Xem bức tranh mới vẽ của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ

Ngày đăng: 10:35 01/04/2020 Lượt xem: 1.081
 XEM BỨC TRANH MỚI VẼ CỦA HỌA SĨ ĐỨC DỤ

                                                  Phạm Thành Long



Họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ đang sửa lại bức tranh mà anh mới hoàn thành.
 
      Chiều thứ 7, ngày 21/3/2020, tôi nhận được điện thoại của họa sĩ trường Sơn Nguyễn Đức Dụ.
     -Ông đang ở đâu đấy. Mời ông đến xem bức tranh sơn dầu tôi mới vẽ nhé. Đến luôn chiều nay được không? Trung tướng Hữu Ước hẹn mình 16 giờ chiều nay đến xem tranh đấy.
     -Xin chúc mừng anh. Tôi đến luôn nhé.
     Ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ nằm sâu trong làng Ngọc Hà, quận Ba Đình ngày xưa nên ngõ phố loằng ngoằng quá. Đến ngôi nhà họa sĩ đúng 16 giờ 20. Trung tướng nhà văn, nhà báo Hữu Ước vừa rời khỏi nhà họa sĩ Đức Dụ 5 phút trước đó. Tôi biết anh Hữu Ước cũng mê vẽ tranh lắm.
    -Hữu Ước vừa có điện thoại nên phải về gấp, không chờ gặp ông được. Cậu ấy vừa ở đây xem tranh rồi. Nó chê cái phòng vẽ tranh của tớ bẩn quá ông ạ. Thế là nó rút ra một triệu đồng bảo tớ ngày mai thuê ngay người dọn dẹp cái phòng này cho gọn gàng sạch sẽ. Thế có ngại không kia chứ! Nói rồi anh dẫn tôi lên phòng vẽ tranh của anh ở tầng 2.
 
      Bức tranh mới vẽ mà anh khoe với chúng tôi áp lên bức tranh khổ lớn anh cũng mới vẽ lại về trọng điểm Tha Mé. Vừa chỉ cho tôi xem, anh vừa giới thiệu:
      -Lâu nay trong các phòng tranh của tớ chưa có bức nào thể hiện câu nói của Bác “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Thì may quá, đầu năm nay, tôi xem bộ phim về Bác của Truyền hình Quân đội. Đây là bức ảnh Bác ngồi bên Đại tướng bên một chiếc lều bạt. Khi Truyền hình trích câu nói của Bác Hồ thì đưa hình ảnh này đấy ông ạ. Nói rồi anh chìa ra cho tôi xem bức ảnh mà anh in lại trên truyền hình.             Cầm bức ảnh trên tay, tôi nói luôn:
      -Thưa ông anh. Đây là bức ảnh Bác chụp trên đường đi thị sát chiến dịch Biên giới năm 1950 (biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn). Em nhớ, Bác nói câu nói nổi tiếng ấy trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác cơ. Đấy là những ngày trước cách mạng Tháng Tám. Ngày ấy Bác bị sốt rét rất nặng. (Ở Trường Sơn ngày xưa, chúng ta gọi là sốt rét ác tính ấy). Có lúc Bác bất tỉnh không hay biết gì. Khi tỉnh lại, sợ mình không qua được trận ốm này nên Bác cho gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến bên giường trong Lán Nà Lưa ở Tân Trào. Nhìn người Bác gầy rộc đi, hai hốc mắt trũng sâu, đồng chí Võ Nguyên Giáp lòng quặn lại vừa thương cảm vừa vô cùng lo lắng… Bác cầm tay đồng chí Võ Nguyễn Giáp giọng rất yếu nhưng vẫn dành rõ. Bác nói: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập!” Đồng chí Võ Nguyên Giáp hiểu đây không chỉ là chỉ thị mà còn là mệnh lệnh, là ý chí, quyết tâm sắt đá của Bác và của Đảng ta…Nó như một lời chăng chối từ Bác…Sợ anh Đức Dụ tự ái nhưng tôi vẫn đưa ra lời khuyên: - Nếu anh vẽ hình ảnh mà em vừa mô tả thì đúng hơn với lịch sử. Nhưng thôi, anh vẽ thần sắc Bác và Đại tướng trong bối cảnh này rất đẹp… Tranh đẹp đấy anh ạ. Hy vọng bức tranh của anh sẽ sớm được công bố.
     Rồi chợt phát hiện ra điều gì đó chưa ưng ý, anh Đức Dụ vội cầm cọ, sửa một vài chi tiết trên tranh. Tôi liền dơ máy ảnh lên bấm liên thanh vài hình ảnh. Hai anh em còn trao đổi nhiều việc của Hội, chuyện ở Trường Sơn. Vừa hỏi han, anh Dụ vừa mồi thuốc lào vào cái điếu cày và châm lửa. Thú thật là tôi không thể chịu nổi cái mùi khai khai cuả cái điếu cày và nước điều được xì ra trong cái xô nhựa để chiếc điếu trong đó của anh. Lúc này tôi mới có dịp quan sát kỹ căn phòng dùng làm phòng vẽ của anh. Nó bề bộn một cách vô cùng lộn xộn. Đồ đạc nhiều đến nỗi khó có thể len chân vào. Nhiều tuýp màu dùng hết từ lâu nhưng được dồn đống trong phòng, nhìn rất tức mắt. Rồi còn đủ thứ vật tư phục vụ vẽ tranh thiếu sự sắp xếp gọn gang ngăn nắp… Nếu là tôi, tôi có thể vứt đi già nửa đồ đạc ở trong phòng vẽ của anh. …
     -Hữu Ước nó chê cái phòng vẽ của anh bẩn không oan đâu. Căn phòng thì nhỏ, nhưng anh để lộn xộn quá. Mới liếc mắt thôi, em thấy anh có quá nhiều thứ vứt đi được đấy. Anh phải tự làm một cuộc cách mạng thôi. Trước hết là ông anh phải cách mạng từ cái đầu của mình trước đã. Có như thế mới gọn gang, sạch sẽ được. Mà phòng ốc gọn gàng, sách sẽ mới tạo được cảm hứng. Đề tài, ý tưởng từ đấy nó mới bật ra được chứ!
       -Thôi thôi, tôi biết rồi. Ngày mai cho dọn dẹp ngay. Ông sao giống thằng Ước thế! Toàn chê bẩn thôi.
       -Em không dám chê. Chỉ góp ý với ông anh thôi. Đúng lúc ấy, cô con dâu của anh bước vào phòng. Thấy thế, tôi liền lên tiếng:
       -Ghớm phòng vẽ của bố cháu lộn xộn nhiều thứ quá. Cháu hãy giúp bố cháu dọn dẹn cho gọn gàng nhé.
      -Chú ơi. Từ trước Tết, cháu xin bố cháu cho dọn dẹp lại mà bố cháu có đồng ý đâu. Bố cháu bảo: Kệ tao! Bố cháu không cho động vào đồ đạc của bố cháu đâu, chú ạ.
      -Thôi thôi, bố biết rồi. Ngày mai nhờ con dọn giúp. Nếu không lần sau đến chơi, chú Hữu Ước và chú Thành Long lại chửi bố mất. Nói rồi anh cười khà khà…
 
      Ngay buổi tối hôm ấy, tôi bốc máy gọi cho họa sĩ Đức Dụ.
      -Anh tham khảo ý kiến của em nhé.
      -Có chuyện gì vậy, nhà báo? Anh Đức Dụ hỏi tôi luôn.
     -Là đề tài gắn với câu nói nổi tiếng của Bác ấy. Theo em thì thế này. Anh vẽ một chiếc cửa sổ bằng vách nứa. Một luồng ánh sáng dọi chiếu qua cái cửa sổ ấy chiếu vào bàn tay Bác đang được hai bàn tay của đồng chí Võ Nguyên Giáp cầm lấy. Hình ảnh Bác nằm trên xạp nứa trong lán Nà Lưa. Hình ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi bên Bác. Nhưng tất cả đều vẽ cho mờ tối đi, đúng với thực tế trong rừng. Luồng ánh sáng từ cửa sổ chiếu rõ đôi bàn tay đồng chí Võ Nguyên Giáp nắm lấy một bàn tay Bác thì làm bật sáng lên. Như thế thì rất ý nghĩa và rất thật anh ạ. Anh nghiên cứu nhé.
       -Ý của ông hay đấy. Tôi sẽ nghiền ngẫm thêm.
       -Em mong sớm được nhìn thấy bức tranh này của anh.
       -Ông chờ tôi nhé. Cám ơn. Nói rồi anh Đức Dụ ngắt máy.
       Còn tôi. Tôi tin vào đôi tay tài hoa của họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ. Tôi chờ đợi bức tranh thứ hai anh vẽ câu nói nổi tiếng của Bác liên quan đến Trường Sơn của chúng ta.


 
Tác phẩm mới của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ (sơn dầu khổ 1,5 x 1 mét)
tin tức liên quan