"Ấn tượng về Trại viết 2 trong 1) - Tác giả: Phạm Hồng Loan, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
ẤN TƯỢNG VỀ TRẠI VIẾT 2 TRONG 1
Phạm Hồng Loan
Đồ Sơn đón các thành viên của Trại viết do Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn tổ chức trong ánh nắng vàng tươi rực rỡ của những ngày cuối thu. Những chiến binh tóc ngả màu sương, có người đã trắng xóa mái đầu, hăm hở đến với nơi gặp gỡ của văn chương. Niềm vui ánh lên trên đôi mắt không còn tinh anh của những người một thời tham gia trận mạc với tiếng cười sảng khoái. Chỉ một lời mở đầu: Tôi ở D…E…họ đã giang rộng vòng tay với cái ôm thật chặt. Họ xích lại gần nhau, bỏ qua những e dè, bỡ ngỡ ban đầu. Ngỡ như cái xào xạc lá, cái mưa nguồn thác lũ, tiếng bom gầm đạn réo từ Trường Sơn vọng về để chỉ cần đọc một câu thơ, họ đã thấy như có sợi tơ hồng gắn kết những tâm hồn đồng điệu thơ ca.
Ngày 1/10/2019, Trại viết long trọng khai mạc trong căn phòng rộng rãi, đầy đủ âm thanh, ánh sáng. Chủ tịch Hội Trường Sơn-Thiếu tướng Võ Sở dù đã 92 tuổi, không quản ngại đường xa, đã đến động viên Trại viết. Với giọng nói sang sảng, với bầu nhiệt huyết vẫn tràn đầy, Thiếu tướng đã cung cấp khá phong phú những tư liệu, dữ kiện không thể thiếu của con đường Trường Sơn huyền thoại qua từng thời kì đến ngày đất nước toàn thắng.Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn-phó Chủ tịch Hội nối tiếp chương trình, chia sẻ những thông tin cần cập nhật với hơi thở của cuộc sống sau chiến tranh.
Sau giờ khai mạc, trại viết lập tức chuyển thành lớp học. Với giọng nói truyền cảm, Đại tá, nhà thơ Vương Trọng – người được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007) đã thổi hồn vào người nghe. Nhà thơ vừa”nói chuyện thơ” vừa giảng giải về phương pháp, nghiệp vụ sáng tác để có một bài thơ hay. Tỉ mỉ, cẩn trọng, chi li, nhà thơ đưa người viết mải mê đi tìm “nguyên vật liệu cho thơ” giữa bộn bề đời sống. Làm sao tìm cho ra những thứ nguyên vật liệu đó để lựa chọn những nguyên liệu “đắt giá”. Rồi “đầu tư vào cấu tứ”. Đây là bước quan trọng, quyết định sự thành công của bài thơ, hấp dẫn người đọc, là cái đinh ghim bài thơ vào lòng người đọc. Cuối cùng là bước “dỡ giàn giáo cho thơ” để bài thơ cất tiếng chào đời, hé mắt nhìn cuộc đời trong sự trân trọng, ngưỡng mộ. Những trăn trở, băn khoăn, vướng mắc trong nghiệp làm thơ được dịp bung ra để nhà thơ lí giải thỏa đáng làm cho không khí lớp học nghiêm mà không nặng nề, vui mà không loãng chủ đề tạo nên không khí vui tươi sôi nổi. Không còn khoảng cách thày trò, lứa tuổi. Được mệnh danh là “nhà Kiều học”với lối vận Kiều, đố Kiều độc đáo, nhà thơ đan xen giữa lời giảng về cách làm thơ với lời bình thấm thía, sâu sắc về những câu thơ câu Kiều đã thoát ly Truyện Kiều mà sống trong cuộc sống hàng ngày, làm giàu thêm ngôn ngữ Việt, khiến các học viên đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong thời gian ở trại, mỗi lần kết thúc bài giảng, nhà thơ lại thể hiện những bài thơ để lại dư âm trong lòng người đọc: Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc, Tiễn chồng đi chợ tình, Chị dâu.
Sang ngày thứ ba của Trại viết, nhà thơ Trần Quang Quí –Phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội đem đến cho các học viên cách tìm tứ cho thơ bằng cách giảng độc đáo với phương pháp trực quan khiến người làm thơ vỡ lẽ ra nhiều điều. Bởi với những người làm thơ không chuyên nghiệp cứ thích là viết, khi thì viết theo cảm hứng bất chợt. Nghĩ gì viết nấy. Khi thì loay hoay, nhọc nhằn đi tìm thi hứng, tìm tứ cho thơ. Thì ra muốn tìm hứng cho thơ phải bắt đầu từ một sự vật, hiện tượng nào đó đem đến xúc cảm để phải day dứt, trăn trở từ đó mới bật lên ý thơ, tứ thơ. Tứ thơ thể hiện rõ nhất tài năng sáng tạo của nhà thơ. Nhiều bài thơ để lại dấu ấn cho người đọc bởi cái tứ độc đáo của nó.
Đại tá quân đội - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - cái tên đã trở nên quen thuộc trong làng thơ Việt Nam và bạn đọc yêu thơ với giọng thơ chắt chiu, đi tìm và biểu đạt những vẻ đẹp tâm hồn. Một giọng thơ chinh phục người đọc bằng sự thành thực nội tâm, người được ví “như một trong những “gạch nối” giữa các thế hệ cầm bút thời chiến và thời bình khi sáng tác về chiến tranh Cách mạng, trong đó có đề tài Trường Sơn.” là người thổi linh hồn, khuấy động không khí trại viết trong vai trò của một MC chuyên nghiệp. Có thể nói ngắn gọn về MC “bất đăc dĩ” này:Thông minh, hài hước, dí dỏm, giỏi biến báo. Chẳng thế mà anh kéo dài cuộc vui bất tận trong buổi “thi thơ” ngẫu hứng từ chập tối cho đến nửa đêm mà các “cụ” râu tóc kém xanh vẫn còn mải mê, xung phong lên sân khấu trình diễn tiếp những tác phẩm của mình. Có lúc anh như chú tắc kè hoa biến hóa khôn lường.Anh dẫn dụ người nghe bằng những lời dẫn độc đáo. Khi lặng lẽ lấy tựa đề của một tình huống, một câu chuyện làm xúc động lòng người. Khi đọc câu thơ trong tác phẩm để người nghe hiểu được nội dung bài thơ tác giả sắp trình bày. Khi trầm tư, sâu lắng như nhà nghiên cứu phê bình, đưa người nghe về những gian khó, hiểm nguy của cuộc chiến cách đây gần nửa thế kỉ, những trăn trở của đời thường. Khi thì “láu cá”, hài hước, vui đùa hồn nhiên như chàng trai mới lớn. Lúc chậm rãi, bước một khi biết thời gian cho cuộc giao lưu sắp hết. Đó là cái tài, kĩ năng mà không phải người dẫn chuyên nghiệp dù nổi tiếng cũng có được. Là Chủ nhiệm trại viết, anh còn giữ vai trò làm người thày lên lớp những vấn đề về lý luận sáng tác truyện ngắn và bút kí văn học. Anh chỉ ra cho những người viết không chuyên các bước quan trọng trong việc bắt tay vào viết bút kí. Từ việc xác định chủ đề bài viết để tìm chất liệu trong cuộc sống đưa vào đến việc thu thập tài liệu từ những chuyến đi, từ vốn sống đến vốn kiến thức sẵn có. Tiếp đến là khâu xử lí dữ liệu. Làm sao cho bài viết phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, phải phản ánh được những gì nó vốn có, đã diễn ra, đang diễn ra, mang đến cho người đọc cảm xúc mới mẻ, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống. Từ văn xuôi, anh chuyển tiếp sang lĩnh vực thơ với cách giảng bài theo phương pháp gợi mở kết hợp phương pháp thảo luận nhóm mà chỉ những giáo viên có thâm niên mới thực hiện được. Bài thơ Lau biên giới của nhà thơ Chế Lan Viên được trình bày trên bảng. Chỉ ít phút sau, các học viên bỗng chốc trở thành các “nhà phê bình văn học” ngẫu hứng thi nhau trổ tài, phân tích, bình luận. Không còn lớp học. Chỉ còn là cuộc trò chuyện, bàn luận sôi nổi về giá trị nội dung, nghệ thuật bài thơ. Buổi học kết thúc với dư âm đọng mãi không chỉ về giá trị bài thơ mà là kết luận của người giảng:Thơ là thực tại, là tâm hồn, là trí tuệ của người viết.
Nói đến thành công của trại viết không thể không nói đến nhà báo, nhà văn, Tổng biên tập trang báo điện tử của Hội Truyền thống Trường Sơn - Phạm Thành Long. Là một trong những người thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, năm 2017, anh cùng lãnh đạo Hội khởi xướng thành lập Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn với mục đích ôn lại những hoạt động làm lên con đường Trường Sơn huyền thoại, phác họa, phản ánh những hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, coi văn học nghệ thuật là công cụ đắc lực từ đó chuyển tải những tác phẩm của Văn học Nghệ thuật Trường Sơn đến hội viên Trường Sơn và công chúng. Có thể nói anh là người đậm chất lính. Chất lính tỏa ra trong mọi công việc. Lĩnh vực nào của Hội anh cũng tham gia bằng cả bầu nhiệt huyết của người lính. Anh mang bản lĩnh, tác phong làm việc của người lính vào mọi công việc của Hội. Anh trăn trở làm sao cho những hoạt động của Hội ngày càng phát triển, tìm kiếm các nguồn ủng hộ cả về tinh thần vật chất. Là nhà báo, nhà văn, anh chủ động lên kế hoạch và chỉ đạo sát sao trong việc biên tập bài vở, in ấn để đảm bảo số lượng, chuẩn về chất lượng. Đã trải qua công việc Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong nên trong anh đầy ắp vốn sống. Nhiều người gọi anh là “con ma chữ”. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi vừa mới tiếp xúc, anh đã nói vo khi giới thiệu lí lịch trích ngang của các học viên. Bài giảng của anh chú trọng vấn đề viết tin ngắn, tin sâu cho các báo. Lâu nay, đọc nhiều tin trên các báo nhưng mấy ai chú ý các loại tin này phải đảm bảo các yếu tố: Tin ngắn không chỉ là số chữ ít mà phải thỏa mãn các câu hỏi: Ai? Ở đâu? Thế nào? Còn tin sâu khai thác tình tiết sâu hơn, chắt lọc những thông tin chính xác, hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu độc giả. Ngay cả đặt nhan đề cho tin cũng phải khái quát được sự việc phản ánh, gợi sự tò mò của người đọc, tránh sự dài dòng. (Xin được lan man một chút ngoài lề. Anh thể hiện chất lính ngay cả trong cuộc sống riêng. Năm năm qua hàng ngày, anh dành thời gian ngồi thiền. Đó là cách anh giảm căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện hệ miễn dịch. Hệ thống kinh mạch bị ách tắc của cơ thể được khai thông, dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, tạo lập lại sự quân bình cho toàn bộ cơ thể, hỗ trợ rất tích cực cho y học đương đại về lâu dài để phần nào thải bớt chất độc da cam vẫn còn ẩn náu trong người anh, giảm bớt sự đau đớn với căn bệnh khó chữa. Năm năm qua, bữa tối với anh chỉ là lạc rang và rau xanh. Đó cũng là ý chí của người lính trong đời thường).
Trại viết được tổ chức trong 7 ngày. Thời gian đó quả là quá ít cho những người chưa từng qua trường lớp viết văn. Họ đến với văn chương qua những trang viết còn vụng dại, bằng cả sự đam mê. Họ đến với trại viết bằng lòng hăm hở, bằng nhiệt huyết của người lính để làm nên một trại viết mang đầy chất lính. Họ là những người con của Trường Sơn từng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nơi từng mỏm đá,dòng suối, cánh rừng đều in dấu chân họ. Bao trận mưa bom, bão đạn không làm họ chùn bước chân để cùng viết lên khúc khải hoàn ca trong ngày thống nhất đất nước. Từ Trường Sơn, họ mang về đây những mảnh đạn còn găm sâu trong cơ thể, mang theo những trận “sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi”. Chất lính tràn đầy với tình cảm ấm áp, chan hoà, với trái tim tràn đầy nhiệt huyết để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, hăm hở, cần mẫn gửi lòng mình trên từng trang viết. Họ viết cho cả các thế hệ sau này hiểu và thấm thía giá trị của những ngày họ đang sống để trân quí những gì cha ông để lại, để có những tác phẩm mang lại ấn tượng cho người đọc, được Ban chủ nhiệm đánh giá cao trong trại viết của người lính. Vì người lính.
Có lẽ sôi nổi nhất trong những ngày diễn ra trại viết là cuộc gặp gỡ với Hội nhà văn Hải Phòng. Bỏ qua nghi thức xã giao, cả trại viết và các nhà thơ Hải Phòng cuốn vào với không khí náo nhiệt của buổi giao lưu dưới sự dẫn dắt của MC tài ba Nguyễn Hữu Quí. Nhà thơ Vương Trọng mở đầu chương trình trong dạt dào xúc cảm với Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc. Nhà thơ Thúy Ngoan nói hộ nỗi lòng những người vợ liệt sĩ “Đêm nằm đếm mấy canh gà/Bàng hoàng ngơ ngẩn vào ra rạc ngày” để “Sáu mươi xuân ấy lê thê phận người” khi “Hồn người gửi lại rừng xanh không về”. Phạm Đăng Kiểm cất tiếng gọi Duật ơi thay một nén nhang khi nhớ về người đồng đội được ví như “ngọn gió của đại ngàn Trường Sơn” “cây săng lẻ của rừng già” trong những câu thơ da diết. Phó Chủ nhiệm trại viết Phạm Sinh đem đến cho người nghe phút lắng sâu trong những ca từ dạt dào cảm xúc từ ký ức một thời Trường Sơn của bài hát “Kỉ niệm mối tình đầu”. Trại viên cao tuổi Nguyễn Tất Đình Vân tình tứ cùng ca sĩ trẻ măng, đưa người nghe về với miền Quan họ Mời Trầu, để các trại viên gọi đùa anh là “ông quan họ”. Còn Đinh Hởi được các bạn gọi là “ông Tập tầm vông” khi anh trình bày bài thơ tâm đắc của mình. Nếu nhà thơ Trần Thị Lưu Ly đưa người nghe về với vùng quê, nơi “Hồn dân tộc nghìn năm hương khói gọi ta về” ” thì Trần Ngọc Mỹ thắm đượm nghĩa tình với “Men của lúa hương say nồng chất đất”. Nhà văn Nguyển Bổng nức nở nghẹn ngào với Lời nói dối khi nhắc đến người bạn đã hy sinh khiến cả hội trường lặng đi. Buổi giao lưu diễn ra sôi nổi, hào hứng chuyên nghiệp đến nỗi Tiến sĩ Phạm Công Đoàn, người đắm đuối với văn chương phải thốt lên: “Nói thật, lúc đầu tôi nghĩ Hội Văn học nghệ thuật Trườn Sơn cũng bình thường. Thơ của lính thì mộc mạc, bình dị thôi. Không ngờ, bài nào của các anh cũng rất đẫm đời” Nhà thơ Đinh Thường Chủ tịch Hội nhà văn Hải Phòng hồ hở chào mừng Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đã tổ chức trại viết qui mô,chất lượng và đề nghị nếu hội tổ chức những hoạt động tương tự thì sẽ được cùng tham gia.
Rời trang viết, Đoàn văn nghệ sĩ Trường Sơn đến với bến Nghiêng –nơi xuất phát của những chuyến tàu không số. Họ là những người lính, những thanh niên xung phong, những bác sĩ quân y… đến từ nơi “nước chảy phân hai”, từ thành phố mang tên Bác, từ vùng nắng gió miền Trung, từ nơi phát tích 14 triều Trần, từ quê hương của “Chị Hai năm tấn”, từ quê hương quan họ “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”, từ nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Những người lính mình đồng da sắt, chân trần trên dải Trường Sơn hôm nay đến với những người lính trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, ăn sóng, nói gió, vững vàng vượt qua bão giông, mưu trí sáng tạo vượt qua vòng vây của tàu địch để lặng im nghe tiếng sóng mênh mang dội về. Để thấy trên từng ngọn sóng, dáng hình đồng đội kiên gan bền chí, kiên cường vận chuyển hàng ngàn, hàng ngàn tấn vũ khí nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, làm nên kì tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Để rồi từ đây, những lời thơ, những trang viết của các Cựu chiến binhvề các anh vang vọng mãi
Trong báo cáo Tổng kết, thay mặt Ban chỉ đạo trại, nhà thơ Nguyễn Hữu Quí đã đánh giá những tác phẩm văn xuôi với 10 truyện ngắn, 20 bút kí, tản văn thật chi tiết, cụ thể. Với mảng đề tài chiến tranh, nhà thơ cho rằng đây là “kho báu” của những cây viết là Cựu chiến binh. Bởi họ đã lớn lên, dạn dày từ cuộc chiến, đi ra từ cuộc chiến. Ai hiểu những gian khổ, khó khăn trong cuộc chiến với những “đêm dài hành quân nung nấu” đói cơm, khát nước, chỉ có miếng lương khô cầm chừng bằng họ? Ai thấm nỗi đau thương mất mát khi đồng đội hy sinh trên tay mình, trước mặt mình bằng họ? Ai chịu đựng những nỗi đau dai dẳng trên cơ thể khi chất độc da cam thấm vào từng tế bào,khi những mảnh bom đạn địch như lưỡi dao bén ngọt vẫn găm trong cơ thể cho đến tận bây giờ? Với những trang viết đầy ắp hiện thực chiến trường khói lửa, các tác giả đã dựng lên bức tranh đầy ắp các sự kiện thể hiện sự tâm huyết, công phu trên từ câu chữ. Đó là bút kí Những căn hầm Trường Sơn của Hoàng Trung Kính, Đêm vùng địch nghe di chúc Bác của Nguyễn Kim Chúc, Chuyện phía sau chiến tuyến của Nguyễn Viết Lợi, Cùng người thủy thủ trên tàu không số của Phạm Sinh, Đóa hoa trên đỉnh núi của Vương Văn Kiểm, “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước” của Phạm Hồng Loan. Mảng đề tài phản ánh cuộc sống hiện tại với những vấn đề đang diễn ra trong xã hội cũng được ngòi bút của các tác giả văn xuôi soi vào các ngõ ngách của cuộc sống, phản ánh những tha hóa của con người trong xã hội khi cơ chế thị trường lên ngôi. Ngòi bút của nhiều tác giả không ngại ngần phơi bày những mặt trái của xã hội với cái ác, cái xấu len lỏi trong từng ngõ xóm, chui vào từng gia đình, phá vỡ đạo lí ngàn đời của dân tộc về chữ hiếu, về đạo làm con. Trong các trang viết, hiện thực đời sống hiện lên một cách chân thực như nó vốn có, sinh động như nó đang diễn ra. Một số tác giả đã thành công trong mảng đề tài này như Nguyễn Bổng (Ngày giỗ bố), Nguyễn Đại Duẫn (Trở về), Hoàng Văn Kính (Báo hiếu), Phạm Hồng Loan (Một mảnh đời, Nắng cứ lóa mắt,). Một số tác phẩm đã bộc lộ tính chuyên nghiệp cao, vững tay trong việc dàn dựng cốt truyện, lựa chọn chi tiết, xây dựng nhân vật, xây dựng các tình huống truyện, tạo dựng không gian nghệ thuật tốt như tác phẩm Một mảnh đời, Nắng cứ lóa mắt của Phạm Hồng Loan, Hai thằng Thìn của Nguyễn Bổng. Thật đáng mừng khi con mắt xanh của Chủ nhiệm trại viết đã tìm ra một số cây bút văn xuôi có triển vọng cho các phong trào viết của Hội truyền thống Trường Sơn, đặc biệt là Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn.
Với hơn một trăm bài thơ, nhà thơ Vương Trọng phải mất nhiều thời gian đọc, thẩm định và cũng thật khó để tìm ra những khuôn mặt thơ tiêu biểu. Lời tổng kết giá trị nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm cũng là dịp để nhà thơ vốn nặng lòng với thơ một lần nữa phân tích, giảng giải cho các trại viên về cách viết, cách chọn tứ, lập tứ, gieo vần, bố cục, xác định tứ thơ trọng tâm, tránh cách làm thơ theo hướng quen tay, theo kiểu ngâm vịnh. Một lần nữa, các trại viên thấm thía về một bài thơ hay trước hết phải có tứ thơ hay, không viết những gì người khác đã viết. Phải biết tạo nhịp điệu, tiết tấu, cảm xúc mạnh, với những hình ảnh mang yếu tố phát hiện. Mỗi nhà thơ đều mang đến cho Trại viết một giọng điệu mới mẻ tạo lên bản hòa ca của người lính. Nếu Hải Ba Về với bến Nghiêng khi tóc đã bạc màu, tìm lại người bạn đã hy sinh trên chuyến tàu Không số mà thấy bạn vẫn: “Kiên trung trong ánh sao ngời/ Vũng Rô ơi! Giữ trọn lời nước non”. Giờ đây chỉ còn lại mình anh trong bóng chiều với những thổn thức: “Bến Nghiêng nghiêng bóng hoàng hôn/ Mênh mang biển nhớ trắng cơn mưa chiều” thì Hồ Văn Chi dấn thân vào thơ Đường luật, thể thơ kén người viết, người đọc với những vần thơ da diết về quê hương anh, nơi “Đà Nẵng bản giao hưởng sắc màu” với “Cổ Viện náu mình lưu sự tích/Cầu Rồng vươn nhịp hướng khơi xa”. Nếu Đức Dụ miên man với những kỉ niệm về Lan tím Trường Sơn, món quà của tình yêu đầu đời người chiến sĩ tặng cô Thanh niên xung phong. Rồi “anh đi mãi mãi không về” để “Ngày hòa bình em trở về quê/Trong con tim vẫn nhành lan tím” và em đã: “Sống trọn đời cùng lan tím Trường Sơn” thì Nguyễn Viết Lợi ngọt ngào, sâu lắng với Lục bát làng: “Chiều làng không rượu mà say/Cho ta uống cạn những ngày gió sương”. Phạm Văn Việt kể lại câu chuyện xúc động về Đêm vượt sông Bến Hải nơi thượng nguồn trong lúc: “Lũ lồng lên như muốn kéo sập rừng!”. Đối với người chiến sĩ, không khó khăn nào khiến họ chùn bước. Giờ đây, họ đang: “ Nghe nhịp thở của nhau mà bậm chân từng bước”. Và họ nắm tay nhau: “Hẹn nhau một ngày gặp lại /Trong đội hình duyệt binh qua cầu Hiền Lương!” Họ tin, một niềm tin chắc chắn, bởi lúc này đây: “Tim cháy bỏng tưởng có thể làm sôi dòng nước/Mắt xuyên đêm như muốn hóa mặt trời”.
Trại viết đã thành công rực rỡ bởi nỗ lực, quyết tâm của Ban Thường vụ Hội Trường Sơn, sự tận tâm, tận lực của Ban chỉ đạo, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, bài bản của Ban chủ nhiệm trại viết. Ngày gặp mặt đầu tiên, mỗi Hội viên đã được nhận một xấp tài liệu trong đó hệ thống hóa từ chương trình khai mạc trại, đến chương trình trại viết, danh sách trại viên và những thông tin cần cập nhật. Đó là điều mà ít có Trại viết nào làm được. Từ cách dặn dò chu đáo của Trưởng ban chỉ đạo về các nề nếp sinh hoạt, lo chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ đến cách thức làm việc của những người lãnh đạo, của các trại viên, từ việc tổ chức các buổi cho trại viên đọc thơ, hai buổi giao lưu thơ ca tạo nguồn cảm hứng tuôn trào cho người cầm bút. Trại viết thành công bởi sự gần gũi, ấm áp, chan hòa của chất lính tỏa ra trong sinh hoạt hàng ngày, trong sự giao lưu, gắn kết, trong những trang viết. Trong sinh hoạt, tất cả trại viết như một gia đình với chút men cay đậm hương đồng gió nội níu giữ tình thân. Trong lớp học, họ là những học viên cần mẫn tiếp thu bài giảng về lí luận sáng tác để không còn phải vật lộn với từng trang viết. Khi người dạy lấy người học làm trung tâm thì họ trở thành những nhà phê bình, nhà hùng biện không kém phần tài ba. Khi người dạy truyền cảm hứng cho người nghe bằng cả trái tim, cả khả năng của mình thì người nghe cũng truyền cảm hứng cho người dạy với những lời phát biểu thâm trầm, sâu sắc, với những trang viết chân thật, sinh động, đầy ắp hơi thở cuộc sống.
Bảy ngày với năm buổi lên lớp, hai cuộc giao lưu với các bạn thơ và Hội nhà văn Hải Phòng cùng với chuyến đi về Bến Nghiêng vẫn chưa đủ để các trại viên thoả sức trên trang viết của mình. Nhưng thế cũng là đủ cho họ mang đến Trại viết những trang nhật kí bằng thơ ngồn ngộn chất sống về “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” với những giọng điệu mới mẻ, những trang văn ấm áp thấm đẫm tình đời, tình người, dồi dào nội lực, hứa hẹn những thành công đang chờ phía trước.
Tác giả Hồng Loan ( thứ 5 trái sang) cùng những Trại viên có tác phẩm chất lượng cao tại Trại viết
Đồ Sơn Tháng 10 năm 2019.
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam