Trại viết Trường Sơn - Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 09:38 18/10/2019 Lượt xem: 701
TRẠI VIẾT TRƯỜNG SƠN
                    Nguyễn Hữu Quý
Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Trường Sơn - Chủ nhiệm Trại viết 2019



          Đồ Sơn, Hải Phòng. Những ngày đầu tháng mười, Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn tổ chức trại viết năm 2019. Có lẽ, cái tên Hội tôi vừa nhắc còn khá xa lạ với nhiều người. Đây là Hội của những cựu binh Trường Sơn hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mới thành lập cách đây hai năm. Lần đầu tiên trại sáng tác văn học của Hội được tổ chức tại nơi này.
          Tôi gọi đây là một trại viết đặc biệt. Bởi tất cả các cây bút tham dự trại đều là cựu chiến binh, hầu hết họ đã trải qua những năm tháng dân tộc ta Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Thơ Tố Hữu). Họ, những người cầm bút nghiệp dư ấy đã từng có mặt trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại những năm Trường Sơn đông nắng, tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình (Tố Hữu). Có lẽ, đây là trại viết có độ tuổi trung bình cao nhất từ trước tới nay; người trẻ nhât là tác giả Nguyễn Đăng Duẫn 62 tuổi đến từ Quảng Bình, người cao tuổi nhất là cụ Vương Văn Kiểm 83 tuổi đến từ Nam Định. Những cây bút thuộc các U 70, 80, 90 đó đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội và Hải Phòng. Trong 36 tác giả tham gia trại viết thì 14 người là thương binh thời chống Mỹ, có anh còn mang kí sinh trùng sốt rét đang viết đùng đùng nổi cơn nóng lạnh như Nguyễn Bổng.
          Đại tá Nhà thơ Vương Trọng, người được chúng tôi mời lên lớp về sáng tác thơ và đọc thẩm định tác phẩm nói rằng: “Có lẽ đây là Hội VHNT duy nhất ở nước ta không gắn với tên địa phương. Tôi đã đi nhiều trại viết nhưng chưa thấy ở đâu tất cả các cây bút tham dự đều là cựu chiến binh cao tuổi và họ lại hăm hở viết, cần cù viết như ở đây”. Là người phụ trách, tôi xin được nói thêm, chưa có ai trong 36 anh chị em về tham dự trại viết này đã được học qua một chương trình đào tạo hay bồi dưỡng lý luận sáng tác văn học nào; họ chỉ có vốn sống, sự từng trải và niềm say mê viết. Tôi nói đùa, đây là trại viết 2 trong 1, vừa bồi dưỡng phương pháp sáng tác vừa viết văn. Chúng tôi đã mời các nhà thơ Vương Trọng, Trần Quang Quý đến trao đổi công việc viết văn với anh chị em. Sau các buổi lên lớp, nghe một số trại viên nói mà lòng bỗng rưng rưng: “Trước đây, bọn tôi cứ viết ào ào, nay nghe các thầy nói bỗng nhiên thấy sợ sáng tác văn chương...”. Nói sợ nhưng không ai nhụt chí, trái lại viết cật lực, viết như để trả nợ quá khứ vậy. Trong nhiều người, ký ức chiến tranh vẫn còn bộn bề trĩu nặng, đồng đội một thời chia lửa, chia bom trên Trường Sơn kẻ sống, người chết chưa hề mờ phai. Không ai đặt lên vai họ nhiệm vụ sáng tác văn chương và hơn ai hết họ quá hiểu viết được một truyện ngắn, bút ký, bài thơ là không dễ chút nào. Nhưng tại sao họ vẫn hăm hở đăng ký được tham gia trại viết do Hội VHNT Trường Sơn mở và phải bỏ tiền túi ra để lo trọn vé tàu xe, máy bay hai chặng đi về. Hội Trường Sơn Việt Nam là hội nghèo phải tự lo hoàn toàn kinh phí hoạt động nên đứa con của mình Hội VHNT Trường Sơn cũng như thế. Cân nhắc đắn đo mãi, Hội mới quyết chi cho anh chị em về dự trại tiền ăn, nghỉ. Theo dự trù ban đầu thì Hội chỉ lo cho mọi người dự trại tiền ở còn khoản ăn thì anh chị em góp vào. Chẳng biết thương Hội nghèo hay sao mà một số anh chị em khi về trại đã đèo thêm mấy lít rượu quê trong vắt. Như chị Phạm Hồng Loan ở Nam Định mang hẳn một can 20 lít rượu ngon do anh trai mình nấu về ủng hộ trại. Vì thế, mà bữa chiều nào chúng tôi cũng được nhâm nhi mấy chén rượu gạo mang hương vị của nhiều vùng quê như Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An...Nghĩ cái tình đồng đội còn lưu giữ bền chắc trong lòng những người lính Cụ Hồ mà bâng khuâng quá. Thời đạn bom ác liệt, sốt rét rung rừng ở Trường Sơn cho đến khi sống trong hoà bình như bây giờ, cái tình người lính dành cho nhau vẫn là một giá trị toả sáng rất đáng trân trọng.
          Lạ thế, kể về trại viết mà tôi lại cứ miên man câu chuyện tình người. Tình đồng đội, tình quân dân, đâu dễ khuất lấp, lãng quên. Có thể lắm, quá khứ bi tráng được thể hiện trong nhiều tác phẩm từ trại viết này đã tác động mạnh vào tôi. Đây, một đêm vượt sông Bến Hải: Đêm cuối thu, trời mưa/ Chúng tôi hành quân vượt sông Bến Hải/ Thượng nguồn không sâu, rộng vài mươi sải / Lũ lồng lên như muốn kéo sập rừng!/ Một sợi song giăng ngang/ Trăm lính trẻ chỉnh tề hàng dọc/ Ba lô, súng đạn trên đầu/ Nghe nhịp thở của nhau mà bậm chân từng bước/ Tim cháy bỏng, tưởng có thể làm sôi dòng nước/ Mắt xuyên đêm như muốn hoá mặt trời...(Thơ Phạm Văn Việt). Cuộc chiến Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972 thêm lần nữa được tái dựng ấn tượng trong bài thơ Anh Trung của Phạm Đăng Kiểm: Bảy hai đỏ trời hoa lửa/ Trung quen “tính tuổi” theo ngày/ Nhìn bữa cơm thừa mươi suất/ Mai rồi đến lượt ai đây?/ Lính đùa giữa hai loạt súng/ “Có gì tìm đến quê nhau”/ Trung khoe còn người em gái/ Chèo quê thích đóng Thị Mầu...Hồi ức chiến tranh trĩu nặng mỗi đời người, cũng là Phạm Đăng Kiểm, anh từng khóc Phạm Tiến Duật: Anh theo “Vòng trắng” về trời/ “Vòng đen” gửi lại nhắc người ngày sau/ “Vầng trăng quầng lửa” trên đầu/ Cho “Xe không kính” qua cầu Thời gian/ Sách đâu mở trắng non ngàn?/ Tiếng cười con gái giòn tan...rừng chiều/ Lính Trường Sơn tuổi chớm yêu/ Nghêu ngao giăng mảnh trăng treo ngang trời/ Bom rơi...mặt lấm”...là cười(!)/ “Đông mưa, Tây nắng” thành lời trao nhau/ “Rừng không dân” ở nơi đâu?/ Anh về nhen giữa cõi sâu... “Lửa đèn” (Duật ơi!). Khi đi thăm di tích lịch sử Đoàn tàu không số ở Đồ Sơn, tác giả Hải Ba (Đinh Văn Hởi) đã xúc động viết bài thơ Về với bến Nghiêng, có những câu khá gợi cảm: Biển ru...lòng mẹ ru con/ Đáy sâu lỡ hẹn đường mòn Trường Sơn/ Bến Nghiêng nghiêng bóng hoàng hôn/ Mênh mang biển nhớ.../ Trắng cơn mưa chiều. Không hiếm hoi những cách nhìn cuộc sống bao dung đầy nhân ái: Những chiếc lá đi hết màu xanh/ Giờ nhường chỗ cho mầm non/ Rơi xuống/...Nếu có phải một mai giá lạnh/ Thì em ơi/ Giữ cho anh mùi hương của lá/ Để cuộc đời cái đẹp dẫn đường lên (Nguyễn Ngọc Phát - Một nốt trầm của lá). Hiện thực bi tráng của thời chiến trận ấy còn thấp thoáng trong nhiều bài thơ đậm màu hồi ức của các tác giả Nguyễn Ngọc Phát, Bùi Thanh Bình, Nguyễn Viết Lợi, Nguyễn Văn Dụ, Hồ Văn Chi, Nguyễn Quốc Lập, Phạm Sinh, Hoàng Đại Nhân, Trịnh Huỳnh Đức, Cấn Văn Thăng, Lê Trung Khiên, Nguyễn Tất Đình Vân, Nguyễn Sơn Hải, Hà Đỗ Tú, Nguyễn Quang Chính, Nguyễn Trung Phụng, Nguyễn Doãn Thiết, Hoàng Sỹ Khiêm...
          Không chỉ với thơ mà truyện ngắn, bút ký, tản văn cũng thật nặng lòng với quá khứ. Trại viết sum suê hồi ký, ghi chép về Trường Sơn thời đánh Mỹ với Chơi vơi câu hát giận thương của Lê Lân; Ngã ba “Âm phủ” của Bùi Văn Hoằng; Đoá hoa trên đỉnh núi của Vương Văn Kiểm; Những căn hầm Trường Sơn của Hoàng Văn Kính; Đêm vùng địch được nghe Di chúc Bác Hồ của Nguyễn Kim Chúc; Bom thông minh của Mỹ cũng thua lính cao xạ của Nguyễn Văn Dụ; Người mẹ trẻ chưa trở lại Trường Sơn...Thân phận người lính gắn với số phận dân tộc, nỗi chung riêng cứ hoà trộn vào nhau trong cơn bão lốc dữ dội của lịch sử; sự sống - còn, thiệt - hơn, hạnh phúc hay mất mát đều nhuốm mặn mồ hôi và máu. Thấm thía đến quặn lòng hồi ức về mẹ trong một tản văn của Lê Lân: Mẹ đâu có thì con gái, đâu có tuổi hồi xuân, chỉ có tuổi làm dâu vất vả, nhọc nhằn cho đến lúc tuổi già bóng xế hay điều rút ra từ truyện ngắn Trở về của Phạm Hồng Loan: Chiến tranh có thể huỷ diệt tất cả nhưng không thể huỷ diệt được trái tim con người...Trái tim người lính mang sóng gió cuộc đời, những chìm nổi thế sự nhưng luôn hướng về sự nhân văn, tốt đẹp. Kể cả khi viết về cái ác, cái xấu trong xã hội đương thời thì thiện tâm vẫn không bị đánh mất. Ta đọc ra thông điệp ấy trong các truyện ngắn Hai thằng Thìn, Ngày giỗ bố của Nguyễn Bổng; Một mảnh đời, Trở về của Phạm Hồng Loan; Ngày về của Nguyễn Đại Duẫn; Báo hiếu của Hoàng Văn Kính...
          Có một số truyện ngắn, bút ký, thơ viết ra chững chạc, vững vàng nhưng cũng không hiếm tác phẩm còn non nớt, sơ lược, dễ dãi. Đó cũng là điều dễ hiểu. Và cũng không nằm ngoài tiên liệu, dự đoán của những người tổ chức và quản lý trại viết chúng tôi. Nhưng nói thật, khi cầm các tác phẩm của các cựu binh Trường Sơn tham gia trại viết năm 2019 trên tay tôi rất mừng. Mừng bởi cảm nhận được phần nào sức nặng của quá khứ oanh liệt. Mừng vì nghĩ mình cũng với đồng đội đã làm được điều có ích cho Trường Sơn hôm qua và hôm nay. Những năm tháng bi hùng ấy không mất đi, không bị lãng quên giữa dòng đời ào ạt, xô bồ bây giờ. Đó là lý do để những câu thơ tặng trại viết của tôi bật dậy trong đêm Đồ Sơn ì oàm sóng vỗ:...Thương nhau tóc bạc / Qua thời chiến chinh/ Câu thơ ghềnh thác/ Gọi về bình minh/ Thấy mình trẻ lại/ Khi cười bên nhau/ Chuyện đời khôn dại/ Bể người nông sâu/ Nhọc nhằn trang viết/ Nỗi người đầy vơi/ Văn thơ chân chất/ Hành quân giữa đời...
                                               
      Đồ Sơn, Hải Phòng đầu tháng 10.2019
 

tin tức liên quan