Hình ảnh người lính trong thơ Trần Đăng Khoa

Ngày đăng: 07:45 18/06/2020 Lượt xem: 1.861


                 Hình ảnh người lính trong thơ Trần Đăng Khoa

 

                                                 Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân cuối tuần

Thơ viết về người lính của Trần Đăng Khoa không cầu kỳ, có thể là mộc mạc, nhưng đằm trong lòng người đọc...

 

Thơ Trần Đăng Khoa viết ở tuổi thiếu nhi đã được khẳng định, trở thành như một tượng đài, được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001 về văn học-nghệ thuật với các tác phẩm: “Góc sân và khoảng trời”, “Bên cửa sổ máy bay” và “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa 1966-2000”. Từ sau năm 1975, Trần Đăng Khoa sáng tác và in thơ không nhiều, nhưng anh vẫn tạo được nhiều ấn tượng với bạn đọc. Tôi nhớ một bài thơ của anh đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam cách đây 30 năm. Bài thơ “Mưa Xuân”: “Mưa bay như khói qua chiều/ Vòm cây nghe nhỏ giọt đều qua đêm/ Tiếng mưa vang nhẹ khắp miền/ Lòng rung như chiếc lá mềm, khẽ sa.../ Sáng ra, mở cửa nhìn ra/ Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô...”.

Trần Đăng Khoa vẫn là cây bút thơ tài hoa khi ở tuổi trưởng thành. Không nhiều người vượt qua anh trong mấy chục năm nay khi viết về vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Có khi chỉ mấy nét thơ, anh đã vẽ ra vùng đất nông thôn miền Bắc rất gợi: “Đường cỏ lơ mơ nắng/ Mái tranh chìm chơi vơi/ Vài tán cau mộc mạc/ Thả hồn quê lên trời” (Hoa Lư).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ký họa của MẠNH TIẾN

Đó là sự tiếp nối với những bài thơ viết về quê hương Đồng bằng Bắc Bộ mà anh có được từ thời thiếu nhi như “Hạt gạo làng ta”, hay những câu thần “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, hoặc “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”.

Trần Đăng Khoa nặng lòng với quê hương, nơi sinh thành ra anh và cho anh nguồn thơ để anh trưởng thành. Trong tập thơ “Bên cửa sổ máy bay”, anh có nhiều bài thơ viết ở làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) quê anh. Đó là những bài: “Về làng”, “Thấp thoi gốc rạ”, “Mưa Xuân”, “Hồn quê”, ngay trong bài thơ lấy tên cho tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” anh cũng liên tưởng đến quê hương, nơi có người mẹ lam lũ, tảo tần của mình. Từ quê hương, anh đi đến mọi miền đất nước, ra nước ngoài. Ở quê người, anh lắng lòng để suy ngẫm về cuộc đời, về nhân tình thế thái, về những mối quan hệ xã hội và quốc tế. Anh từng quan niệm: “Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan”.

Trước nghĩa trang, nơi yên nghỉ của những con người với những số phận khác nhau, anh nhìn ra xã hội với những biến đổi phức tạp qua sự im lặng vĩnh hằng: “Người hạnh phúc và người đau khổ/ Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này/ Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc/ Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may” (Ở nghĩa trang Văn Điển). Câu thơ ngỡ tĩnh và lạnh, mà đọc lên thấy động, ấm áp và rất nhân văn, khiến ta phải ngẫm ngợi nhiều.

Khi sống và học tập ở nước ngoài, chứng kiến những biến cố chính trị, sự thay đổi của những giá trị xã hội, thơ của anh trở nên ưu tư và gợi nhiều suy nghĩ, liên tưởng cho người đọc. Khi đi qua Xu-dơ-đan của nước Nga, anh cảm nhận: “Tháng năm lừng lững đi qua/ Chỉ còn mấy đỉnh tháp già ngẩn ngơ/ Chiều buông ngọn khói hoang sơ/ Tiếng chuông ngàn tuổi tỏ mờ trong mây”. Rồi qua Bô-rô-đi-nô, anh thấy: “Trời lặng lẽ yên bình/ Mưa tuyết bay lất phất/ Người thắng với kẻ thua/ Giờ đều thành bụi đất”. Nước Nga có nhiều kỷ niệm với anh, đã từng “Uống rượu với người bạn Nga”, cùng “ngồi dưới đất” để có “ngã thì không đau”. Nhưng đến năm 1990, trước nguy cơ tan rã của Liên Xô, ngay ở Mát-xcơ-va, anh chứng kiến: “Thời gian vẫn đi lạnh lùng, khắc nghiệt/ Có kiệt tác hôm nay, mai đã bẽ bàng rồi/ Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính/ Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi” (Mát-xcơ-va mùa đông 1990).

Lẽ tự nhiên ở tuổi trưởng thành và khi ngoại tứ tuần, ngũ tuần trở đi, con người ta thường hay chiêm nghiệm về cuộc đời, con người và thế thái. Có thể Trần Đăng Khoa sớm hơn, nên những bài thơ về thời cuộc của anh còn nặng tính diễn giải. Nhưng đi qua khu rừng rậm rạp của những diễn giải, Trần Đăng Khoa vẫn tài hoa làm nên sự lấp lánh của chiêm nghiệm, sự đúc kết mang tính triết học: “Nào ta cạn chén đi anh/ Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa/ Biết bao thành lũy quanh ta/ Nhắp đi, ngoảnh lại đã là khói sương...” (Với bạn).

Nổi bật nhất với thơ Trần Đăng Khoa viết ở tuổi trưởng thành là mảng thơ viết về bộ đội, về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Khác với những nhìn nhận thời niên thiếu “Cháu nghe chú đánh những đâu/ Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi/ Đến đây chỉ thấy chú cười/ Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi”, Trần Đăng Khoa đã là người trong cuộc, nên anh đối diện và thấy rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Anh viết thay lời người lính ở biên giới Tây Nam trước khi ra trận: “Có điều gì phấp phỏng thế, rừng ơi?/ Mà nghe rối cả ruột rừng, gió thổi/ Ta muốn hít cả đất trời chật căng hai lá phổi/ Ôi đêm nay có thể chỉ là một đêm/ Nhưng cũng có khi là cả một đời người” (Ngày mai ra trận).

Viết về người lính đi qua chiến tranh và ở trong thời bình, thơ của Trần Đăng Khoa dung dị, chưa thật nhiều hình ảnh độc đáo, nhưng anh vẫn tạo ra điểm nhấn với bạn đọc: “Đất nước không bóng giặc/ Tưởng về gần lại xa/ Vẫn gian nan làm bạn/ Vẫn gió sương làm nhà” (Lính thời bình). Hay: “Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già” (Đỉnh núi).

Người lính trong thơ Trần Đăng Khoa hiện lên sinh động và rất lãng mạn. Trước khi ra trận, họ vẫn thấy “Vầng trăng đêm nay cứ vằng vặc ngang đầu”. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới: “Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ” (Đỉnh núi). Và người lính không thể lãng mạn hơn với hình ảnh thơ của Trần Đăng Khoa: “Bỗng ngời ngời chóp núi/ Em xòe ô thăm ta?/ Bàng hoàng xô toang cửa/ Hóa ra vầng trăng xa” (Đỉnh núi).

Trần Đăng Khoa có duyên và rất dí dỏm, hóm hỉnh trong viết văn xuôi, phê bình và chân dung văn học, trong thơ anh không đánh mất đi điều đó, thậm chí đó là đặc sản của thơ anh, nhất là khi viết về người lính. Khi anh kể về buổi sinh hoạt văn nghệ của lính đảo, đọc thơ anh ai cũng tự mỉm cười:

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu.

... Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh

Hóa ra là sư cụ hát tình ca

... Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

Ngoài mép biển người đâu lên đông thế

Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu...

                          (Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Chính sự hài hước, hóm hỉnh đã tạo niềm tin, lạc quan cho người lính, kể cả khi khó khăn, gian khổ nhất.

Thơ viết về người lính của Trần Đăng Khoa không cầu kỳ, có thể là mộc mạc, nhưng đằm trong lòng người đọc. Từ sau năm 1975, có nhiều nhà thơ viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, nhưng viết về người lính thời bình, đặc biệt là về Trường Sa và Bộ đội Hải quân, Trần Đăng Khoa là một trong số ít nhà thơ đã lĩnh ấn tiên phong và có nhiều thành công. Anh từng là người lính, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, mong rằng nhà thơ Trần Đăng Khoa tiếp tục quan tâm, dành thời gian đầu tư sáng tác và bạn đọc chờ những tác phẩm mới của anh về đề tài người lính, cả trong chiến tranh trước đây và trong thời bình.


NGUYỄN ĐÌNH XUÂN

( C. H sưu tầm)

 

tin tức liên quan