CẢM XÚC KHI ĐỌC “BẾN KHÔNG SÔNG” CỦA TÁC GIẢ ĐINH VĂN THẢO
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đã có cuốn Thơ và Văn xuôi chọn lọc “Khát vọng Trường Sơn”.Tôi đã được đọc lại bài “Bến không sông” của tác giả Đinh Văn Thảo có cảm nhận trên đăng đàn văn học nghệ thuật .Có biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ chuyên nghiệp đã vận dụng sáng tạo, khéo dùng ý thơ,điệu nhạc hư ảo,hư thực để bày tỏ nội tâm của con người khi đang ấp ủ sẽ mang đến cho đời sự thăng hoa của biểu cảm hình tượng .Như cố nhạc sỹ An Thuyên đã từng “Cắt nửa vầng trăng để làm con thuyền nhỏ,bẻ đôi câu thơ để làm mái chèo lướt sóng đưa ta về với người ta yêu” hay nhà thơ Hữu Thỉnh lại viết “Đi hết cả chiều Thu vẫn chưa về đến ngõ chỉ vì dùng dằng câu quan họ”.
Không ngoại lệ, nhà thơ không chuyên Đinh văn Thảo ở Tiến Xuân – Thạch Thất lại có cách ví von, cái nhìn độc đáo mang đầy ắp tình người, tình yêu lứa đôi đã làm ru ngủ người đọc, người nghe. Khi đọc nghiền ngẫm “Bến không sông”mới thấy được sự khôi hài, ngạc nhiên đến ngờ vực, rồi lại đắm sâu trong bâng khuâng thương cảm cho tấm lòng thủy chung của một người con gái thôn quê miền sơn cước đêm ngày ngóng trông đợi chờ một người lữ khách đã qua đây để lại một dây duyên tình thầm kín không lời hẹn ước cho mối tình đầu lứa đôi.
Mở đầu của “Bến không sông” phải chăng Đinh Văn Thảo đã thấy được nội tâm âu sầu, vò võ, nhớ nhung tột đỉnh của người thiếu nữ với sự mặc cảm trầm luân, ánh mắt trũng sâu xa thẳm mà để rồi ông phải thốt lên bằng sự thật phũ phàng:
Quê tôi không có dòng sông
Nhưng có bến đợi, bến trông, bến chờ.
Không hiểu hữu ý hay vô tình mà cái bến đã gieo vào lòng người thôn nữ đầy ắp sự đa sầu, đa cảm và rồi cứ đợi, cứ trông,cứ chờ dù chỉ là những hy vọng nhỏ nhoi nhưng cũng đủ niềm tin cho tương lai mong trở thành hiện thực. Sự trắc ẩn đợi chờ, ngóng trông của người thôn nữ cho ta sự chạnh lòng thương cảm khi:
Không sông nhưng lại có bờ
Bờ thương,bờ nhớ,bờ mơ tháng ngày.
Thật là một cốt cách ngưỡng mộ, ngất ngây tình người, khi đôi bờ vai thon thả của người thôn nữ chỉ quen lưng gùi vai gánh mỗi khi lên nương trỉa bắp. Thì giờ đây đôi bờ vai ấy lại nặng trĩu niềm thương,nỗi nhớ với mối tơ duyên không lời hẹn ước đang thắp lên hy vọng chạy suốt cuộc đời cho dù:
Thuyền Anh xuống biển lên rừng
Bến Em vẫn đợi ngập ngừng trong mơ.
Ôi thật nhỏ nhoi, đìu hiu cô quạnh. Người thôn nữ sơn cước ấy tự đặt cho mình chỉ là cái bến đợi,bến chờ mà dõi mắt nhìn vào khoảng trời mênh mông cố tìm ra hy vọng.
Vì người tình của mình chỉ như một chiếc thuyền nhỏ.Nhưng chiếc thuyền ấy dù có lao ra biển đời mênh mông gặp sóng to, gió cản, mơn trớn vuốt ve hay lên rừng sâu,núi thẳm gặp bao gềnh thác ngược xuôi, cám dỗ. Song! Với tấm lòng kiên trung nghĩa hiệp thì người thiếu nữ sơn cước ấy vẫn cứ đợi, cứ tin và nhất định sẽ là tán cây đời ấp ủ cho tình duyên đôi lứa trong tương lai.
“Bến không sông” là câu chuyện tình huyền thoại đã được Đinh văn Thảo gieo vào nền văn học nước nhà một ngôn ngữ thơ lãng mạn ẩn dụ, chứa đầy nhân sinh quan cao thượng,sự kiên nhẫn của người phụ nữ Công-Dung –Ngôn – Hạnh. Nhưng lại là một bằng chứng sự thật trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc, có biết bao làng quê Việt Nam cũng có những “Bến không sông”với bao phụ nữ trở thành “Bến đợi, bến chờ, bến mơ,bờ nhớ”với những trung quân bạn đời ngày đêm trên sa trường, giữ bình yên Đất Nước, giữ tình yêu lứa đôi, để rồi hôm nay chuyện cổ tích “Hòn vọng Phu” chờ chồng hóa đá sẽ lùi sâu vào dĩ vãng để chuyện tình yêu lứa đôi được:
Ai đem nhạc quyện vào thơ
Để thành câu hát bến bờ không Sông.
Tháng 7 năm 2019
Khuất Quang Như
Hội viên Câu lạc bộ thơ Trường Sơn