Người là niềm tin tất thắng - Tùy bút của Đinh Cầm

Ngày đăng: 04:24 23/04/2020 Lượt xem: 2.418
 
NGƯỜI LÀ NIỀM TIN TẤT THẮNG                                                                                                                                                                           
                                    Tùy bút của  Đinh Cầm


 
          Bác Hồ , vị lãnh tụ kính yêu của dân  tộcViệt Nam. Người dân yêu nước Việt Nam, từ trong trái tim khối óc của mình, khi nghĩ về Bác là nghĩ tới một ngôi sao sáng nhất, chiếu soi, chỉ đường cho dân tộc ta vùng lên xóa ách gông xiềng nô lệ, giành độc lập tự do cho dân tộc mình. Người còn là tấm gương sáng: Cần kiệm liêm chính chí công vô tư mà mọi người đang hướng theo, học tập.
          Không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại tiến bộ trên thế giới đều trân trọng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ. Cái vĩ đại của Bác chính từ tấm gương đạo đức trong sáng. Một người đứng đầu đất nước mà cuộc sống vô cùng giản dị, thanh bạch không khác gì nhân dân lao động bình thường. Chính vì Bác rất gần gũi, am hiểu nhân dân mà dân gần Bác, kính phục Bác, coi Bác như người ông, người bác ruột thịt trong gia đình với một niềm tin yêu vô hạn.
            Ở những năm sáu mươi của thế kỉ trước, tôi đã có dịp đi công tác và làm việc tại nước bạn Trung Hoa, đã tận mắt chứng kiến lòng kính yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh của nhân dân Trung Quốc từ người già đến các em nhỏ. Họ cũng gọi Người là Bác Hồ. Trong buổi liên hoan văn nghệ giao lưu với bạn, đến tiết mục múa sạp, khi ảnh Bác Hồ được hai hàng diễn viên rước ra, cả hội trường đứng dậy vỗ tay hoan hô nhiệt liệt không ngớt cho đến khi ảnh của Bác đi khuất vào bên trong, mọi người mới ngồi xuống. Tâm trạng thực tập sinh Việt Nam lúc đó thật sung sướng, tự hào vô hạn. Đó là sự kính yêu tận đáy lòng của bạn.
           Những ngày chủ nhật, chúng tôi có dịp đến thăm nhà các sư phụ dạy nghề, khi đưa ảnh Bác Hồ ra hỏi các em nhỏ, hỏi ảnh ai đây? Các em đều trả lời ngay:
  • Bác Hồ!
          Các em còn nói thêm: Em yêu Bác Hồ Chí Minh!.
          Ôi! Đến các em nhỏ Trung Quốc từ những năn sáu mươi của thế kỉ trước  đã nói lên được điều đó. Gặp ta ở đâu, câu nói đầu tiên của bạn là Việt Nam-Hồ Chí Minh, Việt Nam Anh hùng!
          Thật cảm động, chúng tôi thấy cay cay nơi sống mũi, hởi lòng hởi dạ và nói lại với bạn:
          Xi-ê! Xi-ê! (cảm ơn!)
          Trong suốt thời gian ở trên đất bạn, chúng tôi thường bảo nhau: “Hãy sống, học tập và làm việc xứng đáng với Bác Hồ, xứng đáng là sứ giả của nhân dân Việt Nam Anh hùng.
          Những năm còn trên ghế nhà trường, theo dự đoán của các “tham mưu con”, trong kì thi tốt nghiệp ra trường, môn văn thế nào cũng có câu hỏi liên quan đến thơ của Bác và thơ Tố Hữu. Vậy mà chúng tôi đoán không sai. Mỗi bài thơ của Bác đều là những bài học nhân sinh. Tôi rất mê những câu thơ về trăng của Bác:
           -Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
           -Trăng xưa hạc cũ với xuân này.
           -Trăng vào cửa sổ đòi thơ.
            -Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên.
                 Rồi tiếp đến là những ngày hành quân bộ suốt dải Trường Sơn trên đường đi đánh Mỹ, đường xa dặm thẳm, núi cao, suối sâu, bom pháo giặc chặn đường. Khi nghĩ tới câu thơ của Bác:
                                                “Núi cao lên đến tận cùng
                                     Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.”
 
           Thì tôi lại thấy vững vàng thêm và đi lên phía trước.
           Trên đường hành quân có nhiều dốc cao, cao nhất là đỉnh 2001m, từ chân núi leo lên tới đỉnh phải mất thời gian từ sáng đến trưa. Từ đỉnh xuống chân núi, đi hết cả buổi chiều. Dốc Nguyễn Chí Thanh thì độ cao không bằng đỉnh 2001 nhưng độ dốc thì vượt trội, đầu người đi sau đụng gót chân người đi trước. Những khi đó, thơ Bác đã khích lệ chúng tôi leo lên tới đỉnh, khi tới đỉnh rồi thì đúng là “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Bác đã truyền cho chúng tôi nghị lực và sức mạnh để cùng hành quân tới đích.
        Những ngày đầu tháng 9 năm 1969, làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam chậm rãi đưa tin đau buốt:
        “Bác Hồ kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta!”
        Giữa rừng le, dưới trời mưa tầm tã nơi chiến trường, chúng tôi đứng nghiêm dự lễ truy điệu Bác. Chiến sĩ ta quê ở cả ba miền Bắc Trung Nam người Kinh, người Thượng…nước mắt lưng tròng…
        Biến đau thương thành hành động, chúng tôi lại nhớ bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác :
                                                 “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
                                        Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!”
 
           Ngay sau đó, các đơn vị chuẩn bị chiến trường, đồng loạt tấn công nhiều cứ điểm địch. Trận Chơn Thành và Cây Cầy mà chúng tôi được tham gia, ta giành thắng lợi giòn giã. Chúng tôi thầm thưa với Bác: Theo ngọn cờ của Bác, chúng con sẽ xông lên xốc tới “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”
          Những ngày tập luyện trên thao trường ở chiến khu Đ, tôi đã nhờ anh Nguyễn Văn Hán, quê ở Thái Nguyên, người cùng đại đội, kí họa cho tôi một bức ảnh Bác Hồ. Thật là tài tình, từ tấm lòng kính yêu Bác, từ trí nhớ của mình, Hán đã vẽ xong bức kí họa về Bác Hồ khá giống. Tôi thầm khen Hán và gói bức kí họa vào túi giấy bóng nhỏ luôn giữ bên mình. Hình ảnh Bác mãi khắc sâu trong tâm khảm của tôi.
           Ôi! Tình Bác mênh mông quá! Tôi nhớ lời Bác, đại ý: Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, nhưng đều hợp nhau ở nơi bàn tay. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Lời Bác đã nhắc nhở chúng tôi thực hiện tốt chính sách tù hàng binh ở chiến trường.
          Chúng tôi đã chứng kiến nhiều tù binh địch khi gặp ảnh Bác Hồ đã quì xuống lạy với vẻ mặt đầy hối hận. Họ biết Bác có lòng khoan dung độ lượng với những kẻ lầm đường lạc lối biết hối cải.
         Trường hợp một cán bộ hậu cần trong kháng chiến chống Pháp bị xử tử hình làm đau lòng Bác vì anh ta vị kỉ, tham ô của công trong khi đồng bào chiến sĩ ta đang gian khổ kháng chiến và chính anh ta đã phải tự xác định mức án ấy.
           Bác vẫn dạy chúng ta: “Lời nói phải đi đôi với việc làm!”. Thực tế hiện nay có không ít cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức, quan liêu, tham nhũng, vị kỉ, xa rời quần chúng, nói một đằng, làm một nẻo.
           Nắm bắt kịp thời tình hình đó, Đảng ta đã phát động toàn Đảng toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là liều thuốc hữu hiệu, kịp thời để chữa trị bệnh, chống nguy cơ một loại giặc nội xâm ăn mòn lòng tin của dân, làm tổn hại đến sự phát triển đi lên của dân tộc ta trong sự nghiệp phấn đấu cho một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
          Mọi người dân Việt Nam trong nhiều năm qua đã học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, vì vậy chúng ta mới giành được thắng lợi trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể khẳng định rằng: Ai cũng có thể học tập và làm theo đạo đức cách mạng của Bác. Điều này được thể hiện ngay trong những việc làm hàng ngày trong học tập, rèn luyện, trong ứng xử với mọi người trong gia đình và trong xã hội.
            Xét cho cùng, đã là người, không ai vẹn toàn, chỉ có điều phải tự thấy cái sai của mình, phải tự sửa, không trượt dài xuống dốc tới mức mang bệnh trầm kha, nan y cố hữu trở thành bản chất. Tu dưỡng đạo đức là công việc của cả đời người, làm sao để “cái thiện” trong mình lớn dần lên, “cái ác” trong mình teo dần đi. Cái quan trọng nhất là phải tự giác.
          Vừa mới đây, ngày 18/4/2020 Trung Quốc ngang nhiên công bố Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc "thành phố Tam Sa". Hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà phía Trung Quốc gọi là “Tây Sa và Nam Sa”!
          Trong tình cảnh mà “giặc nội xâm” và “giặc ngoại xâm” luôn đe dọa không lúc nào ngớt hiện nay thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng quan trọng biết bao. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh để chúng ta thêm vững vàng trước bão tố của cuộc đời; trước những xâm lấn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của mọi luận điệu, mọi âm mưu của kẻ thù…
          Tự soi lại mình. Ở cương vị là một công dân, tôi thấy bản thân đã học và làm được đôi điều đã dạy của Bác. Đó là lối sống giản dị, tiết kiệm, tận dụng thời gian, học tập không ngừng, học nhiều mặt, học trong sách cở, học già học trẻ, khiêm tốn và cầu tiến bộ. Thật đúng là:
                                         Gương Người như biển như sông
                                         Thấm sâu đôi chút cho lòng thảnh thơi.
          Niềm tin học được Bác, một niềm tin tất thắng cho cả dân tộc Việt Nam. Đôi dòng mạo muội cùng bạn đọc. Chỉ biết rằng, Ngày ngày nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn!

                                              Những ngày cả nước cùng chống giặc Covid-19
                                                 
                                               LÀM THEO ĐẠO ĐỨC BÁC HỒ
                                                                                               Đinh Cầm
 
                                                       Như vầng nhật nguyệt tấm gương soi
                                                Học tập làm theo đạo đức Người.
                                                Cần kiệm sáng trong, tình vị nước
                                                Chính liêm sâu sắc, nghĩa thương nòi.
                                                Dựng cờ độc lập, dân no ấm
                                                Quí lẽ công bằng, nước đẹp tươi.
                                                Ngọt quả nhân sinh, chăm vững gốc
                                                Non sông vạn thuở, nguyện cùng noi!
                                                                                                                                                                                      
                                                                                                                                                                       

tin tức liên quan