Rừng đỏ - Trường ca của Nguyễn Thụy Kha

Ngày đăng: 10:37 03/03/2020 Lượt xem: 610
NGUYỄN THỤY KHA
 

Rừng đỏ
(Trường ca)
 
LỜI BẠT
 
        Từ 1972 đến nay, tôi đã viết nhiều thơ và trường ca về chiến tranh. Thơ thì tiêu biểu là tập “Thời máu xanh” (NXB Tác Phâm Mới – 1999), tập “Biệt trăm năm” (NXB Đà Nẵng – 2004). Trường ca thì cả hai tập “Năm tháng và chiều cao” và “Gió Tây Nguyên” đều xuất bản năm 2000 tại NXB Thanh Niền và NXB Quân Đội. Năm 2014, tôi lại xuất bản tập “Trường ca ngắn – Kịch thơ” tại NXB Hội nhà văn. Tập thơ “Biệt trăm năm” nhận giải thưởng của Uy ban Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 2004. Còn tập “Trường ca ngắn - Kịch thơ” nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014. Nhưng hình như những người lính vẫn còn muốn tôi viết từ một góc nhìn khác hơn về họ. Mùa xuân 2016, mùa xuân bắt đầu của 70 năm chiến tranh liên miên suốt 30 năm ở Việt Nam. Tôi nhớ lại những lần “về nguồn” nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm cùng ngân hàng BIDV. Có gì đó từ thẳm sâu tâm linh thôi thúc tôi phải viết thêm về chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh chống Mỹ mà tôi đã trải qua, chứng kiến. Và thế là một trường ca mới lại lờ mờ hiện ra trong những đêm nửa tỉnh, nửa mơ. Nghĩ tới những cánh rừng nhuộm đỏ máu đồng đội luôn ám ảnh tôi, tôi quyết định lấy tên trường ca là “Rừng đỏ”. Trước và sau tết, tôi đã viết xong 5 chương đầu: “Vàng son”, “Cội nguồn”, “Vạch lối”, “Tình đầu”. Vào Sài Gòn đang những ngày cuối tháng Giêng, thôi thúc lại buộc tôi viết luôn 6 chương cuối: “Kinh lính”, “Hậu chiến”, “Mở cửa”, “Nghiệm sinh”, “Sám hối” và “Siêu thoát”. Tôi cũng chẳng biết tại sao chất Thiền định ngấm vào tôi tự lúc nào, khiến tôi cứ viết ra theo hướng ấy. Và tôi cảm thấy mình đã cố gắng vượt qua những ý nghĩ ở những trường ca trước. Cảm thấy vui vui. Xin dành tặng trường ca này cho những người đã ngã xuống, những người đang sống ở mọi miền, mọi phía trên tinh cầu này có kỷ niệm, có quan tâm tới chiến tranh Việt Nam. Điều ấy, khiến tôi vô cùng thanh thản.
Cảm ơn mùa xuân và bạn bè Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn đã luôn tạo cảm hứng cho tôi trong sáng tạo. Cảm ơn trời đất, cảm ơn những linh hồn đã khuất cho tôi nguyên khí đủ đầy khi viết trường ca “Rừng đỏ”.
Cuối tháng Giêng
Bính Thân 2016
 
 

  1. VÀNG SON
Rơm rớm Trường Sơn những cánh bướm
lại thêm một tháng Bảy tri ân
dắt ta về quá vãng
quá vãng xanh thanh xuân
 
đã ngã xuống thế nào bè bạn, chị, anh ?
một thế hệ sinh cùng cách mạng
lần lượt rủ nhau ra đời suốt trường kỳ kháng chiến
tiếng mẹ ru lẫn tiếng đạn bom
một thế hệ vàng son
lớn lên từ nơi cha ông ngã xuống
lớn lên cùng quê hương thanh bình
được giáo dưỡng trong nền Cộng hòa nôi ấm
yêu lao động và biết hy sinh
cho lý tưởng cao rộng
cho khát vọng hòa bình
khi chiến tranh ập đến
giật cửa từng chùa đình
lôi con người ra ngoài yên tĩnh
họ tự lộn trái mình
thanh bình
 
một thế hệ ồ ạt xuyên Trường Sơn
mòn đường 559
những đường mòn dấu chân hằn lên trán
bỗng một ngày đại lộ Hồ Chí Minh
 
đã ngã xuống thế nào bè bạn, chị, anh?
một thế hệ sinh cùng cách mạng
vào trận trắng trong đôi mươi mười tám
vô tư hiến dâng vô tư hy sinh
máu nhuộm hoàng hôn nhuộm cả bình minh
dặng dặc Trường Sơn chập chùng đèo dốc
dằng dặc thời gian đạn bom xé nát
sốt rét liên miên cái chết rập rình
họ cứ đi lặng lẽ hát một mình
khi ngã xuống cuộc đời hát về họ
họ hóa đất đai hóa khí trời để thở
lấp lánh tinh tú trên vòm trời lịch sử Việt Nam
họ là vốn liếng chắt chiu của mọi gia đình
thiêng liêng đầu tư vào cách mạng
đánh đổi lấy một tương lai tươi sáng
Việt Nam giữa nhân loại hôm nay
một thế hệ vàng son sinh lực tràn đầy
sừng sững trong bất tử, bất diệt
 
ơi! nhà nữ khoa học người Mỹ gốc Việt
đã dành cả sự nghiệp đời mình tìm thêm ngôi sao
tồn tại giữ vũ trụ xanh cao
mà thế giới chưa biết tới
xin hãy tận cùng chia sẻ với chúng tôi
những người suốt bốn mươi năm qua đi tìm đồng đội
những ngôi sao lòng đất mẹ ngủ yên
họ cũng mãi tồn tại với cái tên sinh thành
dù tự nguyện vô danh trong sử sách
họ vẫn sống quanh ta vô hình
vẫn nâng ta mọi bước đường thử thách
 
tháng Bảy khói hương thơm nức đất nước
khói hương trắng Truông Bồn
khói hương mờ Đồng Lộc
khói hương nhòa sương ướt Trường Sơn
khói hương loang bảng lảng Cổ Thành
khói hương trôi dập dềnh Thạch Hãn
khói hương quyện vào lời kinh cầu siêu
trong nhịp mõ chầm chậm sang chiều
trong nức nở đột nhiên dẫn nhập
 
em đẹp xinh trẻ trung giọng đọc
cùng chúng tôi thành kính cầu hồn
em có biết nơi ta đứng tiếc thương
là đứng trên những ngôi sao thuở ấy
những ngôi sao nâng ta lên cao vợi
để nhận ra giá cuộc sống hôm nay
được đánh đổi bằng vạn vạn ngày
người ngã xuống chất chồng người ngã xuống
để thấm thía cuộc đầu tư vô song phát triển
vàng son vàng son vàng son
vàng son vàng son vàng son ...
 

  1. CỘI NGUỒN
Dù khắp rừng mình máu từng nhuộm lá xanh
nhuộm đỏ cả máu ta máu giặc
ta vẫn muốn tìm một cớ nguyên xa lắc
vì sao đất nước mình lại có số phận này
 
tự khi nào tổ tiên nương hang đá lắt lay
tự khi nào tìm ra rượu và lửa
để bây giờ khi ta rót em trinh trắng giọt rượu nồng vào cổ
thấy nóng ran ngọn lửa hồng hoang
 
cặp gái trai nào đầu tiên như Eva-Adam
truyền huyết thống đời này sang đời khác
và để giữ huyết thống thiêng liêng trời đất
cuộc chống chọi nào diễn ra đầu tiên
 
câu hỏi cứ loang qua những cánh rừng nguyên sinh
say như rượu và bừng bừng như lửa
tay đánh trống đồng và tay cầm rìu búa
xuyên gió mưa bao nhiêu tiếng trả lời
 
vọng qua thời gian, không gian khóc cười
lịch sử viết lên lá rừng bằng máu
ôi đất Việt mấy ngàn năm yêu dấu
tẩm bằng rượu và nướng bằng lửa hồng
 
rượu và lửa
Luy Lâu – Kinh Dương Vương
rượu và lửa
Âu Cơ – Lạc Long quân
rượu và lửa
mười tám đời Hùng Vương
rượu và lửa
Loa Thành – An Dương Vương
rượu và lửa
một ngàn năm Bắc thuộc
rượu và lửa
Đinh – Lê – Lý – Trần
rượu và lửa
Hồ - Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn phân tranh
rượu và lửa
mở cõi về phía Nam
rượu và lửa
Quang Trung triều Nguyễn
rượu và lửa
sục sôi tám mươi năm Pháp thuộc
rượu và lửa
kháng chiến trường kỳ
máu cứ nhuộm rừng xanh thành rừng đỏ
những lối mòn Trường Sơn xuyên đại ngàn Trường Sơn
những lối mòn trăn trở
vì tự do độc lập thanh bình
rượu cứ rót tận đáy cùng dâng hiến hy sinh
lửa cứ cháy rực tâm hồn bất khuất
 
lịch sử lại thêm chuyện trái ngang chia cắt
sông Gianh thuở xưa Bến Hải thời nay
vì lẽ gì anh em sinh thù hận?
để nối liền đường Thái Cực dặm dài
để tất cả đều vòng tay bè bạn
và bên nhau rộng mở tương lai
biết quên đi ai đúng ai sai
vì đất nước dân tộc này nhỏ bé
sao có thể quay lưng như thế
để tà ma có chỗ xen vào
ôi thanh bình ta thèm khát làm sao
chỉ mấy mùa thôi lại đã thành rớm máu
rượu và lửa để tình yêu nung nấu
lại cháy thành khốc hại nơi nơi
 
ai di cư mong thống nhất một ngày
ai tập kết mong về quê cũ
vậy mà trớ trêu lại làm ra lịch sử
lật sang trang khốc liệt đến không ngờ
những âm mưu làm đen sạm ước mơ
những thủ đoạn tím bầm khao khát
rừng đỏ ngày nào chưa xanh lại được
lại bắt đầu rớm những giọt máu tươi
chưa kịp bắt đầu những ao ước thảnh thơi
các anh tôi lại cúi đầu lặng lẽ
lại tiếp tục dâng mình cho thế hệ
vào mùa hè năm 59, tháng năm ...
 

  1. VẠCH LỐI
Giờ đi xuyên Việt đại lộ Hồ Chí Minh
từ Cao Bằng qua Trường Sơn tới Đất Mũi
lại bồi hồi nhớ đại lộ xưa
nhớ những người vạch lối khảo sát lối mòn
những người đầu tiên viết ra huyền thoại
 
giả dối ở đâu, đây không sao giả dối
núi trước anh và rừng trước anh
một sự thật bí ẩn trước mắt
với tấm bản đồ và chiếc địa bàn
anh bắt đầu khám phá sự thật
cùng đường dao quắm vung lên
núi rừng từ nay mở ra một lối mòn
chân anh nhích theo đường bình độ
đám rêu trơn cổ sơ trên đá
lũ vắt đói mồi lẳng lặng hút máu anh
vắt dứt ra máu rớm lá xanh
máu rớm ra khi xước bụi gai nhọn
anh phải tìm được lối mòn dễ đi nhất
bớt cheo leo là bớt nhọc nhằn
chỉ buông thả chút thôi chẹp miệng cho nhanh
là để lại di hại cho bao đoàn quân sẽ tới
phải tận dụng hết trí tuệ người vạch lối
sự thật núi rừng bí mật dần ló ra
cười với cỏ và cười với hoa
ngạc nhiên cùng hoang dại
khám phá núi rừng như tình yêu cô gái
nắng hun nồng xầm xập mưa tuôn
 
anh chỉ là người vạch lối đường mòn
một đường nhỏ trong đường lối lớn
mà cha ông những tiền nhân cộng sản
đã vạch ra bằng máu Việt Nam
vì độc lập – tự do – dân chủ - công bằng
bao thế hệ kiên trung ngã xuống
để có một ngày chớp thời cơ tháng Tám
chặt đứt gông xiềng ngẩng mặt đứng lên
một cuộc thăng hoa cả dân tộc hồn nhiên
thành người tự do thoát đêm trường nô lệ
nhưng giữa những thành công không tránh khỏi những sai lầm duy ý chí
đã lật nhào đạo đức ngàn đời
đã hất tung truyền thống để non nớt lên ngôi
đã đẩy những người thân về hai chiến tuyến
máu lại đổ oan khiên bao số phận
đất nước chia đôi bằng một bến Hiền Lương
nếu “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn”
lời thề ấy đưa anh vào quân ngũ
đi vạch lối giữa đại ngàn hoang dã
rồi những đoàn quân sẽ tấp nập qua đây
sẽ thành bãi chiến trường những ngọn núi rừng cây
lại huynh đệ tương tàn lại nồi da nấu thịt
lại thêm sai lầm tổng thống Hợp chủng quốc
rừng càng đỏ thêm những tháng ngày chiến tranh
 
sẽ mở ra đại lộ Hồ Chí Minh
từ con đường chuột chạy mà anh vạch lối
từ những đường mòn dọc ngang vời vợi
những đoàn gùi lương thực trĩu vai
những trạm giao liên quân đến quân đi
những bãi khách sớm chiều mắc võng
cây cháy đạn bom, thuốc độc cây chết đứng
cả Trường Sơn tan nát đau thương
chim chóc bỏ tổ muông thú bỏ rừng
đồng đội lìa nhau sau cơn ác tính
dấu chân chồng dấu chân Nam tiến
ai còn ai mất nào ai biết cùng ai
dấu chân lõm sâu đáp số đúng sai
lịch sử Việt Nam có lúc thế này ư? Lịch sử
 
hút vào đường mòn cả biết bao thiếu nữ
dâng hiến thanh xuân dâng hiến trắng trong
những bàn tay mảnh mai phá đá đắp đường
sạm chai dần cả tâm hồn rung động
dồn nén tận đáy lòng chịu đựng
những cơn điên xé nát khắp rừng
thoáng xao xuyến ngoảnh mặt rưng rưng
nỗi nhớ đồng xa ngăn ngắt
họ đã sống kìm mình gan góc
đường mòn dài theo bán đảo thân yêu
họ đã vét sạch mình để tiêu
cho lý tưởng mây mờ đỉnh dốc ...
 

  1. TÌNH ĐẦU
Cuộc chiến tranh đưa ta đến bên nhau
đêm mùa thu dọc con đê trung du
ánh trăng vàng xuộm
những sinh viên vai mang nặng ba lô
nối đuôi nhau lên nơi sơ tán
qua đổ nát ngổn ngang ga Vũ Ẻn
ta đi bên nhau cười hát vang lừng
ta đi từ ấu thơ đến thanh xuân môi nồng
bên nhau toả vào nhau sức sống
em rạng ngời mắt cười tóc sóng
cuốn hút anh giây phút đầu tiên
tuôn chảy trong anh giọng nói cái nhìn
khiến đêm trăng như không có thực
 
rồi ta đã bên nhau thề thốt
dâng ái ân trinh bạch cho nhau
ôi những tháng ngày như bay trên tinh cầu
trời trao ta tình yêu mê sảng
không ai hiểu vì sao ta gắn chặt tình đầu
giữa đạn bom trên cao gầm xé
ta lớn lao giữa vô vàn nhỏ bé
ta rưng rưng nóng bỏng những nụ hôn
không cần biết thời gian nào đang tới
ta chao đảo không gian những xiết ghì bổi hổi
nơi góc hầm luống cuống lõm cuồng mê
cũng vì tình yêu mà anh ra đi
ngôi sao binh nhì thùng thình quân phục
mang theo dáng hình em tha thướt
trong con tim thảng thốt những lá thư
bao dốc đèo thăm thẳm nắng mưa
những lối mòn quanh co nỗi nhớ
nỗi nhớ thường khêu lửa
dọc chiến hào chập chờn tử sinh
nỗi nhớ ám ảnh tâm linh
lúc bập bùng lúc xoáy sâu nứt rạn
rung cánh võng giữa rừng thắt quặn
run run cơn sốt rét mét xanh
cây gậy chống đỡ từng bước chân
nghe rời rã thấm loang cơn đói
 
chẳng có cuộc chiến tranh nào trên thế giới
là không đồng hành với muôn triệu chia ly
người đi biệt tăm chẳng chút hy vọng gì
người chờ đợi mỏi mòn xuân sắc
nỗi nhớ mong manh xuyên không gian dằng dặc
nối hai đầu xa cách ngút ngàn
nhưng nếu không nhớ thương thì sao có thể bền gan
dấn thân vào dâng hiến
chót ngọn nguồn là cồn cào nhớ biển
đỉnh mờ cao nhớ căn gác nôn nao
mỗi xuân qua trĩu nặng gian lao
nỗi nhớ khiến người đi thấy nhẹ lòng sống chết
có lúc nhớ quay cuồng thèm khát xác thịt
tưởng tượng ái ân muốn đứt dây dù
sức trai tráng cô đơn hãm tà
bứt sợi xích hét to cho thoả thích
ghì ôm cây hai vòng tay cuộn xiết
mặc tóe tung nhày chất dịch sinh tồn
có lúc đưa môi vào đêm đen như hôn
cuộc hôn dài đê mê đờ đẫn
rồi lại đi toả về mặt trận
mang sau lưng trĩu nặng những cơn mơ
thơ viết xong lại xé nát câu thơ
không có cách nào nguôi ngoai đang cào cấu
bẻ nắm cơm nhai trước giờ chiến đấu
bỗng nhói đau cơn nhớ tấy lên
 
anh còn hạnh phúc hơn bao lính trẻ tơ măng
ra đi như không đã biết gì tình ái
họ tò mò hỏi anh về cơ thể con gái
lúc ái ân rên rỉ sướng ra sao
họ thèm thuồng liếm mép nhìn trời cao
họ vừa ghen anh vừa thầm kính phục
và cứ thế sau bao lần xung đột
họ ngã xuống như không trinh trắng tuổi xuân
chuyện tình yêu họ nghe qua anh
đủ để họ hy sinh không tiếc nuối
nhờ yêu em mà anh thành người từng trải
dắt họ qua những bờ bến không cùng
những trai tráng chưa thành đàn ông
những trai tráng ... những trai tráng ... trai tráng
 

  1. KINH LÍNH
Người rời ruộng vườn người thôi nương rãy
người rời công xưởng người thôi nhà máy
người rời công trường người thôi giảng đường
người bỏ làng thôn người bỏ phố phường
người xa người yêu người giã biệt vợ
người chia tay con người chào cha mẹ
 
người từ Hồng Hà người Cửu Long Giang
người Thái Bình Dương người Đại Tây Dương
người từ đất Lào người từ Căm-pốt
người từ Hoa Kỳ người từ nước Úc
người Phi-lip-pin người Tân Tây Lan
người từ Thái Lan người từ Đại Hàn
 
tất cả dồn về lán trại Trường Sơn
cuộc thắng thua này rừng làm chiến tuyến
tiếng nổ ùng oàng chất độc da cam
người đi không dấu người nấu không khói
người nói không tiếng người miếng không ăn
phi lý bên kia chính nghĩa bên anh
 
bom rải Truông Bồn bom tan Đồng Lộc
qua hang Tám Cô đường Chín Khe Sanh
A Lưới A Sầu gầm rú Động Nóc
tơi tả sông Bung tạt xuống bến Giàng
ngã ba biên giới I-a-đờ-răng
xé nát Phước Long rách Bà Gia Mập
 
này Đông Trường Sơn kia Tây Trường Sơn
nắng đánh vận động mưa thì vây hãm
thoắt ẩn thoắt hiện lúc thì chốt chặn
xác chồng lên xác máu đỏ rừng xanh
đói ăn rau rừng đói ăn khô sắn
sốt rét rung cây tóc rụng vương cành
 
người hát hành khúc người gào nhạc rock
người bolero cải lương xuống xề
người ca quan họ người nhảy điệu tuýt
người tấu chầu văn người rú nhạc jazz
người lưu không chèo người Lý buồn dứt
người hò giã gạo người ví dặm buông
 
ngày nhảy Lăm Tơi người nhảy Lăm Vông
người đàn Ta Lư người múa Chàm Rông
người gõ Tơ Rưng người đánh chiêng cồng
người chặt gậy chống người rít điếu cày
người khóc người cười người câm người điếc
một bản giao hưởng chiến tranh lên mây
 
người rình bắn người mìn rình bước chân
pháp sáng pháo khói lẫn “cây nhiệt đới”
náo động đại ngàn thời gian không gian
lính mới lính cũ vun cành đốt củi
lính địch lính ta trà trộn nguồn suối
lính nào cũng vậy sống chết gian nan
 
lính Mỹ phản chiến hát Bob Dylan
lính Nam phản chiến hát Trịnh Công Sơn
lính Bắc phản chiến càng đánh hăng hơn
may sống còn đường trở về miền Bắc
từ xuân Mậu Thân, Nam Lào – Đường Chín
mùa hè Quảng Trị, Hà Nội cuối đông
 
hiệp định Paris Trường Sơn ngưng bom
đại lộ mở ra rầm rầm xe chạy
đường thông tin đi đường xăng lặng chảy
đoàn đoàn lính trẻ dốc đèo hành quân
mùa khô mờ mịt bụi đỏ ba dan
bất ngờ tháng Ba trận Buôn Ma Thuột
 
mùa xuân đại thắng thống nhất đất nước
lính từ Trường Sơn đổ xuống đồng bằng
xum vầy nức  nở thương nhớ ngút ngàn
bao người nằm lại rừng mãi mãi đỏ
đồng đội vô danh bước vào lịch sử
đồng đội tìm nhau lại ngược dốc đèo
 
cầu mong thanh bình tìm lại tin yêu
bên này bên kia hòa vào làm một
cởi hết hận thù ôm nhau thật chặt
lời kinh của lính thì thầm ngân nga
lời kinh của lính nghẹn ngào chân thật
lời kinh của lính ru vào giấc mơ
 

  1. HẬU CHIẾN
Ai cũng ngỡ thống nhất rồi đất nước sẽ ấm no
thanh bình đầy tiếng cười tiếng hát
đâu ngờ hết chia cắt lòng người lại rạn nứt
bao tâm tư chìm đắm hoàng hôn
 
anh trở về làng mang trong mình mầm độc màu da cam
chết đứng trước cửa nhà trước ánh nhìn của mẹ
ánh nhìn này mẹ đã từng bắn vào người chỉ huy những người xử tử cha anh
bị quy nhầm là địa chủ trong cải cách ruộng đất
ánh nhìn này mẹ đã từng bắn vào người phi công Mỹ
ném bom xuống làng mình và bị bắn rơi phải nhảy dù làm tù binh
giờ bắn vào anh khiến anh bàng hoàng làm rơi con búp bê và khung xe đạp
mùi nghèo nàn thân thuộc vẫn đầy tràn vị chua trong căn nhà cũ của anh
người chiến thắng chẳng biết tự bao giờ mình thành người chiến bại
khi thấy người bạn chột mắt hàng xóm giờ thành chủ nhiệm hợp tác xã thong dong đài, xe
nhà tranh cũ anh ta đã phá từ lâu xây nhà gác cao nhất xóm
chẳng hiểu vì sao vợ anh giờ thành vợ hắn
mẹ già ốm đau công nợ hợp tác xã đầm đìa
mới hiểu vì sao nhiều đồng đội anh hổ thẹn không về
họ chạy trốn những điều từng mơ mộng
đến miền đất xa cắn răng tìm cuộc sống
mà bao đồng đội họ hy sinh mang lại cho đời
 
biết làm thế nào đành phải sống tiếp thôi
tiền giải ngũ gom mua bộ tông đơ cắt tóc
gốc đa đầu làng thành nơi anh ngày ngày cắm chốt
đàn ông trong làng thương thành khách hàng quen
đồng đội làng bên cũng chẳng khá khẩm hơn
lặn lội bờ vùng tép tôm cất vó
có thở dài thì nuốt vào đáy lòng mà giữ
dù sao vẫn còn phúc phận hơn những người ngã giữa rừng
 
cô thanh niên xung phong lỡ thì thương hoá nên vợ nên chồng
hai bất hạnh cộng vào nhau mong xoá dần bất hạnh
nhưng bất hạnh lại nhân thêm khi họ có con
dị tật bẩm sinh mang di chứng từ anh
và có khi cũng là của vợ
hậu chiến lại bắt đầu cuộc chiến mới của anh
những bữa đói giống hệt thời chiến tranh
cuộc chiến của anh đã lúc nào dừng lại
nó đì đùng ngay trong đứa con quặt quẹo thơ dại
mẹ già buồn héo hắt tháng năm
 
anh bất lực trước tấm huy chương
không chống nổi những cơn mê thét gào xung trận
trong anh là cuộc chiến tranh cũ chưa quên
ngoài anh là cuộc chiến tranh mới giật giành từng bữa
vợ chồng có đêm khóc thầm nước mắt hoà vào nhau chan chứa
ngước nhìn trời, trời mãi cao xanh
nhìn sang người, người vô cảm lạnh tanh
muốn thét một câu gì mà không sao thét nổi
đành âm thầm làm đẹp cho đời những nhát kéo cắt tóc
tóc cắt ngắn rồi tóc lại dài ra
 
vợ ngậm ngùi buôn gần, bán xa
chui lủi vì ngăn sông, cấm chợ
không dám đẻ con mà rất nhiều lần chửa
thịt lợn buộc quanh người che  mắt thuế quan
tập giả dối dần để tồn tại khó khăn
để giữ cho lòng mình sáng trong chân thật
thời hậu chiến sao quá chừng chật vật
đành nghĩ tại mình thân phận hẩm hiu
 
may mà còn giữ được thương yêu
co cụm lại chia nhau từng âu yếm
con dị tật vẫn là con quý hiếm
vẫn làm nên bình dị một gia đình
rãi rớt chảy đầy mồm vẫn nựng con xinh
qua bao tuổi vẫn ngây ngô trẻ nhỏ
cũng mặc kệ chỉ cần nó hồn nhiên là đủ
không ngoạc mồm chửi mẹ cha là hạnh phúc lắm rồi
bao nhà giầu sang con hư đốn ghê người
tập hút chích tập tiêu tiền xả láng
cơ ngơi xập bất ngờ thê thảm
cuộc chiến của họ còn khủng khiếp hơn anh
 
nhưng thành bình đâu có được bao năm
rục rịch khắp nơi những người Hoa bị đuổi
họ cũng như anh đâu làm gì tội lỗi
đã định cư ở đây từ xửa xừa xưa
sao bỗng dưng lại hoá kẻ thù
lại bơ vơ tha hương thế giới
đã nên vợ nên chồng giờ cắt chia sao nổi
tình yêu thì lìa đứt làm đôi
 
cơn bão này ngay lập tức làm tả tơi
bao tình nghĩa từng ngày ngày vun đắp
lại kéo theo bao đồng bào của anh vì cuộc sống thắt ngặt
đắng cay rời đất nước ly hương
xưa rừng đỏ máu lính chiến trường
giờ biển đỏ máu những người vô tội
bao con thuyền mong manh vượt trùng khơi vời vợi
như những thuyền nhân di tản năm nào
họ thêm lần chịu đựng như nhau
trước hải tặc trước phong ba sóng dữ
trại tị nạn mọc lên nhiều quốc gia lớn nhỏ
nơi bao người từ Việt Nam dạt vào
bao người chết cho người sống được thêm lần khát khao
được làm người ở nơi xa xứ
 
rồi cơn bão tới hồi đột nhiên bùng nổ
thành chiến tranh biên giới Bắc – Tây Nam
lệnh tái ngũ lại lôi anh từ gốc đa đầu làng
lên chốt chặn cánh rừng miền biên ải
lại thêm những rừng xanh thành rừng đỏ
đêm Ngân Sơn mắc võng gặp Trường Sơn
lại đọc kinh lính thầm sâu đáy lòng
lại đói khát nối dài đói khát
có lúc anh nghĩ chẳng biết sự sống là thế nào
chỉ có cái chết là rất thật
tránh được lần này sao tránh được lần kia
anh mỉm cười chua chát tái tê
thôi đành mặc xoay vần con tạo ...
 

  1. MỞ CỬA
Phải mất đến một thập kỷ hậu chiến
với tranh chấp biên giới kéo dài
nặng nề thời quan liêu bao cấp
đất nước mới nhận ra sao cùng cực thế này
hai lần đổi tiền, tiền hoá giấy bay
nạn đói đã rập rình đâu đó
những luật lệ khắc nghiệt khiến con người nghẹt thở
chỉ còn một cách cứu dân là mở toang cửa ra
 
vĩnh biệt một thời dài sống phấp phỏng âu lo
những gương mặt nhợt nhạt như mất tem phiếu, mất sổ gạo, mất hộ khẩu
quần ống chật cũng cắt quần ống loe cũng cắt
thanh niên vui nhảy với nhau là truỵ lạc điếm đàng
những việc cần làm ngay thì nhanh chóng phải làm
hãy tự cứu mình trước khi trời cứu
xoá bỏ nhanh lối ra đồng làm công chấm điểm của hợp tác xã
giao ruộng cho dân sản xuất khoán mười
 
mở cửa
tất cả các quốc gia phải là bạn bè
mở cửa
rút quân khỏi Căm pu chia sau khi giúp bạn thoát nạn diệt chủng
mở cửa
những người lính giải ngũ trở về
anh lại về gốc đa xưa cắt tóc
vợ anh bây giờ được tự do buôn bán
con dị tật vẫn buồn nhưng cuộc sống dễ thở hơn
mở cửa
đồng đội anh nông nhàn thì ra thị thành
làm thuê đủ mọi dịch vụ thêm tiền bớt đói
mở cửa
đồng đội anh đi lao động xuất khẩu
mong vài năm có cơ hội đổi đời
 
mở cửa
những nạn nhân văn nghệ xưa được cởi trói phục hồi
mở cửa
những nạn nhân chính trị cũng dần dà được giải toả
mở cửa
bắt đầu nói thẳng hơn một thời dối trá
mở cửa
người dân biết anh xưa trong trận mạc thế nào
dù vẫn cắt tóc nhưng mọi người biết
                        trân trọng sự thua thiệt của anh ra sao
con dị tật cũng được xung quanh chăm sóc
căn nhà anh thêm đồ dùng mái tranh đỡ dột
nụ cười tuổi trung niên trẻ lại thanh xuân
 
mở cửa
bạn anh ở Hà Nội dù ra tù có việc quét vôi
được tự do hát những bài tiền chiến xưa vì hát nó mà phải đi cải tạo
kịch Lưu Quang Vũ sáng đèn đêm đêm
trang Sáng, Nghiêm, Liên, Phái triển lãm phố Tràng Tiền
không còn ai phải xếp hàng mua gạo, thực phẩm
bao ngây thơ về phe ta về tình anh em lý tưởng
sụp đổ Đông Âu, Liên Xô làm họ sáng mắt ra
 
mở cửa
dần dà những đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam
những toà cao mọc lên khiến những dãy nhà tập thể xưa như những người đàn bà mãn kinh nằm phơi xương gió
nông thôn mới khiến đường làng đường ngõ
bê tông hoá thay đường đất bùn lầy
anh bắt đầu góp gom mua xe máy ga tay
lúc rảnh đèo con chạy quanh đồng lúa
có miếng ăn rồi thì lại càng nhớ
càng tiếc thương những đồng đội hy sinh
những cuộc hành hương cùng hội cựu chiến binh
về lại chiến trường xưa hương khói
luôn theo dõi chương trình ti vi “đi tìm đồng đội”
để biết đã tìm thêm được ai từng chiến đấu cùng mình
 
mở cửa
máy tính xách tay, điện thoại di động
tràn vào Việt Nam như lũ lụt úng truyền thông
xưa ao ước “ăn no mặc lành”
nay hiển nhiên “ăn ngon mặc đẹp”
thời trang, mỹ phẩm, pop-rock hoành hành
xưa ăn tết nay thì chơi tết
khao khát điện xưa, nay đã về tận bản làng
chính anh cũng học sử dụng internet
đưa con dị tật vào facebook
càng được sẻ chia ở khắp bốn phương
càng thế lại càng thương
càng nhớ tiếc bao người hy sinh dâng hiến
 
 
mở cửa
tràn vào Việt Nam cả thế giới văn minh cùng rác
cái thiện cũng nhiều, cũng nhiều cái ác
trẻ con chơi game mụ mị góc phòng
nghiện ngập ma tuý nghiện ngập cờ bạc
con trai nhà nông ra phố bán sức
con gái nhà nông ra phố bán mình
đất làng ngày xưa thấm máu hy sinh
đất làng ngày nay làm giầu bao kẻ
rừng đỏ ngày nào thiêng liêng chiến sĩ
bây giờ tan hoang lâm tặc hoành hành
 
mở cửa
đỡ đi đói nghèo lại sinh lòng tham
dân tham kiểu dân quan tham kiểu quan
thật thà biến dần, lên ngôi lừa lọc
ai đó từng nói: “đổi mới là cuộc nhốn nháo vĩ đại”
xưa buồn vì nghèo nay buồn vì mất nhân tâm
cô giáo bạo lực học sinh
học sinh bạo lực kéo băng kéo nhóm
trộm cướp công khai dùng dao, dùng súng
tai nạn giao thông nơi nơi ngày ngày
số nạn nhân chết oan uổng này
cộng lại còn bằng mấy số lính thời chiến tranh hy sinh dâng hiến
cái gốc đạo đức bị bứng đi từ hồi cải cách
nay sống èo uột thưa thớt từng nhà
ai cũng chém gió ai cũng ba hoa
người thua thiệt vẫn âm thầm thua thiệt
 

  1. NGHIỆM SINH
Chẳng ai có đất nước mà không yêu nước
họ yêu theo cách của mình
buộc mọi người phải yêu theo kiểu mình chọn
đấy là sự cưỡng bức của thế lực điên
 
chầm chậm tìm theo hành trình
Người tìm đường cứu nước
đã có lúc bật khóc
khi đứng trước bàn cán bột mì ở Boston
cái bàn cán bột mì mà Người từng cán
khi là thợ bánh mì khách sạn Omi
đã có lúc trĩu nặng như bao hàng New York
Người vác trên lưng qua khu Hai-lem
đã có lúc bay bổng sườn đồi Monmart
quán nhỏ nào Người ngồi cùng Picaso bàn luận về tranh
và lạnh giá trước lăng Lê-nin
ngỡ Người đang lẫn trong đoàn người đi viếng
lại chìm vào quá vãng
cuộc mạn đàm về con đường cách mạng Việt Nam giữa Người và Phan Chi Trinh
Người chung thuỷ với lòng yêu nước của mình
và trân trọng những người yêu nước khác
điều tối thượng là phải biết ghép chặt
mọi lòng yêu nước thành một sức mạnh đấu tranh
Người đã nghĩ như thế đinh ninh
và đã truyền lửa cho các đồng chí mình mùa xuân 1930 ở Hồng Kông tại góc sân bóng đá nhỏ
 
điều ki kịch suốt đời Người chính là ở chỗ
luôn luôn phải lách qua những luật lệ giáo điều
họ buộc các đồng chí của Người mang về nước mớ lý luận cứng quèo
biến thành luận cương đấu tranh “Trí phú, địa hào đào tận gốc chốc tận rễ”
tiêm vào quần chúng cần lao dễ manh động một chất kháng thể
để Người phải chữa dần qua tháng qua năm
vì độc lập tự do Việt Nam
Người vượt lên tầm những tầm nhìn thiển cận
 
thế chiến thứ hai nhuộm tinh cầu đỏ xẫm
lại thành thời cơ cho Việt Nam bởi thông tuệ của Người
chọn biên ải Cao Bằng – cố đô của nhà Mạc ba đời
Người trở về nhen lên cách mạng
đoàn kết mọi lòng yêu nước thành một mặt trận
cùng đồng minh chống phát xít đến cùng
đội quân của Người khai sinh từ một góc rừng
toán lính Mỹ nhảy dù xuống đây thành duyên kỳ ngộ
họ đã huấn luyện đội quân của Người những ngày đầu bỡ ngỡ
rồi cùng Người về Thủ đô tháng Tám mùa thu
cuộc giành chính quyền thành công bởi chọn đúng thời cơ
chọn đúng thời cơ cả ngày Việt Nam tuyên ngôn độc lập
Người đưa ra sách lược Đảng cộng sản rút vào bí mật
đề cao tinh thần dân tộc những ngày đầu tự do
cả dân tộc cùng Người thăng hoa
sẵn sàng đối đầu trước dã tâm xâm lược
 
những năm tháng đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp là những năm tháng đẹp nhất
của lịch sử hiện đại Việt Nam
toàn dân một lòng dốc sức hiến dâng
không quản hy sinh viết nên kỳ tích
đoàn quân Tây Tiến, đoàn quân vượt Thập Vạn Đại Sơn
những đoàn quân mở ra bao nhiêu chiến dịch
chia lửa với Pa Thét Lào, chia lửa với Bát Lộ Quân
 
Người là Bác Hồ của dân tộc Việt Nam
nhưng trớ trêu thay Việt Nam chỉ là một thành viên nhỏ trong cộng sản quốc tế
còn trớ trêu hơn sau cái chết rất đáng tiếc của tổng thống Roozervel, thì các tổng thống kế nhiệm
đã đánh rơi quan hệ với Việt Nam như đánh rơi mối tình đầu
tầm vóc nhân loại của Người bị kẹt giữa những cường quốc đỉnh cao
vì sự tồn vong dân tộc mình mà đành nhượng bộ
đến sáng láng như Chúa
còn có Juda giành giật quyền năng
 
từ chủ động bước sang hoà hoãn dần
các cường quốc mang Việt Nam ra mặc cả quyền lợi riêng mình trên bàn đàm phán
sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên
cuộc mặc cả dù công khai dù bí mật cũng đã thành thói quen
ngay cả trong hoà đàm Paris với Mỹ
tài sản Người để lại cho dân tộc mình ngày đi vào cõi vĩnh hằng đẫm lệ
là một tầm nhìn nhân loại trước thế gian
ai kế nhiệm mà hiểu được tầm nhìn này sẽ dẫn đưa Việt Nam
và sự thật đã được nghiệm sinh là như thế
 

  1. SÁM HỐI
Người lính Việt Nam Cộng Hoà gốc Hà Nội
sau bao năm di tản đã trở về đứng trước nhà mình
anh còn nhận ra cái đinh anh đóng vào cái cây trước cửa từ hồi thiếu niên
vẫn còn nguyên vẹn
dẫu Hà Nội bây giờ đã khác xưa đến lạ lẫm
anh trở về mà như khách du lịch tham quan
bao chứa chất xếp chồng vỡ giữa không gian
giọt nước mắt trong veo buồn vui hờn tủi
ngày đi tóc xanh ngày về trắng tuổi
trước nhà mình chợt quá bơ vơ
cũng cảm giác này ở Sài Gòn anh càng thêm bơ vơ
khi cũng lại đứng trước nhà mình thuở đó
anh cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng sao lại trở thành như đứa con bị ruồng bỏ
lỗi tại anh hay lỗi tại chiến tranh?
anh chỉ là một thân phận mong manh
như bạn ấu thơ như bạn thanh xuân
chiến tranh cuốn vào đâu thì đành ở đấy
bây giờ già nua đã nhận ra tất thảy
cả những khi dằn vặt giận thương
dẫu đã từng dấn thân giữ biên giới Tây Nam
thời cộng hoà Đệ Nhất
sống sót ở Hoàng Sa thời cộng hoà Đệ Nhị
là lính thì ai không bảo vệ tổ quốc mình?
nhưng sứ mạng thống nhất tổ quốc thì trời lại giao cho bạn anh
để vẫn còn đây một Việt Nam cho anh về thắp hương tiên tổ
anh đã nhận ra ân hận nhiều dang dở
chắp hai tay sám hối trước hư không
 
người cựu binh Mỹ dắt tay bạn – người cựu binh Đại Hàn sang Việt Nam để đi thăm lại những nơi từng đóng quân thuở ấy
họ có chung với nhau một quá vãng buồn vậy
chỗ này anh nhảy dù, chỗ kia tôi đi càn
người thì vì nghĩa vụ bảo vệ “thế giới tự do” mà đến đánh Việt Nam
người thì được Mỹ thuê sang Việt Nam “đâm thuê chém mướn”
hơn bao đồng đội giờ tên khắc tường đá lạnh
họ vẫn còn đây để hồi ức đời lính của mình
họ sang Việt Nam để giải thoát hội chứng thần kinh
mà có lúc phẫn chí đã định tự sát
may mà kịp nhận ra sự vô lý trước khi nát óc
họ tìm lại mình khi viết những câu thơ
những câu thơ thành cứu cánh bất ngờ
thành ân nhân cứu họ thoát chết
những câu thơ dắt họ về thanh khiết
để bây giờ hềnh hệch cười vui
ấy là khi họ gặp nhóm cựu binh chúng tôi
và biết được ngày xưa ở hai bên chiến tuyến
nếu vô phúc là cả hai bên sẽ cùng ăn đạn
đạn  bên này bắn sang bên kia
đạn bên kia bắn sang bên này
thung lũng Khe Sanh, cánh đồng Đại Lộc
thung lũng An Khê, biển Phú Yên dào dạt
sao vô nghĩa quá chừng mà đã xảy ra
họ cố nén kìm để khỏi khóc oà
bởi quá vãng sao mà khủng khiếp
để sám hối những ai vì họ mà đã chết
để cầu mong tha thứ của tâm linh
 
chúng tôi cũng chẳng khác họ lắm đâu, những binh nhì mùa hè Quảng Trị
những lính sinh viên mùa thu 1971 xếp bút nghiên
giữa khói lửa hoà lẫn mọi tân binh
từ mọi miền, từ làng quê, từ xưởng máy
ở mọi chiến trường rực cháy
người mất, người còn mãi sống trong hồi ức chiến tranh
cay đắng nhận ra bạn ngã xuống thay mình
đau đớn vì sao mình không cùng bạn ngã xuống
ân hận vì bao năm sau chiến tranh sống hèn sống đớn
cuộc sống mà bạn mình ngã xuống trao cho
đến mãi bây giờ mới viết nổi câu thơ
thật chân thực về hy sinh dâng hiến
đến mãi bây giờ mới tụ bên Thạch Hãn
mới rì rầm cầu siêu hương nến hoàng hôn
đầy tràn mặt sông lấp lánh hoa đăng
đêm vẫn giống đêm vượt sông vào trận
sao tối thế mà hình chụp lạ lắm
thấy vọt lên hai luồng sáng chụm đầu
đánh nhau chán rồi chết mới thứ tha nhau
chết nằm cùng đáy sông im lặng
cùng nghe rì rầm kinh phật, kinh lính
cùng nghe thổn thức tiếng đời sinh sôi
nếu đã hoài phí thì hoài phí rồi
thì tiếc làm gì mà không hoá giải
đọc “Khoá hư lục” mà thấu hiểu sám hối
sám hối cho ai chưa thấu hiểu ra
sám hối lòng thành con trong một nhà
người trong một nước Việt Nam nhỏ bé
một đường Thái Cực mong manh tinh cầu
 

  1. SIÊU THOÁT
Bay lên nào những linh hồn
từ đồng bằng tới ngọn nguồn rừng xanh
từ bao nhiêu cuộc chiến tranh
làm nên lịch sử Việt Nam bao đời
từ bao nhiêu kiếp luân hồi
hoá thân để lại thành người yêu nhau
bay cao, bay cao, bay cao
cho dương thế ngẩng mái đầu dõi theo
đường băng là lễ cầu siêu
linh hồn cất cánh phiêu diêu ngang trời
lời kinh cầu nguyện khơi vơi
mõ kinh lốc cốc âm rơi đều đều
khói thơm tăng tốc ít nhiều
hương hoa hoà gió theo chiều cánh bay
hoa đăng vươn sáng lên mây
lòng thành tưởng nhớ dâng đầy không gian
thực hư hư thực Niết Bàn
giải oan tâm tưởng lẹ làng an nhiên
cởi ra mọi nỗi ưu phiền
thênh thang cực lạc cõi tiên đã gần
tinh anh thể phách rời trần
cứ bay cùng những tinh vân xa vời
bao lưu luyến đã dần nguôi
cánh bay mang những thảnh thơi khôn cùng
Thiên Thai mặc sức vẫy vùng
thoát là thoát hết mông lung ảo huyền
oán thù vương vấn tình duyên
nhập thành một khối vẹn nguyên tỏ mờ
bay lên cùng những cơn mơ
gửi về dương thế thành mưa cho đời
 
 
mưa rửa đền sạch tinh khôi
cho ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
loan tin về khắp mọi nhà
rằng miền siêu thoát chan hoà hân hoan
không thời gian, không không gian
không thù hận, chỉ ngập tràn yêu thương
không còn sống chết vô thường
không còn tranh chấp nhịn nhường với ai
miền siêu thoát toàn ban mai
tinh sương lấp lánh trải dài say mê
không ra đi, không trở về
không còn buốt giá tái tê mùa mùa
không còn thắng, không còn thua
chỉ toàn mộng ước vui đùa ngàn sao
không còn thấp, không còn cao
không còn những tiếng rú gào đạn bom
không còn đèo dốc đường mòn
không còn điêu đứng không còn đói no
không còn nhận, không còn cho
tự do, tự do, tự do vô ngần
không xa lạ, không quen thân
mọi linh hồn với thánh thần bên nhau
không ngậm ngùi, không đớn đau
mênh mang vô tận sắc màu âm thanh
không điều ác, không gian manh
chỉ còn toàn những điều lành xửa xưa
không còn thiếu, không còn thừa
không còn bán, không còn mua điều gì
từ miền siêu thoát mưa về
rửa sạch rừng đỏ, xanh rì rừng xanh
 
 
 
 
 
 
 
 


tin tức liên quan