Thi Hương ở thành Nam: Trong trường thi

Ngày đăng: 05:56 13/09/2019 Lượt xem: 578

Thi Hương ở thành Nam: Trong trường thi

10/09/2019, 09:42 (GMT+7)

“Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình qua Bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa…”.

Gần 800 năm nền khoa bảng Việt Nam ngậm ngùi kết thúc bằng một dụ của vua Khải Định. Những tư liệu sống động về thi hương ở Nam Định của người An Nam và người Pháp cách nay quá nửa thế kỉ sẽ giúp bạn đọc cùng sống lại một thời khoa bảng Nho học đã chấm dứt tròn 100 năm...

Hội đồng giám khảo khoa thi Hương 1897. Ảnh: Andre Salles.

Trường thi của ta về đời Lê, thì mỗi khoa làm một lần, chỉ có nhà gianh và rào nứa. Bốn ngoài cùng trường thi thì rào tre nứa thật kín, trong trường chia làm bốn lần: Lần thứ nhất ở trong cùng là nơi các quan đồng khảo, phúc khảo cùng giám khảo ở; lần giữa là nơi ở của các quan đề điệu (tức Tổng giám thị, còn gọi là Đề tuyển) giám thị, cùng các quan dự vào việc thi; hai lần ấy thì đều rào phên tre thật kín. Hai lần ngoài là chỗ cho học trò vào thi, lần nọ cách lần kia chỉ bằng cái rào nứa thưa. Giữa có hai con đường thành hình chữ nhật, có một cái nhà tre ở giữa để làm nơi thụ quyển gọi là nhà Thập đạo.

Cách xếp đặt ở trường thi sang bản triều từ Gia Long, Minh Mạng vẫn theo như thể lệ triều Lê, mỗi khi đến khoa thì sửa sang, làm nhà gianh, rào nứa. Thi xong lại phá bỏ đi.

Các nhà quan chánh, phó, chủ khảo và chánh phó đề điệu cùng nhà thập đạo cộng là 7 tòa, mỗi tòa một gian hai chái, chín tòa mỗi tòa ba gian hai chái đều cho các quan giám khảo, sơ khảo, thể sát, mật sát và lại phòng ở ngoại trường; thí viện đường, công sảnh các quan đề điệu cùng các lại phòng, nội trường thì có 3 tòa, một tòa 5 gian hai chái, hai tòa mỗi tòa sáu gian hai chái, để cho các quan sơ khảo mỗi nhà đều có thể mở cửa ra đằng sau và có các nhà phụ tùng. Các nơi cửa trường có giồng hai cái cột.

Chung quanh trường, chung quanh nhà quan đề điệu chỗ nhà thập đạo giáp bốn vi nhà quan giám khảo, nhà các quan sơ phúc khảo đều có xây tường kín. Trong bốn vi làm 7 dãy nhà dài, mỗi dãy 17 gian để cho học trò. Thi hương thì mỗi gian 4 người, thi hội thì một gian 2 - 3 người. Các nhà đều lợp ngói cả. Đó là trường thi ở Huế năm Thiệu Trị thứ 3. Sau khi làm xong trường thi ở Huế, có chỉ bắt các trường thi Gia Định, Nghệ An, Hà Nội, Nam Định cũng làm theo như mẫu ấy. Duy chỉ có trong 8 vi chỗ các học trò làm bài thì không có nhà ngói, nhà lá gì cả.

Trường Nam (Nam Định) làm từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) ở làng Năng Tĩnh, vòng quanh cả thảy 214 trượng (53 thước rưỡi tây), nguyên có tường cao 5 thước ta, trong trường có cả thảy 21 tòa nhà lợp ngói để các quan ở. Đại khái trường thi chia làm 3 ngăn, ngăn trong cùng là nội trường, giữa là ngoại trường, ngoài cùng là nơi học trò làm bài thi.

Sơ đồ trường thi Nam Định.

Nội trường ở giữa có nhà giám viện là để các quan nội trường hội đồng, hai bên có hai nhà quan phúc khảo, sau bên nhà quan phúc khảo có 2 nhà quan sơ khảo, sau nhà quan sơ khảo có nhà quan giám sát để coi các quan nội trường. Ngoại trường ở giữa có thi viện là nhà các quan ngoại trường hội đồng, bên tả nhà quan chánh khảo, bên hữu nhà quan phó khảo. Ngoài nhà các quan chánh, phó khảo mỗi bên có các nhà quan chánh phân khảo và phó phân khảo. Sau nhà chánh khảo và chánh phân khảo có nhà quan giám sát rồi nhà lại phòng; sau hai nhà quan phó cũng có nhà lại phòng.

Trong ngăn ngoại trường về phía giáp nội trường lại có một ngăn xây kín bốn mặt là nơi các quan đề tuyển giữ quyển thi và kháp phách. Ở giữa có dinh đề tuyển, sau có nhà lại phòng. Hai bên là nhà quan chánh đề tuyển và phó đề tuyển. Ngăn ngoài cùng là trường thi chia làm 8 vi, giữa đường chữ thập có một cái nhà gọi là nhà chữ thập, nghĩa là giữa con đường chữ thập.

Thẳng một nhà thập đạo ra đằng trước có một con đường gọi là cửa tiền, cửa này chỉ để riêng cho học trò khi làm bài xong ở trong trường đi ra bốn vi đằng trước gọi là vi giáp nhất, giáp nhì, ất nhất, ất nhì. Bốn vi đằng sau gọi là tả nhất, tả nhị, hữu nhất, hữu nhị. Mỗi vi có một cửa ra ngoài để cho học trò vào và một cửa ở trong đi lên nhà thập đạo. Ở tám cửa để cho học trò vào trước hôm thi mỗi cửa cho treo bảng biển tên những người nào vào vi nào, học trò vào xong thì các cửa ấy đóng lại.

Trong trường có 3 cái chòi, cái giữa cạnh nhà thập đạo để các quan ngoại trường ngồi coi học trò làm bài, hai cái hai bên ở vào giữa con đường từ tả sang hữu tám vi có quan ngự nội trường và ngoại trường để giám sát cả quan trường và học trò.

Quyển

Học trò sau khi thi đỗ kì thi tỉnh hạch nếu muốn tiếp tục ứng thí nghĩa là tham dự kì thi sẽ phải mua ba quyển.

Mỗi quyển gồm khoảng mười tờ giấy đôi, dính với nhau ở mép và mặt sau quay ra ngoài. Giấy thì có chất lượng đặc biệt và có kích cỡ nhất định, dài khoảng 0,32m và rộng 0,18m.

Ở bên trái tờ giấy đầu tiên của quyển, thí sinh ghi họ, tính, tên tục, danh và tên riêng, tự; và ở phía dưới, trên hai dòng và bằng cỡ chữ nhỏ hơn ghi tên tỉnh, phủ huyện, xã, thôn và tuổi, niên tuế.

Lệch một chút sang bên trái, thí sinh khai cung khai, tức tên riêng của tổ tiên ba đời trực tiếp, tam đại, đồng thời không quên ghi thêm vào bên cạnh tên mỗi người từ Tồn nếu người đó còn sống hoặc Cố nếu người đó đã mất

Henri Emmanuel Souvignet (Bắc Kì tạp lục, 1903, NXB Hội nhà văn, HN 2019)

LÍ HỌC
PS st Theo Nông nghiệp Việt Nam

(Còn nữa)
tin tức liên quan