Hoàng Đại Nhân - TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam. Bình bài thơ: KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI" của tác giả Nguyễn Văn Khải

Ngày đăng: 10:30 22/12/2019 Lượt xem: 1.077
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM ĐẦU TIÊN
THAM GIA TRONG LỘ TRÌNH KHỞI ĐỘNG “ ĐẾN VỚI MỘT ÁNG THƠ ”.
 
         Không phải là lính Trường Sơn, nhưng có lẽ vì yêu mến Trường Sơn nên CCB Hoàng Đại Nhân đã có cơ duyên để rồi anh trở thành một hội viên sáng lập của Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam…
         Tháng 10 năm 2019 vừa đây anh được mời về tham dự Trại viết do Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn thuộc Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức tại Đồ Sơn – Hải Phòng… Tại đây Hoàng Đại Nhân đã được làm quen với rất nhiều bạn thơ trong đội hình tuyển chọn của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn; làm quen với Nhà thơ Vương Trọng, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý… Và nhiều lắm những tập thể, cá nhân cùng về giao lưu và chúc mừng Trại viết.
         Có một điều thú vị bất ngờ đến với anh, đó là anh đã được đồng chí Phạm Thành Long – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, Tổng Biên tập Trang Báo Điện tử Trường Sơn tặng cả gần chục ấn phẩm thơ, văn Trường Sơn… Và rồi trong cái thú vị bất ngờ ấy Hoàng Đại Nhân đã bắt gặp được cuốn “TRƯỜNG SƠN THUỞ ẤY... BÂY GIỜ” của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, xuất bản năm 2017 và cũng tại cuốn sách này bài thơ “KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI” của tác giả Nguyễn Văn Khải, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 Sư đoàn 472 Bộ đội Trường Sơn đã “thăng hoa” cho anh một cung bậc cảm xúc để ký ức trong anh lại hiện về nguyên hình một con đường anh đã từng đi qua – Đường Trường Sơn…
         Rồi lại một tình cờ nữa như một sự dong duổi theo Hoàng Đại Nhân bởi cái bóng hình Trường Sơn cứ “lôi ra” chuỗi chuỗi ký ức để rồi cảm xúc lại trào dâng… Lần ấy trong một chương trình giao lưu giữa anh chị em Trại viết Đồ Sơn với Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng khi nghe đồng chí Phạm Sinh – Ban Chủ nhiệm Trại viết hát bài “NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI” – Khi bài hát kết thúc Hoàng Đại Nhân đã “bệ” cả bình hoa trên hàng ghế đại biểu lên tặng đồng chí Phạm Sinh. Động thái “vội vã, bất ngờ” đến “không bình thường” của Hoàng Đại Nhân ôm cả bình hoa lên tặng người hát, chắc không hẳn là tặng người hát hay bởi trong buổi giao lưu hôm ấy ai hát mà chẳng hay… Mà động thái ấy của Hoàng Đại Nhân lại một lần lộ ra bởi những ca từ và giai điệu của bài hát đã đồng hành cùng “KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI”, cả hai đã “chạm” mạnh và làm gia tăng cảm xúc về một con đường huyền thoại – đường Trường Sơn trong anh.
         Và vào một buổi tối tôi và anh Hoàng Đại Nhân cùng mấy anh bạn thân rủ nhau ra uống Café tại quán nước vỉa hè bên bờ biển phía trước Trại viết. Trong những câu chuyện về thơ, văn tôi có chia sẻ với mọi người về ý tưởng của một bước đi mới của VHNT Trường Sơn và Trang Báo Điện tử Trường Sơn – Ý tưởng đưa “Bình tác phẩm Văn học” vào hoạt động VHNT Trường Sơn và Trang Báo Điện tử Trường Sơn… Nghe vậy mọi người đều vui và vỗ tay tán thưởng, riêng Hoàng Đại Nhân, anh có thêm động tác “giơ cả hai tay” và nói rằng: Đồng ý, tuyệt vời… Đồng ý, tuyệt vời. Ngắt lời anh nói tiếp: Ý tưởng của VHNT Trường Sơn và Trang Báo Điện tử Trường Sơn rất “trúng” niềm mong của tôi và cả anh em đồng đội … Tôi sẽ lấy “KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI” và “NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI” để “thử nghề”… và tôi có thể nói rằng – Với tôi Trường Sơn hôm qua, Trường Sơn hôm nay và mãi mãi mai sau luôn luôn sẽ là “NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI”…
         Ý tưởng của VHNT Trường Sơn và Trang Báo Điện tử Trường Sơn cùng niềm mong của Hoàng Đại Nhân cũng như đông đảo những người yêu Trường Sơn đã được thực hiện. Ngay sau khi Trang Báo Điện tử Trường Sơn đăng tải “Thư công tác của Tổng Biên tập Báo Điện tử Trường Sơn - Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam.” Về việc VHNT Trường Sơn Việt Nam phát triển thêm mảng “Bình tác phẩm Văn học” mang tên “ ĐẾN VỚI MỘT ÁNG THƠ ”trên chuyên mục “ VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TRƯỜNG SƠN” của Trang Báo Điện tử Trường Sơn. Đến nay Ban Biên tập đã nhận được 07 tác phẩm của 06 tác giả gửi về tham gia, trong số ấy không ai khác – Hoàng Đại Nhân đã là người đầu tiên gửi bài đến.
         Hôm nay nhân thời khắc Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tổng Biên tập Báo Điện tử Trường Sơn - Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam Phạm Thành Long đã “bấm nút” khởi động “ ĐẾN VỚI MỘT ÁNG THƠ ”… trên Trang Báo Điện tử Trường Sơn.
         Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc tác giả và tác phẩm đầu tiên “mở hàng” cho sự cất cánh của “ ĐẾN VỚI MỘT ÁNG THƠ ”.
         Xin trân trọng./.
 
Phạm Sinh
Ban Biên tập Trường Sơn

 

KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI
Nguyễn Văn Khải
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 Sư đoàn 472 Bộ đội Trường Sơn
(sau là Lữ đoàn 99) thời kỳ 1978-1985
 
Ngày mai đơn vị chuyển đi rồi
Cái sân bóng trở thành im lặng
Nhà con gái chỉ còn nền đất vắng
Dưới cầu con cá ngẩn ngơ bơi

Gốc khế chua không một bóng người ngồi
Khế nhớ ai mà khế rơi xuống đất
Mía đã vươn cây tháng ngày vào mật
Thân tím la đà như nhớ, như mong,

Cầu bắc xong rồi cầu ở lại với dòng sông
Ghi kỷ niệm những ngày gian khổ nhất
Lũ tháng chín mưa về, móng ngập
Máy bơm gào khản tiếng suốt đêm mưa,

Bưng bát cơm nửa sắn, nửa ngô
Có giọt mồ hôi rơi trong lòng bát
Tay xúc cát bàn tay phồng rát
Xe vữa lên cầu, vữa lấm áo ai?

Xa mẹ một năm em biết cầm bay
Biết làm thợ xây,biết làm thợ xẻ
Biết tin yêu trong tình yêu đồng chí
Con mắm chia đều, đêm lạnh chung chăn

Cũng có người muốn xa lánh Trường Sơn
Nhưng với em thì em nghĩ khác
Đất nước mình bao nhiêu năm đuổi giặc
Gian khổ trăm bề có quản chi đâu?

Cái khó hôm nay là cái khó ban đầu
Em hiểu vậy nên quên đi khó nhọc
Em hiểu vậy nên thấy mình hạnh phúc
Dầu da có đen và mái tóc thôi dài

Em hiểu cầu như hiểu tấm lòng ai
Đêm trăng lên cầu thường hát đấy
Đôi bờ nắm tay nhau qua dòng sông chảy
Có tiếng tâm tình của nước và trăng

Anh mến yêu ơi có đến đây thăm
Qua cầu đừng để bay mất nón
Đừng vội mang cau trầu đến đón
Em đi làm cầu chứ chẳng về đâu.


Trường Sơn 30-11-1979
 

Cầu Xơi - Di tích một sản phẩm của Sư đoàn 472 - Bộ đội Trường Sơn

Lời bình của Hoàng Đại Nhân

         "KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI" Bài thơ của Đại tá Nguyễn Văn Khải- Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 Công binh Trường Sơn. Ông viết bài thơ này sau khi đơn vị ông vừa hoàn thành cây cầu trên tuyến đường Trường Sơn (tại địa phận tỉnh Quảng Nam). Khi bài thơ được phát hành, anh em cán bộ chiến sĩ thuộc trung đoàn rất yêu thích và đã được in trong cuốn TRƯỜNG SƠN THUỞ ẤY... BÂY GIỜ của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, xuất bản năm 2017.
         Khi đất nước vừa thống nhất, toàn dân hồ hởi trong niềm vui mừng non sông liền một dải từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau. Cùng với niềm vui của dân tộc thì đồng thời cũng phải đối mặt với biết bao công việc bộn bề, đòi hỏi khẩn trương khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại và phát triển kinh tế cho cả nước.
       Với sự sáng suốt của Trung ương Đảng và Chính phủ, những tuyến giao thông quan trọng trên đường Trường Sơn năm xưa, nay cần làm “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ dạy để có con đường hiện đại góp phần củng cố và phát triển kinh tế của các tỉnh trên đường Trường Sơn. Những người lính công bình từng làm đường trong chiến tranh cho những đoàn xe chở đạn tiếp lương, chuyển quân vào chiến trường năm xưa; nay họ lại cần mẫn mở những con đường cho Trường Sơn cất cánh. Hơn ai hết, họ hiểu giá trị của con đường và những cây cầu trong chiến tranh quan trọng bao nhiêu thì nay trong xây dựng và kiến thiết cũng cần thiết đến nhường nào. Họ đã phải đổ bao giọt mồ hôi và công sức kể cả máu để làm nên những chiếc cầu bê tông hiện đại. Việc đầu tiên là phải khắc phục số bom mìn của Mĩ còn găm lại trong chiến tranh để giải phóng mặt bằng, lòng sông, lòng suối. Qua những mùa khô nắng cháy, qua những mùa mưa Trường Sơn tầm tã chẳng ánh mặt trời, họ phải vượt biết bao gian khổ. Tuy không còn bom rơi đạn lạc, biệt kích, thám báo... như xưa, nhưng cái khắc nghiệt khó khăn thì chẳng hề vơi đi. Họ gạt bỏ mọi riêng tư, hết mình cho nhiệm vụ, vì thế họ vui mừng khôn xiết khi mỗi trụ cầu, mỗi dầm cầu vừa dựng lên, bóng dáng cây cầu dần hoàn thiện. Họ vô cùng hạnh phúc khi nhìn cây cầu đã nối liền những bến bờ vui.
         Cuộc đời người lính công binh dù xây dựng nhà cửa hay cầu đường luôn có nỗi vất vả nghiệt ngã riêng. Khi còn là rừng hoang, núi vắng, khi còn phải mắc võng trên rừng cây hay nằm trên sạp nứa trong lán trại thì họ có mặt nhưng khi công trình khang trang vừa hoàn thành thì họ lại khẩn trương thu dọn hành trang để tới địa danh mới và lại bước vào một gian nan mới.
         Trước đêm chuyển đi nơi mới, tâm trạng của cán bộ chiến sĩ công binh thật bồi hồi khó tả, xa cây cầu mà họ cảm thấy như xa người thân thiết. Thật dễ hiểu bởi họ gắn bó nhiều năm trời và đổ bao công sức, tâm huyết làm nên cây cầu. Vậy mà ngày mai họ phải bỏ lại cây cầu như bỏ lại người thân với nắng mưa sương gió Trường Sơn. Không buồn sao, khi mà sau những giờ lao động mệt nhọc vất vả, khi chiều về họ lại cùng nhau trên sân bóng chuyền để vừa rèn sự dẻo dai, vừa tạo không khí vui tươi trong đơn vị. Vậy mà từ này mai “Cái sân bóng trở thành im lặng”, căn “Nhà con gái” vốn tối tối các chàng trai vẫn tụ hội vui chuyện. Vậy mà nơi đây, ngày mai cũng chỉ còn là “nền đất vắng”. Nghĩ đến những điều ấy, ai chẳng chạnh lòng. Ai có thấu chăng, ngoài kia, ngay dưới cầu, đến con cá cũng buồn rồi “ngẩn ngơ bơi”:
Ngày mai đơn vị chuyển đi rồi
Cái sân bóng trở thành im lặng
Nhà con gái chỉ còn nền đất vắng
Dưới cầu con cá ngẩn ngơ bơi
         Gốc khế chua hôm qua vẫn còn nghe tiếng cười con gái, vẫn thường thấy nữ chiến sĩ ra hái quả và vui đùa trò chuyện bên cây... mà ngày mai nơi ấy “không một bóng người ngồi”. Hẳn cây khế cũng buồn nhiều lắm để rồi từng chùm quả tủi buồn, tự “rơi xuống đất”. Đến bãi mía đang vào vụ mật mà cũng nhớ ai bỗng “la đà như nhớ, như mong”.
         Đâu phải chỉ cây cầu ở lại với dòng sông mà nơi ấy lòng người, tình người từng gắn bó keo sơn sẽ còn neo mãi với dòng sông.
         Để có một cây cầu vững trãi vắt qua dòng sông ào ào nước cuốn khi mùa mưa về, những chiến sĩ công binh vượt qua bao gian khổ chống chọi với từng cơn lũ. Còn cực khổ nào hơn, nguy hiểm nào hơn khi móng cầu vừa đào xong thì lũ ập về lắp bồi hết hố móng, vậy là bao công lao trước đó trở thành công cốc. Những chiến sĩ công binh phải gồng mình chống chọi dưới mưa để bảo vệ móng cầu, chiếc máy bơm như hiểu họ nên đã gồng mình, cùng cần mẫn “gào khản tiếng suốt đêm mưa”:
Cầu bắc xong rồi cầu ở lại với dòng sông
Ghi kỷ niệm những ngày gian khổ nhất
Lũ tháng chín mưa về, móng ngập
Máy bơm gào khản tiếng trong mưa.
         Những năm tám mươi của thế kỷ trước, nền kinh tế của đất nước ta còn rất khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại, người dân vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc nên các chiến sĩ Công binh Trường Sơn cũng đâu khỏi thiếu thốn. Họ vẫn “Bưng bát cơm nửa sắn, nửa ngô/ Giọt mồ hôi rơi trong lòng bát”. Họ phải lao động thô sơ bằng chính đôi tay chai sạn của mình “Tay xúc cát bàn tay bỏng rát/ Xe vữa lên cầu, vữa lấm áo ai?”.
         Chỉ với đôi dòng phác họa đơn giản ấy mà chúng ta thấy sự vất vả vô cùng của người chiến sĩ công binh Trường Sơn xây dựng cây cầu trong những năm đầu khi đất nước vừa thống nhất. Nhưng cũng thật kỳ diệu với những nữ chiến sĩ công binh, họ đã nhanh chóng trưởng thành, lớn lên trong môi trường làm việc vất vả. Chỉ mới xa mẹ một năm mà những cô gái trẻ đã biết cầm bay, biết làm thợ xây, thợ xẻ. Họ cũng trưởng thành trong nhận thức “Biết tin yêu trong tình yêu đồng chí” và càng trong gian khó thử thách, họ càng gắn bó đoàn kết sát cánh bên nhau, cùng “Cơm nắm chia đều, đêm lạnh chung chăn”.
        Cũng trong gian khó vất vả ấy, không phải không có người hoang mang dao động, muốn xa lánh Trường Sơn, muốn chọn việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng những nữ chiến sĩ công binh Trường Sơn không nề gian khổ, họ sẵn sàng ở lại, gắn bó với Trường Sơn. Bởi họ hiểu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ giành phần ai” (Một đời người một rừng cây – Trần Long Ẩn). Họ chấp nhận thiếu gạo phải ăn bát cơm độn sắn độn ngô, chấp nhận những căn bệnh sốt rét tai ác dẫu làm mái tóc đen dài cứ rụng thưa dần, nhưng họ vẫn vững lòng, khi họ đã hiểu:
Cái khó hôm nay là cái khó ban đầu
Em hiểu vậy nên quên đi khó nhọc
Em hiểu vậy nên thấy mình hạnh phúc
Dầu da có đen và tóc thôi dài
         Dẫu có phải tạm biệt cây cầu bắc lên bằng chính mồ hôi nước mắt và cả sinh mệnh của những người đồng đội thân yêu nên họ yêu cây cầu, “hiểu cầu như hiểu tấm lòng ai”. Có sự cống hiến quên mình của họ mà đôi bờ sông nối liền bằng những cây cầu vững chắc giúp cho tuyến giao thông an toàn. Và chẳng có hình ảnh nào đẹp hơn, thơ mộng hơn khi nghe “Có tiếng tâm tình của nước và trăng” vẫn giao thoa trong những đêm vắng Trường Sơn.
         Khi những nữ công binh Trường Sơn đã trưởng thành qua năm tháng cùng cây cầu- thành quả lao động của họ, thì họ càng yêu và gắn bó với Trường Sơn nhiều hơn. Họ thầm nhắc các chàng trai- người yêu của họ đừng vội tính chuyện riêng tư cá nhân trong lúc này mà hãy để họ còn giành tuổi trẻ cho những nhịp cầu nối bến bờ vui, góp thêm sức trẻ cho Trường Sơn huyền thoại ngày thêm phát triển. Đó là một biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những nữ chiến sĩ công binh Trường Sơn biết gác tình riêng, tất cả cho nhiệm vụ:
Anh yêu ơi nếu có đến đây thăm
Qua cầu đừng để bay mất nón
Đừng vội mang cau trầu đến đón
Em đi làm cầu chứ chẳng về đâu.
         "KHI CHIẾC CẦU Ở LẠI" là một bài ca ngợi ca những người chiến sĩ Công binh Trường Sơn nói chung và đặc biệt là ngợi ca các nữ chiến sĩ công binh đã chấp nhận muôn vàn khó khăn, chấp nhận những hy sinh cá nhân trong môi trường làm việc khắc nghiệt. Họ đã nguyện gác bỏ những điều riêng tư, kể cả hạnh phúc cá nhân để góp sức mình cho những cây cầu trên đường Trường Sơn anh hùng.
         Với những lời thơ bình dị, từ ngữ mộc mạc, chân chất nhưng thấm đẫm tình đồng đội, một sự cảm thông sâu sắc với những con người đang ngày đêm cống hiến công sức trí tuệ, viết tiếp bài ca về Trường Sơn huyền thoại. Tác giả làm cho người đọc thêm yêu thương, quý trọng hơn với những chiến sĩ công binh, đặc biệt là những nữ chiến sĩ công binh Trường Sơn. Cũng qua bài thơ, hình ảnh người nữ Công binh Trường Sơn càng thêm lung linh ngời sáng.

Hoàng Đại Nhân - TP Hồ Chí Minh
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

 

tin tức liên quan