"Bộ quần áo đồng phục" - Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 06:12 21/03/2020 Lượt xem: 519
BỘ QUẦN ÁO ĐỒNG PHỤC
Phạm Hồng Loan

          Đang mơ màng trên xích đu ngoài sân thượng, chợt tôi giật nảy mình. Tiếng gọi giật giọng của mẹ:
-Thuý à, sao lại có bộ quần áo đồng phục ở tủ bị gián nhấm hết thế này?
          Tôi bật dậy như lò xo:
-Thôi chết! Con quên béng đi mất. Đây là bộ quần áo của cái Hạ. Lớp con may xong, nó chưa kịp nhận thì nghỉ học. Hôm nó đến trường nhận thì không gặp cô Nga. Hôm sau, cô ấy nhờ con chuyển cho nó.
          Vừa nói tôi vừa hối hả lục tung bộ quần áo rồi thở phào:
-Gớm! Mẹ làm con hết cả hồn. Chỉ bị gián nhấm chỗ này thôi. Không hề gì. Ra ngoài hiệu, mua bông hoa dán vào là xong. Miễn chê luôn. Lại còn mốt nữa chứ.
          Mẹ tỏ ý không bằng lòng:
-Tại sao việc Cô giáo giao cho con không làm ngay? Phòng của con bề bộn quá. Ngăn tủ thỉnh thoảng phải bỏ hết đồ ra, lau chùi cho sạch sẽ. Con gái con đứa bằng ấy tuổi rồi…Ngày xưa….- Mẹ cốc vào đầu tôi – bằng tuổi mày ấy à…
-Vâng! “Ngày xửa ngày xưa/ Có một ông vua/ Ăn cơm với dưa…”.Tôi ôm ngang lưng mẹ, đọc vang những câu không đầu không cuối để chấm dứt bài ca muôn thuở của mẹ. Ôi dào! Thời nào biết thời ấy. Biết đâu chỉ chục năm nữa thôi, ngoái lại mới thấy ngày ấy sao khổ thế, cơ cực thế. Nhưng chắc chắn tôi sẽ chẳng bao giờ ca bài “ngày xưa” vô tận cho con cháu tôi nghe. Bởi dứt khoát chúng cũng như tôi bây giờ: “Thôi! Các ông các bà Khôttabit ơi! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi”
-Thuý ơi, có nhà không?
          Tiếng cái Lan oang oang. Con gái con đứa gì mà đoảng vị. Nhà có chuông không thèm bấm. Cứ đứng ngoài cổng ông ổng, điếc con ráy hàng xóm láng giềng. Nói bao lần mà nó đâu có chịu nghe. Tôi đâm bổ ra ban công, thò cổ, tắt vội các loa đang phát hết công suất của  nó:
-Tao đây. Làm cái gì mà hét toáng lên thế? Bộ mày mới khùng hả?
-Có mày khùng thì có. Sao hẹn bọn tao bảy giờ có mặt mà đến giờ chưa thèm ra? Bọn nó đang réo ầm ĩ ngoài kia. Mau ra mà nộp phạt.
Chết chửa. Sao tôi lại có thể quên một việc hệ trọng như thế nhỉ? Lao vào phòng, mở tủ, quẳng đại bộ quần áo vào, tôi quay sang mẹ:
-Mẹ ơi, hôm nay lớp con tổ chức đi dã ngoại. Mẹ cho con đi nhé. Thôi. Con đi đây. Bọn chúng đang chờ dưới kia.
 -Này! Tiện thể mang bộ quần áo đến cho cái Hạ.
-Thôi mẹ ạ. Nó nghỉ học rồi cần bộ quần áo ấy làm gì? Mặc đồng phục học sinh đi bán rau cho đắt hàng à? Mẹ cứ để đấy. Lúc nào rảnh, con mang đến cho nó.
          Vừa nói tôi vừa nhảy hai bậc một xuống cầu thang, suýt đâm sầm vào thằng Lâm. Nó dạt sang một bên, trố mắt:
-Bà này hôm nay sao thế nhỉ?
Cả bọn phóng xe đi. Qua chợ cóc bên đường, tôi dừng lại, trỏ vào bọc đồ ăn mang theo:
-Các cậu chờ một lát. Tớ ghé vào kia mua thêm ít hoa quả. Toàn những đứa mũi nhòm miệng, bằng kia ăn sao đủ.
          Mua xong, ngẩng lên, chợt thấy khuôn mặt quen quen phía xa, tôi kéo tay Lan:
-Này! Hình như cái Hạ ở đằng kia. Nó bán rau, mày ạ
-Ôi dào! Hơi đâu mà để ý đến nó. Ngày nào tớ chẳng gặp. Khi bán rau, lúc bán chanh. Cậu lạ à?
-Tớ cứ thấy tội nghiệp thế nào ấy.
-Hứ! Đa sầu đa cảm thế? Hôm nay tớ mới hiểu thêm về cậu đấy. Cậu đủ sức thương vay khóc mướn cho mọi nỗi đau của nhân loại hay không? Đi thôi kẻo bọn nó chờ.
          Suốt buổi đi chơi, tôi cứ bị đôi mắt to tròn của Hạ ám ảnh. Hồi đầu năm học, cô Nga dẫn vào lớp một đứa con gái lạ hoắc, tươi cười:
-Hôm nay, lớp của chúng ta đón nhận thêm bạn Nguyễn Thị Xuân Hạ. Cô mong rằng các em sẽ cùng giúp đỡ Hạ để bạn nhanh chóng hoà nhập với lớp.
          Cả bọn trố mắt nhìn Hạ như lần đầu thấy người ngoài hành tinh:
-Ơ, con bé này tao vẫn gặp đi bán rau ngoài chợ.
-Đâu có. Hình như nó chỉ huy bọn bụi đời chuyên nhặt nilon ngoài bãi rác. Từ lúc nó vào tao đã ngửi thấy rồi.
          Tia nhìn nghiêm khắc của Cô giáo Chủ nhiệm khiến những cái loa phóng thanh im bặt. Cô đưa Hạ đến bên tôi:
-Em sẽ là thành viên của Tổ hai. Em ngồi cạnh bạn Thuý, Tổ trưởng được chứ?
          Bất giác, tôi ngồi dịch sang bên, như tránh xa mái tóc tuy gọn gàng mà khét nắng kia. Ánh mắt sáng đến lạ kì của Hạ chiếu thẳng vào tôi một thoáng rồi chăm chú nhìn lên bảng như không hề có chuyện gì sảy ra.
          Thế nhưng chỉ vài ngày sau, nó đã chinh phục cả lớp bằng lời giải độc đáo đến không ngờ cho những bài toán hóc búa. Không những thế, nó còn là hạt giống số một trong Đội tuyển văn của Nhà trường chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi sắp tới. Nhiều lúc, tôi mong đến giờ trả bài Tập làm văn. Cuối giờ, chúng tôi lại được nghe cô Nga đọc bài của nó cho cả lớp nghe. Một khổ thơ chỉ bốn câu, tôi  đánh vật cả tiết học mà chỉ viết được một trang giấy sau bao suy nghĩ đến nát óc. Nào là nội dung đoạn thơ là gì? Nghệ thuật trong đoạn này được tác giả sử dụng ra sao? Hình ảnh thơ này phải cảm nhận thế nào?  Chưa nói đến phần quan trọng là mở bài, kết bài phải nói những gì. Vậy mà bên tôi, nó cứ nhoay nhoáy viết kín cả ba trang giấy. Như không hề phải suy nghĩ. Như những dòng chữ dưới ngòi bút của nó cứ tự tuôn trào. “Tớ quí trọng cô Nga nên mới theo lời cô, chứ tớ khoái môn toán hơn”. Để rồi sau kì thi, nó đã đem về cho Nhà trường giải nhất Quận. Vậy mà. Thôi, ngày mai bằng mọi giá mình phải đến thăm Hạ, mang cả bộ quần áo cho nó nữa. Ngày mai lại trôi qua. Tôi quên bẵng lời tự hứa của mình. Một hôm, đi học về, vừa bước vào nhà, tôi la toáng lên:
-Lâm đâu? Làm gì mà sách vở, quần áo vứt lung tung thế kia?
-Em đang lục sách vở và mấy bộ quần áo cũ cho thằng Đông đấy chứ - Lâm phụng phịu.
          Tôi trề môi, dài giọng:
-Đem cho thằng Đông? Bộ mày tưởng nó sẽ mặc mấy cái đồ thừa này hay sao?
          Lâm xịu mặt xuống:
-Chị chẳng biết gì cả. Nhà nó nghèo lắm, tiền đâu mà may quần áo. Những thứ này không mặc vừa nữa, em mang đến cho thằng Thu, em nó. Nhưng chẳng biết nó có chịu nhận không. Cái thằng đó khái tính lắm.
          Tôi tò mò:
-Đông nào nhỉ? Sao chị không biết nó?
-Nó là em chị Hạ, trước học cùng với chị đó.
-À, phải rồi. – Tôi chợt nhớ đến bộ quần áo – Này, nhân thể em mang bộ quần áo này cho chị Hạ. Nhớ bảo là chị bận nghe chưa? Khi nào thi xong chị sẽ đến.
          Lâm ôm gói quần áo, sách vở bước ra khỏi nhà. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế cũng xong một việc. Mình đến, chắc đâu nó có nhà. Nghe nói, suốt ngày nó lặn lội ngoài chợ, tối lại đi rửa bát thuê thay mẹ ốm đau để nuôi em. Còn mình cũng đâu có thời gian. Sáng, chiều đến lớp, tối đi học thêm, cứ xoay như đèn cù.
          Tối mịt, Lâm mới về nhà. Nặng nề, nó bỏ bộ quần áo lên bàn, ngồi phịch xuống ghế. Tôi ngạc nhiên:
-Kìa Lâm…Sao? Không để tôi nói hết câu, Lâm gay gắt:
-Sao không đưa cho chị Hạ chứ gì? Giọng nó chùng xuống – Lúc em đến, chị Hạ cứ ôm lấy bộ quần áo mà khóc. Lát sau, chị ấy bảo: “Em đưa về cho chị Thuý, nhờ chị ấy chuyển cho Cô giáo Chủ nhiệm. Nếu bạn nào có hoàn cảnh khó khăn thì tặng giúp chị. Ở  nhà chị, không còn ai được mặc bộ quần áo đồng phục này nữa. Thì ra chị Xuân, em gái chị Hạ bị bệnh tim phải bỏ học, nhưng chị ấy vẫn thèm được đi học lắm. Trước khi đưa chị Xuân đi Hà Nội mổ tim, chị Hạ đã đến trường xin lại bộ quần áo để chị Xuân mặc – Nó nghẹn ngào – Chị ấy thèm được mặc bộ đồng phục học sinh lắm, dù là một lần. Thế mà….chị ấy chết rồi.
         Tôi đứng lặng, sững sờ. Trên môi, có gì mằn mặn. Hình như là nước mắt.
 
Phạm Hồng Loan - Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan