"Còn mãi Ký ức Trại viết Trường Sơn" - Ký của Lê Trung Khiên, Hội viên Hội VHNT TS

Ngày đăng: 06:54 17/10/2019 Lượt xem: 593
CÒN MÃI KÝ ỨC TRẠI VIẾT TRƯỜNG SƠN

 
         Đồ Sơn những ngày đầu tháng 10/2019 nắng thu phủ vàng rực rỡ, những luồng gió mát từ biển thổi vào hòa cùng con sóng vỗ nhịp tựa bản tình ca. Hôm nay trại hè thanh thiếu niên Việt Nam đón những vị khách “ đặc biệt” về dự trại viết do Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tổ chức. Họ đến từ thành phố Hồ Chí Minh,  miền Trung và các tỉnh phía Bắc; trên nét mặt ai cũng rạng rỡ, những cái bắt tay thắm đậm nghĩa tình đồng đội. Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn Phạm Thành Long và các anh trong thường trực Hội niềm nở chào đón những đồng nghiệp như người thân lâu ngày gặp lại.
         Chuyện làm thơ, viết văn với chúng tôi gắn bó từ thời bom đạn trên đường Trường Sơn, nhưng được bồi dưỡng nghiệp vụ thì phần lớn mới là lần đầu. Được nghe đại tá nhà thơ Vương Trọng trao đổi về kinh nghiệm làm thơ, ai cũng ngỡ ngàng, nhất là thể lục bát. Thời nay nhiều người cho rằng thơ lục bát lỗi thời, riêng tôi không đồng ý, bởi để có những tuyệt phẩm để đời như của Nguyễn Du, Tố Hữu, Nguyễn Bính v.v…  thì hiếm lắm. Ông nói làm thơ trước hết phải có “ nguyên vật liệu” xong thì “ xây nhà”, tìm câu tứ, tìm “ cỡ ” cho bài thơ ra đời… đặc biệt ông nhấn mạnh về câu tứ. Tôi đọc nhiều thơ Vương Trọng, những bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc như: “ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”, “ Bên mộ cụ Nguyễn Du”, “ Hai chị em” v.v…những vần thơ giản dị mà tinh tế được chắt lọc từ “ cái gốc toán học” của ông: “ Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi/Còn hương nữa giành phần cho đất”, “ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết”. Ngày nay đến Đồng Lộc, chúng ta được đọc bài thơ khắc trên đá cùng với bản dịch tiếng Anh và hai cây bồ kết đã ra hoa kết trái.
         Khi làm thơ, ai cũng muốn có “ tứ thơ” hay, sắc sảo, bởi đó là linh hồn của bài thơ; nhưng viết thế nào để có “ tứ”  thì không dễ chút nào, vì vậy tìm tứ cho thơ cũng khó khăn, nhọc nhằn lắm. Nhà thơ Trần Quang Qúy, phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội giành tâm huyết để trao đổi với học viên, ai cũng vỡ òa như phát hiện điều gì mới mẻ. Theo ông thì làm thơ phải có nỗi niềm, tâm trạng, không gian, đặc biệt phải có tứ. Làm thơ phải có thủ pháp nghệ thuật, sử dụng ngôn từ, tìm tứ lạ và hiểm…ngay cả chuyện đặt tít thế nào tạo được sự tò mò cho người đọc. Đại tá nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy phó chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn, người đã gắn bó nhiều năm với “ Tạp chí văn nghệ quân đội”  đã đưa mọi người từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, nhất là khi nhà thơ trích 4 câu trong bài thơ “ Lau biên giới” của Chế Lan Viên để mọi người bình luận:
Ai lên biên giới cho lòng ta theo với
Về với ngàn lau chỉ trắng có một mình
Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh”…
         Trong số về dự trại viết, chưa có mấy người phân biệt rõ đâu là tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, bút ký, tản văn…. Vậy mà chỉ trong vài tiếng, ông đã khắc họa và đưa mọi người nắm những điều cốt yếu nhất để viết một câu chuyện hay, nhiều cảm xúc. Nhà  báo, nhà văn Phạm Thành Long với kinh nghiệm 20 năm tổng biên tập báo “ Thiếu niên tiền phong”, phụ trách trang báo điện tử trung ương Hội Trường Sơn trao đổi về phương pháp, cách viết tin, bài trên báo. Phân biệt đâu là tin ngắn, tin sâu, gương điển hình tiên tiến, cách đặt tít khôn ngoan, hấp dẫn và những điều cần tránh khi viết tin, bài. Đánh giá kết quả về chuyên môn, cả hai ông Vương Trọng và Nguyễn Hữu Qúy đều rất vui đã có nhiều bài thơ, văn xuôi đạt độ nhuyễn từ trại viết này.
         Mùa thu Đồ Sơn thật lãng mạn, hoàng hôn phủ một màu vàng óng trên bến Nghiêng, nơi cách đây hơn 50 năm những đoàn tầu không số, không tên xuất phát từ đây đưa vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam và làm nên kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển. Bất giác tôi
“ nhớ một thời đến với Trường Sơn
Mở đường Hồ Chí Minh xuyên núi rừng hùng vĩ
Hai con đường cùng chung chiến hào đánh Mỹ
Giải phóng miền Nam thống nhất non sông
”.
         Tôi nhớ hôm khai mạc, thiếu tướng Võ Sở đã nói: Mỹ thua Việt Nam tại Trường Sơn, ta thắng Mỹ ngay trên Trường Sơn, càng thấy niềm tự hào là người lính Trường Sơn và bây giờ được tham gia hoạt động cùng Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, chúng tôi hiểu trách nhiệm của người cầm bút đối với Trường Sơn huyền thoại. Tranh thủ thời gian, mấy anh em đến thăm cây cầu vượt biển Tân Vũ- lạch Huyện dài nhất Đông Nam Á . Hơn 20 năm trước, tôi đã qua đây còn vương vấn
“ Sao em ở tận Cát Bà
Để anh phải đợi chuyến phà vượt sông”
         Giờ đây trên xe bon bon qua cầu mới cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của miền biển đảo và nghĩ đến một thiên đường du lịch không xa Cát Bà trong tương lai. Trong tôi còn đọng mãi ký ức những buổi giao lưu thơ, ca với các nhà thơ từ Hà Nội, Hải Phòng đã để lại nhiều cảm xúc bởi sức hút kỳ lạ được tạo ra giữa chủ và khách như người “ lên đồng”. Ai cũng được đọc thơ, hát, kể chuyện vui, có lẽ chỉ người lính mới tạo được không khí hồ hởi, vui tươi như vậy.
         Một tuần trôi qua thật nhanh, biển như muốn níu chân chúng tôi lại, buổi tổng kết  được Thiếu tướng Võ Sở, Hoàng Kiền, Hồ Sĩ Hậu về dự; các ông đều là những người yêu thích văn, thơ và đã có nhiều tác phẩm được in phát hành. Thay mặt ban chủ nhiệm trại viết, nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy đánh giá những cái “ nhất” và “ độc đáo” và như ông nói: nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông cũng phải “ghen tỵ” về trại viết đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Giờ phút chia tay ai cũng ngậm ngùi, lưu luyến bởi:
Thầy và trò đã bén duyên
Say mê trên một con thuyền văn thơ
.
        Trên chuyến xe về xứ Thanh phong cảnh Đồ Sơn cùng với chất lính của trại viết cứ hiện về mãi trong tôi.
 
Thiếu tướng Võ Sở và Hoàng Anh Tuấn dự ngày khai mạc trại viết

Một buổi lên lớp


Kỷ niệm bến Thốc và bến tầu không số (2 ảnh trên)

Thiếu tướng Võ Sở và Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cùng học viên trước lúc chia tay

Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT TS
tin tức liên quan