“Trong ấy có một tiếng – Quê”

Ngày đăng: 05:49 14/02/2020 Lượt xem: 970
TRONG ẤY CÓ MỘT TIẾNG - QUÊ
Phạm Sinh
 
         Không tổ chức linh đình chốn thành đô hoa lệ nơi mình đang cư trú mà cặp vợ chồng chiến binh Trường Sơn: Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Thị Minh Cử lại chọn về tận Sơn Tây - nơi chôn nhau cắt rốn của anh Tuấn để tổ chức một “sự kiện” quan trọng và đầy ý nghĩa của hai người… Tác giả viết đôi dòng giới thiệu này sử dụng cụm từ “sự kiện” bởi trong trường hợp này còn gì đáng trân quý hơn dấu ấn cuộc đời của những người lính, mà ở đây trong khốc liệt của lửa đạn chiến tranh họ đã thành vợ, thành chồng ngay trên chiến trường Trường Sơn cách đây tròn nửa thế kỷ…
         Năm 1961 chàng Thanh niên Hoàng Anh Tuấn cùng bao bạn bè trang lứa tạm biệt quê hương Kim Sơn – Sơn Tây - Hà Tây (nay là Hà Nội) lên đường nhập ngũ. Thật thú vị khi mà chiến trường Trường Sơn lại là nơi đón các anh - những người con ưu tú của một vùng quê đặc biệt mang cái tên “Chiếc gậy Trường Sơn”…
Ý trí nghị lực cùng với truyền thống quê hương đã tôi luyện Chiến sỹ trẻ Hoàng Anh Tuấn cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, vượt qua bao khó khăn, gian khổ và thương tích để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mặc dù ở trong bất cứ cương vị và hoàn cảnh công tác nào… Những năm tháng chiến tranh và sau chiến tranh - thời kỳ là quân số của Bộ đội Trường Sơn, anh Hoàng Anh Tuấn đã trải qua một quá trình chiến đấu và công tác từ nhiều đơn vị khác nhau như: Tiểu đoàn ô tô vận tải 52 tuyến 1 – Hoạt động trên đường 128 và 129 thuộc nước bạn Lào, sau đó đơn vị chuyển về thuộc Binh trạm 32; Binh trạm 14 (một tuyến vận chuyển vào loại quan trọng nhất nằm trên đường 20 Quyết thắng, một địa bàn ác liệt nhất của đường Trường Sơn - Với cái tên: Cụm trọng điểm liên hoàn A-T-P gồm: Đèo Phu La Nhích; cua chữ A và ngầm Tà Lê, nơi đây là túi bom, tọa độ lửa mà Không quân Mỹ tập trung cao độ tạo ra để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam…Nhiệm vụ quan trọng của đơn vị khi đó là phục vụ Chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Năm 1972 anh Hoàng Anh Tuấn được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn Ka nô 166 thuộc Binh trạm 12 – Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 166 lúc này là bí mật vận chuyển vũ khí từ Cửa Việt theo sông Thạch Hãn bám sát vành đai thành cổ Quảng Trị trực tiếp giao cho lực lượng Chủ lực tham gia chiến dịch 72 ngày đêm “Mùa hè đỏ lửa”… Tiếp sau đó anh Hoàng Anh Tuấn được điều động về làm Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19, rồi Chính ủy Trung đoàn Công binh 515 – Sư đoàn 473 – Binh đoàn 12. Trước khi rời các đơn vị thuộc Bộ đội Trường Sơn (năm 1979) anh Hoàng Anh Tuấn công tác tại Sư đoàn 384 và được Quân đội cử đi học ở nước ngoài rồi chuyển sang lĩnh vực và cương vị công tác mới… Và trước khi nghỉ hưu (năm 2005) với quân hàm Thiếu tướng, anh Hoàng Anh Tuấn đảm nhiệm chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật về Chính trị – Bộ Quốc phòng...
         Nhập ngũ và vào chiến trường muộn hơn anh Tuấn, Nữ chiến sỹ Trường Sơn Nguyễn Thị Minh Cử - Cô nữ sinh quê Thanh Ba, Phú Thọ năm 1965 đã trúng tuyển và theo học tại Trường Trung cấp Y Phú Thọ (Y16). Tốt nghiệp trường Y Nguyễn Thị Minh Cử cùng một số bạn bè đã xung phong gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam… Ngày được đội mũ cài sao của các chị là ngày 01 tháng 11 năm 1967 và đơn vị đón nhận các chị khi ấy là Quân y Viện 109. Với một người phụ nữ, bỏ cái nghề “Nhất Y nhì Dược” của xã hội để khoác trên mình manh áo lính đã là “to gan” nhưng còn hơn cả “to gan” đó là chị Cử cùng một số chị em đồng đội còn muốn trực tiếp thử sức mình nơi lửa đạn chiến trường. Và rồi một lần nữa tinh thần xung phong của các chị lại được ghi nhận, thế rồi chỉ sau thời gian 4 tháng công tác huấn luyện tại Quân y Viện 109 – Ngày 08 tháng 4 năm 1968 chị Cử cùng một số đồng đội của mình đã lên đường vào với chiến trường Trường Sơn và tất nhiên nhiệm vụ của các chị lúc này là đáp ứng nhu cầu biên chế lực lượng Quân y trên khắp nẻo con đường của chiến trường Trường Sơn – nơi nồng mùi đạn bom mà thắm sắc Lan rừng – những nhành Lan là những cô gái giám hy sinh cả tuổi xuân thì ra đi “Xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”…  
         Trong khuân khổ chủ đề bài viết này, tác giả không có ý đi sâu vào kể nể một cách chi tiết sự cống hiến và quá trình chiến đấu công tác trong quân ngũ của anh Hoàng Anh Tuấn và chị Nguyễn Thị Minh Cử mà đây chỉ là một mẩu viết rất tình cờ trước cái mà như trên tác giả đã gọi nó là một “sự kiện” quan trọng và đầy ý nghĩa của hai người lính.

 

Một ngày ấm áp nghĩa tình nơi quê hương
 
         Một cuộc gặp mặt đầu xuân được lồng ghép với kỷ niệm 50 năm nên vợ thành chồng ư? – Đơn giản vậy thôi thì có lẽ chúng ta chẳng có gì đáng nói… Nhưng không, hoàn toàn không phải thế bởi đây chúng ta lấy lẽ thường để gọi cuộc gặp mặt đầu xuân lồng ghép với kỷ niệm 50 năm của anh Tuấn, chị Cử là “Đám cưới vàng”. Tuy nhiên nó còn có một điều đặc biệt hơn cái tên gọi lẽ thường ấy ở chỗ “sự kiện” anh Tuấn và chị Cử nên vợ thành chồng lại có một xuất phát điểm và trong bối cảnh cực đặc biệt khi mà cuộc tình của họ được nảy nở ngay trên con đường huyền thoại Trường Sơn, khi đó anh Tuấn đã là Chính trị viên của Đại đội 1 anh hùng thuộc Tiểu đoàn ô tô vận tải 52, còn chị Cử là Quân y sỹ thuộc Cục Chính trị Bộ đội Trường Sơn… Như vậy sao chúng ta có thể không gọi đấy là một “Cuộc tình huyền thoại” trên Đại ngàn Trường Sơn…?. Một cuộc tình được nở rộ trong cái nở rộ của muôn vàn tin vui chiến thắng của khắp mọi chiến trường đánh Mỹ…
         Trong lúc đang phôi thai ý tưởng ra đời mẩu viết này thì tác giả tôi nhận được vần thơ của Nhà thơ Hồng Thiện - Người đồng đội, đồng ngũ 1961, đồng hương Sơn Tây Thạch Thất của anh Hoàng Anh Tuấn, Nhà thơ Hồng Thiện muốn thông qua tôi là cầu nối để được gửi vần thơ của mình đến tặng anh Tuấn chị Cử.
Tôi xin được lấy vần thơ của Nhà thơ Hồng Thiện để thay cho việc viện dẫn “Cuộc tình huyền thoại” trên Đại ngàn Trường Sơn của anh chị Tuấn, Cử để gửi đến đồng chí, đồng đội và bạn đọc:
Mối tình lính chiến ai ơi
Quân y - tài xế giữa nơi chiến trường (*)
Anh tài Hoàng Tuấn yêu thương
Gặp y sỹ Cử .đỉnh Trường Sơn cao
Giữa lửa đạn, vượt gian lao
Kết duyên chồng vợ đi vào sử thi
Cưới vàng, cưới bạc ắt thì
Kim cương sẽ đến... khắc ghi thọ trường.
-------------------------------
(*) Ngày kết duyên ở Trường Sơn khi ấy anh Tuấn là Chính trị viên Đại đội ô tô vận tải anh hùng, còn chị Cử là Quân y sỹ của Cục Chính trị Bộ đội Trường Sơn
Nhà Thơ Hồng Thiện
         Vâng “Cuộc tình huyền thoại” trên Đại ngàn Trường Sơn của hai người lính - anh Tuấn và chị Cử ngày ấy là thế đấy. Hôm nay anh chị cùng con cháu tổ chức một cuộc gặp mặt đầu xuân và lồng ghép với kỷ niệm 50 năm nên vợ thành chồng của anh chị. Đây âu cũng là việc làm bình thường trong xã hội – 50 năm chúng ta gọi đấy là “Đám cưới vàng” lại càng là lẽ đương nhiên. Kỷ niệm ngày cưới là khi mỗi chúng ta cùng người bạn đời của mình nhìn lại chặng đường đã qua, khi tình yêu đã đâm hoa kết trái, trân trọng hiện tại và cùng nhìn về tương lai. Đó không chỉ là một nghi thức hay một trào lưu du nhập từ các nước văn minh phương Tây, mà còn là dịp để chúng ta hâm nóng lại tổ ấm của mình, hâm nóng lại tình yêu và nghĩa tình sâu đậm của tình vợ chồng. Điểm lại những điều nói trên – với vợ chồng anh Tuấn, chị Cử thì chúng ta thấy đã đạt “Chuẩn Quốc gia” rồi.
         Hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội, trở về với đời thường ngoài việc tập trung chăm lo cho mái ấm gia đình ngày thêm ấm hơn...Trong đó không thể không kể đến cái niềm hạnh phúc cũng rất đáng tự hào đó là các con trai, gái, dâu dể của anh chị - Tất cả đều phấn đấu phát huy truyền thống gia đình, gương mẫu sống và làm việc trong cơ quan đơn vị mình công tác... Vui cái hạnh phúc gia đình nhưng vợ chồng anh Tuấn không quên việc tích cực tham gia các phong trào và hoạt động xã hội…
         Một thời gắn bó và nên vợ thành chồng ở đó. Có lẽ vì lý do ấy mà Trường Sơn đã trở thành máu thịt, là sức sống của anh Tuấn, chị Cử. Nặng lòng với Trường Sơn, với đồng chí đồng đội của mình - Ngay sau khi về nghỉ hưu anh Tuấn đã cùng Thiếu tướng Võ Sở và một số đồng đội Trường Sơn nhóm họp để thành lập Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn toàn quốc. Sau một thời gian hoạt động đủ mạnh với tôn chỉ mục đích hoạt động : Giữ gìn, phát huy truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, tổ chức các hoạt động góp phần nâng cao truyền thống Cách mạng anh hùng, tinh thần yêu nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau; tri ân các anh hùng Liệt sỹ và thân nhân của họ, giúp đỡ hội viên hoàn cảnh khó khăn, sống đơn thân không nơi nương tựa... Tháng 5 năm 2011 Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn toàn quốc đã được Nhà nước cho phép thành lập hội với tên gọi: Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay Hội Trường Sơn Việt Nam ngày càng hoạt động có hiệu quả và được nâng tầm vị thế… Hội có tổ chức chặt chẽ, vững chắc ở cả 4 cấp, với 33 vạn hội viên, sinh hoạt ở 48 hội cấp tỉnh và 75 đơn vị Truyền thống… Ghi nhận kết quả hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam, trong những năm qua Chủ tịch nước đã có 2 lần tặng Huân chương Lao động và nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước và Chính phủ khen ngợi. Những thành công và thành tích của Hội Trường Sơn Việt Nam có được nói trên không thể không kể đến sự đóng góp hết mình của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong cương vị là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội…

 

Chị Nguyễn Thị Minh Cử trong ngày đầu nhận trách nhiệm Trưởng Ban Liên lạc Nữ TS quận Cầu Giấy
 
        Chăm sóc động viên, tạo mọi điều kiện để chồng mình có được sự đóng góp hết mình cho những thành công và thành tích của Hội Trường Sơn Việt Nam; Đồng hành cùng chồng trong các hoạt động từ thiện nghĩa tình đồng đội…Chưa đủ, bên cạnh những việc làm trên chị Nguyễn Thị Minh Cử còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam … Chứng minh cho tinh thần ấy là tại buổi Lễ công bố quyết định thành lập Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn quận Cầu Giấy – Hà Nội, Trung tá Quân y Trường Sơn Nguyễn Thị Minh Cử được tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Liên lạc.
         Trở về với chủ để: “Trong ấy có một tiếng – Quê”
         “Gieo nhân đức để nhận mầm nhân đức” – Tôi từng trải nghiệm để rồi tự “họa” ra câu nói này, bởi nghĩ rằng: Những người chân chính làm việc Nhân đức chẳng mấy ai nghĩ rằng họ sẽ nhận lại được chính nó… tuy nhiên điều chắc chắn rằng “Thượng đế” sẽ ban cho họ “mầm” Nhân đức và họ sẽ chỉ được đền đáp khi họ biết gìn dưỡng cái “mầm” thiêng liêng ấy…
         Vợ chồng anh Tuấn, chị Cử đã làm nên một bức tranh đẹp về sự nghiệp cống hiến cho Đảng, cho dân, cho tình người tình đồng chí đồng đội…
         Nhưng cái gì nữa để rồi hôm nay anh chị nhận được “Trong ấy có một tiếng – Quê” ?   
Vâng chúng ta hãy chiêm ngưỡng một bức họa mà bạn bè người quê tặng vợ chồng anh Tuấn, chị Cử. Tôi mạn phép thiển nghĩ rằng: Sao phần quà tặng ấy không là gì khác mà lại là bức họa anh chị sát cánh bên nhau đi trên con đường làng nhỏ bé xinh xinh rực sắc màu cỏ cây hoa lá …?. Một bức họa bình dị chẳng mấy cầu kỳ nhưng ý tưởng của người thiết chế ra nó uyên thâm và nhân văn đến chẳng ngờ.

 

Anh Tuấn, chị Cử nhận Bức họa từ bạn bè người quê trao tặng
 
         Toát lên trong bức họa này chúng ta có thể thấy lồng trong ấy là hai dòng ý tưởng biểu nghĩa – Một là biểu tượng và một sự ghi nhận cho tình cảm mà anh Tuấn và chị Cử luôn hướng về quê hương; một là biểu tượng cặp vợ chồng đang hướng về cái tổ ấm quê hương trong “Đám cưới vàng” của họ hôm nay… Có thể nói cái uyên thâm và nhân văn từ ý tưởng của người thiết chế ra bức họa đã chạm đúng vào suy nghĩ và hành động cũng rất “uyên thâm và nhân văn” của người được nhận nó.
         Vợ chồng anh Tuấn, chị Cử nặng lòng với quê hương lắm – Hàng năm ngoài việc về quê phụng thờ tiên tổ, thăm hỏi cha bác anh em họ tộc, anh chị còn có những chuyến đi chuyên đề làm từ thiện ở quê nhà. Ở đó trong điều kiện có thể của mình anh chị quan tâm phát tâm ủng hộ địa phương xây dựng, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sỹ, Trường học, đường giao thông và Đình làng… Dành thời gian, tình cảm và vật chất thăm hỏi người cao tuổi…
        Nghĩa cử của vợ chồng anh chị được Chính quyền và Nhân dân địa phương trân trọng đón nhận và ghi nhận. Và hôm qua đây nhân dịp xuân mới anh Tuấn, chị Cử cùng con cháu đã chọn quê hương để tổ chức một cuộc gặp mặt đầu xuân và lồng ghép với kỷ niệm 50 năm ngày cưới của anh chị. Quy mô cuộc gặp mặt không lấy gì làm linh đình và thành phần tham dự cũng rất khiêm tốn – Ngoài anh em con cháu họ tộc là người trong cuộc, Cuộc vui của gia đình đã nhận được sự quan tâm hiện diện của đại biểu đại diện Đảng, Chính quyền và đoàn thể quần chúng địa phương sở tại; đại biểu là một số đồng đội năm xưa, trong đó có cả những Tướng lĩnh, những Cán bộ Chiến sỹ Quân đội, những hội viên Trường Sơn tại địa phương…    
         Ngay sau khi nhận được thông tin chia sẻ trên mạng Xã hội của một người đồng đội trực tiếp tham dự cuộc gặp mặt đầy niềm vui của anh Tuấn, chị Cử - Bằng sự cảm tình sẵn có và cảm nhận của mình, tôi đã cảm tác đôi vần chia sẻ đồng thời cũng là thay cho lời chúc mừng gửi đến vợ chồng anh Tuấn, chị Cử:
Đẹp duyên một cặp chiến binh
Năm mươi năm ấy cuộc tình thăng hoa
Đi xa vẫn nhớ quê nhà
Lấy quê tựa khúc tình ca ngọt lành 
Năm mươi năm trước tuổi xanh
Tình trong lửa đạn ta dành cho nhau
Năm mươi năm nữa về sau
Tình trong lửa đạn khắc sâu lòng người 
Hôm nay rạng rỡ nụ cười
“Cưới vàng” trong sắc xuân tươi quê nhà
Người quê trao một phần quà
Ghi ân lòng thịnh con xa nhớ nguồn
         Vần thơ tôi chia sẻ trên Trang mạng (facebook) chưa đầy 15 phút thì tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Tuấn – Vẫn bằng chất giọng nhẹ nhàng tình cảm như mọi ngày, anh Tuấn nói: Anh chị rất xúc động về sự quan tâm chia sẻ động viên của chú qua những vần thơ đầy ý nghĩa và thắm tình anh em đồng đội… Còn tôi – Tôi nói với anh rằng: Em cảm tình lắm về bức họa mà người quê và bạn bè tặng anh chị, cài hồn của nó ý nghĩa, ấm áp và mênh mang quá – Em xin phép được đặt cho bức họa ấy cái tên: “Trong ấy có một tiếng – Quê” được  không anh?... Hiểu ý tưởng của tôi, trong nghẹn ngào xúc động – anh Tuấn trả lời: Ôi! một cái tên gần gũi thân thương quá, nó sẽ cho anh thêm nguồn tâm sức để hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình hơn.   
         Những dòng viết này là tiếng lòng của mình. Tôi muốn lấy nó làm món quà gửi tặng anh chị Tuấn, Cử nhân ngày Lễ tình nhân (14-02) năm nay và tôi không chút ngại ngần khi sử dụng câu nói: “kính tặng cặp đôi đồng đội”. Gọi nhau là đồng đội tôi cho là nét Văn hóa ứng xử của những nguười một thời mang áo lính, một thời chung một chiến hào – có kỷ luật là sức mạnh, cùng tuân thủ nguyên tắc “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên” và cũng không thiếu tình người. Còn hôm nay biết rằng anh Tuấn nguyên là một vị Tướng và tôi nguyên chỉ là một hạ sỹ quan nhưng chẳng hiểu từ khi nào anh và tôi cùng tất cả đồng đội chúng tôi đều chung câu gọi nhau bằng hai tiếng thân thương – “Đồng đội”, chẳng còn phân biệt cấp chức, không có mệnh lệnh như thời quân ngũ… Nhưng có một điều bất biến đó là trong chúng tôi mãi mãi còn đó một “mệnh lệnh” - “mệnh lệnh” từ trái tim - Hãy sống có ích cho xã hội; cho quê hương; cho tình người và tình đồng đội.   

 
Phạm Sinh
-----------------------------------------------  
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu và hình ảnh của đồng đội, đồng nghiệp: Trung tá Quân Y Nguyễn Thị Kim Quy; Phạm Tiến Ích, Quốc Huy và Nhà Thơ Hồng Thiện (Khuất Duy Ất)

tin tức liên quan