NGƯỜI KỸ SƯ CẦU ĐƯỜNG SAY SƯA VỚI ĐƯỜNG THI
Trong lần gặp nhau tại Trại viết Đồ Sơn do Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Việt Nam tổ chức hồi đâu tháng 10 mới đây, qua lần trò chuyện tôi ngỏ lời chất vấn anh Hồ Văn Chi: Cơ duyên nào để anh trở thành một trong những người sớm nhất đến với Trang Thông tin Điện tử Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và cũng là một trong những hội viên sáng lập của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn ?. Không phút chờ đợi tôi được anh trả lời chóng vánh rằng: Tôi yêu Trường Sơn và có nhiều lắm ký ức không thể nào quên về những tháng năm tham gia làm nhiệm vụ trên con đường huyền thoại này…
Hồ Văn Chi - Bút danh: Hữu Chí. Anh là Kỹ sư xây dựng và nguyên Phó Tổng GĐ Cienco5, Bộ Giao thông Vận tải. Hiện nay anh là Hội viên Hội VHNT Trường Sơn; Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam; Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng; Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Thành viên TT UNESCO NCVC VN và là Hội viên CLB Thơ Hàn Giang, Đà Nẵng.
Hồ Văn Chi sinh năm 1945 tại Quỳnh Đôi - Quỳnh lưu - Nghệ An, mảnh đất nổi tiếng là cái nôi văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học. Chính vì vậy mà từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” để nói về cái sự học của Làng Hành Thiện - Xuân Trường - Nam Định và Làng Quỳnh Đôi - Quỳnh lưu - Nghệ An quê anh.
Cũng nằm trong cái dòng chảy hiếu học của quê mình - Hồ Văn Chi đã học tập phần đấu để rồi anh trở thành một Kỹ sư Xây dựng chuyên ngành cầu đường... Năm 1966 anh tham gia trong đoàn Cán bộ kỹ thuật của Bộ GTVT tăng cường cho Khu 4 nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ở đây anh làm Kỹ thuật và là Giáo viên BTVH cho Đội TNXP 759 miền Tây Quảng Bình (Đường 15 và 12). Từ 1967 đến 1969 Hồ Văn Chi làm Giáo viên dạy Trung cấp Kỹ thuật Giao thông cho các đơn vị TNXP Cục Công trình 2. Tháng 2 năm 1970 đến tháng 5 năm 1975 anh làm Cán bộ Kỹ thuật Ban GTVT Khu 5, chuyên khảo sát thiết kế và có những đợt biệt phái qua các đơn vị Công binh Khu 5 mở đường Đông Trường Sơn.
Từ năm 1975 đến 1982 Hồ Văn Chi là Cán bộ Kỹ thuật Khu Quản lý Đường bộ 5 và năm 1982: Nhập Khu Quản lý Đường bộ 5 sáp nhập với Xí nghiệp Liên hiệp Công trình 3 (Tiền thân là Ban XD 67 anh hùng) thành: Liên hiệp Các Xí nghiệp xây dựng và Quản lý Giao thông 5. Năm 1992 đơn vị lại được tách lại thành: Tổng Công ty XDCTGT5 (Cienco5) - Khu Quản lý Đường bộ 5.
Quá trình tham gia công tác tại các đơn vị kể trên, Hồ Văn Chi đã đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho công việc. Cũng từ đó anh phấn đấu trở thành những cán bộ chủ chốt của các đơn vị anh qua và trước khi nghỉ hưu Hồ Văn Chi đã đảm nhận đến chức vụ Phó Tổng Giám đốc của Tổng Công ty XDCTGT5 (Cienco5).
Thật thú vị đến hơn cả thú vị - Đúng như lời của tác giả Nguyễn Văn Thụ - Phó Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam khi ông viết lời giới thiệu cho tập tác phẩm “Đọc Kiều” của Hồ Văn Chi (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn – Tháng 10 năm 2019) - Tác giả Nguyễn Văn Thụ viết: “...Đọc xong tập bản thảo, tôi khá ngạc nhiên vì anh Chi, người họ Hồ Nghệ An, vốn là một Kỹ sư xây dựng suốt đời công tác trong ngành Giao thông, chỉ quen với đất đá, bê tông, nhân công, kinh phí...mà sao khi anh đến với văn chương lại giàu ngôn ngữ thơ đến thế.”.
Quả là như thế - Hồ Văn Chi đã rất “liều” khi anh “nhảy” vào lĩnh vực Văn chương và càng “liều” hơn khi anh tìm đến bước đi gần như khó nhất đó là “Thơ Đường luật”. Và sự thật dòng “Thơ Đường luật” đã không phụ cái máu liều của anh. Chứng minh cho điều này chúng ta có thể đưa ra một ví dụ, đó là: Năm 2015 Hồ Văn Chi cho ra đời tập thơ thứ 2 mang tên “Cánh võng Trường Sơn” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tại tập thơ này xuất hiện một bài thơ Đường luật cùng với tên sách - “Cánh võng Trường Sơn”. Bài thơ này từng được đánh giá cao trong số tất cả những bài thơ hay của các tác giả trong cả nước nói về cánh võng của người lính trận…
Và đây chúng ta còn nhớ mùa WorldCup Nga 2018 Với lòng yêu thơ, yêu thể thao và sự nhiệt tình sáng tạo của mình Hồ Văn Chi đã mạnh dạn với một ý tưởng chép lại nhật ký WorldCup Nga 2018 bằng thơ Đường luật và rồi cứ sau mỗi trận thi đấu Hồ Văn Chi lại cho ra đời một bài thơ – Bài thơ phải tuyệt đối tuân thủ 2 luật đó là “Luật thơ Đường” và “Luật bóng đá”, chưa hết - về thời gian ra đời tác phẩm lại không cho phép trễ quá trước trận cầu tiếp theo của WorldCup. Và một điều chẳng dễ chút nào nữa đặt ra đó là chỉ trong khuân khổ 8 câu thơ với 56 từ sao cho nó phải mô tả được tên đội bóng; tên cầu thủ nổi bật, diễn biến trận đấu và kết quả trận đấu, hơn nữa đôi khi nó còn phải đánh giá bình luận tương lai bước tiếp hay lùi lại của mỗi đội qua vòng bảng... Khó thế đấy nhưng Hồ Văn Chi đã vượt qua và anh đã thành công với 74 bài thơ về mùa WorldCup Nga 2018 trong đó có 64 bài đồng hành với 64 trận cầu và 10 bài mang tính bình luận cổ động cho toàn giải. 74 bài thơ về mùa WorldCup 2018 của Hồ Văn Chi đã được Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành với cái tên: Nhật ký World Cup 21 Nga-2018 và được đông đảo bạn đọc quan tâm.
Ấn tượng và khâm phục trước thành công “Nhật ký World Cup 21 Nga-2018” của Hồ Văn Chi – Trong lần nhận cuốn sách anh tặng, tôi đã hứng cảm đôi vần “tặng” lại anh:
Nhiệt tình, hiểu biết, đam mê
Trường ca World cup trọn bề thăng hoa
Luật thơ, luật bóng giao hòa
Đường thi bút họa - Tài ba “Sỹ Hồ”
Năm mười hai(512) câu họa đồ
Vẽ mùa World cup trong mơ bao người.
Trở lại những ngày ở Trại viết Đồ Sơn. Tình cờ tôi phát hiện thấy Hồ Văn Chi hầu như trong suốt thời gian ở đây anh không có mấy thời giờ để ngơi nghỉ. Ngoài giờ lên lớp, giờ sáng tác tự do anh lại còn kè kè bên mình cuốn Truyện Kiều. Thấy anh nghiền ngẫm cuốn sách này tôi tò mò hỏi anh thì được Hồ Văn Chi cho biết anh đang trong giai đoạn “Phôi thai” một tác phẩm mới đó là một cuốn sách dự kiến có tròn 100 bài thơ Đường luật với nội dung là cảm nhận, là thể hiện góc nhìn riêng của anh về truyện Kiều... Thế là lại một bất ngờ nữa đến khi mà nghiền ngẫm với cuốn truyện Kiều với 3.254 câu Lục bát của Đại Thi hào Nguyễn Du rồi Hồ Văn Chi lại cảm nhận và thể hiện góc nhìn riêng của anh về nó bằng 800 câu Đường luật – Một thể thơ khắt khe với hệ thống quy tắc, phức tạp về Luật, Niêm, Vần cùng với nguyên tắc đối âm đối ý... Đây chắc chắn lại là thành công thứ 2 của Hồ Văn Chi với 2 Trường thi Đường luật đã và sẽ được thi huynh, thi hữu và bạn đọc yêu thơ đón nhận.
Tập thơ "Đọc Kiều" - Tác giả Hồ Văn Chi. Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019
Tính đến thời điểm này Hồ Văn Chi đã xuất bản 04 tác phẩm bao gồm: “Mùi rơm quê nhà. NXB Văn học 2014”; “Cánh võng Trường Sơn. NXB Văn học 2015”; “Nhật ký Wold Cup 21 Nga-2018. NXB Đà Nẵng 2018” và “Đọc Kiều. NXB Hội Nhà văn 2019”. Ngoài ra anh còn có nhiều thơ đăng chung trên các tập thơ, tạp chí TW và địa phương. Với Hồ Văn Chi – Thơ Đường luật được coi như sở trường của anh, tuy nhiên ở các thể thơ khác anh cũng khá xuất sắc trong sáng tác và lựa chọn chủ đề, anh là điển hình trong số các tác giả thường xuyên có bài chất lượng cao đóng góp cho Trang Thông tin Điện tử Hội Trường Sơn Việt Nam.
Cách nay vài ngày anh Hồ Văn Chi có điện cho tôi báo tin cuốn “Đọc Kiều” của anh đã in xong và anh đang chuẩn bị đóng gói để gửi ra tặng các đồng chí trong Cơ quan Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam và các đồng chí trong BCH Hội VHNT Trường Sơn; tặng một số bạn bè đồng đội cùng có những ngày tham gia Trại viết Đồ Sơn với anh…Theo đó qua trang facebook cá nhân anh Hồ Văn Chi đã gửi cho tôi hình ảnh bìa của cuốn sách mang tên: “Đọc Kiều” - NXB Hội Nhà văn 2019. Chưa đọc cuốn sách này nên tôi chưa thể đi sâu về nó để có những thông tin ban đầu chuyển tải đến các đồng chí và bạn đọc trong bài viết này... Xin các đồng chí và bạn đọc đón chờ để được đọc 100 bài thơ in trong cuốn “Đọc Kiều” của tác giả Hồ Văn Chi sẽ được đăng tải trên chuyên mục “Văn học Nghệ thuật” của Trang Thông tin Điện tử Hội Trường Sơn Việt Nam trong những ngày gần đây nhất.
Xin chúc mừng thành công của anh Hồ Văn Chi – Người Kỹ sư cầu đường say sưa với Đường thi.
Phạm Sinh