"Phu hồ" - Truyện ngắn của Phạm Hồng Loan – Nam Định, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 05:32 25/08/2019 Lượt xem: 1.397
PHU HỒ
Truyện ngắn

         Một buổi tối, cả nhà đang ngồi ăn cơm, mẹ quay sang bố:
-Anh à, em nghe tivi nói năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng. Hay mình làm chống nóng trên  mái phòng cu Tít. Anh thấy thế nào?
          Cu Tít – tên cúng cơm của thằng em trai tôi  nhanh nhảu:
-Hoan hô mẹ. Ý kiến tuyệt vời đấy. Mọi năm cứ đến hè là con không sao chịu nổi. “Ngột làm sao, chết uất thôi.” Nó ngân nga câu thơ của thi sĩ Tố Hữu rồi quay sang bố:- Bố làm cho con đi nhé. Mùa hè sắp đến rồi.
-Ừ. Mấy mẹ con muốn làm thế nào cũng được. Nhưng ngày mai bố phải đi công tác rồi.
-Em định bàn với anh thế này. Căn phòng đó mình không xây chống nóng mà mua thêm ít luồng làm cái mái nghiêng, lợp kín vừa có tác dụng chống nóng vừa để đựng các thứ linh tinh khi nhà có việc.
-Nhất trí. Sáng chủ nhật mẹ con em tiến hành đi. Nguyên vật liệu em ra đầu phố, thứ gì cũng có. Ở đấy có cả chợ lao động. Nhớ chọn những người đứng tuổi, có tay nghề.
          Dặn dò thế thôi chứ thực ra bố tuyệt đối tin tưởng vào mẹ trong mọi chuyện. Cái nhà này ngày xưa khi mua về chẳng một tay mẹ nâng cấp sửa chữa, trông coi quán xuyến đó sao. Bố thì quanh năm suốt tháng đi công tác, thỉnh thoảng mới đảo qua nhà. Làm sao lo hết mọi chuyện.
          Sáng chủ nhật, tôi đang mơ màng thì mẹ đã mở cửa:
-Dậy đi con. Ăn sáng rồi chở mẹ đi công việc.
-Việc gì vậy mẹ?
-Ô hay. Con quên mất việc bố giao cho mẹ con mình rồi à?
-Vâng ạ. Con dậy ngay đây.
       Tôi đưa mẹ ra hàng vật liệu xây dựng. Lựa chọn xong xuôi, tôi chở mẹ đi trước dẫn đường cho người chở vật liệu về. Chợt một chiếc xe máy phóng vèo qua tông vào xe xích lô. Chiếc xe đổ nghiêng. Gã lái xe bò dậy, cà nhắc dựng chiếc xe máy  rồi rồ ga vọt thẳng. Tôi vội dừng xe. Hai mẹ con chạy tới nhặt nhạnh những thứ vãi tung tóe trên đường.Vừa lúc đó, một người đàn ông tóc hoa râm dừng xe máy lại:
-Để bác nhặt giúp nào.
-Dạ. Cháu cảm ơn bác.
-Nhà cháu mua những đồ này về để sửa chữa nhà hay sao?
-Vâng ạ.
-Thế à? Bác quay sang mẹ tôi? Trước vẻ cởi mở, chân tình của người đàn ông, hai người vui vẻ trò chuyện.
     Xong xuôi mọi việc, tôi đưa mẹ ra chợ lao động. Dưới bóng mát của những cây cổ thụ, từ lâu đây là nơi những người dân quê tập trung chờ đợi người đến thuê làm việc. Vừa thấy tôi dừng xe, cả đám người ào ra. Những khuôn mặt khắc khổ. Những bộ quần áo lao động bạc màu. Những đôi dép tổ ong cũ nát. Tôi chợt bắt gặp một đôi mắt mở to chờ đợi. Liếc nhanh qua tôi, hắn quay sang khẩn khỏan với mẹ tôi: “Cô ơi, cô có việc gì cho cháu làm với. Cháu đang rất cần việc làm để có tiền nộp học ạ.”  Rất cần. Đã đứng ở đây thì ai mà chẳng cần việc làm cơ chứ. Nhưng cái dáng kia thì chỉ thích hợp với việc làm người mẫu thôi.  Sao có thể làm bốc vác hay phu hồ chứ. Ai mà dám thuê. Tôi nhắc khéo mẹ:
-Mẹ nhớ lời bố dặn đấy.
-Ừ. Mẹ biết rồi.
      Vừa lúc đó bác già tóc hoa râm đi xe đến. Sao lạ vậy kìa? Trong lúc tôi mải ngắm hàng thời trang mới mở bên kia đường thì bác và mẹ sôi nổi bàn bạc. Đám đông thất vọng quay lại gốc cây. Người im lặng. Kẻ bàn tán. Người dõi mắt vào dòng người hối hả ngược xuôi, hy vọng một ai đó dừng xe. Để rồi hy vọng, Để rồi lao ra nhao nhao xin việc. Để rồi thất vọng nhìn chiếc xe rồ máy, để lại đằng sau đám khói khét lẹt.
        Mẹ con tôi về nhà một lúc thì bác già cũng đến, theo sau là hai người nữa. Lại cái gã thư sinh trói gà không chặt kia. Kìa! Hắn còn nhìn mình cười tủm tỉm nữa. Định làm quen chắc? Rõ dơ. Ai hơi đâu…Cái đồ…Mà của đáng tội, cái mặt hắn cũng không đến nỗi nào. Ừ. Sao hắn lại phải làm những việc này cơ chứ? Thôi. Mặc xác hắn với việc phu hồ của hắn.
      Đầu giờ chiều, mẹ bảo:
-Con nấu cho mẹ nồi chè. Ba giờ chiều mang lên sân thượng cho các bác thợ. Chiều mẹ lại có công việc rồi.
-Mẹ cứ kệ họ. Không có chè ăn họ vẫn phải làm cơ mà.
-Sao con lại có những suy nghĩ  như thế nhỉ? Mẹ thất vọng  về con đấy. Đành rằng không có gì cho thêm họ vẫn cứ phải làm. Nhưng đó là tình người, con ạ. Mình có tốn kém một chút cũng có sao đâu. Họ làm vất vả cả ngày. Phải biết cảm thông, san sẻ với mọi người, con ạ.-  Mẹ thì lúc nào cũng thế. Thôi đành vậy. Bỏ đỗ vào nồi áp xuất đun cho chóng nhừ. Xong việc, tôi khệ nệ bưng lên tầng ba.Vừa thấy tôi ló mặt lên đầu cầu thang, hắn vội vã chạy xuống, cứ như là đã đợi tôi từ lâu lắm:
-Nào cô bé. Để anh giúp một tay. Chẳng để tôi kịp phản ứng, hắn đỡ lấy cái nồi trên tay tôi. Cô bé…Cứ làm như người ta còn bé lắm ấy. Mà ai cho hắn xưng anh cơ chứ.  Cái ngữ này chỉ bằng tuổi tôi là cùng. Tôi đến bên bác thợ:
-Bác ơi. Mẹ cháu bảo mang lên cho các bác đây ạ. Mời các bác dừng tay ăn chè cho mát.
Bác nhìn tôi cười đôn hậu:
-Cảm ơn mẹ con cháu. À, mà cháu bao nhiêu tuổi? Cháu đã đi làm chưa hay vẫn còn đi học?
-Dạ cháu đi làm được hai năm rồi, bác ạ. Cháu là giáo viên.
-Thảo nào.- Bác quay sang hắn, nháy mắt với cái nhìn thật lạ. Chẳng hiểu bức thông điệp của bác thế nào mà hắn nhún vai, quay đi với nụ cười có trời mới hiểu được- Nào, cháu có rỗi thì ngồi xuống đây, bác cháu ta nói chuyện. Ơ kìa Dũng, giúp cô bé này một việc. Xuống phòng ăn mang bát lên đây chứ. Tôi lặng nhìn bác thợ già. Phong thái, cách nói chuyện của bác đâu phải của người lao động quanh năm đầu tắt, mặt tối kia chứ. Tôi tò mò ngồi xuống bên ông:
-Bác làm việc này đã lâu chưa ạ?
-Bác làm từ khi bằng tuổi hai đứa mày ấy.  Ơ hay. Sao bác lại thế? Khi không lại kéo cả hai đứa vào. Rõ thật là…Tôi đứng lên, định cáo lui thì chợt bác hỏi:
-Này, cái ông hàng xóm nhà cháu bên kia- bác chỉ tay sang nhà bên cạnh-có vẻ khó tính thật. Lúc nãy ông ta mở cửa, gườm gườm nhìn sang đây, nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi đóng sập cửa lại.
Tôi bật cười:
-Ông ta chuyển về đây nửa năm rồi, bác ạ. Dọn về hôm trước, hôm sau ông ta làm một hệ thống hàng rào đến con kiến cũng không chui lọt. Chẳng bao giờ ông ta hỏi han ai. Cũng không cho ai vào nhà. Năm thì mười họa ông ta mới có khách.
-Khách thường là những ai, cháu có biết không?
-Dạ, cháu cũng không để ý đâu ạ. Họ chỉ đến một lúc rồi đi mà đa phần là đàn ông, bác ạ.
-Có lẽ đó là một con người lập dị - Hắn xen vào –Này, cô bé, cái sân thượng bên ấy hướng đông nam, chắc buổi tối ông ấy hay lên đó hóng mát. Ngồi ở đó mà chuyện trò chắc là rất thú vị đấy.
-Ai mà thèm nghe chuyện của ông ta cơ chứ. À. Có một lần ông ta đưa khách lên đây. Họ cãi nhau ghê lắm, ở bên này nghe rõ mồn một.- Hai người nhìn nhau rồi nhìn sang nhà bên cạnh. Sân thượng nhà tôi chỉ cách bên ấy một cái với tay. Trước đây, tôi và con Nhung thường nhảy qua lối này sang nhà nhau chơi, chẳng cần qua cổng. Khi bố nó bán nhà, chuyển đi nơi khác, tôi buồn đến mấy tháng.
Vừa lúc đó, cu Tít ở đâu lò dò đến:
-Chị ơi, chị giảng cho em bài toán này với. Khó quá, chị ạ.
-Hừ. Chịu khó mà suy nghĩ vào. Chưa làm bài đã đi hỏi. Học hành cẩn thận, kẻo sau này lại như…Tôi chợt nín bặt khi gặp cái nhìn của hắn. Chà! Thằng cha ghê thật. Hắn đọc được ý nghĩ của mình sao chứ? Cụt hứng, cu Tít quay ngoắt xuông cầu thang. Chợt hắn gọi: “Cậu bé. Mang bài toán lại đây anh xem nào.” Hắn cầm tờ giấy, liếc nhanh, gật gù. Thằng  Tít xán lại, nghiêng đầu nghe hắn nói. Lát sau, nó thở phào: “Chà! Anh siêu thật. anh giảng còn dễ hiểu hơn mấy ông thày ở chỗ học thêm của em. Em còn mấy bài hóc lắm, anh giảng cho em nhé.”
-Tốt quá. Hay là bây giờ cháu nghỉ làm, giúp em Tít học bài. Cô sẽ trả công cháu như công thợ - Mẹ tôi đã về từ lúc nào không biết.
-Thôi, cô ạ.- Hắn quay sang cu Tít – Thế này nhé, tối nay anh sẽ đến. Có bài nào khó, anh em mình cùng chiến đấu. Được không?
    Từ một bài tóan khó, hắn nghiễm nhiên trở thành gia sư không chính thức cho thằng em khó bảo cuả tôi. Để rồi cứ tối tối hắn lại đến. Chẳng còn ai nhận ra cái gã thợ phụ lóng ngóng buổi sáng nữa. Không hiểu sao hắn lại thích cùng thằng Tít leo lên mái nhà đang làm dở ngổn ngang vôi vữa học bài. Ngồi trong phòng mát mẻ với điều hòa không muốn. Bộ hắn khùng chắc? Ấy thế mà bố mẹ tôi lại quí hắn ra mặt. Hôm nào hắn không đến lại thắc thỏm làm tôi cũng sốt ruột. Bực nhất là ngay lập tức thằng Tít cho tôi “ra rìa”. Lúc nào nó cũng: Anh Dũng bảo thế này, anh Dũng bảo thế kia. Trước đây, nó phải năn nỉ, ỉ ôi chán, thậm chí phải rửa cả mâm bát đầy ụ tôi mới giảng bài cho. Bây giờ nó còn ngang nhiên tuyên bố “bất hợp tác” với tôi nữa. Đã vậy, nhờ nó làm việc gì cũng khó. Hừ. Để xem. Liệu cái gã phu hồ kia có làm nên trò trống gì không? Một buổi sáng, bác thợ bảo mẹ: “Ngày mai mấy anh em tôi có việc đột xuất phải về quê mấy ngày. Anh chị thông cảm. Mấy hôm nữa, chúng tôi sẽ làm nốt công việc cho gia đình.” “Thôi cũng được. Chỉ mong các anh hoàn thành sớm cho gọn gàng.” Sao bây giờ tôi lại thấy ngày dài hơn mọi khi nhỉ? Rõ vớ vẩn. Mình lại nghĩ lung tung rồi.
       Sáng chủ nhật, tốp thợ lại đến. Lần này có thêm mấy người nữa. Bác thợ giải thích là để cho công việc kết thúc nhanh hơn. Họ kì cạch đóng, gõ chan chát trên trần nhà. Bác thợ và cả gã thợ phụ nữa hôm nay có vẻ căng thẳng, bồn chồn. Thế mà tôi nghĩ khác cơ đấy. Có một điều lạ là tôi hay bắt gặp cái nhìn chăm chú của hai người sang nhà hàng xóm. Điều gì vậy? Khoảng bốn giờ chiều, ba mẹ con đang xem tivi trong phòng khách, chợt hắn xộc vào:
-Cô ơi, đáng lẽ cháu không được tiết lộ đâu, nhưng cháu lo cho cô và em. Bây giờ cả nhà cứ ngồi yên trong phòng và bình tĩnh nhé. Khi nào yên tĩnh mới được ra. Cu Tít nhớ chưa. Mẹ con tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì thì hắn đã biến mất sau cánh cửa đóng sập. Tôi run lên khi nghe tiếng cánh cửa sắt mở toang. Tiếng người chạy lên cầu thang gác vội vã. Mẹ tôi ôm chặt cu Tít, mặt trắng bệch. Chuyện gì đang sảy ra ngoài kia? Lại tiếng còi ô tô cảnh sát. Tiếng phanh gấp cháy đường. Lạy trời đừng có chuyện gì sảy ra. Đừng có chuyện gì không hay sảy ra cho hắn. Rõ dở hơi. Đang lúc dầu sôi lửa bỏng lại đi lo những chuyện không đâu. Khoảng nửa tiếng sau, hay lâu hơn nữa, tất cả bình yên trở lại. Cu Tít mở cửa lò dò ra ngoài. Lát sau, nó quay lại, hớn hở: “Mẹ ơi, ra đây mà xem này.”Tôi lách ra cửa còn nhanh hơn cả cậu em, tò mò nhìn qua cánh cổng sắt. Bên kia đường, đám người hiếu kì đã tụ tập, chỉ trỏ, bàn tán. Từ trong nhà ông hàng xóm khó tính, lố nhố một đám bị còng tay, lần lượt bước theo sau mấy người công an ra chiếc xe thùng đã đợi sẵn. Có chuyện gì vậy? Thôi đúng rồi. Chắc đây là nơi chứa chấp bọn tội phạm. Mà kìa. Mắt tôi bị hoa chăng? Hình như bác già và cả hắn nữa đi sau ông hàng xóm hai tay bị còng. Hắn cũng là tội phạm ư? Không thể nào. Tôi bám chặt vai mẹ.
      Có tiếng còi ô tô cảnh sát hối hả. Một chiếc xe lao đến. Trên xe, một người đàn ông trung tuổi bước xuống. Ánh mắt ông quét qua bọn tội phạm rồi trìu mến dừng lại ở hắn. Sao thế nhỉ? Tôi chưa kịp hiểu thì ông đã bước đến, ôm vai hắn mà lắc: “Khá lắm! Chú mày khá lắm.” Hắn tít mắt cười. Nụ cười mới rạng rỡ làm sao. Ừ mà người ta đâu có để ý đến mình. Tôi vừa định quay vào thì chợt nghe tiếng gọi:
-Cu Tít ơi. Bỏ lại ông Thủ trưởng đang ngẩn người ra, hắn lao đến ôm lấy cu Tít, xoay tròn ­– Thắng lợi rồi, em biết không. Thế này nhé: Lệnh tấn công. Từ sân thượng nhà em, bọn anh lao sang, đạp đổ hàng rào sắt, đạp bung cánh cửa xông vào. Từng mũi tỏa xuống các phòng. Cả tụ điểm với 6 tên bị bắt gọn, không thằng nào kịp chống cự.
      Vừa lúc đó, bác già bước đến. Trước vẻ mặt ngạc nhiên đến sững sờ của mẹ con tôi, bác vỗ vai hắn, tươi cười: “Thắng lợi rồi, chú nhóc.” Bác quay sang mẹ tôi: “Xin lỗi đã làm chị và các cháu sợ. Xin giới thiệu với chị, đây là Chiến sĩ Cảnh sát hình sự xuất sắc của chúng tôi, người có công lớn trong chuyên án này. Cả cháu nữa, cô bé ạ. Cháu đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc thu thập tình hình để lên phương án tác chiến.” Tôi cứ tròn mắt hết nhìn bác rồi nhìn hắn. Thảo nào. Hắn cứ hỏi tôi xem nhà bên kia có mấy phòng, đồ đạc kê ra sao. Phòng vệ sinh, nhà bếp có giống như nhà của em không. Tôi nghi ngờ nhìn hắn: Hỏi gì mà kĩ thế? Bộ tính nhập nha hả? Hắn chẳng hề tự ái mà còn tươi roi rói: À, anh tính tìm hiểu kĩ các kiểu cấu trúc nhà để mua một căn rồi cưới vợ. Người yêu anh chẳng khác em chút nào. Cũng khó tính, khó nết, lại hay ăn hiếp anh nữa chứ. Sợ mua về, cô ấy không đồng ý. Thế thì thôi. Không thèm nói nữa. Đi mà tìm hiểu lấy. Không biết tôi giận, hôm sau, hắn cả gan chìa trước mặt tôi một tờ giấy: “Này em, xem anh vẽ có giỏi không. Căn nhà này có giống những điều em mô tả không?” Tôi liếc nhanh. Phải công nhận hắn có trí nhớ tuyệt vời. Tôi đang định giơ tay giật lấy vò cho nát thì bác già –vị cứu tinh của hắn xuất hiện. Bác cầm tờ giấy, gật gù: “Ờ. Cậu có con mắt của một Kiến trúc sư đấy, nhưng cậu vẽ chỗ này hình như chưa chính xác. Tôi nhớ những căn nhà xây trước kia thường có gác xép. Chắc nhà hàng xóm của cháu cũng thế phải không?” Tôi bị cuốn vào câu chuyện của bác lúc nào không biết: “Đúng đấy, bác ạ. Nhưng nhà cháu thì phá đi rồi, còn nhà cái Nhung – tôi chỉ tay sang nhà bên cạnh – thì vẫn để. Hồi còn nhỏ, cháu và nó hay chui vào đó chơi trốn tìm. Hôm nó đi, cháu và nó còn vào đấy ôm nhau mà khóc mãi.”
    Có tiếng còi xe. Bác già quay sang mẹ tôi:
-Cảm ơn gia đình rất nhiều. Bây giờ chúng tôi còn phải về hòan thành nốt việc còn lại. Công việc ở đây, chúng tôi giao cho cậu Dũng làm nốt.- Bác lại nháy mắt nhìn hắn với nụ cười có trời mới hiểu được –Hy vọng cậu ấy sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
     Hắn theo bác ra xe. Thằng Tít bám lấy tay hắn:
-Vậy mai anh có đến nhà em nữa không? Anh có dạy em học nữa không?
-Có chứ. Bất cứ lúc nào rảnh, anh sẽ đến. Anh em mình cùng thi đua. Mấy tháng nữa em sẽ phải vào được Đại học. Còn anh….Hắn bỏ dở câu nói, quay sang nhìn tôi. Cái nhìn như có lửa khiến tôi nóng bừng cả mặt.
     Ngày mai. Hắn vẫn đến. Vậy chứ ngày mai tôi sẽ gọi hắn là gì? Cảnh sát hình sự? Gia sư? Hay phu hồ?
                                                      
Phạm Hồng Loan – Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
 
tin tức liên quan