Chi hội ấp Đình Đa Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 04:58 05/08/2019 Lượt xem: 650
 
                                    CHI HỘI ẤP ĐÌNH ĐA

                                                            Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
 

Hơn 5 năm nay, Chi hội Cựu chiến binh ấp Đình Đa đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là Chi hội liên tục dẫn đầu các phong trào thi đua ở xã Bình Xuân. Riêng năm vừa qua, Chi hội có 43/45 hội viên đạt danh hiệu Hội viên Tiên tiến. Chỉ có đồng chí Nguyễn Thị Ba, ở Tổ 1, tuổi cao, bị bệnh mãn tính nặng không tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên, không đạt và hội viên Lê Văn Mạnh theo con vào thành phố Hồ Chí Minh làm kinh tế, bỏ ba hôm sinh hoạt định kỳ, không đủ điều kiện bình xét. Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lê Đình Sướng, Chi Hội ấp Đình Đa đang được đề nghị Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xây dựng Hội vững mạnh, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
            Điều đáng nói là ấp Đình Đa là một địa bàn có nhiều khó khăn về phát triễn kinh tế. Đa số dân và Hội viên ở đây mới về lập nghiệp sau chủ trương dồn điền đổi thửa và điều chỉnh phân bổ dân cư trong xã cách đây khoảng 10 năm.
Nhưng “cái khó, ló cách làm”. Sau khi thành lập Chi hội, Ban chấp hành tiến hành điều tra cơ bản tình hình hội viên trong ấp và đề ra nhưng chỉ tiêu cụ thể, theo phương châm: dễ làm trước, khó làm điểm rút kinh nghiệm. Trước hết chọn tổ Một làm đột phá, sau đó, rút king nghiệm, đồng loạt triển khai trong toàn Chi hội.
Tổ Một có 20 hội viên, nằm trải dài từ đầu đến hết xóm Truông, vòng qua Đập Ngang, công trình thủy lợi trọng điểm của xã. Tổ trưởng Lê Hồng Trường, thương binh 2/4, có hơn mười năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Ông là người đầu tiên xung phong đi di dân ở trong xã. Chọn mảnh đất tuy xấu, mất nhiều công vỡ hoang phục hóa vùng đất cồn, đầu thừa, đuôi thẹo cạnh hạ lưu Đập Ngang, nhưng có thuận lợi chủ động nguồn nước để sản xuất và chăn nuôi. Được Quỹ Hổ trợ của Hội Cựu chiến binh và Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triễn nông thôn cho vay vốn, ông Trường đào ao thả cá, trên bờ ao nuôi 200 con vịt, ba sào vườn quanh nhà trồng rau xanh xen đu đủ. Năm đầu thực hiện mô hình VAC ấy, gia đình ông Trường “trúng khá lớn”. Theo ghi chép của bà Lan, vợ ông Trường, trừ mọi chi phí, từ khi triễn khai đến cuối năm thu lời hơn 60 triệu đồng. Ông không khoe với ai. Nhưng lại mời một số bạn hữu “ăn nên làm ra” ở đơn vị cũ về nói chuyện trong cuộc hội thảo “nội bộ” để mách nước làm ăn cho Chi hội của mình. Sau khi phân tích, nhấn mạnh các việc lần lưu tâm khi triễn khai kế hoạch làm ăn, ông Trường nói:
-Không nhà ai giống ai cả. Làm kinh tế cũng vậy, không thể “người ta trồng khoai, mình lấy mai trồng khoai môn”. Phải chọn mô hình kinh tế phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, tiềm lực và sự hiểu biết của mình. Vốn thì không lo, có nhiều nguồn, vấn đề này tôi sẽ chịu trách nhiệm. Sau đây là một vài mô hình để các đồng chí tham khảo.
Ông Trường phát biểu xong thì lần lượt các mô hình “sống” được mời tham dự lên trình bày, thật cụ thể và sinh động cung cách làm kinh tế cho hiệu quả. Mọi thành viên trong Hội rất thích cách làm “khuyến nông” này của Đại úy, thương binh Trường. Trước khi ra về mỗi người tham dự hội thảo còn được tặng một cuốn sách “Kinh Nghiệm Nhà Nông Làm Giầu” của Thạc sỹ Nông văn Lắm, công tác ở Sở Nông nghiệp- Phát triễn nông thôn tỉnh. 
Sau gần ba năm thực hiện cuộc vận động “Phát triễn kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”, Chi Hội Cựu chiến binh ấp Đình Đa đã giảm được một nữa số hộ nghèo, số hộ khá giả tăng thêm 9 hộ và có 4 hộ giầu có, xây được nhà mới khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi trong sinh hoạt, phục vụ sản xuất. Điển hình nhất là gia đình đồng chí Trường, Chi Hội Trưởng và nhà bác Kiên, Tổ Hai, làm giầu từ mô hình trồng cà chua vụ đông và làm nấm bằng phụ phẩm dồi dào ở địa phương.
Sau khi thực hiện có kết quả một số mô hình kinh tế và rút kinh nghiệm huy động, sử dụng vốn vay từ các nguồn khác nhau, Chi Hội ra Nghị quyết phát động phong trào thi đua “Sáng kiến hay, thiết thực, hiệu quả” làm đột phá để tiến tới đạt các chỉ tiêu về “xây dựng nông thôn mới” ngay trên địa bàn ấp, do Chị Hội Cựu chiến binh đi tiên phong, làm cố vấn.
Đúng “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, khi đã khơi dậy được rồi, không phải chỉ có các thành viên trong Hội Cựu chiến binh mà mọi người trong ấp đều ý thức được điều đó. Cho nên chỉ trong vòng hai mùa mưa, cả ấp đã trồng xong hệ thống cây bóng mát xen cây ăn trái trên các tuyến đường. Mỗi con đường được mang tên tổ chức của mình và chịu trách nhiệm bảo vệ, tu bổ, vệ sinh và giữ gìn an toàn giao thông. Ví dụ, con đường chính ở trong ấp mang tên Đường Trường Sơn, do Chị hội Cựu chiến binh quản trị. Đường từ ấp về trường học do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm…Cứ thế, Nhà văn hóa ấp được xây dựng khang trang, sân bóng chuyền, bóng đá hình thành và có chủ nhân quản lý, điều hành. 
Nói như vậy không phải là không có khó khăn, cản trở, thậm chí có sự phá hoại của phần tử chống đối. Ví dụ, khi xây dựng Nhà văn hóa ấp, có tiếng xì xào:
-Đình làng rộng, trường học nhiều, cần thì thiếu gì chỗ ngồi họp hành, biểu diễn văn nghệ, làm gì phải xây dựng mới, tốn tiền, tốn của của dân. Có kẻ còn mạnh miệng:
-Chúng vẽ ra để ăn % tiền “bo” chủ thầu xây dựng, chia chác nhau!
Nhưng rồi, chuyện làm nhà Văn hóa thành công tốt đẹp. Hôm mừng công, Bản quyết toán công trình được công bố chi tiết, rõ ràng từng hạng mục, minh bạch từng khoản thu, chi có sự giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại diện lãnh đạo ấp. Đặc biệt, có hơn một chục mạnh thường quân là con em của bà con trong ấp làm ăn xa gửi về gần 100 triệu đồng để mua thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ trong nhà Văn hóa. Riêng con bà Trần Thị Mai, ở thành phố Biên Hòa gửi biếu một hệ thống loa đài truyền thanh trị giá gần 20 tiệu đồng.
Năm ngoái trong ấp xảy ra một việc rất phức tạp. Đó là khu vực lò gạch của hộ ông Hiền, nằm sát Văn phòng và Nhà Văn hóa, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, gây bức xúc cho nhân dân. Đã nhiều đoàn thanh kiểm tra đến làm việc,có kết luận khu vực lò gạch gây ô nhiễm không khí rất nặng, phải di dời đi nơi khác và thay đổi công nghệ, không được sử dụng cây cối, rác thải để đốt lò, nung gạch. Đất dùng nung gạch ngói phải được cấp phép và đóng thuế tài nguyên. Nhưng chuyện cứ đâu vào đó, mỗi khi gió thổi mạnh, khói đen kịt, mùi hăng hắc, hoai hoai từ khu vực lò gạch bay mù mịt khắp ấp ấp. Nhiều người già, trẻ em mắc bệnh ho, bệnh phổi phải điều trị lâu ngày. Ông Trường, mời ông Hiền đến nhà uống nước, lấy chỗ bạn hữu cùng học với nhau một lớp, động viên, khuyên giải:
-Anh có tiềm lực, con cháu đông, đất đai nhiều, thiếu gì mô hình để làm giầu mà cứ bám vào mấy cái lò gạch thủ công cỗ ấy. Người khác không biết, nhưng con cháu ông trực tiếp lao động, hít chất độc nhiều hơn nên bị bệnh trước cho mà xem.
-Biết vậy, nhưng thiệt hại này ai gánh chịu với tôi?
-Khi anh làm việc này không phép tắc gì thì nay mình phải chịu, chứ ai chịu cho anh? Theo tôi anh nên chủ động làm đơn, trình bày hết khó khăn và kiến nghị chính quyền thật cụ thể. Mình có thiện chí, thì chẵng ai bỏ mặc mình, họ sẽ giải quyết có tình, có lý. Anh cứ làm theo “ý dại” này của tôi, xem có kết quả hay không?
-Chú nói có lý, nhưng mấy thằng cha này ranh mãnh lắm, “đòi ăn” kìa!
- Chưa gì cả mà đã nản lòng. Anh đừng có lăn tăn, cứ làm vậy, có gì báo lại với tôi!
Tối hôm sau, ông Hiền mời con cháu đến nói lại phương án di dời cơ sở sản xuất gạch ngói ra khỏi khu dân cư. Rất nhiều ý kiến tán thành, nhưng cái khó là chuyển đi đâu, thay đổi công nghệ như thế nào…?
Sau khi nhận đơn kiến nghị của ông Hiền, Ủy ban nhân dân xã có buổi làm việc chuyên đề về lĩnh vực này và đi đến kết luận: Xã quy hoạch khu sản xuất làng nghề, có chính sách cụ thể cho các hộ, tổ chức, doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở đây. Trước mắt, hỗ trợ mỗi hộ di dời trước 50 triệu đồng, kiến nghị Nhà nước miễn thuế doanh nghiệp hai năm đầu và đề nghị Ngân hàng nông nghiệp- Phát triễn nông thôn cho vay vốn ưu đãi.
Ông Hiền cầm Quyết định thành lập Công ty TNHH và Quyết định cho thuê đất trong khu làng nghề, mang tên mình trong tay mà cứ tưởng như mơ! Ông phóng xe máy đến nhà ông Trường:
-Đây là sản phẩm quý hơn vàng ông “cho” tôi đây.
-Tôi biết từ tối qua kìa. Bên Ủy ban điện cho tôi, có gì hỗ trợ anh thêm. Tôi hứa là ít nhiều gì Hội Cựu chiến binh cũng…
-Như vậy là chí nghĩa, chí tình! Tôi thành thật xin lỗi và cảm ơn anh rất nhiều!
Bốn tháng sau, khu vực sản xuất gạch ngói của gia đình ông Hiền thành khu chợ ấp, tuy còn đơn sơ, tạm bợ nhưng bà con trong ấp không phải mất nhiều thời gian cho chợ búa, tiêu thụ được nông sản của mình làm ra, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bà cụ Mai Thị Mến năm nay hơn 80 tuổi, tay chống gậy, tay cầm túi xách nhỏ, miệng nhai trầu thuốc, răng còn đen bóng, cười vui nói với mấy bà bạn cùng đi ăn sáng trong chợ về:
-Mấy ông Cựu chiến binh ở ấp mình thật là giỏi, làm gì cũng tốt, từ sản xuất đến chợ búa, đến đường làng, ngõ xóm…đâu cũng tươm tất.
- Bà có biết gì không? Anh Trường ấp mình ấy, vừa lên chức và tăng lương đấy!
-Nghe đâu anh ấy làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã !
- Như vậy là hợp lòng dân. Người ta có tài, có tâm, làm việc nhiệt tình, đâu ra đấy thì phải giao việc lớn cho họ làm để dân lại được nhờ chớ!
            Ông Trường lên xã làm việc, đồng chí Lê Tiến Phát, Đại úy,vchiến sỹ Tiểu đoàn pháo binh bảo vệ tuyến đường Trường Sơn những năm tháng kháng chiến chống Mỹ được bầu làm Chủ tịch Chi hội Hội Cựu chiến binh ấp Đình Đa. Phát huy những thành tích đạt được, mấy năm gần đây hoạt động của Chi hội đi vào chiều sâu. Trọng tâm là giữ vững bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Trong thời gian này, Chi Hội đang khẩn trương hoàn thành công trình “Cổng Ấp An Toàn”. Cổng Ấp đã được xây dựng xong, khá hiện đại, mỹ thuật và vĩnh cữu, biểu tượng của ấp Đình Đa: Đình là nhà rộng lớn, là tập họp, tập trung tinh hoa; Đa là nhiều, nhiều nhân tài, vật lực để vươn lên thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc. Tiếp theo là hệ thống đèn chiếu sáng các tuyến đường trong ấp. Một doanh nghiệp ở khu làng nghề của xã đã ủng hộ 50 cây cột điện bê tông, 50 bộ bóng đèn cho ấp. Chi Hội Cựu chiến binh chịu trách nhiệm điều hành hệ thống chiếu sáng và cổng làng thông minh. Đúng 22 giờ hàng ngày đóng cổng, 5 giờ sáng mở cổng. Ai có công việc khẩn gọi điện theo số…trực 24/24 giờ.
Chủ tịch xã Nguyễn Minh Nhật đến xem công trình “Cổng Ấp An Toàn” của Đình Đa rất vui, ông gật đầu:
-Đây là nông thôn mới, chứ ở đâu xa. Không phải mô hình nữa mà là sự thật hiển hiện trước mắt chúng ta. Không phải tham quan ở đâu cả, cứ về Đình Đa mà học tập.
 
                                                Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2-8-2019
                                                                  Trịnh Huỳnh Đức                           
Phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình dương
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan