Nhỏ to đôi lời về bài thơ "Hồn quê"

Ngày đăng: 07:49 14/03/2020 Lượt xem: 1.158

NHỎ TO ĐÔI LỜI VỀ BÀI THƠ “HỒN QUÊ”
CỦA NGUYỄN NGỌC THĂNG
 
       Có hai điều linh thiêng đáng quý của đời người từ lúc sinh ra đến khi trở về với cát bụi được người đời tôn vinh và trân trọng: Đó là Gia đình và Quê hương.
       Gia đình chính là cái nôi nuôi ta khôn lớn từng ngày, nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão cháy bỏng của một sự nghiệp làm người. Còn Quê hương là nghĩa tình sâu nặng, tình làng nghĩa xóm, họ mạc nâng đỡ ta trong chốn phong ba, đa dạng của đời người. và Quê hương là cội nguồn của lý tưởng cao thượng khi người ta trân trọng, nâng niu.
        Ai cũng có một quê hương. Dù sinh ra ở chốn đô thị phồn hoa, hay thôn quê còn cơ cực, nghèo nàn. Xong, ta đi xa đều trạnh lòng khi nghĩ đến Quê hương.
      Với Nguyễn Ngọc Thăng, quê hương anh thật giản dị, trần trụi đến khiêm nhường, đã làm cho anh bâng khuâng, thổn thức, khi hàng đêm anh cũng trằn mình không ngủ, thấy bóng dáng quê hiển hiện trong mình:
“Cây đa giếng nước, sân đình
Con sông, bến đợi nghĩa tình làng quê
Ai đi xa cũng nhớ về
Cây đa, bến nước, bờ đê đầu làng”
       Thật đa cảm và mến thương, Quê anh cũng có cây đa, giếng nước, sân đình như bao làng quê khác. Âu cũng là một mốc lịch sử và là một nét đẹp của người Việt mà tiền bối ông cha ta đã trọn lập làng, để lại cho hậu thế thời nay một di sản thiêng liêng, cần phải được lưu giữ và nhớ về cội nguồn.
       Song, Một điều khác là Quê anh lại có một dòng sông bao quanh. Con sông ấy, có lúc lẳng lặng, êm ả, hiền từ. Nhưng, cũng có lúc nổi mùa thì gầm gào sóng dữ. Chả thế mà người dân quê anh thủa nào đã dốc lòng đắp một con đê ngăn nước lũ tràn vào làng. Để rồi hôm nay, khúc sông ấy có một bến đợi xao xuyến lòng người, chờ đợi những đứa con xa quê trở về thăm. Khi ta trên “bờ đê, đầu làng” mà hồi tưởng quá khứ để rồi cố tâm gìn giữ cốt cách, sống nhân ngãi, có trước, có sau , có tình làng nghĩa xóm, vẹn lòng chung thủy với làng quê.
        “Hồn quê” của anh Nguyễn Ngọc Thăng không phô trương hình thức, ta không bắt gặp cảnh nhà cao tầng san sát mọc lên, hay đường làng không bê tông, trải thảm, cũng chẳng ồn ã chợ quê chiều về.
         Nhưng ! Ta có nghiền ngẫm hết “hồn quê” ta mới thấy được sự dịu dàng, êm ả, bình yên, nhưng lại rộn ràng tưng bừng của người dân quê anh khi:
“Chùa làng tiếng mõ nguyện cầu
Đình làng mở hội tế trâu vào mùa
Dưới sông bầy trẻ nô đùa
Thả trâu tắm mát chiều thu nắng vàng”
        Thật đủ và trọn vẹn. Ta cứ thả mình vào suy tư đa cảm sẽ hình dung được cảnh khi tiếng mõ trong Chùa điểm canh, với thấy được trong sân Chùa hàng dài vãi già áo the nâu giơ tay vãi lễ, miệng rì rầm Nam mô cầu nguyện, và rồi tiếng trống trầu trên Đình thúc gọi mở hội tế trâu để xuống đồng cày cấy ta mới thấy hết được sự xốn xang, náo nức, phấn khởi của làng quê đến chừng nào . Nhìn ai ai cũng rạng rỡ đua khoe sắc áo đẹp đến Đình dự ngày hội làng. Để rồi hôm nào hết vụ cày cấy, dưới bến nước của dòng sông tươi mát kia, bầy trẻ nhỏ trong làng thỏa sức vùng vẫy bơi lội khi đàn Trâu bụng căng ung dung gặm cỏ nơi sườn đê.
       Nguyễn Ngọc Thăng có ý tứ, tạo dựng cái dí dỏm của “hồn quê” là tình yêu lứa đôi. Song, nó cũng thật mộc mạc, bình dị và dân dã quê mùa, tình yêu không xa đà mĩ miều nhưng thật nồng nàn, mãnh liệt.
“Nhà anh ở gần nhà nàng
Cách nhau một chuyến đò ngang hẹn hò.
Mặc cho sóng cả, gió to
Đò ngang một chuyến hẹn hò cùng em.”
         Phải chăng một lời hẹn gặp nhau cũng chưa đủ niềm tin để người con trai bên dòng sông lở quê anh phải thề thốt : đêm nay dù trời có sóng bão, gió giật, dòng sông có nổi sóng lớn thì cuộc hẹn gặp em vẫn vô tư như hai đứa mình đã hẹn.
          Thế mới biết tình yêu có sức thôi miên kì lạ, không gặp được nhau ngày một lần thì chàng trai bẩn thẩn, bần thần ngồi đứng không yên, chiều nào cũng ra bãi bồi ven sông tưới ngô, tỉa bắp để ánh mắt xa thẳm thả hồn về bãi mía bên kia sông tìm cái dáng thon thả, yêu kiều đội nón bài thơ xứ Huế của người mình yêu, chắc cũng đang cặm cụi bẻ lá tưới mía, để nhờ làn gió gửi tới lời nhắn nhủ một ngày mai:
“Thuyền rồng bên lở, đón em bên bồi”
        Một miền quê còn nhiều cơ cực, nhưng mang trong lòng biết bao kỷ niệm thân thương qua những biến cố thăng trầm của thời gian còn đọng lại biết bao điều đáng nhớ, đáng nâng niu, trân trọng gìn giữ cả tình yêu lứa đôi.
        “Hồn quê” quả là một danh từ ít gặp nó, cũng là một nghĩa tình quê hương. Nhưng với hồn quê là cả một sự linh thiêng, gần gũi hơn cả, nó có linh hồn trở che, khoan dung cho bất cứ ai biết quý trọng giá phẩm của tình người, của tình làng nghĩa xóm. Biết được cội nguồn để vươn tới ước vọng cao sang, thật là:
“Quê hương tình nghĩa sắt son
Giữ gìn một mảnh trăng tròn hồn quê.”
 
Khuất Quang Như
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 
 
HỒN QUÊ
(Trích thơ tập 5 “Trường Sơn- một thời để nhớ” của CLB thơ Trường Sơn-Thạch Thất)

Cây đa giếng nước sân Đình
Con sông bến đợi nghĩa tình làng quê
Ai đi xa cũng nhớ về
Cây đa bến nước bờ đê đầu làng
Đêm đêm dưới ánh trăng vàng
Thiếp chàng hò hẹn giếng làng gặp nhau
Chùa làng tiếng mõ nguyện cầu
Đình làng mở hội tế Trâu vào mùa             
Dưới sông bầy trẻ nô đùa
Thả trâu tắm mát chiều thu nắng vàng
Nhà anh cùng với nhà nàng
Cách nhau một chuyến đò ngang hẹn hò
Mặc cho sòng cả gió to
Đò ngang môt chuyến hẹn hò... cùng em 
Lửa tình từ đấy đã nhen
Thuyền rồng bên lở đón em bên bồi
Long lanh sắc nước hương trời
Bên lở mía ngọt bên bồi ngô non
Quê hương tình nghĩa sắt son
Giữ gìn một mảnh trăng tròn hồn quê...!


Nguyễn Ngọc Thăng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan