Đảo "Trông chồng". Chuyện ngắn của Trương Thanh Liêm
ĐẢO “TRÔNG CHỒNG”
TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG THANH LIÊM
Đêm nay đảo Lý Sơn không ngủ. Mà ai lại nỡ ngủ trong những ngày giáp tết để cứ được nhìn lên triền núi Thới Lới đang sáng rực ánh đèn của vô số xe ủi, xe ben và hàng trăm công nhân đang khẩn trương thi công Khu tưởng niệm “ Nghĩa Sỹ Hoàng Sa”.
Trong căn nhà nhỏ ven biển, gió thổi phần phật, rát rạt và ran rát bởi những hạt muối li ti hòa quyện trong gió ùa vào. Trên vách lá là di ảnh hai người đàn ông giống nhau như đúc.
“ Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có nhưng không thấy về…”
Tiếng ru buồn của người phụ nữ già nua, khàn khàn, đục đục vang lên trong đêm tĩnh lặng. Tiếng võng khuya cứ lắc qua, lắc lại như muốn gợi lại ký ức buồn của bốn mươi hai năm về trước. Cái ngày bà được tin chồng mình đã ngã xuống giữa lòng biển mênh mông, hung tợn trong cuộc chiến giữ đảo Hoàng Sa.
Ký ức xưa bừng bừng sống lại trong bà như những lát dao vô hình cứa vào nỗi đau xưa.
- Tui đi phen nàylành ít, dữ nhiều. Có gì thì mình bồng con về Sài Gòn sinh sống. Dù gì đó cũng có bà con dòng họ hai bên. Trung Úy Hớn nói với vợ.
- Sao anh nói điều không may. Bộ có chuyện gì sao?
- Không có gì đâu. Tui linh tính sắp tới ngày hòa bình thống nhất rồi. Đi ra biển chuyến nầy chắc là chuyến cuối. Tui sẽ giã từ đời lính Hải quân để về với vợ con.
- Mà sao đi lần nầy, em thấy anh bần thần quá vậy ?
- Mẹ. Tụi “ ba tàu” mắc mớ gì mà đem lính tới Hoàng Sa. Nói thiệt, dù tui không phải là người sanh đẻ ở đây, nhưng ông bà tui, tổ tiên tui đã từng làm lính đất Quãng Ngãi nầy, đã từng ra đảo theo lệnh vua Gia Long đặt cột mốc chủ quyền của Việt Nam để cả thế giới biết rằng Hoàng Sa là của mình. Ràng ràng vậy mà tụi nó nói ngang như cua. Hứ…hứ
Biết tánh nết của chồng nên bà lặng im. Dân Hải quân Việt Nam Cộng Hòa người nào cũng nóng nảy, cục mịch vậy chớ bụng dạ hiền lành như biển khơi. Hồi đó gia đình bên chồng sống ở đảo Lý Sơn nầy hàng trăm năm rồi. Tới hồi năm bốn mươi lăm mới dắt díu nhau vô Sài Gòn lập nghiệp bởi ngán ngẫm cảnh sóng to gió lớn mỗi lần đi từ Quãng Ngãi ra đảo Lý Sơn. Rồi chuyện thiếu thốn trăm bề. Đường cheo leo vách núi. Đêm về chỉ thấy những ánh đèn báo bão, đèn dầu leo lét. Bệnh nặng thì chỉ cầu mong phật trời hộ độ bởi đâu có nhà thương. Chuyện “ dốt đặc cán mai” nhà nào cũng vướng. Bỏ đảo. Buồn. Xót. Nhớ. Vẫn đi.
Trời xui đất khiến nên hai gia đình ở cạnh nhau trong xóm lao động nghèo “ rách mùng tơi”. Người quê Quãng Ngãi, người đặc sệt Sài Gòn vậy mà thương nhau quá lạ. Chàng trai Quãng Ngãi nghèo nhưng học giỏi nhất cái xóm “ Cây Da Sà” khiến xóm nầy ai cũng trầm trồ. Ngạc nhiên nhất là cái chuyện thằng Hớn thi đậu vô trường sỹ quan Hải quân. Ai hỏi, nó nói tỉnh queo:
- Tại tui khoái biển hồi nhỏ tới giờ. Ông bà tui vốn là dân thủy thủ miệt Quãng Ngãi. Tui nối nghiệp là chuyện thường tình.
Bà nhớ cái ngày được tin chồng nhận nhiệm vụ tại đảo Hoàng Sa, bà ẳm thằng Minh tức tốc ra đây để tiện việc chăm sóc cho chồng, cho con, cũng là dịp về chơi cho biết quê chồng. Vậy mà…ông đã không về.
Cái ngày thiếu tá Trung tới báo hung tin, ông Hớn và 73 nghĩa sỹ đã hy sinh trong trận chiến không cân sức với bọn xâm lăng phương Bắc và đã nằm lại với chiếc tàu chiến HQ Nhật Tảo 10, bà đã ngất xỉu khi nhìn thấy cái nón sỹ quan của chồng do đồng đội mang về. Chiến tranh mà. Khốc liệt lắm. Tàn nhẫn lắm. Đau đớn đến vậy là cùng.
Bà ở lại đảo Lý Sơn với niềm tin không bao giờ có thật. Mà đâu chỉ có riêng bà. Đảo nầy đã có đến hàng chục phụ nữ mất chồng mỗi đêm ra biển vắng chờ chồng trong nỗi cô đơn quạnh quẽ đến nao lòng. Đảo có thêm cái tên thật lạ, thật buồn : Đảo “ Trông chồng”.
Bốn mươi hai năm qua, những người “ trông chồng” cứ đợi, cứ mong một điều mà không ai dám nói ra vì sợ. Họ mong ngóng có được một khu tưởng niệm 74 con người thủy thủ đã nằm lại biển khơi xa. Họ sợ vì 74 con người ấy đã một thời khoác áo lính Cộng hòa, những người bên kia chiến tuyến, đối đầu với những người lính Cụ Hồ trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt “máu chảy ruột mềm”.
Cứ vào ngày nầy mỗi năm, ngày 19 tháng 01, những người Thủy thủ còn sống sót năm xưa lại về đây làm giỗ tập thể để tưởng nhớ người đã khuất, để nhớ lại giây phút tử sinh trong trận hải chiến năm nào. Họ thả những vòng hoa trắng trôi trên biển với lời nguyện cầu với biển khơi. Công việc ấy cứ lặng thầm đến lạ thường. Có lẽ họ đang mặc cảm vì đã một thời quay lưng cùng dân tộc, khoác lên người bộ quân phục cộng hòa. Chiến tranh mà. Có ai muốn vậy bao giờ. Đôi lúc họ lại tự động viên nhau, dù ở chiến tuyến nào, họ vẫn là con người Việt Nam, phải biết ra khơi bảo vệ biển trời tổ quốc dù phải hy sinh. Và 74 chiến sỹ nằm lại đại dương kia là một minh chứng hùng hồn nhất, chân thật nhất, bi hùng nhất.
Cứ mỗi lần làm đám giỗ tập thể 19 tháng 1, họ lại xúm xít bên nhau để nghe người con gái đất Sài Gòn xưa, giờ đã là người góa phụ đầu tóc bạc phơ nghẹn ngào ngâm lại mấy câu thơ chua xót, nhớ nhung, ngậm ngùi:
“…Đến mùa tu hú kêu thanh
Cá chuồn đã mãn, sao anh chưa về…”
“ Ốc u đã thổi lên rồi
Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa…”
Nhiều lần bà Sáu đề nghị:
- Tui ở đây chờ chồng đã bốn mươi mấy năm rồi, đất địa nầy, con người, chánh quyền ở đây tui rõ mồn một. Họ có phân biệt gì chuyện Việt cộng với quốc gia đâu. Họ tới nhà tui chơi thăm hỏi chân tình lắm. Vả lại giải phóng đã hơn bốn mươi năm rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Chuyện cũ cho vào quá khứ thôi.
- Chị nói nghe dễ “ụi” .Biết người ta có bỏ qua không? . Ông Hùng - Thiếu tá Hải quân Việt Nam Cộng Hòa cắt ngang.
Những người còn lại đều im lặng với bao nỗi suy nghĩ ngổn ngang trăm mối. Tất cả đang chờ một sự đổi mới để xua tan lằn ranh hai chiến tuyến.
- Bà ơi! Sao người ta gọi đảo Hoàng Sa là bãi cát vàng hả bà ? Tiếng thằng Út, cháu nội bà hỏi làm bà trở về thực tại.
- Con còn nhỏ lắm, chưa hiếu hết đâu. Lớn lên con sẽ hiểu nhiều hơn. Cứ biết ở đó là đất đai của tổ tiên mình.
Bà Sáu nói khẽ rồi hướng đôi mắt đăm đăm đau đáu về phía biển khuya đang ánh lên những những khoảng sáng mờ mờ trong ánh trăng sáng rực. Bà mơ hồ nhìn thấy những người lính khăn gói lên đường tươi cười bước xuống những khoang thuyền tiến ra biển khơi theo lệnh vua truyền. Bà thấy trên biển xa chồng bà và những nghĩa sỹ trận vong đang vẫy tay chào trong niềm kiêu hãnh vô song. Rồi bà bất giác quay sang nhìn thằng cháu nội. Tội nghiệp thằng nhỏ. Có biết gì đâu mà bà kể nhiều. Ngay cả chuyện ba nó mất khi theo tàu đi đánh cá ở quần đảo Trường Sa gặp bão lớn chìm tàu mà tới nay bà cũng giấu biệt. Đứa con dâu lặng lẽ ra đi sau khi viết lá thơ để lại căn dặn bà nuôi thằng Út nên người. Nghe đâu nó có chồng mới là người Đài Loan, Trung Quốc gì đó, mấy năm nay nó mất tăm, mất dạng. Nhiều lần thằng Út hỏi, bà ậm ờ trả lời : ba con đi biển chưa về, còn mẹ con đi bán xa lắm, vài tháng nữa sẽ về thăm con.
Lạ thiệt lạ. Thằng nhỏ cứ nằng nặc nói với bà : lớn lên nó sẽ làm thủy thủ. Mỗi lần nghe nó nói vậy, bà lo sợ vô cớ đến nỗi cả đêm không ngủ. Lẽ nào ? Bà đã mất chồng, mất con trên biển cả mênh mông, giờ chỉ còn lại mỗi thằng cháu nội. Vậy mà mới bây lớn nó đã có ý định ra khơi. Liệu bà có còn giữ nó được chăng ?
Rồi bà lại nghĩ : tất cả đều do số mạng do ông trời sắp đặt. Bà muốn khác cũng không xong. Thôi thì cầu trời, khấn Phật, vái van vong linh chồng, con bà về đây hộ mạng cho thằng nhỏ lớn lên tiếp tục đời Thủy thủ.
Đêm nay, những người chiến binh trong trận hải chiến 19 tháng 1 lại tề tựu xung quanh nhà bà Sáu với niềm vui, niềm xúc động đến nghẹn lời. Cuộc đời nầy, chính quyền của chế độ Cộng sản nầy đã không quên họ - không quên 74 nghĩa sỹ đã mất để giữ lấy Hoàng Sa, giữ lấy biển đảo thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam. Những giọt nước mắt đàn ông già nua đã rơi trên khuôn mặt hạnh phúc, rạng ngời. Nỗi ám ảnh, mặc cảm là tội đồ chiến tranh đã tan vào lòng biển cả.
Tất cả cùng hướng mắt nhìn về triền núi lửa Thới Lới với niềm xúc động vô biên. Ở đó, ngày mai nầy sẽ có một tượng đài một nguời phụ nữ ôm ngọn đèn hướng ra biển cả để soi đường, như mong chờ ngày đảo Hoàng Sa lại hiên ngang phất phới lá cờ tổ quốc nền đỏ, sao vàng. Ngọn đèn ấy vẫn sáng lung linh cùng thời gian mang theo sự trông ngóng thủy chung của những người phụ nữ trên đảo “ trông chồng”
Trương Thanh Liêm
Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ
Địa chỉ: 170 Lý Tử Trọng, quận Ninh Kiều, tp Cần Thơ
Điện Thoại: 0852911777