“LÀN ĐIỆU DÂN CA”
Đó là tên tập thơ mới phát hành của nhà thơ – bác sĩ Nguyễn Tất Đình Vân, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Đây là tập thơ thứ 4 của anh sau các tập thơ: “79 mùa xuân”, “Tuyến đường mang tên Bác” và “Bến trăng sông Đuống”.
Nguyễn Tất Đình Vân tên thường gọi là Nguyễn Đình Vân. Anh chào đời ngày 3/9/1944 tại Cửu Yên, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đang là bác sĩ ngành y tế tỉnh Hà Bắc, anh nhập ngũ vào Trường Sơn tháng 3/1971. Anh là trợ lý quân y Binh trạm 37, Sư đoàn 470 Trường Sơn. Đơn vị anh hoạt động trên địa bàn sâu nhất của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, trên đất Nam Lào và Campuchia. Tháng 8/1975, anh chuyển ngành trở về công tác tại ngành y tế Hà Bắc. Anh từng trải qua nhiều chức vụ: Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Thuận Thành, Chủ tịch Công đoàn Ngành Y tế Bắc Ninh. Anh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” năm 1999.
Bác sĩ Nguyễn Tất Đình Vân yêu thơ và viết thơ từ những ngày ở Trường Sơn. Khi Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn được thành lập, anh là một trong 87 hội viên sáng lập của Hội. Trong cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” năm 2015-2016, Nguyễn Tất Đình Vân đoạt giải Ba với bài “Tắm suối”… Ngày 5/5/2019, Nguyễn Tất Đình Vân được Ban Chấp hành Hội VHNT Trường Sơn cử làm đại diện duy nhất của Hội VHNT Trường Sơn đi dự Hội nghị Điển hình Tiên tiến toàn quốc Hội Trường Sơn Việt Nam. Có thể nói, năm 2018 là một năm ghi nhận sức làm việc hiệu quả của Nguyễn Tất Đình Vân. Anh đã công bố 287 bài thơ trên Trang báo điện tử Trường Sơn của Hội và cho in 2 tập thơ “79 mùa xuân” và “Tuyến đường mang tên Bác”. Và đầu năm 2019, anh lại cho ra mắt bạn đọc liên tiếp 2 tập thơ: “Bến trăng sông Đuống” và hôm nay là tập “Làn điệu dân ca”.
Thơ của Nguyễn Tất Đình Vân viết về Trường Sơn, viết về Bác, về quê hương đất nước, con người. Thơ anh dễ đọc bởi nó giản dị, gần gũi với cuộc sống và chan chứa tình người. Điều đặc biệt ở tập thơ “Làn điệu dân ca” của Nguyễn Tất Đình Vân là 71 bài thơ được anh viết theo hàng chục làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh. Cái quý, cái đặc biệt chính là ở điểm này. Có thể nói, Nguyễn Tất Đình Vân đã cung cấp cho các “liền anh, liền chị” thêm nhiều bài “hát thơ” mới theo làn điệu: “Trúc xinh”, “Vào chùa”, “Mười nhớ”, “Giăng thanh gió mát”, “Còn duyên”, “Hoa thơm bướm lượn”… 71 bài thơ – bài hát Quan họ được viết theo nhiều chủ đề khác nhau. Tập thơ đã làm phong phú thêm kho tàng các bài hát Quan họ của Xứ Kinh Bắc. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được vinh danh là di sản vi vật thể của Thế giới. Tập thơ “Làn điệu dân ca” đã góp phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị vi vật thể nhân loại của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Tập thơ được ấn hành bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Trường Sơn trân trọng giới thiệu tập thơ “Làn điệu dân ca” cùng bạn đọc.
Thành Long