Cảnh giác không thừa - Nguyễn Văn Xuân

Ngày đăng: 04:35 28/06/2020 Lượt xem: 442
  Cảnh giác không thừa

 Chuyện 1.
Nhặt của rơi trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội
 

Cách đây gần 40 năm, đầu thập kỷ những năm tám mươi của thế kỷ trước, cả đất nước đang trong thời kỳ bao cấp nặng nề, đời sống xã hội gặp không ít khó khăn, vất vả, chất lượng cuộc sống thiếu hụt đủ thứ, từ ăn uống đến sinh hoạt và thông tin truyền thông, giao thông đi lại  cũng cực kỳ phức tạp…
Tháng 9 năm 1983, tôi được đơn vị giải quyết chế độ phép năm, tính cả thời gian đi  về  được nghỉ phép 30 ngày, đơn vị tôi khi đó thuộc Đoàn 565- Binh Đoàn 12, đang đóng quân tại thị xã Hòa Bình. Là đơn vị duy nhất được Bộ Quốc Phòng điều động từ cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đang làm nhiệm vụ Quốc tế trên đất nước bạn Lào  về tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà, một công trình Thế kỷ, một biểu tượng của  tình Hữu nghị Việt Xô và được mang tên “Công trình thanh niên cộng sản” với tinh thần “ tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”
Nhằm đảm bảo tiến độ ngăn Sông Đà đợt I. Công trình được thi công hết sức khẩn trương, không kể ngày đêm, chia làm 3 ca 4 kíp. Trên công trường người và xe tấp lập, hối hả, một  công trình trọng điểm nên được cả nước quan tâm ủng hộ, giúp đỡ, hàng vạn cán bộ, công nhân, bộ đội, Thanh niên xung phong và chuyên gia Liên Xô tham gia thi công. Do ảnh hưởng suy thoái nền kinh tế của cả nước, lạm phát có khi với mức độ phi mã tới hai con số. Đời sống cán bộ, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân trên công trường  gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tranh thủ thời gian ngoài giờ thi công, đơn vị còn tổ chức khai hoang những mảnh  đất đồi rừng, trồng thêm sắn, khoai, ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện thêm bữa ăn cho bộ đội. Thời gian này lương thực là một trong những mặt hàng thiết yếu, chiến lược quan trọng hàng đầu. Được nghỉ một tháng phép, quản lý bếp ăn cấp cho mấy chục cân tem gạo và bột mì. Tôi quý lắm  cất rất cẩn thận cùng một ít tiền và quân tư trang cá nhân…Từ đơn vị về nhà chưa đến 200km mà tôi phải đi mất 2 ngày, bằng các loại phương tiện xe đạp, ô tô, tầu hỏa, kể cả đi bộ nữa. Không biết trộm đã rạch ba lô và móc lúc nào mất hết tiền, tem phiếu cùng giấy tờ, khi xuống xe tôi mới biết.
Ngày đầu trả phép về đơn vị, sau một tháng được sinh hoạt, chung sống vui vẻ với gia đình, được gặp bố mẹ, anh em, thăm người thân họ hàng, bạn bè…Sáng sớm chú em trai lai tôi tới bến xe huyện, rồi từ bến xe huyện mua vé xe lên bến xe tỉnh, ra ga tầu hỏa mua vé về Hà Nội. Tới Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) trời đã về chiều. Lúc này không còn chuyến xe khách nào về đơn vị nữa. Tôi đành khoác ba lô xuống ga tới Trạm 99 làm thủ tục nhập trạm và báo cơm bổ sung, lấy chỗ nghỉ, tắm rửa, tới giờ ăn cơm, nghỉ ngơi để sớm mai về đơn vị.
Khoảng 5h30 phút sáng hôm đó, sau khi có tiếng kẻng báo thức, tôi bật dậy  đánh răng rửa mặt vệ sinh cá nhân xong. Sau đó làm thủ tục thanh toán, trả quân trang và lấy giấy tờ ra khỏi Trạm 99.
Vai khoác ba lô chân tôi rảo bước từ phố Cửa Nam – Nguyễn Thái Học hướng ra bến xe Kim Mã mua vé xe trở về đơn vị. Chặng đường từ  Trạm 99 Cửa Nam tới bến xe Kim Mã khoảng 3 km. Sáng sớm nên quãng đường Nguyễn Thái Học còn vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một vài bóng người và xe đi lại. Tôi đang mải miết đi về phía  bến xe Kim Mã trên đường Nguyễn Thái Học.
Bỗng nghe phía đằng sau có tiếng người đàn ông reo khá to. A ! nhặt được cái ví ?
Tôi giật mình quay lại, nhìn thấy người đàn ông đạp xe đang dừng lại ngay phía sau. Hai con mắt đang ngó nghiêng lại vừa nhìn tôi như xem ngoài tôi ra, còn có ai nhìn thấy mình nhặt được chiếc ví nữa không ? Thực ra lúc đó tôi cũng không để ý đến việc làm và hành động của người đàn ông kia, nên cũng chẳng quan tâm, vẫn cứ tiếp tục sải bước chân hướng về phía bến xe. Người đàn ông  nhặt được chiếc ví đạp xe cùng chiều vượt lên phía trước, đi được một đoạn người đó từ từ đạp xe chầm chậm chờ cho tôi đi bộ tới, rồi cất tiếng nòi khe khẽ.
Nếu có ai hỏi, anh đừng nói là tôi nhặt được chiếc ví nhé.
Tôi cũng nhẹ nhàng trải lời là vâng: Anh cứ đi đi.
Đi tiếp một đoạn đường khoảng 200m  nữa thì có một người đàn ông trạc tuổi trên dưới 30 đạp xe hớt hải, vội vàng lao tới như muốn đâm sầm vào tôi. Anh ta cất tiếng hỏi.
Anh có nhặt được cái ví của tôi đánh rơi trên đường đoạn phía đàng kia không ? rồi chỉ tay về phía sau.
Tôi trả lời là tôi không nhặt được.
Người đó lại hỏi ? Anh có nhìn thấy ai nhặt được không ? rồi anh quay mặt đi nói bâng cua… Trời ơi…thế là mất toi rồi,  có ít tiền và vàng vợ vừa đưa cho để đi lấy hàng … trong ví lại còn bao nhiêu là giấy tờ quan trọng nữa chứ …Mất rồi về ăn nói với vợ con thế nào đây….Dường như anh ta cố ý nói to cho tôi nghe thấy…Rồi anh ta lững thững đạp xe quay lại.
Người đàn ông nhặt được chiếc ví lúc nãy, lại đạp xe chầm chậm như cùng song hành với tôi, tiếp tục dặn tôi như  lúc ban đầu và nói tiếp, đến ngách phố đằng kia anh với tôi chúng ta vào xem trong ví có gì anh em mình chia nhau anh nhé.
Lúc này tôi đã đoán được và phát hiện ra thông qua hành động, cử chỉ của anh ta, phần nào đã lộ rõ bản chất bọn lừa đảo. Lúc này tôi tự nhủ mình phải hết sức cảnh giác, không sẽ rơi vào bẫy của bọn chúng… Nên tôi nói thật to: Thôi ông cứ đi đi, tôi biết rồi…
Người đó thấy tôi nói thế, chắc sợ bị lộ liền ngoảnh đầu lại nhìn tôi một cái rồi đạp xe đi thẳng.
Từ lúc đó tôi càng cảnh giác hơn, đề phòng bọn chúng quay lại, hoặc gây khó dễ. Tôi vẫn tiếp tục rảo bước đi về phía bến xe mua vé xe về đơn vị. Trong đầu miên man suy nghĩ xem kịch bản của bọn chúng  sẽ  tiếp tục diễn tiếp như thế nào ?
Giả thiết là nếu tôi nhặt được chiếc ví đó, chắc chắn bọn chúng sẽ bám sát gạ gẫm đòi ăn chia với số tiền và tài sản đã có sẵn ở trong ví ? Chắc chắn trong số tài sản đó sẽ có chiếc nhẫn vàng độ vài chỉ hoặc dây truyền vàng, nhưng vàng đó là vàng giả, chúng sẽ định giá vàng tại thời điểm và  tính trọng lượng vàng, hoặc có tài sản nào khác rồi tính ăn chia cho mọi người … Chúng sẽ bằng mọi cách ép mình phải lấy số vàng giả đó và đưa  trả số tiền tương ứng được ăn chia cho chúng. Nếu mình không đủ tiền mặt, thì bọn chúng sẽ đánh giá số tài sản mình hiện có để chia nhau. (Như đồng hồ, mũ cối, quần áo…tôi đang mang trên người…).
Do thực tế tôi không nhặt được, nên chúng đã phải nhặt lại chính chiếc ví mà chúng tự tay thả rơi xuống đường, rồi giả làm người vô tình nhặt được của rơi để đánh lừa.
Tiếp theo rất có thể,  chúng sẽ lừa dẫn tôi vào một chỗ nào đó vắng bóng người, rồi chúng gạ gẫm bàn phương án ăn chia, nếu không cũng sẽ bị chúng lừa như giả định trên, hoặc sẽ bị chúng trấn lột… Nếu tôi là người cả tin và có lòng tham.
 Cũng thật may mắn tôi đã được đọc và nghe thấy những câu chuyện tương tự, từ đó rút được kinh nghiệm, nên khi gặp phải tình huống trên cũng đã cảnh giác, xử lý kịp thời nên không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
 
Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, tuy đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn hằng ghi nhớ một chuyến nghỉ phép năm. Nhân những ngày đang trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội, để phòng chống đại dịch chống Covid-19 xin kể câu chuyện trên, nhằm chia sẻ cùng đồng đội và mọi người quan tâm, với hy vọng phần nào đó sẽ  giúp mọi người nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của bọn lừa đảo và hãy nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa trong cuộc sống./.
 
Chuyện 2: 
Cú lừa đảo không thành từ số điện thoại lạ.

 
Đúng vào thời gian cả nước đang thực hiện việc giãn cách xã hội vì đại dịch covid-19 theo Chỉ  thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết mọi người đều ở tại nhà.
Đây là lần thứ hai tôi lại có thêm một kỷ niệm đáng nhớ. Xin kể lại cùng mọi người nghe và hãy đề cao cảnh giác. Cũng hy vọng thông qua câu chuyện này phần nào hạn chế  được  trò lừa đảo, một trong những tệ nạn xã hội trong thời kỳ công nghệ số 4.0.
          Vào khoảng 8h20 ngày 16/4/ 2020, tôi đang ngồi nhà đọc sách, bỗng có tiếng reo chuông điện thoại di động. Cầm điện thoại trên tay tôi nhìn thấy sốmáy lạ: +883.243.832.5106 (vì không có tên) gọi tới. Chần trừ không nghe nhưng lại nghĩ, người nhà hay người quen gọi thì sao?
Tôi cầm máy  alô:  Ai đó ạ ?
Đầu máy đằng kia tiếng người con trai tự xưng là nhân viên bưu điện: Anh có phải là Nguyễn … … ở tổ 24 phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình không? Anh có một bưu phẩm gửi tới tổ 24 phường Tân Thịnh tp Hòa Bình, nhưng không có người nhận nên Bưu điện trả lại. Bưu phẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gửi cho anh, đề nghị anh đến ngay Bưu điện… ở phường Liễu Giai quận Đống Đa, thành phố Hà Nội nhận nhé.
Tôi trả lời đúng tôi  là…… nhưng tôi không ở Hòa Bình nữa, tôi xin hỏi bưu phẩm  của tôi như thế nào? Giấy báo hay bưu phẩm ?  Mà ai gửi ?  Nếu được đề nghị  anh gửi lại theo địa chỉ…
 Anh nhân viên Bưu điện nói, bưu phẩm của anh có trong phong bì do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gửi, anh đang ở đâu ?... Hiện nay thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, nên hạn chế việc đi lại và tiếp xúc nơi đông người, hay là anh để tôi xem trong bưu phẩm gửi gì…để tôi báo lại cho anh biết nhé.
Tôi đang băn khoăn ngại phải đi ra Bưu điện, lúc đó đang có việc cần hai vợ chồng phải đi, liền trả lời đồng ý.
Nhân viên bưu điện dặn tôi giữ nguyên điện thoại liên lạc, để anh ta xem bưu phẩm như thế nào. Tôi nghe thấy có tiếng loạt soạt và anh ấy nói: Đây là giấy báo của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, gửi ông Nguyễn……… sinh năm 19… CMND số:113…..  đúng 9h30 phút ngày 16/4/2020 phải có mặt tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để làm việc. Vì có đơn kiện của Ngân hàng ACB ( Ngân hàng Á Châu)
Tôi hỏi họ hẹn vì việc gì?
Anh nhân viên Bưu điện trả lời và yêu cầu tôi lấy giấy bút để ghi lại nội dung  và mã số của văn bản:
Theo giấy báo: Mã SHSTA 08597394
Nội dung: Ông Nguyễn …… ngày 15/10/2019  có mở thẻ tại Ngân hàng ACB Mã số 1268457966264249 tại Chi nhánh Ngân hàng ACB địa chỉ: Số 32 Tôn Đức Thắng  quận Đống Đa thành phố Hà Nội. Có số nợ quá hạn với số tiền là 45 986 350 đến nay chưa thanh toán với Ngân hàng.
Đúng 9h30 ngày 16/4/2020, phải có mặt tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để làm việc.
Tôi liền trả lời là tôi không nợ Ngân hàng và cũng không giao dịch hay làm việc gì với Ngân hàng đó cả.
Nhân viên Bưu điện nói với tôi là có thật anh không nợ Ngân hàng đó chứ ?
Tôi trả lời là tôi không nợ Ngân hàng.
Nhân viên Bưu điện nhắc tôi thế thì phải trình báo với Công an, không thì  sự việc sẽ phức tạp đó…
Tôi trả lời là vâng tôi sẽ trình báo Công An. (tôi dự định là sẽ ra Công an phường để trình báo).
Anh nhân viên Bưu điện hỏi lại tôi, anh có muốn trình báo Công an ngay bây giờ không ?
Tôi trả lời có.
Nhân viên Bưu điện yêu cầu tôi giữ nguyên điện thoại liên lạc, để nối máy với cơ quan Cảnh sát điều tra Công An thành phố Hà Nội để trình báo. Chỉ sau thời gian ít phút  đầu dây đằng kia có tiếng người con trai nhấc máy.
-Alo chào anh. Tôi Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Đội 11 Phòng PC45, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội. Địa chỉ 87 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm  Hà Nội. Tôi được  Bưu điện Hà Nội thông báo anh có sự việc cần trình báo, tôi nghe anh trình báo đây.
 
Lúc này tôi đã hơi mất bình tĩnh (có thể nói là tôi hơi bị sốc) quả thực lúc này tôi thấy trong người trạng thái không được bình thường. Cầm bút ghi lại những thông tin do người cảnh sát điều tra trao đổi, cả người cứ run lên vì tức giận, viết không được chuẩn xác nữa, trong khi đó tai vẫn phải nghe, tay ghi  chép, miệng trả lời….
 
Cả cuộc đời tôi đã cố trên dưới 45 năm tham gia công tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… chưa vi phạm pháp luật bao giờ, kể cả thời gian đang công tác cho đến nay, dù là hình thức nhỏ nhất, thậm trí là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cũng không … Nhưng nay bỗng dưng tai bay vạ gió, lại vướng vào các cơ quan của hệ thống hành pháp như Công an; Tòa án  là sao?… Người Cảnh sát khi đó đang nói chuyện với tôi, hình như giọng  nói mang âm hưởng của người Thanh Hóa.  Anh yêu cầu  tôi trình bày thật rõ ràng họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, số chứng minh thư nhân dân… và những nội dung trong giấy báo của Tòa án nhân dân thành phố triệu tập, hồ sơ và  đơn khiếu kiện của Ngân hàng ACB với anh như thế nào (theo nội dung trao đổi của nhân viên Bưu điện)… để cơ quan Cảnh sát điều tra có cơ sở liên hệ và làm việc với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Tôi hỏi số điện thoại đang liên lạc này là số của anh à?
Người Cảnh sát  trả lời là… điện  thoại cơ quan ?
Tôi hỏi số này à ?
Anh ta ngập ngừng trả lời...số điện thoại cơ quan là: 0692346422.
Tôi đang trình bày về tên tuổi, nơi cư trú…thì bà xã ở ngoài chạy vào nói, anh mở tiếng to lên để em nghe với, tôi liền bật loa to lên. Bà xã vừa nghe vừa nói, không khéo  lừa đảo đấy anh ạ ? Lúc đó đầu máy đàng kia người Cảnh sát lên tiếng.
-Anh đang ở đâu mà nghe có tiếng gió ồn ào thế ?  Anh vào chỗ nào kin kín để chúng ta cùng trao đổi nghe cho rõ nhé.
Lúc này tôi nghe thấy có tiếng âm thanh sột soạt làm ngắt quãng và rời rạc cuộc trao đổi giữa hai người. Tôi còn đang nghi ngờ đây là cuộc lừa đảo, nhân lúc đang có việc vội nên tôi nói giọng hơi sẵng thôi nhé rồi tắt điện thoại để đi công việc với bà xã. Cũng có ý chờ xem bọn chúng có gọi lại không? Khi đó tôi để điện thoại ở nhà vì không muốn mang theo, e lại phải nghe nếu chúng gọi lại, làm ảnh hưởng tới công việc vợ chồng tôi đang đi giải quyết…  
Sau  khi về nhà tôi thấy có cuộc gọi nhỡ, số điện thoại +8820692196422.
Tôi gọi lại không ai trả lời, sau đó hai vợ chồng nói chuyện với nhau và sâu chuỗi lại những nội dung, sự việc câu truyện chiếc bưu phẩm, nên càng có cơ sở khẳng định đây là một vụ lừa đảo có kịch bản đàng hoàng.
Tôi tự hỏi ? Với nhân viên của Bưu điện, tại sao họ lại nhiệt tình với mình  như thế ? (trừ người thân hoặc bạn bè) anh ta đã dành thời gian để nói chuyện và xem giúp bưu phẩm khoảng 15 phút, lại liên hệ với cơ quan Cảnh sát điều tra giúp mình? (tôi chưa kịp hỏi tên).
Số điện thoại di động liên lạc đầu tiên:+883.243.832.5106 của nhân viên Bưu điện, nhưng lại 2 người ở hai cơ quan cách nhau mà vẫn nói chuyện với tôi ? 2 số điện thoại này đã làm tôi phải nghi ngờ +883.243.832.5106 +8820692196422 loại này có khả năng là loại sim rác ( hay  là đã có loại sim điện thoại công nghệ mới?)
Tôi nghĩ nếu sự việc cứ tiếp tục tiếp diễn, thì có lẽ tôi và gia đình sẽ bị bọn chúng lừa đảo dẫn dắt, mồi chài loanh quanh, rồi sẽ bị  lừa một số tiền nào đó thì mới yên. ( có ai biết và đã nghe được những câu chuyện lừa đảo nào tương tự như thế này chưa ạ? xin cho tôi biết để làm bài học rút kinh nghiệm, tôi chưa biết và chưa  được nghe…) và còn biết bao hậu quả, hệ lụy khác nữa?
 
Nhân đây cũng xin khuyến cáo mọi người, không nên nghe điện thoại khi phát hiện số máy lạ, hoặc nếu có nghe phải hết sức bình tĩnh, cẩn trọng và cảnh giác. Đồng thời phải cẩn thận khi đi photo công chứng, làm các thủ tục về hành chính…cần lưu ý quản lý chặt chẽ các loại giấy tờ tùy thân, thông tin cá nhân, cũng như các thông tin của cơ quan và gia đình như: sổ hộ khẩu, số chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh, danh sách trích ngang, hồ sơ, số điện thoại… Những bản bị hỏng, hoặc còn dư thừa không dùng đến đều phải tiêu hủy cẩn thận, không để kẻ gian lợi dụng, giả danh  và có cơ hội để lừa đảo./.

                                                              Trung Hòa, ngày 12/5/2020

                                                                        Nguyễn Văn Xuân
                                                         
Hội viên HVHNT-Hội TT TSVN
                                                          CT2 VIMECO Trung Hòa- Cầu Giấy- Hà Nội
 

tin tức liên quan