MỐI TÌNH ĐẦU CỦA THỦY
Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
Thủy tuổi Bính Thân, sinh cùng ngày nhưng hơn Hằng hai tuổi, nhà ở gần nhau trong khu xóm Nghè. Thủy và Hằng là cặp đôi khá hoàn hảo ở làng Thanh. Thủy điển trai, con nhà khá giả, học xong cấp ba, có tài lẻ, chơi đàn ghi ta tốt cả tân cổ nhạc. Hằng có nước da trắng, cao dong dỏng, đôi mắt tròn đen lay láy và điệu cười duyên tỏa sáng “chết” người, nên khi mới học xong cấp hai đã nhiều “ong bướm” bu quanh cô. Nhưng Hằng không chịu ai cả, lúc nào cũng bám lấy “cây đàn đinh” của đội văn nghệ xã. Nhiều hôm ấy, Đội Văn nghệ được mời đi biểu diễn giao lưu các nơi trong tỉnh, ngồi sau xe, Hằng cứ ôm chặt lấy Thủy sợ người khác “cõm” mất. Nhiều người trong xã khen họ xứng đôi, vừa lứa đẹp như tình yêu đôi lứa trong các cuốn tiểu thuyết mùi mẫn nổi tiếng một thời được lứa tuổi học trò chuyền tay nhau đọc thâu đêm. Rồi đầu năm học cấp ba trường huyện, Hằng có hai chàng trai sắp lên đường nhập ngũ, đến xin hỏi cưới. Hằng tính chảnh chọe, mở miệng thật khó nghe:
-Hơi đâu mà lấy mấy ông rớt đại học, phải đi…
Thủy không để Hằng nói hết câu, giơ tay lên:
-Đừng nói thế, chạm lòng tự ái người ta. Mình phải cám ơn người ta, vì họ yêu mình. Người với người sống để yêu nhau cơ mà!
Hằng vùng và vùng vằng, hất tay Thủy ra khỏi bờ vai tròn cong của mình:
-Ông đi đi. Đừng để tôi cáu tiết!
Họ giận nhau cả tuần, không thèm gặp mặt nhau. Rồi một hôm, Thủy nhận được tin mình không đỗ đại học. Thủy buồn, bỏ nhà ra Hà Nội với cô ruột. Chơi được mấy hôm mấy em con cô khuyên Thủy:
-Anh cứ ở đây, tập trung tư tưởng, ôn thi một năm. Cánh cửa Học viện Âm nhạc không đón anh thì em sẽ…
-… Sẽ rớt cho coi!
-Đừng trù ẽo, em coi chừng không lại “bay” đấy!
Ba anh em cùng cười, giơ nắm tay đấm vào nhau, hãy cố gắng.
Sáng hôm sau, Thủy nói nói chuyện với cô chú về những dự định của mình. Cả cô và chú đều tán thành kế hoạch ấy và hứa sẽ cô gắng tạo mọi điều kiện có thể để Thủy đạt được ước mơ của mình, trở thành một nhạc sỹ trong tương lai. Nhưng một lúc sau, bố Thủy gọi điện thoại, nhắn con về gấp có việc cần trong gia đình. Thủy quyết không về. Cô phân tích cho Thủy nghe:
-Cháu nghe lời cô về đi. Cô sẽ nói chuyện với bố mẹ cháu sau!
-Cháu mà về, bố mẹ cháu bắt cưới vợ cho mà coi!
-Đừng lo, đã có cô chú!
Vừa về đến nhà, bố gọi Thủy vào:
-Con nên xung phong đi bộ đội đợt này. Vào bộ đội rèn luyện tác phong quân đội, vừa có điều kiện tốt để sau khi hoàn thành nghĩa vụ thi vào đại học. Bố tin con đường ấy tuy có dài hơn, nhưng chắc chắn con sẽ thành công.
Đêm ấy, đối với Thủy thật dài. Đã 23 giờ mà cậu không thể nào nhắm được mắt. Đến lúc này thủy mới nhớ đến Hằng. Khuôn mặt ấy, con người ấy cách đây vài ngày còn ghét cay, thế mà bây giờ mình hèn thế, lại nhớ người ta… Rồi Thủy lấy giấy viết ra, viết lia lịa:
H…ngủ say rồi phải không? Còn T…không tài nào “gáy” được. Muốn quên đi tất cả. T…muốn tất cả phải quên đi, vì T…rớt đại học, vì H…bỏ mình, vì bố mẹ T khuyên mình đi bộ đội. T sẽ nghe lệnh của bố vì ngày xưa ông cũng là lính Trường Sơn, đã nói là làm, có nhiều kinh nghiệm sống và chiến đấu…
H…coi mấy dòng ngắn ngủi này là lời chia tay của chúng ta!
Tạm biệt H…
Nguyễn Trọng Thủy
Gấp gọn thư, xếp vào phong bì màu hồng, kẻ sọc, nhẹ tay để trên đầu giường, Thủy nằm lăn ra giường. Khi đã gột rửa được những tâm tư khúc mắc trong đầu, người ta cảm thấy thoải mái hơn, dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Thủy cũng vậy, ngủ đến bảy giờ sáng mà vẫn chưa thèm thức dậy.
Đi bộ trong sân đủ 50 vòng, bố Thủy đi lên nhà trên, gọi con:
-Thủy ơi, dậy đi con! Dậy ăn sáng còn đi ra xã khám sức khỏe!
-Dạ, con dậy ngay đây! Bố nói mấy bạn chờ con với nha!
Thế là con đã nghe lời mình, ông thấy vui vui, gọi bà xã:
-Hôm nay bà cho bố con tôi ăn gì vậy, mì tôm hay mì xào?
-Ăn phở…nhưng không có thịt heo, chỉ có thịt bê thôi, chịu không?
-Bà cũng lắm chuyện, phở là số một rồi, còn thịt gì mà chả ngon!
- Thịt heo bây giờ bị bệnh, ăn làm sao được mà ngon?
- Bà nói sai rồi! Phải chuẩn thế này: Heo bị bệnh dịch tả Châu Phi không lây qua người. Heo nhà ai mà có bị bệnh này phải báo cho chính quyền địa phương tiêu hủy, nhà nước hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Nếu không, bệnh sẽ lây lan nhanh ra môi trường, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho nhân dân.
-Tôi biết rồi thầy ơi. Mời cả nhà vào ăn sáng nào!
Thủy ăn sáng xong, chào bố mẹ, lấy xe chạy vội qua nhà bạn Lan, nhờ đưa thư cho Hằng, rồi phóng xe ra Nhà Văn hóa xã, khám sức khỏe.
Chiều tối Hằng mới nhận được thư. Biết là thư của Thủy, tim hồi hộp đập thình thịch, nhưng vẫn còn ấm ức lắm. Cái giận cứ còn tưng tức trong ngực nên Hằng không thèm xem, vứt trên bàn trang điểm trong buồng.
Mấy ngày sau, Đoàn xã tổ chức liên hoan cho mười thanh niên ở địa phương lên đường nhập ngũ. Đội Văn nghệ xã đến phục vụ buổi liên hoan, nhưng không thấy có Hằng. Ai cũng bảo Hằng đi thành phố chưa về và tiếc không được nghe tiết mục đơn ca quen thuộc của người đẹp xóm Nghè. Cho đến khi buổi liên hoan sắp kết thúc, Hằng chạy vội lên sân khấu, cầm Micờrô hát bài “Người ở đừng về”. Giọng hát của Hằng ngân vang, trầm bỗng, láy luyến du dương, ngọt lịm…Hội trường, ngoài sân Nhà Văn hóa cả ngàn người lặng như im không một tiếng động nhỏ, nhường cho lời tâm tình của người bạn gái đang giận hờn, yêu thương gửi lòng mình vào trong gió…Tiếng hát vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên ầm ầm từng hồi dài. Lúc ấy, trên sân khấu mới xuất hiện “cây ghi ta” của Đội Văn nghệ - Nguyễn Trọng Thủy quần áo vét màu sáng vàng, lấp lánh dây kim tuyến, chạy lại ôm Hằng vào lòng:
-Xin lỗi Hằng, mình đi và sẽ trở lại với các bạn! Chúc mạnh khỏe và nhiều may mắn!
Thủy buông tay, nhưng Hằng không chịu cố ghì sát người vào Thủy thật lâu, trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người.
***
Ba năm sau, mẹ Thủy và mấy người thân trong dòng họ ra tận sân bay Nội Bài đón Thủy. Thủy khỏe mạnh, hồng hào và đẹp trai hơn trước. Chiếc ba lô vẫn lép xẹp sau lưng, tay xách chiếc cặp nhỏ và vai đeo chiếc ghi ta quen thuộc. Thủy chạy lại với mọi người chào hỏi thân mật và ôm lấy mẹ:
-Mẹ ơi…Con của mẹ về đây? Mẹ có khỏe không nào?
Mẹ Thủy cầm chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt và nhún cao chân lên ôm chặt lấy cổ con trai:
- Con ơi, người ta đi lấy chồng rồi!
- Mẹ kìa! “Vắng sao Hôm, có sao Mai”. Mẹ vui lên, mọi người cười cho bây giờ! Mình có ghé nhà cô ba không hở mẹ?
- Cô con nói, hôm nay bận việc cơ quan cả ngày, mình về rồi Chủ nhật cô chú và các em sẽ lên chơi.
-Thế cũng được mẹ ạ!
Cả nhà ra xe về nhà, mọi người cười nói thật rôm rã.
Thời gian ở quân đội, Thủy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong trận đánh ở mặt trận Vị Xuyên đầu năm 1984, anh đã có sáng kiến đưa pháo bí mật tiếp cận gần trận địa của địch, bất ngờ nổ súng, đánh tan âm mưu chiếm đóng điểm cao chiến lược, giành thế chủ động để bộ đội ta tấn công lấy lại phần đất đai thiêng liêng nơi biên giới. Trong trận đánh đó, riêng anh đã dùng súng bộ binh bắn chết hai tên giặc đang bò lên nhổ cờ Tổ quốc. Anh vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và đại diện cho toàn sư đoàn đi dự Đại hội Chiến sỹ Thi đua toàn quân.
Đợt thi tuyển vừa qua, anh đậu vào Học viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, khoa sáng tác với số điểm khá cao. Hôm thi phần năng khiếu, anh vừa đàn, vừa hát bài “Người ơi người ở đừng về” theo phong cách của người bạn gái ấy. Người con gái đẹp trong mơ, nhưng mình không có duyên với họ. Chuyện duyên nợ ấy, khó mà quên, cũng như cuộc đời của mỗi người, không bao giờ quên được tuổi trẻ đầy mơ mộng và thật đáng yêu của mình.
Mấy ngày về với mẹ, viếng mộ bố và bà, thăm bà con, làng xóm, hôm nay Thủy lại bay vào thành phố Hồ Chí Minh để học tập, theo đuổi ước mơ của mình và gia đình. Trước khi đi, Thủy gửi cho Hằng mấy dòng nhắn nhủ…để trong chiếc phong bì màu hồng. Màu của hai người cùng ưa thích, đắm say.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6-8-2019
T.H.Đ
-
ĐT: 0969406504 ;Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
-
Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.