reo lên:
- Út Nguyên, sao em lại ở đây?
- Chuyện dài lắm, em sẽ kể cho anh nghe! Nhưng bây giờ phải nhanh chóng thay vỏ để   “ vù” thôi, giờ này bọn giặc lái Mỹ chúng hay “cắn trộm” lắm đấy!
Hai anh em loay hoay khoảng gần nữa tiếng mới thay xong vỏ xe, vội nổ máy vọt ra ngoại ô đi về phía Nam.
- Mấy năm nay em ở đâu?
- Em học ở Hà Tây, bây giờ về nhận nhiệm vụ mới ở Tiểu đoàn pháo cao xạ đang đóng quân ở Quảng Trạch, Quảng Bình.
- Em khỏe và tiến bộ nhiều quá, chúc mừng em! Bây giờ anh vào Vĩnh  Linh…
- Thế thì tốt rồi, đến Quảng Trạch anh “thảy” em xuống nha!
Nguyên kể cho Toàn nghe nhiều chuyện về học hành, quê hương và những mơ ước của mình trên đường quân ngũ. Còn Toàn khoe với Nguyên về cô vợ mới cưới người Yên Thành, Nghệ An. Cô ấy là giáo viên cấp một trường làng, cũng duyên ra phết…
Hai anh em đang nói chuyện huyên thuyên, hết chuyện này sang chuyện khác thì phía trước một cô gái đang vẫy vẫy tay, la thật lớn:
- Các anh ơi…Cho em quá giang…Nhà em có việc gấp lắm, mau lên…!
Chiếc xe dừng lại. Mặt cô gái xanh như tàu lá chuối, nói trong nước mắt, đầy cảm động:
- Cha em bị mất, các anh làm ơn cho em về Quảng Trạch để may còn kịp gặp cha lần cuối…
- Bình tĩnh, em cứ lên đi, để đồ đó anh mang lên cho!
Nguyên nhảy xuống, đỡ cô gái lên xe và gom ít đồ đạc lên Ca bin. Cô gái ngồi giữa co rúm người lại, khóc sụt xịt, thật tội nghiệp.
- Em ở đâu về vậy? Nguyên hỏi cô gái.
- Em ở Tân Kỳ, Nghệ An về ?
- Làm gì ở đó?
- Em học Sư phạm năm cuối, trường sơ tán lên trên đó mấy năm nay…
- Em cứ yên tâm, bọn anh sẽ đưa em về đến nhà. Có đói không, còn cái bánh mỳ “không người lái” đây, em ăn đi cho đỡ đói bụng!
Cô gái giờ mới thấy cồn cào trong bụng, ngại ngùng cầm cái bành mỳ luộc tròn màu đùng đục, nguội ngắt đưa lên nhai. Bùi bùi, ngon quá!
Nguyên mở nắp Bi đông, đưa cho cô gái:
- Tên em là gì?
- Dạ, em tên Nhung, con gái duy nhất của cha mẹ em…
Những thông tin của cô gái cứ “đầy” dần trong Nguyên qua những câu chuyện kể của cô. Nhưng trong linh tính của Nguyên thì người con gái này có điều gì “bí mật” lắm! Hình như mình cũng đã gặp khuôn mặt này ở đâu đó…?
            Định chia tay Nguyên và Nhung ở ngã Ba đường 15, nhưng sau đó Tòan nghĩ đến Nguyên không biết đến bao giờ anh em mới được gặp nhau và tội nghiệp cho Nhung       “thân gái dặm đường”. Toàn quyết định đưa Nguyên về tận nhà Nhung ở Vạn Trạch, BốTrạch, cách Đồng Hới khoảng gần 40 cây số. Trước khi chia tay, Nguyên trao cho Toàn một chiếc khăn len dài màu tím:
- Đây là quà cưới của em, anh nhớ trao dùm cho chị nha!
- Cám ơn em, hẹn gặp lại!
Sau đám tang của cha Nhung được vài tháng, Nguyên nhận được thư Nhung. Nguyên mừng như người được của quý, trong thư Nhung viết: …Nếu dạo ấy anh không phát hiện ra em, băng bó vết thương và chở vào Trạm xá cấp cứu kịp thời thì bây giờ làm gì còn Nhung. Và…hình như “ông trời” đã xắp đặt cho chúng ta rồi có phải không anh?     
Tháng 7 năm ấy Nhung ra trường. Phòng Giáo dục huyện phân công Nhung dạy ở Trường cấp hai xã Vạn Trạch, bên cạnh nhà. Rồi đến cuối năm Nguyên và Nhung tổ chức đám cưới ở cả bên ngoại và bên nội. Riêng ở Hà Nội đám cưới rềnh rang cả ba ngày trời, vì anh trai cả đã hy sinh ở Sài Gòn Mậu Thân năm 1968, bây giời Nguyên là con trai duy nhất của gia đình nên được ưu tiên hết cỡ.
 
***                                                     
            Vào tháng tám, tháng chín sông Son gồng mình đón nước từ thượng nguồn xối xả đổ về. Nước sông có lúc đỏ như son, mang theo phù sa của vùng đất đỏ từ bên kia biên giới, chảy cuồn cuộn như muốn nuốt chửng những cánh đồng lúa xanh non mơn mỡn ở hạ lưu. Nhưng những tháng còn lại trong năm, dòng sông Son tựa như dãi lụa màu xanh lượn vòng bên những dãy núi đá phía tây, tắm mát cho cả trăm ngàn ha vườn cây, đồng ruộng của nhân dân trong vùng. Rồi cá tự nhiên, cá lồng nuôi trên sông là nguồn thu lớn của ngư dân hai bên bờ sông Son. Chưa kể nguồn thu rất lớn từ du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng một sản phẩm sinh ra từ nguồn nước chảy suốt cả ngàn ngàn năm ở vùng núi đá vôi trùng trùng, điệp điệp này! Người xưa rất có lý khi đặt tên cho dòng chảy này là sông Son… Tại sao sông Son thơ mộng, hữu ích như vậy mà cuộc đời mình lại khổ thế? Nguyên đưa cả hai bàn tay xoa xoa lên khuôn mặt chữ điền của mình…
            Nguyên cưới Nhung sống với nhau mấy chục năm trời rất hạnh phúc, chỉ tội là hai người không có một mặt con. Cháu Phúc bây giờ là con người ta, tình cờ Nhung đi dạy “nhặt” được nó ở vệ đường, đem về nuôi. Trong sự nuôi dưỡng, dạy giỗ, bao bọc chở che  của vợ chồng Nguyên, bây giờ Phúc đã học xong đại học và làm việc ở Sở Giao thông vận tải Quảng Bình. Năm rồi, ông còn “ tậu” cho vợ chồng Phúc một căn nhà ở thành phố Đồng Hới. Nhưng tội nghiệp nhất là Nhung. Khi Nhung mất Nguyên không có nhà. Sau khi về hưu được vài tháng, Nguyên theo bạn cùng quân ngũ năm xưa đi làm ăn xa ở tận bên Lào. Khi về đến nhà thì Phúc và bà con hàng xóm đã đưa bà ra an nghĩ nơi nghĩa trang. Nguyên thầm trách mình là người chồng bạc tình, bội nghĩa…
Nhiều người ở quê khuyên ông trở về Hà Nội. Còn ở trong ấy làm gì? Vợ mất, con không về ngoài này cho gần tổ tiên ông bà, bà con họ hàng, lối phố. Những đêm khó ngủ ông suy nghĩ nhiều: Người ta nói chỉ đúng một phần, nhưng với ông vùng đất nghèo khó này là “báu vật của ông” chở che bao bọc ông gần suốt cuộc đời quân ngũ. Đã sinh ra và trao người con gái dễ thương, đảm đang cho mình làm vợ. Là nơi mình được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người Cộng sản và ông trời đã cho mình vợ chồng thằng Phúc…Ông bà ta có câu: “Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, về già nhờ con”.
Rồi ông cũng không đi làm ăn xa nữa, với đồng lương hưu hiện tại có thể trang trãi cho cuộc sống là tốt rồi. Khoảng gần một năm sau khi vợ mất, hàng ngày ông ra thăm, thắp nhang và cầu mong cho bà nơi suối vàng được siêu thoát cùng tiên tổ…
Mấy năm nay, ông đầu tư đào ao nuôi cá, mở rộng trồng kinh doanh cây cảnh với diện tích lên tới gần ba ha, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động nông nhàn ở địa phương. Theo báo cáo thành tích Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi cấp tỉnh vừa qua thì ba năm nay, mô hình kinh tế của ông mỗi năm thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này ông dành phân nữa để giúp các hộ nghèo ở xã nhà đầu tư sản xuất, chăn nuôi, không lấy lãi. Số tiền còn lại ông gửi tiết kiệm để phòng thân và dành dụm vốn liếng cho con cháu…
Ngày giỗ bà Nhung năm nay, ông Nguyên tổ chức khá to, mời đông khách hơn mọi năm. Nhưng cỗ làm toàn đồ chay, không tốn kém nhiều. Nhưng khác là, ai đi ăn đám giỗ về cũng có phần quà. Quà ngoài xôi gấc, thịt gà luộc, heo quay ra có kèm một cuốn sách “Kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt cho hiệu quả cao”. Khi đón nhận quà, mọi người đều cảm ơn và tấm tắc khen ông Nguyên:
- Người Hà Nội là thế đó, nghĩa tình và chu đáo quá!
 
                                                                  T.H.Đ
                                                    Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5-7-2019
            ( Cựu chiến binh Sư đoàn 316 – Hội viên Hội CCB thành phố Hồ Chí Minh )
  • ĐT: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
  • Địa chỉ liên lạc: Số 115 Nguyễn Du, khu phố ĐôngTân, phường Dĩ An,
Thị xã Dĩ An , tỉnh Bình Dương
 

tin tức liên quan