Đứa con nuôi, truyện ngắn của Huỳnh Đức Trịnh

Ngày đăng: 05:04 01/08/2019 Lượt xem: 588
Thưa các đồng chí và các bạn!
Từ tháng 10-1944 đến 10-1945, ở Miền Bắc Việt Nam đã xẩy ra nạn đói khủng khiếp, làm chết gần hai triệu người, gần bằng 1/10 dân số cả nước lúc bấy giờ, là một thảm họa nhân đạo của thế kỷ 20…Nguyên nhân chủ yếu là do bọn thực dân Pháp, Nhật huy động cạn kiệt nguồn lực nông nghiệp cho chiến tranh Đông Dương. Bắt nông dân bỏ trồng lúa mở rộng diện tích trồng đay, bông, gai, cao su và các cây kỹ nghệ khác để phục vụ chiến tranh. Bọn thực dân vơ vét lúa gạo ở Miền Bắc chở về chính quốc, không cho chở lúa gạo từ Nam ra Bắc. Lúa gạo ở trong Nam chất đầy kho chúng đem đốt thay than dùng trong các nhà máy nhiệt điện…
Nạn đói gây ra muôn vàn cảnh bần cùng, hàng vạn gia đình nông dân loạn lạc ly tán...
Trong cảnh bần cùng ấy, nhiều người đã may mắn, vượt khó trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…

                                  
                                              ĐỨA CON NUÔI

                                               Truyện ngắn Huỳnh Đức Trịnh

           Ông là nhà Nho, văn hay, chữ tốt, đỗ Cử Nhân loại giỏi.Nhà Nguyễn bổ cử ông làm quan Hàn, lo chuyện đèn sách cho con cháu trong Triều. Năm lần,bảy lượt ông đều cáo bệnh không chịu vào Cung. Nhưng người ở khắp vùng đều nể phục, vẫn gọi ông là Quan Hàn. Ông bôn ba dạy học ở nhiều nơi từ Huế trở ra vùng quê Nghệ Tĩnh. Những năm cuối đời ông dạy chữ Quốc ngữ cho con cháu ở trong làng, xã.
           Tiếng chuông đồng hồ quả lắc chậm rãi buông tám tiếng: Bùng, bùng, bùng... Đúng giờ vào học, ông nhìn ra lớp ngoài sân, húng hắng ho khan:
-Sao hôm nay không thấy thằng cháu Bắc đi học bay?
Tiếng trẻ con lao nhao,khóc,la ó om xòm. Ông gõ mạnh chiếc roi mây lên tấm bảng đen nhỏ cũ,mới sơn lại bằng nhựa hắc ín, treo trước lớp, nghe phạch phạch:
-Im lặng ! Sao, có cháu nào biết thằng Bắc bỏ học không?
Có tiếng khóc của trẻ, rồi tiếng chân thịch thịch của người lớn bước vào sân:
-Dạ thưa thầy, cháu đây ạ!
Người nông dân giỗ con nín, cho ngồi vào chỗ ghế trống gần bảng đen rồi tiến lại gần ông, nói nhỏ:
-Thưa Thầy, con vừa “ nhặt” được đứa trẻ khoảng năm sáu tháng tuổi ở ngoài ngoài cổng điếm canh sau làng Thanh. Ông có nuôi con mang tới không tội nghiệp quá!
-Anh đưa ra nhà bếp bảo bà cho nó bú, cứu lấy đứa nhỏ,chút nữa tôi xuống!
Giao bài cho bọn trẻ lụi khụi làm, ông xuống nhà bếp ngó quanh không thấy ai. Nóng ruột, ông vòng ra ngoài cổng, con mẹ Chẽm, vợ anh Tám đang ôm đứa bé sát ngực cho bú. Bé đói, rúc bên này, đổi bên kia, tiếng mút sữa sùn sụt. Mẹ Chẽm sờ tay khắp người bé rồi dừng lại dưới rốn mân mê, toét miệng cười:
-Bà ơi, nhà ta có thêm thằng cu nữa rồi!
Hai ông bà đi lại gần mẹChẽm giơ tay khua khua, ra ý nhỏ mồm thôi, để cho thằng cu ngủ.Từ ngày ấy, ông đặt tên cho thằng bé là Nguyễn An Viễn. Viễn tức là tương lai, an là bình an, hạnh phúc …
            Viễn là con út của gia đình Quan Hàn . Mười lăm năm sau, ông bà Hàn cưới vợ cho Viễn. Vợ Viễn là Xa, con nuôi của cô Đồng. Bà cô mù hai mắt,làm nghề bói toán đồng bóng. Cưới nhau hơn một năm,vợ chồng Viễn sinh được một người con trai rất kháu khỉnh, khỏe mạnh.Đang ấm cữa, vui nhà thì Viễn theo làm liên lạc cho Bộ đội đánh giặc ở thượng Lào, sau đó nhập ngũ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong trận đánh ở đồi A1, Viễn dũng cảm băng qua đạn pháo đánh sập hàng rào, lô cốt địch mở đường cho Bộ đội ta xông lên. Sau đó chú vướng mìn,bị thương, cưa mất một chân và về quê hưởng chế độ thương binh nặng. Thành tích chiến đấu của chúđược Nhà nước tặng thưởng Huân Chương chiến công hạng ba.
              Theo gương của Bố, năm 1968, khi đang học năm cuối của trường cấp ba huyện, Nguyễn Bảo Thắng con trai của vợ chồng chú Viễn viết đơn tình nguyện vào Nam đánh giặc. Mới đi Bộ đội chưa được một tháng, Thắng đã gửi về nhà năm lá thư và hôm qua còn gửi một gói bưu phẩm. Bưu phẩm gói cẩn thận bằng ba lớp giấy báo, bên trong có một lá thư, chai dầu gội, khăn choàng đầu cho mẹ và một bộ quần áo lót cho bố. Chú Viễn cầm lá thư lên đọc:
                        Hòa Bình, ngày…tháng…năm
Bố mẹ kính mến!
Hôm nay là Chủ nhật, con ra phố huyện ăn phở với các bạn. Phở ở đây rẻ mà ngon, ăn xong lại được tráng miệng trái cây, uống nước trà xanh miễn phí. Con mua cho mẹ chai dầu, có đi đám cưới sức cho nó thơm, lạnh nhớ chùm khăn kẻo bị cảm. Bố nên hạn chế thuốc lào và tiến tới bỏ hẵn đi không về già khổ lắm. Nhớ nói với mấy bạn học cùng lớp, thi tốt nghiệp xong báo tin cho con biết nha. Có báo động của đơn vị. Con vội quá, xin dừng bút. Thư sau con viết nhiều. Con vẫn bình thường.Chúc bố mẹ mạnh khỏe!
Tạm biệt bố mẹ!
-Thư viết gì mà ngắn quá, đọc nhe chưng hửng!
-Con nói là có báo động phải vội dừng bút là gì!
Thím Xa đưa tay lau nước mắt, cầm mấy tờ giấy báo bọc bưu phẩm vo tròn định vứt vào giỏ rác. Chú Viễn vội giật lại mấy tờ báo cũ trên tay thím:
-Bà là chúa lãng phí, cái này còn dùng làm được nhiều việc lắm đây!
Nói rồi chú cẩn thận để từng tờ báo lên bàn vuốt cho phẵng lại, đem cất vào ngăn tử chè.
            Không ai ngờ rằng, lá thư viết vội trong tiếng kẻng báo động ấy là lá thư cuối cùng của con trai viết cho gia đình. Anh Nguyễn Bảo Thắng hy sinh năm 1972, trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa ở mặt trận Thừa Thiên Huế. Đồng đội anh kể, trong lúc ôm bộc phá xông lên đồn giặc,bị đạn M79 găm trúng ngực, một tay ôm vết thương tứa máu, một tay kẹp bộc phá vào sát người, anh lao người thẳng vào lô cốt địch. Tiếng nổ long trời ấy là tín hiệu thiêng liêng dục dã đồng đội dũng mãnh tiến lên tiêu diệt toàn bộ căn cứ của giặc. Chiến công xuất sắc ấy của anh được Nhà nước truy tặng Huân chương quân công hạng nhất.
                                                                           ***
            Hôm ấy là ngày giỗ con trai, sau khi cắm nhang lên bàn thờ, Ông Viễn mở tủ lấy hộp trà pha nước cúng, vô tình ông cầm mấy tờ báo cũ để lên bàn. Pha trà xong, đang chờ khách đến để uống rượu, ông cầm báo lên đọc. Dòng chữ mờ mờ, không đọc được, ông lấy kính lão lên đeo. Những dòng chữ trên tờ báo cũ rõ dần. Nhưng một linh tính thật kỳ lạ, con chữ cứ nhảy múa trong đầu ông:
Thông tin tìm người thân
Tôi là Nguyễn Văn Bắc, 70 tuổi ở xã…,huyện Hải Hưng, tỉnh Nam Định, nhắn tìm em là Nguyễn văn Ba. Năm 1944, bố mẹ nghèo đói lưu lạc và chết ở Thanh Hóa. Khi đi có mang theo người con trai, khoảng sáu tháng tuổi. Trên mình em tôi có vết chàm to sát nách phải và tai trái có vết sẹo dài bẩm sinh. Mấy chục năm qua, gia đình tìm em khắp nơi mà không có tung tích gì. Nay ai biết được tin, hoặc em còn sống thì liên lạc với gia đình theo địa chỉ…,số điện thoại…Gia đình tôi xin cảm ơn rất nhiều và hậu tạ!
 
Ông Viễn lấy giấy bút ghi địa chỉ, số điện thoại người nhắn tin, vội gấp báo lại nhẹ tay để vào chỗ cũ. Có tiếng khách trò chuyện đi vào sân, ông hoạt bát hẵn lên, gọi vợ cùng ra đón:
-Mời các bác vô trong xơi nước!
-Hôm nay chúng tôi uống rượu, không nước nôi gì cho to bụng đâu nha!
Cả nhà cười vang, mọi người ngồi xuống chuyện nổ như hội:
-Hôm qua cái thằng Hà Nội chơi hay thật, thắng đậm Bình Dương mới hay chứ!
-Quang Hải nhỏ con mà lấy bóng trong chân mấy ông Tây dễ ợt, xoay cái, suýt, thành bàn!
Đang bàn phiếm về chuyện đá banh, chuyển sang chuyện bán hàng đa cấp, chuyện mấy bà tiếc tiền gửi xe bị mất trộm, chuyện nhà anh Cu Tuấn trẻ tuổi mà trồng rau màu cực giỏi. Chỉ riêng vụ Cà chua vụ Đông năm nay đã thu cả trăm triệu đồng…
-Thôi, bây giờ đã đến giờ Thìn, mời các cụ, các bác và bà con cầm ly lên. Hôm nay là ngày giỗ cháu Thắng, gia đình làm bữa cơm, trước cúng linh hồn cháu, sau chúng ta uống cho tình nghĩa được vuông tròn. Xin cám ơn tất cả và xin mời 100%!
Ông Viễn miệng mời khách,tay nâng ly lên uống một hơi, dốc ngược ly:
 -100% rồi nha!
Bữa tiệc kéo dài đến trưa, có các thầy cô dạy Thắng hồi cấp hai, cấp ba và nhóm bạn cùng học ở trường làng. Khi ra về, ai cũng chia sẻ với gia đình có người con hiếu thảo, tận trung với nước với dân.
            Sáng ngày hôm sau, ông Viễn dậy sớm hơn mọi khi. Ông nói với bà xã:
-Hôm nay, tôi lên tỉnh có chút việc, sớm hoặc trưa mai tôi mới về kia đấy!
-Ông nhớ uống thuốc huyết áp nha!
Ra khỏi cổng, ông còn quay lại mở tủ chè, lấy mấy tờ báo cũ, gấp nhỏ để vào túi ngực, cài cúc thật cẩn thận.
Vừa đến đầu làng, định nhảy xe Buýt đi Đò Lèn thì có tiếng ai gọi:
-Anh Viễn, chờ em chút. Em Hà đây!
Hà và một người lạ băng qua đường:
-Em gọi điện, chị nói anh vừa đi…Giới thiệu với anh…
-Đi về nhà ta nói chuyện!
Hiểu ý anh, Hà im lặng, lấy gói thuốc lá từ trong túi ra đưa cho khách, bật hộp quẹt châm thuốc, kéo một hơi thật dài. Khói thuốc lòng vòng lan tỏa, mùi thơm hăng hắc…
Vừa đến cổng, ông Viễn đã lên tiếng:
-Bà ơi, nhà có khách!
-Ủa, ông lên tỉnh mà sao còn ở đây?
Ông Viễn liếc mắt qua chú Hà và người đàn ông. Bà Viễn dịu giọng:
-Em chào Bác, chú Hà về bao giờ vậy?
-Thưa hai Bác, đây là bác Hai, người huyện Hải Hưng, Nam Định…
Ông Viễn giật mình, tim đập thình thịch, nhưng kịp trấn tỉnh:
-Có phải ông đi tìm em không? Mà sao chú Hà lại biết kìa?
-Nhà vợ em ở bên cạnh nhà bác Hai, tình cờ đọc báo thấy nhắn tin tìm người thân. Em nói chuyện về đặc điểm của Bác trai ta. Bác Hai bảo đúng là em tôi rồi. Thế là tôi và bác Hai đi xe cả đêm để vô cho kịp…
-Người giống người mà chú! Nhưng xin lỗi, tôi hỏi anh, à ông: Ngoài đặc điểm như nhắn tin, ông có thêm chi tiết nào khác không?
-Có, đây! Chiếc vòng cổ chân, em trai tôi cũng có một chiếc  như thế này!
Ông khách luồn tay vào túi áo trong, lấy ra chiếc vòng bạc đưa cho ông Viễn.
Cùng lúc ấy, bà Viễn lấy trong tủ ra một chiếc vòng bạc đưa cho chồng.
-Trời ơi! Sao chúng lại giống nhau đến thế?
-Trước khi mất, bố mẹ kể lại: Mùa thu năm 1944, nghèo đói túng quẫn quá, không còn đủ sức nuôi con. Rồi giặc giã, bệnh dịch tả khắp nơi nên gia đình chạy loạn vào Thanh. Đến Nam Định, ông bảo bà, trước khi cho con phải có cái gì để lại, sau này chúng nó còn cơ hội để gặp nhau. Bà nghe lời ông, chống gậy lọc cọc tìm tới một cửa hàng vàng bạc ở phố Hà Đông, năn nỉ mãi họ mới để lại cho hai cái vòng bạc cũ này, khoác vào cổ chân hai đứa con mình trước khi cho người ta.
Khách nói chưa hết lời thì ông Viễn òa khóc hu hu, chạy lại ghì chặt anh trai vào trong lòng:
-Anh, anh Hai! Cám ơn ông trời có mắt!
-Em, em tôi thiệt đây rồi! Bố mẹ ơi, con đã tìm được em con!
Nghe tin ông Viễn tìm được anh ruột ở Nam Định, nhà ông Viễn ngày càng đông. Nhà như có tiệc lớn, không ai bảo ai, mỗi người một việc và gần trưa cỗ tiệc đã sắp gọn gàng trong nhà, ngoài sân thật tươu tất.
Ông Viễn loay hoay chỉ huy đám thợ treo tấm Bảng Tri Ân của Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Bình thời Pháp thuộc tặng Ông Quan Hàn có công dạy học ở địa phương, ở gian giữa nhà, bên phải là Bảng Vàng Tổ Quốc Ghi Công liệt sỹ Nguyễn Bảo Thắng, bên trái là tấm Huân Chương Chiến Công Hạng Ba của Nhà nước tặng Ông Nguyễn An Viễn.
Khi mọi người đông đủ, hai anh em ông Viễn đứng trước bàn thờ Tổ tiên kính cẩn dâng hương. Ông Viễn tiến lên một bước, chậm rãi cúi xuống lạy ba lạy, hai tay đưa lên trước ngực:
-Kính thưa các cụ! Hôm nay nhờ phúc ấm của Tổ tiên, con đã nhận được người anh ruột thịt của mình ở Nam Định. Gia đình con làm lễ liên hoan, trước cúng tạ ơn các cụ, bố mẹ và hương hồn cháu Thắng. Mong nơi suối vàng mọi người được bằng an, siêu thoát. Và xin phépvà cảm ơn các cụ cho chúng con đượcân hưởng phúc lộc này!
Dâng hương cho các cụ xong, trong tiếng nhạc loa xập xình, hai anh em ông Hai Viễn đi đến từng bàn tiệc nâng ly mời rượu bà con anh em họ hàng, người thân và bạn hữu nhân ngày anh em ruột thịt gặp lại nhau sau bảy mươi năm xa cách. Một ngày tao ngộ thật hạnh phúc, tưởng như chỉ có ở trong mơ!
                                                     Thành phố Hồ Chí Minh, cuối hạ 2019



                                     Trịnh Huỳnh Đức
            *ĐT: 0969406504 ; Email:
ductrinhhuynh1950@gmail.com
            *Địa chỉ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An
                                    Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
            *Số CCCD: 038050003895, cấp ngày 12-10-2018
            *Tài khoản thanh toán: TK 0190104961180012, Ngân hàng SCB, Lam Sơn,
                        Thành phố Hồ Chí Minh.
 
 

 
 


tin tức liên quan