"Nhật ký" trên tuyến lửa Trường Sơn

Ngày đăng: 08:36 12/04/2020 Lượt xem: 1.487


                                 "Nhật ký" trên tuyến lửa Trường Sơn


                                                 Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Tôi từng được nghe kể và đọc nhiều bài viết, xem nhiều bức ảnh nói về cuộc sống và chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, thế nhưng, khi cầm trên tay cuốn sách "Chính ủy Đặng Tính-Thơ và đồng đội" (NXB Quân đội nhân dân, năm 2019), tôi không khỏi tò mò, mong muốn hiểu rõ hơn về cuộc đời, những đóng góp của Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Tính, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn cũng như những tình cảm mà đồng đội dành cho ông.


Trang bìa cuốn sách "Chính ủy Đặng Tính - Thơ và đồng đội".

 

Cuốn sách được Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam xuất bản, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Tính (1920-2020).

Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Tính quê ở xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Ông tham gia cách mạng từ năm 1944 và trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Tháng 10-1971, Đặng Tính nhận nhiệm vụ làm Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn. Vào Trường Sơn, ông lăn lộn ở nhiều trọng điểm ác liệt, nắm tình hình, đến từng đơn vị cơ sở để động viên bộ đội. Trong chuyến đi công tác ngày 4-4-1973, Chính ủy Đặng Tính hy sinh. Tuy thời gian ở tuyến lửa Trường Sơn không dài nhưng ông có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng tuyến đường chiến lược, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không chỉ là một chỉ huy giỏi, Chính ủy Đặng Tính còn là người "say" thơ. Chặng đường đầy gian nan và thử thách ở Trường Sơn, ông đã ghi lại cuộc sống, chiến đấu của mình cùng đồng đội vào nhật ký bằng thơ để tặng cán bộ, chiến sĩ và gửi vợ con. "100 bài thơ của Chính ủy Đặng Tính" được rút ra từ nhật ký của ông là nội dung phần một của cuốn sách "Chính ủy Đặng Tính-Thơ và đồng đội". Ở đó hiện lên chân thực và gần gũi hình ảnh khốc liệt về cuộc chiến đấu, ý chí quyết tâm của chiến sĩ Trường Sơn, đó là những chiến sĩ lái xe "gan vàng dạ ngọc", chiến sĩ công binh "vách sắt tường đồng", chiến sĩ cao xạ, bộ binh "kiên cường bất khuất", cô giao liên "bền bỉ, dẻo dai"… Đặc biệt, 100 bài thơ của ông vừa giàu cảm xúc, vừa sáng ngời niềm lạc quan: "Đường kách mệnh" gian lao còn lắm/ Vững bước tiến lên Trường Sơn ngàn dặm/ Đôi môi ta luôn rạng rỡ nụ cười/ Dám hy sinh vì lý tưởng muôn đời/ Vì "độc lập, tự do", ấm no hạnh phúc… ("Xuân trên Trường Sơn").

Hai phần còn lại của cuốn sách là "Thơ của đồng đội tặng Chính ủy Đặng Tính" và "Một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chính ủy Đặng Tính". Yêu mến, tin yêu người chỉ huy đáng kính, gần gũi, khi ông nằm xuống với Trường Sơn, rất nhiều đồng đội đã tỏ lòng tiếc thương: Tài năng trọn vẹn mọi bề/ Trăm ngàn gian khổ không hề đổi thay ("Tưởng nhớ liệt sĩ Chính ủy Đặng Tính" của Đại tá Hoàng Khoát); Rừng Trường Sơn bữa ấy vắng tiếng chim/ Những dòng suối gọi tên anh thổn thức/ Cả mặt trận đang bước vào chiến dịch/ Lẽ nào từ nay thiếu vắng anh? ("Lẽ nào vắng anh" của Đại tá Hoàng Ngọc Giao)…

Đọc cuốn sách, bạn đọc thêm cảm phục tài năng và đức độ của Chính ủy Đặng Tính-người có đóng góp không nhỏ tạo nên một Trường Sơn với bao kỳ tích, như khẳng định của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khi nói về cuốn sách: "Chính ủy Đặng Tính sống mãi với Trường Sơn-con đường mang tên Bác vĩ đại và huyền thoại".

NGUYỄN THU
( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan