"Một thoáng nét duyên Đà Lạt" - Tản văn của Phạm Hồng Loan - Nam Định, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
MỘT THOÁNG NÉT DUYÊN ĐÀ LẠT
Tản văn
Rời xa cái nắng như thiêu đốt giữa mùa hè của Nam Định, tôi đắm mình trong cái se lạnh với những làn mưa nhè nhẹ phơi phới bay như mùa thu của Đà Lạt mộng mơ. Không phải lần đầu đến đây, nhưng với tôi, Đà Lạt vẫn có điều gì đó vừa gần gũi vừa xa lạ. Gần gũi bởi con người bình dị, hiền hoà, thân thiện, mến khách, bởi cảnh vật thơ mộng níu giữ bàn chân khách tha hương. Xa lạ bởi dẫu ở nơi đây bao lâu cũng không thể khám phá hết vẻ đẹp tiềm ẩn của từng ngôi biệt thự cổ trầm ngâm, phơi gan cùng tuế nguyệt, không thể khám phá hết những cung đường quanh co, uốn lượn ngang dọc, không thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp vừa độc đáo vừa nên thơ mà tên gọi đã say đắm lòng du khách: Hồ Xuân Hương, Thung lũng Tình yêu, thác Cam Ly, núi LangBian….Lặng bước dưới tán thông xanh, tôi cứ ngẫm nghĩ: Mỗi một miền quê đều có nét duyên thầm. Vậy nét duyên Đà Lạt là gì?
Với tôi, nét duyên Đà Lạt là sự dịu dàng khoe sắc bốn mùa trong một ngày. Đà Lạt đón chào ngày mới với nét xuân thì của nàng tiên nữ trong những hạt sương mai rung rinh trên lá cỏ, tô điểm cho cánh hoa thêm long lanh, rực rỡ. Khoác lên mình tấm áo choàng vàng óng, nàng tiên thong thả, yêu kiều xà xuống, nhuộm thắm từng mái nhà, đùa vui cùng ngàn thông reo, làm ửng hồng đôi má người thiếu nữ, đó là lúc nhịp sống dần lặng lại cho những phút giây nghỉ trưa thư giãn. Chiều về chầm chậm, Đà Lạt mờ ảo trong sương thu, lững lờ, mơ hồ như người lữ khách tha hương thong thả dạo bước bên hồ Xuân Hương, trầm ngâm, ngân nga: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Xuân Sanh) để thấy xung quanh mình, vạn vật vẫn tràn đầy, sinh sôi, thấy nỗi cô đơn chìm vào sương khói. Lặng lẽ vào đêm, Đà Lạt nhẹ nhàng trong giấc ngủ sau một ngày tất bật, rộn rã, cuồng say. Những mắt hoa mơ màng. Những hàng cây lặng lẽ nghiêm trang như người lính ngự lâm trước cổng thành. Chỉ còn những làn mưa lây phây khoác lên phố xá tấm áo mùa đông giá lạnh. Trong tĩnh lặng, nghe như âm vang khúc trường ca đại ngàn dội về từ thuở hồng hoang, lan vào mỗi mái nhà, từng góc phố, con đường, khiến Đà Lạt có gì đó vừa bí ẩn vừa gần gũi, thân quen.
Nét duyên Đà Lạt độc đáo không nơi nào sánh được là khi đến đây, bạn sẽ choáng ngợp với muôn hoa ngàn tía tỏa hương, khoe sắc, tíu tít đón mừng. Hoa len lỏi từng ngõ nhỏ, tràn ngập bờ rào, thắm hồng khắp mọi tuyến đường, đung đưa cười trên từng cột điện với nắng sớm mai nơi góc phố. Đến Đà Lạt, ai cũng một lần muốn được ngắm hoa mai anh đào, loài hoa mỏng manh, tinh tế có sự hòa trộn hài hòa giữa màu vàng thắm của hoa mai miền Nam và màu hồng phấn của cánh đào xứ Bắc là nét độc đáo, là niềm tự hào của Đà Lạt bởi loài hoa này chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Nếu ngàn vạn bông dã quì khoác cho những cung đường quanh co, uốn lượn từ ngoại ô vào thành phố một màu vàng rực rỡ, chói lóa thì mai anh đào với màu hồng nhạt nhuộm kín trên từng con phố như vẫy gọi mùa xuân ấm áp, sinh sôi trở về. Khi mùa hè đến, những cành phượng của tuổi mộng mơ đua nhau bừng nở, nhuộm tím cả một vùng trời, mơ màng thả hồn cùng nắng mai thì cẩm tú cầu quanh năm khoe sắc với những cánh mỏng manh, chen chúc kề nhau tạo thành từng chùm tròn, tượng trưng cho sự thành tâm, lòng biết ơn, như nét son chấm phá cho miền đất mù sương. Loài hoa tượng trưng cho tình yêu nồng cháy là Mimosa, gắn với câu chuyện tình lãng mạn của nàng tiểu thư đài các với chàng ngư dân hiền lành, khỏe mạnh. Nhưng rồi nàng đã tìm cái chết bên người yêu của mình để phản đối sự ngăn cấm của gia đình. Nơi họ chết mọc lên một loài cây với sắc vàng tươi, hương thơm quyến rũ của những cánh hoa nổi bật trên nền xanh lấp lánh ánh bạc. Hoa mimosa được ví như nàng trinh nữ của cao nguyên. Những đôi tình nhân thường tặng hoa Mimosa cho nhau như để khẳng định sự chung thuỷ trong tình yêu. Ánh nắng buổi sớm hồng tươi cho lứa đôi nắm tay nhau giỡn đùa cùng gió biếc, trao cho nhau những bông hồng thắm đỏ, ngượng ngùng che đi nụ hôn say đắm, ngọt ngào.Áp cánh hoa lên môi, ta cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ mà không kém phần nồng nàn. Nâng niu trên tay, ta nghe sau mỗi cánh hoa mỏng mảnh ẩn chứa lời thầm thì yêu thương, nghe những suy tư, trăn trở, thấy những âm thanh dịu ngọt của cuộc sống dội về.
Nét duyên Đà Lạt còn là giây phút trầm tư bên những ngôi biệt thự cổ trầm mặc uy nghi. Mỗi ngôi biệt thư đều tọa lạc trên đồi cỏ trải dài thơ mộng, ẩn mình trong khu vườn đủ các loại cây khoe sắc cùng các loài hoa đua nở tạo nên một không gian thoáng đãng, tĩnh lặng thơ mộng. Với lối kiến trúc cổ kính trong khuôn viên thơ mộng ngăn ngắt màu xanh của lá, ngập tràn sắc hương của muôn hoa, từng ngôi biệt thự khóac lên mình tấm áo mang đậm dấu tích thời gian chứng kiến bao nỗi buồn vui của đời người, bao thăng trầm của lịch sử, để về với hoài niệm khi Đà Lạt mới phôi thai. Mỗi ngôi biệt thự là một bông hoa đặc biệt góc cạnh mang màu sắc riêng, dấu ấn riêng, có tiếng nói riêng nhưng đều thấm đậm chất thơ, chất nhạc, chất họa trong từng đường nét, từng cảnh sắc tạo nên sự hòa quyện giữa vẻ đẹp sang trọng của kiến trúc Pháp và nét hoang dã của thiên nhiên. Mỗi sáng sớm, bên khung cửa sổ, không gì thú vị hơn khi được ngắm những tia nắng mai nhảy nhót lấp ló trong làn sương mù huyền ảo, xuyên qua những tán thông xanh rì, đắm chìm trong không gian vừa thơ mộng vừa cổ kính, trong mơ màng, thư thái. Chợt nghe đâu đây văng vẳng tiếng lóc cóc đều đều của những chuyến xe thổ mộ gõ nhịp trên mặt đường vắng, như đưa ta đến thành phố châu Âu thời xa xưa. Từng lời nhạc Trịnh buông rơi, thánh thót khiến ta như thấy thế giới mơ hồ chập chờn trước mắt. Tiếng gió thì thầm, nâng bước cho những hạt mưa trên tháp cổ thêm xa vắng. Hương thơm nhẹ nhàng của hoa vàng mấy độ lan tỏa khắp không gian. Mọi nỗi ưu tư chợt nhẹ như mây khói.
"Nét duyên" Hồ Xuân Hương - Đà Lạt (Ảnh minh họa của Phạm Sinh)
Đà Lạt nhẹ nhàng, thanh lịch với cuộc sống yên ả, không xô bồ, với những con người chân chất, nồng hậu cũng là nét duyên của Đà Lạt. Năm 1893, Alexandre Yersin trên con đường chinh phục miền đất mới đã phải dừng chân trước cảnh núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình. Nhưng ấn tượng tốt đẹp cho vị bác sĩ lừng danh này lại là nét bình dị, phóng khoáng của người dân nơi đây. Từ đó, Đà Lạt được khai sáng, trở thành chốn lý tưởng cho những ai ưa khám phá, trở thành điểm đến cho người dân khắp nơi trên đất nước. Có người nhận xét: Người Đà Lạt hiền như nước suối mùa cạn lững lờ trôi xuôi. Như cánh hoa hết thời khoe hương sắc để nhú trái xanh dâng cho đời quả ngọt. Như làn mưa xuân thoáng nhẹ đậu hờ hững trên mái tóc ai. Phong cách của người Đà Lạt hình thành không chỉ từ các yếu tố kinh tế, xã hội mà còn là sự tiềm ẩn tinh tế của thiên nhiên và hồn cốt dân tộc Việt. Người Đà Lạt được hội tụ tinh hoa truyền thống của những vùng miền trên khắp đất nước. Đến đây, ta bắt gặp phong thái lịch lãm, sang trọng của người Hà Nội, sự cần cù một nắng hai sương cho hoa trái trổ bông của người miền Trung, nét phóng khoáng với nụ cười rạng rỡ, vòng tay rộng mở của người Nam Bộ.
Vậy nên nét duyên của Đà Lạt được tạo nên từ chính những con người nơi đây. Giữa mênh mông của đại ngàn, giữa rực rỡ của ngàn hoa khoe sắc ta như lạc vào cõi tiên hư hư, thực thực. Cõi thực ấy là Ngôi nhà kì dị của Kiến trúc sư, tiến sĩ Đặng Việt Nga - con gái của cố Tổng bí thư Trường Chinh - một quần thể kiến trúc lạ mắt lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Đến đây, ta như đến xứ sở thần tiên của Alice. Mỗi bước đi là một khung cảnh mở ra, lạ lùng, hấp dẫn, đưa ta đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Qua những bậc thang ngoằn ngoèo, nhiều chỗ thót tim khi chợt thấy dưới chân mình là một góc của thành phố trong sương, chợt thấy mình ở trong thân cây có lẽ đến cả trăm tuổi, rồi chợt thấy mình đang chui trong một phần cơ thể của con thú hoang dã nào đó. Có lúc ta thấy vườn Thượng uyển trước mắt như chốn thiên đàng ngự giữa trần gian, để kế bên là căn nhà nhỏ xinh bình lặng, ẩn trong quả bầu, hốc cây. Có lúc ta ngỡ như đang lang thang giữa rừng già Amazon kì lạ, bí hiểm mà đằng sau mỗi gốc cây ẩn hiện ánh mắt không mấy thiện cảm của những loài thú hoang. Chỉ vài bước chân, ta lại thấy trong gốc cây một tòa lâu đài huyền bí, hấp dẫn, trong đó nàng công chúa đang ngủ yên, chờ chàng hoàng tử đến đón về hoàng cung. Lại có lúc ta như thấy mình đang thỏa sức vẫy vùng dưới Thủy cung. Này là những chú bạch tuộc vươn cánh tay dài yểu điệu lượn lờ làm duyên với những nàng sứa kiêu sa. Này là những dải san hô rực rỡ sắc màu trang điểm cho lâu đài Thủy cung thêm tráng lệ. Cả thiên nhiên, đất trời như qui tụ về đây, bên người phụ nữ mảnh mai, đậm nét quí phái với giọng nói nhẹ như gió thoảng khi giành ra chút thời gian quí báu trò chuyện với chúng tôi: “ Khi thực hiện công trình này, tôi rất trăn trở.Thiên nhiên đang bị tàn phá từng ngày. Bằng tiếng nói của kiến trúc, tôi muốn kéo con người trở về với thiên nhiên, gần gũi, yêu mến nó chứ không phải là hủy diệt.”
Rời một trong mười ngôi nhà kì dị nhất thế giới, ta đến với không gian nghệ thuật của XQ SỬ QUÁN. Trong dòng chảy của cái Đẹp, XQ SỬ QUÁN đã kinh doanh cái đẹp và các giá trị của cái đẹp, thổi linh hồn vào nghề thêu thủ công truyền thống của dân tộc. Nghề thêu của XQ SỬ QUÁN có văn hóa riêng, nghệ thuật riêng, bản sắc riêng, không nơi nào có thể sánh được. Vẻ đẹp truyền thống và hiện đại được tái hiện một cách hài hòa, sống động trong từng bức tranh thêu với đường nét thật tỉ mỉ, tài hoa mang tính nhân văn, hướng người xem đến sự thánh thiện, thuần khiết. Mỗi bức tranh đều tạo sắc màu mới cho tranh thêu Việt Nam là kết quả của sự phối hợp giữa nghệ thuật hội họa hiện đại và tinh hoa của nghề thêu truyền thống Việt Nam, là sự kết tinh những triết lí nhân sinh. Mỗi tác phẩm là một kiệt tác mang dấu ấn riêng. Dưới bàn tay điêu luyện của người thợ thêu, thật khó phân biệt đó là tranh thêu hay ảnh nghệ thuật. Nếu người họa sĩ trải lòng mình với những mảng tối, sáng trong nguồn cảm hứng thì người thợ thêu gửi vào từng đường kim mũi chỉ cả bầu nhiệt huyết, cả trái tim của mình. Mỗi bức tranh chân dung là một cuộc đời, một số phận ẩn dưới cái nhìn khi tư lự, lúc xa xăm, khi là nét mày chau, nụ cười mỉm, lúc ngạo nghễ cười trước dòng đời ngược xuôi, hối hả với những thăng trầm của đời người. Rồi ta trở nên nhẹ nhõm, thư thái hơn khi đắm mình trong những bức tranh phong cảnh. Chợt thấy hồn thơ trải dài man mác trên dòng sông xanh với hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng, với con đường quê rợp bóng tre xanh lung linh nắng sớm, với cầu tre lắt lẻo dòng kênh, lững lờ lục bình tím triền sông. Dưới từng đường kim mũi chỉ, sức sống của cỏ cây hoa lá tỏa ra tràn đầy hơi thở cuộc sống. Chợt thấy hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều nhỏ nhặt, bình dị như vậy. Thấy thế giới quanh mình nhẹ nhàng như áng mây trôi, như làn gió thoảng nhẹ, như cánh hoa tỏa hương trong nắng sớm.
Trong cuộc đời, ta đã qua bao miền đất lạ. Mỗi chặng đường đi qua đều đem đến những cảm xúc mới mẻ. Mảnh đất Đà Lạt, nơi có người nhận xét là kết tinh kì diệu của đất lành, như nàng Công chúa ngủ quên được đánh thức với vẻ đẹp vừa huyền bí, hoang sơ vừa hiện đại dễ gần, dễ mến sẽ trở thành tình yêu và nỗi nhớ đối với những ai dù một lần đến nơi đây.
Phạm Hồng Loan - Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam