DẤU ẤN SÂU ĐẬM TỪ TRẠI VIẾT 2019 ĐỒ SƠN

Ngày đăng: 08:49 09/10/2019 Lượt xem: 550
DẤU ẤN SÂU ĐẬM TỪ TRẠI VIẾT 2019 ĐỒ SƠN

                    Trại viên: Hoàng Văn Kính

          Tôi có may mắn cùng 35 anh chị em “ văn nghệ sỹ ” là những hội viên Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn ( HVHNTTS ) được về dự Trại viết 2019 ( lần thứ nhất) do HVHNTTS tổ chức từ ngày 1/10 đến 7/10/2019  ở bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng.
          Một tuần ngắn ngủi nhưng đầy ắp những kỉ niệm đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu đậm.
Thứ nhất: Tôi được biết để tổ chức được trại viết này và có được kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi là sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm rất lớn của Thường vụ TW Hội Trường Sơn Việt-nam và đặc biệt là tâm huyết và sự nỗ lực của  HVHNTTS. Từ việc lo kinh phí, tìm địa điểm, lo nội dung, mời giảng viên, lo ăn ở và sinh hoạt…
     Trại viết được tổ chức tại Trại hè Thanh thiếu niên Việt Nam thuộc TW Đoàn TNCS Hồ Chi Minh. Bãi biển đẹp, không khí trong lành, không gian yên tĩnh, những bữa ăn ngon, vui vẻ đầm ấm… là điều kiện thuận lợi để các trại viên học tập và sáng tác.
     Bẩy ngày ở trại viết, chúng tôi được gặp và nghe nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, Chủ nhiệm Trại viết, nhà văn nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn nhà báo Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn lên lớp, chia sẻ cả về lý thuyết, những kinh nghiệm và chuyện “ bếp núc” của nghề để có một sản phẩm văn học và báo chí hay.
    Cách học cũng rất phong phú. Ngoài việc nghe các thầy lên lớp, lớp học còn được đi tham quan Bãi Nghiêng nơi xuất phát của Đoàn tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta (ngay sau đó đã có một số bài thơ về bến nghiêng ra đời). Được thoải mái bình luận, phân tích, thể hiện cảm xúc về cái hay, cái đẹp, ý tứ tác phẩm  “Lau biên giới ” của nhà thơ Chế Lan Viên. Hai lần được gặp gỡ, giao lưu với các anh chị của Hội Nhà văn Hải phòng. Được tham dự “Đêm thơ “ kéo dài từ 8h tối đên 11h đêm do Trại viết tổ chức. Ai cũng có thơ và ai cũng được đọc thơ.
      Trại viết đã thu hoạch được 100 bài thơ và gần 30 truyện ngắn, ký sự, hồi ức, tản văn…Trong đó có 4 tác giả có tác phẩm truyện và ký và 3 tác giả có tác phẩm thơ được trao thưởng. Như Ban tổ chức Trại viết nhấn mạnh đấy là những tác phẩm “so bó đữa lấy cột cờ”.
     Thứ hai: Đây là dịp may hiếm có để các “nhà thơ, nhà văn” những cây bút chủ lực của Bản tin Trường Sơn và Trang thông tin điện tử Trường Sơn gặp nhau. Tất cả 36 trại viên về đây đều là lính Trường Sơn năm xưa, những người đã một thời cầm súng, cầm cuốc xẻng, cầm vô lăng…đánh Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Người lớn tuổi nhất đã 83, trẻ nhất cũng đã 62 nhưng chả thấy ai già cả vì lúc nào trên môi các anh chị cũng thường trực nụ cười – Nụ cười Trường Sơn. Hầu hết tóc đã điểm nhiều sợi bạc, trên khóe mắt hằn nhiều nếp nhăn, dáng đi không còn được khỏe khoắn vững chãi như những ngày đánh Mỹ  nhưng gặp nhau đây ai cũng tay bắt mặt mừng, thắm tình đồng đội, ngập tràn chất lính. Những cái tên quen quen, rất đỗi thân thuộc hôm nay mới được gặp mặt, mừng vui  như được gặp lại đồng đội trong cùng đơn vị đã vào ra sinh tử cùng nhau.
     Những ngày ở Trại viết, trại viên Nguyễn Bổng liên tục lên cơn sốt cách nhật. Những lúc lên cơn phải đắp lồng 2-3 cái chăn rồi lại vội tung chăn ra người đầm đìa mồ hôi. Chúng tôi nói vui: Chắc những con kí sinh trùng sốt rét ở Trường Sơn năm nào cứ bám riết lấy anh là nguồn cảm hứng để anh có tác phẩm được trao thưởng. Những năm tháng gian khổ mà hào hùng của núi rừng Trường Sơn luôn hiện về Trại viết 2019 trên bãi biển Đồ Sơn.
Chỗ nào, lúc nào cũng quay phim, chụp ảnh. Ai cũng muốn lưu giữ lại khoảnh khắc nhớ đời ở Trại viết 2019 Đồ Sơn.
     Thứ ba: Chỉ có 7 ngày ngắn ngủi, nhưng những cây viết nghiệp dư chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều từ các thầy – những người có tên tuổi của làng văn học nghệ thuật Việt Nam truyền lại.
Sự từng trải trong sân chơi văn học nghệ thuật, vốn liếng văn thơ, niềm đam mê, sự nhiệt nhiệt tình và kinh nghiệm viết lách của các thầy: Vương Trọng, Phạm Thành Long, Nguyễn Huy Quý, Trần Quang Quý đã truyền lửa cho mỗi chúng tôi.
     Cái hay còn ở chỗ các thầy đã khéo lồng những tác phẩm thơ văn của các tác giả nổi tiếng từ cổ chí kim làm cho mỗi bài giảng phong phú thêm, sinh động và có sức thuyết phục hơn.
     Tôi thấm thía câu nói của nhà văn nhà báo Phạm Thành Long: Các anh cứ mạnh dạn viết đi. Có thể hôm nay chưa hay, nhưng ngày mai sẽ hay  - Vâng đúng thế: Cứ mạnh dạn viết đi.
     Muốn có một tác phẩm văn học nghệ thuật thì phải bắt đầu từ đâu, phải chuẩn bị những gì. Thế nào là một tác phẩm hay, ngôn ngữ hình tượng trong văn học, thực tiễn với văn thơ, phân biệt sự khác nhau giữa các thể loại văn thơ, chuyện bếp núc trong sáng tác…những gợi mở cả về lý luận và thực tiễn như tiếp thêm lửa cho những cây bút nghiệp dư. Những nhận xét, đánh giá thẳng thắn của các thầy về  tác phẩm văn, thơ của mỗi chúng tôi đã thực sự là một bài học quý. Chắc chắn những tác phẩm sau này sẽ hay hơn, chỉn chu hơn.
     Ngoài những kiến thức về văn thơ, nhà thơ Vương Trọng và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý còn có trí nhớ tuyệt vời, chất giọng và khả năng truyền cảm  trời phú. Nghe các thầy giảng giải mọi lý thuyết trở nên gần gũi cứ như tương cà, mắm muối. Dễ hiểu, dễ vào và hoàn toàn thuyết phục. Chính điều ấy đã góp phần làm nên thành công của Trại viết.
     Buổi khai mạc và buổi tổng kết Trại viết có đông đủ các đồng chí tướng lĩnh trong Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam, các đồng chí cán bộ, nhân viên HVHNTTS. Sự kỳ vọng và quan tâm đặc biệt của các đồng chí; ý thức về trách nhiệm của mỗi trại viên trước con đường Trường Sơn huyền thoại, trước những đồng đội đã chiến đấu và hy sinh trên con đường Trường Sơn huyền thoại, chắc chắn ngày mai chúng tôi sẽ viết nhiều hơn và hay hơn.

HVK

tin tức liên quan