Phạm Tiến Duật:"Người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ"
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân cuối tuần
Đường Trường Sơn chống Mỹ-“Đường mòn Hồ Chí Minh”-“Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”-đã là con đường huyền thoại bậc nhất trong các con đường chiến tranh trên thế gian này.
“Đó không chỉ là con đường tiếp tế, nó là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam” (Van Geirt).
Đó là con đường mà cả 3 đời Tổng thống Mỹ: Lyndon Baines Johnson, Richard Milhous Nixon, Gerald Rudolph Ford đã đụng phải và đều muốn quên đi!
Con đường ấy cũng sinh ra một nhà thơ được cả cộng đồng Trường Sơn chống Mỹ, rồi cả nước, yêu quý. Hầu như không một cán bộ, chiến sĩ quân đội hay thanh niên xung phong nào ngày ấy không thuộc ít dòng thơ, ít bài thơ của anh.
|
Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ảnh tư liệu
|
Nhà thơ ấy là Phạm Tiến Duật (1941-2007).
Năm 1969, Phạm Tiến Duật được trao giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói: “Thơ Duật có sức mạnh bằng nhiều tiểu đoàn vận tải”.
Xuân Diệu bảo: “Lão ô bách tuế không bằng phượng hoàng sơ sinh” (Quạ già trăm tuổi không bằng phượng hoàng vừa sinh).
Chế Lan Viên viết: “Phạm Tiến Duật là một hiện tượng lớn, là người cách tân thơ, là người khai mở một thi pháp, rất nhiều năm sau sẽ khó có thể thấy”.
Hữu Thỉnh: “Dưới bầu trời sinh tử của chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã đưa thơ chống Mỹ lên đến đỉnh cao”.
Phạm Tiến Duật đã được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Ngưỡng vọng Trường Sơn chống Mỹ, hãy cùng đọc lại một số bài thơ của “Con chim lửa Trường Sơn” ngày ấy!
Tiếng bom ở Seng Phan
Tôi từ xa Seng Phan
Nghe bom dội đêm ngày
Âm i tiếng tàu bay
Vọng vào trí nhớ
Tôi đến gần Seng Phan
Nghe cây ầm ầm đổ
Cốc chén chẳng nằm yên
Lung lay cả ngọn đèn
Tiếng bom như tiếng thú
Tôi đứng giữa Seng Phan
Cao hơn tiếng bom là khe núi tiếng đàn
Tiếng mìn công binh đánh đá
Tiếng điếu cày rít lên thong thả...
Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường
Thế đấy, giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ.
Đèo Ngang
Pháo tàu địch đêm đêm nhằm bắn
Đèo vẫn nguyên lành nằm với biển reo
Nhà như lá đa đậu lưng chừng núi
Sông suối từ đâu rơi xuống chân đèo
Đèo nhằm hướng Nam, đường nhằm hướng Nam
Xe đạn cũng nhằm hướng Nam, vượt dốc
Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang
Mà không biết con đèo chạy dọc.
Nhớ
(Lời một chiến sĩ lái xe)
Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo...
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa, mau khô thôi
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Lửa đèn
I - ĐÈN
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè.
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng...
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Nhìn thấy lửa que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp lóe
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nào
Loe ánh lửa.
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước
Lấy từ thuở hoang sơ
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trong trấu nhà ta
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy.
II - TẮT LỬA
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải lụy hương bay...
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều, như đếm nhịp chày giã gạo
Vang ở đâu, đấy là giữa trận đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô tô
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết
Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.
Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn Thanh niên xung phong phá đá sửa đường
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao.
Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.
III - THẮP ĐÈN
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm
Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc những lá thư thăm...
Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá kê cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ô tô trong chớp lòe ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi, ta lại lái xe đi…
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn ông sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.
Gửi em, cô thanh niên xung phong
Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn
Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân
Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan, cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu, em tinh nghịch của anh?
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng đêm dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
“Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà...”
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình: Đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm “Thạch Nhọn Thạch Kim”
Tên em đã thành tên chung anh gọi
Em là cô Thanh niên xung phong.
Trường Sơn Ðông Trường Sơn Tây
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?
Em thương anh bên Tây mùa đông
Nước khe cạn, bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.
Ðông sang Tây không phải đường thư:
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.
Người ơi người ở
Bao nhiêu người đã hát
Bây giờ lại đến em
Bao nhiêu người hồi hộp
Bây giờ lại đến anh
Ở hai thung lũng xanh
Kề nhau thành hàng xóm
Công việc như nước cuốn
Chẳng khi nào thăm nhau
Nắng đã tắt từ lâu
Tiếng ve như kéo mật
Dáng em ngồi trước mặt
Như cây nhỏ trong vườn
Chẳng thể gặp nhau luôn
Hãy ngồi thêm lát nữa
Hai người hai cánh cửa
Khép mở hai vùng trời
Gặp biết bao nhiêu người
Nhớ bao nhiêu khuôn mặt
Con đường thì tít tắp
Mặt trận thì mênh mông
Chẳng nhớ nữa mùa đông
Đi qua bao hang đá
Cũng quên rồi mùa hạ
Ở bao nhiêu nhà hầm
Công việc cùng tháng năm
Hát vui cùng chiến sĩ
Những ngày đi đánh Mỹ
Bao nhiêu người quen nhau
Anh chẳng nói sai đâu
Em là cây ngải đắng
Sống trong triền núi vắng
Góp vị thuốc cho đời.
Tiếng em hát “Người ơi...”
Người thân nhau mãi mãi;
Tiếng em hát “Đò ơi...”,
Sông đưa đò gần lại
Tiếng em hát “Cây ơi...”
Cây nhú thêm mầm mới
Tiếng nồng say em gọi
Náo nức tuổi trăng lên
Cái giọng thì của em
Mà lời anh đấy nhỉ
Giữ em chẳng được nào
Hẹn nhau ngày thắng Mỹ
Lại hát tặng tiễn nhau
Như bạn bè quan họ
Rằng: Người đi, người nhớ
Rằng: Người ơi, người ở
Đừng về!
|
Minh họa: PHẠM HÀ |
Vùng làng
(Trích từ bài thơ dài “Những vùng rừng không dân”)
…
Anh đi những nẻo rừng già
Đang cây lại bỗng có nhà ở trong
Giật mình vách dựng thong dong
Cửa nhìn sang cửa nhà thông sang nhà
Cũng vương tóc rối chân gà
Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây
Cũng quần áo ướt phơi dây
Cũng gầu múc nước, ô hay cũng làng
Gặp rừng chưa hết ngỡ ngàng
Lại ngơ ngác giữa vùng làng không dân
Vén xanh, nhà lại hiện dần
Những làng bộ đội quây quần nẻo xa
Làng quân y lắm bồn hoa
Làng thông tin thấy nguy nga bậc thềm
Vách rung trong tiếng bom rền
Công binh làng dựng trên nền sắt gang
Lái xe cũng ở thành làng
Bao nhiêu sạp ngủ buông màn giữa trưa
Quanh năm như thể ngày mùa
Là làng của lính coi kho bốn bề
Suốt ngày vắng vẻ người đi
Mênh mang làng pháo bốn bề gió reo
Nhà chưa dựng, võng đã treo
Bộ binh ở biết bao nhiêu vùng làng
Anh từ ở phía Đông sang
Hàng nghìn cây số dọc ngang một vùng
Bao nhiêu địa đạo xuyên rừng
Nhà hầm đã gặp, nhà thùng đã qua
Đã cùng bè bạn dựng nhà
Cái việc quen cớ sao mà nôn nao
Cầm sào đưa lá lên cao
Trở về công việc của bao nhiêu đời.
ĐỖ TRUNG LAI (giới thiệu và chọn thơ)
( C. H sưu tầm)