“Hứa với mẹ nhé, con phải học tha thứ và phải tìm cha mình”… Khi mẹ Hạnh nắm tay chờ một cái gật đầu từ Hạ thì Hạ không có một chút ký ức nào về người cha và cả về mẹ đẻ. Cô lớn lên trong sự thương yêu của mẹ Hạnh, cho tới khi vào đại học, mười tám tuổi, cô mới biết đó là mẹ nuôi mình. Hạ đã khóc òa, khóc tấm tức, khóc câm lặng… khóc đủ mọi trạng thái sau khi vỡ lẽ ra điều đó, trong nhiều đêm dài. Để rồi quyết định giữ điều bí mật ấy cho riêng mình. Suy cho cùng, cô coi mẹ Hạnh như mẹ ruột. Mẹ Hạnh chỉ có một mình cô là người thân.

“Cha con đâu, mẹ?” - “Cha con đi làm xa, chưa về” - “Rồi bao giờ cha về?” - “Cha sẽ về, ngủ đi”… Những giấc ngủ ấu thơ bắt đầu như thế. Không thắc thỏm lo âu vì luôn có vòng tay mẹ Hạnh.

- Con thắp nhang vái mẹ con đi.

Minh họa: PHÙNG MINH

Giọng mẹ Hạnh nghẹn đi trôi theo chiều gió. Trước mắt Hạ là ngôi mộ mà từ trước tới giờ cô vẫn gọi là dì Ba, ngỡ tưởng đó là người em gái duy nhất của mẹ Hạnh.

Lúc ấy, cô bước qua tuổi mười tám. Lần đầu môi lắp bắp gọi người sinh ra mình là mẹ.

“Ngày đầu mẹ gặp con, con bé như con mèo ướt. Lúc ấy, khoảng nửa đêm, mưa rất lớn, ai cũng tắt đèn ngủ rồi. Không hiểu sao mẹ lại không ngủ được. Nhờ thế mà tiếng người đàn bà trong cơn vượt cạn giữa đường khiến mẹ chột dạ, sấp ngửa chạy ra xem”...

Vào đến nhà, người đàn bà không thể leo lên giường khi gần một nửa đầu của đứa bé đã nhô ra. Mẹ Hạnh trở thành người đỡ đẻ bất đắc dĩ khi chưa một lần chứng kiến cảnh sinh nở, cũng chưa một lần vượt cạn. Khi mẹ Hạnh đã tắm táp, bế Hạ ngủ ngon như con mèo trên vòng tay thì hoảng hốt nhìn người phụ nữ xa lạ bị băng huyết đến kiệt sức sau khi sinh. Đấy lại là vùng hẻo lánh, tới bệnh viện cũng mất gần nửa ngày đường. Mẹ Hạnh chỉ biết ôm đứa bé đang khát sữa, cả mẹ cả con ôm nhau ngồi khóc vì bất lực.

Mẹ Hạnh cố gắng mỗi ngày để lên phố. Nói dại, chỉ vì xa trung tâm mà mẹ lại bất lực khi thần chết gõ cửa như đã từng mang nặng cảm giác ấy ngày Hạ sinh ra.

Mẹ Hạnh đặt vào lòng bàn tay Hạ chiếc kẹp tóc bằng gốm có khắc hình những chùm hoa cải nhỏ li ti. Kỷ vật của mẹ đẻ để lại cho cô. “Con nhớ nhé, mẹ con tên Sương. Quê con ở một vùng bến sông làm nghề gốm. Mẹ biết vậy thôi nhưng mẹ tin có duyên, có nợ rồi con sẽ gặp. Con phải đi tìm”. Mẹ Hạnh vẫn thường xuyên nhắc Hạ như vậy.

*

*    *

Chợt trong tâm thức, mỗi khi đi qua một làng nghề gốm ven sông, Hạ lại thấy thắc thỏm như ai đó đang gọi mình. Nghề báo cho cô nhiều cơ hội đi qua những bến sông như thế. Cô luôn tranh thủ những cơ hội ấy hỏi về cô gái tên Sương. Có cô Sương đã qua Mỹ định cư, gửi tiền về cho gia đình cất nhà lầu. Có cô thì nay đã thành một bà bán trái cây trên chợ nổi. Không có cô Sương nào hao hao hoàn cảnh mẹ Hạ.

Anh đồng nghiệp nheo mắt nhìn Hạ: “Xong việc, mình vô làng hỏi nha Hạ?”. Từ khi vô tình biết chuyện của Hạ, Tuấn luôn nhiệt tình, bất kể đó là đi với Hạ hay không, miễn là có bến sông, có làng gốm. Ban đầu, Hạ chỉ nghĩ, Tuấn đi nhiều hơn Hạ, sẽ có thêm nhiều cơ hội để tìm. Nhưng khi gặp sự nhiệt tình của Tuấn, Hạ lại ngại. Tuấn đọc được những mong mỏi trong đôi mắt buồn thẳm của Hạ. Anh động viên: “Hạ ơi, cố lên!”. Chỉ thế thôi là Hạ lại cười.

Tuấn rủ Hạ vào ngôi chùa cổ nằm ngay bên bờ sông. Lối dẫn vào chùa là những tượng gốm mộc mạc rất đẹp. “Ông sư trụ trì có thể là một nhân vật cho một bài ký hay. Ông có nhiều tác phẩm gốm sứ nghệ thuật, tự tay ông làm mà không bán. Không ít người nói ổng khùng, nhưng mà, tôi thích những kẻ khùng như vậy” - Tuấn hào hứng. Hạ bị sự hào hứng ấy kéo theo.

Sư trụ trì ngoài năm mươi tuổi. Không giống nhiều vị chân tu khác thường bàng bạc màu khổ hạnh trong đôi mắt bình an, ông có vẻ hào hứng như một chủ nhà bình dân, hiếu khách khi đón hai người bạn trẻ. Tuy vậy, khi lấy sổ sách, máy ảnh ra thì ông nhẹ nhàng: “Nếu các con muốn nghe, thầy sẽ kể. Nhưng thầy không muốn lên báo”.

- Đã hơn hai mươi năm thầy làm gốm sứ. Chỉ để tặng, để trong chùa chứ không bán...

- Tuổi trẻ - tuổi đẹp nhất của một đời. Các con đã từng yêu chưa?

Cả hai bất ngờ với một câu hỏi lạ từ một vị chân tu. Tuấn đáp, giọng tỉnh queo: “Dạ, con đang yêu”. Anh nheo mắt nhìn Hạ. Cô bâng quơ nhìn ra sân chùa. Ở đó, những luống hoa cúc vàng rực rỡ trong nắng. “Mọi điều vô lý đều trở nên có lý khi bắt đầu từ tình yêu”. Giọng Tuấn đầy chia sẻ. Hạ ngại ngần: “Con cứ nghĩ, sẽ không thể nói chuyện tình yêu khi trò chuyện với thầy chùa?”. Giọng sư thầy cười sảng khoái: “Ta không nghĩ tình yêu là điều gì cấm kị trong chùa”.

Hơn hai mươi năm trước, cũng trạc tuổi của Hạ, của Tuấn, sư thầy từng yêu. Mối tình ấy hẳn không bao giờ đến đích, hẳn đã là một nỗi đau quá lớn. Lớn đến mức ông chỉ có thể tìm thấy sự bình yên khi trú ngụ cửa Phật. “Câu chuyện không quá lạ ở những cửa chùa” - Tuấn tỏ vẻ am hiểu. Hạ thì thấy lạ. Một sự lạ mơ hồ mà cô không thể cắt nghĩa, cũng không dám mở miệng để hỏi cho rõ vì không biết bắt đầu từ đâu. Khi Hạ nhìn tất cả tác phẩm của sư thầy, cô đọc được ở đó một nỗi niềm khó cắt nghĩa.

“Con muốn hỏi thầy, về một cô gái tên Sương” - Hạ ngập ngừng. Gương mặt bình tâm của sư trụ trì thoáng chau mày: “Sương nào?” - “Cô Sương, tóc dài, da trắng. Hơn hai mươi năm trước, cô ấy chừng hai mươi” - Hạ miêu tả theo lời kể của mẹ Hạnh…

Giọng sư thầy trở nên xa vắng, khản đục: “Cô ấy trẻ, đẹp, trắng như một búp hoa huệ. Khác hẳn những người anh em chung con thuyền mà cô ở. Con thuyền neo lại làng này nửa năm. Khi cô bỏ làng này ra đi, một người đàn ông đã theo tìm cô khắp chân trời góc bể nhưng không thể tìm ra”...

Sư trụ trì kể ngắn gọn. Nhưng dường như thật khó khăn ông mới kể hết được bằng ấy câu chuyện. Cơn ho khiến ông ngừng lại.

- Vì sao cô ấy đi? - Hạ nuối tiếc.

- Có thể cô ấy chỉ coi bến sông neo lại là bến tạm. Chính người đàn ông của cô cũng không biết nguyên do. Người làng khuyên anh quên cô ấy đi, con thuyền nào ghé bến này cũng chỉ coi là bến tạm. Không sớm rồi muộn cũng ra đi. Nhưng anh ấy vẫn chờ, vẫn hụt hẫng, tiếc và tự giày vò mình bao năm. Mẹ anh ấy mù, nên anh ấy không thể bỏ mẹ để nổi nênh theo dòng sông tìm kiếm…

*

*    *

Đó là mối tình đẹp nhất mà Hạ được nghe kể.

Anh thường làm tặng cô những chuỗi hạt bằng gốm, hoa tai bằng gốm, chiếc kẹp cũng bằng gốm nung… Cái màu ấm nồng của đất, nước và lửa quấn quýt nhau tạo nên gốm khiến cô thích mê mẩn nhưng chẳng bao giờ cô dám đem theo lên thuyền. Chỉ duy nhất chiếc kẹp gốm cô thường giấu kín trong búi tóc để khi nghĩ đến anh lại tỉ mẩn lôi ra nhìn ngắm, tủm tỉm cười một mình. Cũng như hơi thở nồng nàn mùi đàn ông của anh, Sương tưởng có thể tan đi trong hơi thở ấy, nhưng cô cũng phải gội rửa kĩ càng trước khi về lại con thuyền.

“Mày ngu lắm em ạ. Tao đã cấm mày vác xác lên bờ, vậy mà… tại sao… tại sao?!”.

Ngày chị dâu phát hiện sự khác lạ trong cơ thể Sương, người anh cả đã gầm lên những câu hỏi như một con thú bị thương nặng. Xót em, anh chỉ biết cầm con dao dấm dứ như muốn sát phạt bất cứ vật cản nào trước mắt. Bãi lau, sậy ven bờ ngã rạp sau những cú phạt mạnh tay của anh, bốc lên mùi nhựa sống nồng nàn một khúc sông. Ngồi rúm ró giấu mình trong vách con thuyền, Sương mím môi đến bầm đỏ. Cô biết, nếu biết bất cứ thông tin gì về người mình yêu, anh trai có thể cầm dao đi tìm. Người anh sau một đêm giày vò em thì quyết định bỏ bến sông, đi từ rất sớm. Tận chiều hôm sau người đàn ông của cô mới biết về sự ra đi của con thuyền.

Mãi sau này, chỉ khi mê mải với những hình hài gốm sứ, người đàn ông ấy mới không bị giày vò, tiếc nuối. Anh đã đi tìm cô ấy nhiều nơi, càng đi càng vô vọng… Anh thấy lòng được nhẹ hơn khi cảm được sự giao duyên của trời và đất, của lửa và nước trong từng thớ gốm.

- Đó, lý do vì sao tôi không bao giờ bán những tác phẩm của mình đó! - Lặng đi một lúc lâu, sư trụ trì hít một hơi thở dài.

Tuấn nhìn sang Hạ, mắt cô hoe đỏ từ lúc nào.

- Chiếc kẹp bằng gốm ấy, là thầy tặng cô Sương phải không? - Giọng Hạ nghẹn đi.

Sư trụ trì nhìn Hạ. Dường như tất cả những nếp nhăn trên khuôn mặt ông xô lại chỉ trong vài giây tích tắc ấy. Ông khổ sở gật đầu.

Hạ run rẩy mở ba lô. Trong chiếc túi len xinh xắn mẹ Hạnh đan cho, chiếc kẹp gốm được cô cất giữ như một báu vật của cuộc đời. Một báu vật mà đã rất nhiều lần cô tưởng không thể sẻ chia với ai. Cô trao nó cho sư thầy. Ông ngỡ ngàng nhìn chiếc kẹp thật kĩ. Đúng những nụ hoa bé xíu, đúng mảnh trăng cong cong này như hôm qua ông vừa khắc họa. Rồi nắm chiếc kẹp trên tay, ông nhìn Hạ, run run không nói nên lời. Ánh mắt ông không còn vẻ chất chứa khó cắt nghĩa như bao lần Hạ vẫn thấy. Hạ thấy trong đó, một màu vàng ấm áp, dịu dàng của một đêm trăng chưa xa…

Truyện ngắn của KHÔI NGUYÊN THẢO