Tác phẩm mới của Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình

Ngày đăng: 08:05 07/07/2020 Lượt xem: 2.677

 
       VŨ HỒNG THÁI  VỚI Ý TƯỞNG VIẾT VĂN THƠ TỪ TÂM
 
                                                                    Nhà văn Minh Chuyên



Tác giả Vũ Hồng Thái đã chọn hai chữ: "Từ Tâm" đặt tên cho tập sách thơ văn của mình. Anh cho rằng:
Có tâm hơn lắm tiền nhiều của
Và rất giàu tình nghĩa người ơi.
Mở đầu tập sách: Từ Tâm trong bài thơ: Năm mươi mùa xuân anh nhấn thêm bằng hai câu thơ:
Nuôi con khỏe, dạy con ngoan
Chữ Tâm, chữ Đức để hàng đầu tiên.
Ôi ! Sao chữ Tâm với Vũ Hồng Thái nặng tình như thế. Đúng như người xưa đã dạy: "Văn học là nhân học". Tác giả Vũ Hồng Thái cũng là một con người sống đức độ, ân tình. Quả thực: Từ Tâm là tiếng lòng rung lên trong trái tim anh, trái tim một người lính đa cảm. Anh viết về đồng đội mình, viết về một thời anh đã sống, viết bằng trái tim mình. Đó là những ký ức đẹp Vũ Hồng Thái cùng đồng đội anh chiến đấu ở chiến trường, từng gắn bó máu thịt với Trường Sơn suốt những năm chống Mỹ cứu nước. Tinh thần, tư tưởng, hành động của các anh được hiện lên qua từng câu chữ của Vũ Hồng Thái trong chốn thơ văn: Từ Tâm.
Hưởng ứng cuộc vận động viết tri ân người có công, tri ân các anh hùng liệt sỹ và tri ân cuộc đời do Bảo tàng tác phẩm Hậu Chiến - Minh Chuyên cùng Câu lạc bộ thơ lục bát tỉnh Thái Bình phát động. Tác giả Vũ Hồng Thái đã gửi tập: Từ Tâm với Ban tổ chức. Chúng tôi nhận thất chất lượng văn chương còn có hạn, nhưng chất lượng tư tưởng cuốn sách rất bổ ích. Ban biên tập đã chọn một phần sáng tác trong cuốn sách Từ Tâm của anh in vào bộ sách "Nỗi đau sau chiến tranh" tập 3 - tập 4.
Với ý tưởng xuyên suốt và rất gợi, Vũ Hồng Thái đã mở rộng chủ thể đưa những con chữ lan tỏa ra nhiều lĩnh vực. Bằng hành văn chân chất, giản dị tác giả đã viết về tình yêu, quê hương đất nước, viết về Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt sự cảm nhận về các anh hùng liệt sỹ bỏ mình nơi Trường Sơn huyền thoại được anh thể hiện khá thành công.
Tác giả Vũ Hồng Thái nguyên là một cán bộ, Chính trị viên Đại đội thuộc Binh trạm 42 Sư đoàn 473 Bộ Tư lệnh Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Khi đất nước thống nhất trở về, phát huy phẩm chất của người lính, Vũ Hồng Thái không ngừng học tập vươn lên. Anh từng được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao trọng trách làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Thành phố Thái Bình. Hiện anh là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình.
Từ cách nhìn của nhà chính trị, một thời tắm bụi Trường Sơn, lại mang dòng máu một kẻ sĩ. Hai phẩm chất đó đã hòa quyện trong anh làm nên một Vũ Hồng Thái: “Sáng suốt, Đa cảm, Ân tình”. Nhiều người quan niệm làm chính trị, theo nghiệp văn chương câu chữ thường tỉnh táo, khô khan. Nhưng đọc: “Từ Tâm” của Vũ Hồng Thái không hẳn thế, cái chất trữ tình văn chương trong anh vẫn đằm thắm, tha thiết. Có những câu chữ đạt tới giá trị nghệ thuật đích thực. Bài thơ Nhớ Thu là một ví dụ. Viết về mùa Thu có mấy ai được những câu thơ này. Câu thơ rất gợi, tứ hay, ngôn ngữ hình ảnh được chắt ra từ cái tâm của chính tác giả:
Thị chín cho nắng thu vàng
Thị vàng cho cả xóm làng ta thơm.
Hay quá, đẹp quá. Đoạn kểt bài thơ: Nhớ Thu Vũ Hồng Thái viết:
Trường Sơn anh nhớ cồn cào
Những đêm múc ánh trăng sao đổ đồng.
Thoát khỏi tâm hồn thi sỹ, trở lại cái chất của người làm chính trị, Vũ Hồng Thái viết khác hẳn. Bài thơ năm mươi năm Bác đi xa có đoạn:
Đồng bào cùng bộ đội ta
Làm nhà thùng, dựng mộ, kết qua
Trầm hương thơm ngát tình hồn cha
Thề với Bác thu giang sơn về một mối.
Tư tưởng bài thơ rất chuẩn, nhưng nghệ thuật thơ ca chưa cao - Những câu thơ dưới đây, cũng mang “bóng hình” của sự tả thực. Giá như được tác giả nâng lên thành hình tượng thơ thì đẹp biết bao. Đó là những câu:
Ngày ấy ở Trường Sơn chúng con chỉ ước
Thống nhất nước nhà Bác vào Nam
Làm đường thật đẹp để xe Bác chạy êm
Dân ra đón trẻ em sà ỉòng Bác.
Nhập lại tâm hồn thi sỹ tinh thần thơ anh lại “Cất cánh”, chất văn chương đậm nét hơn, huyền ảo hơn. Nhất là những bài thơ về Trường Sơn được thể hiện sâu sắc từ chính tâm hồn của người trong cuộc. Bài thơ: Hoa tháng giêng, ngay tên bài đã gợi, tác giả làm bạn đọc nhớ mãi một loài hoa bằng những câu thơ hay, lãng mạn.
Mùi thơm của tháng giêng
Năm mươi năm về trước
Tóc hương bưởi theo anh
Vào Trường Sơn thơm mãi.
Vẫn khai thác chủ đề đó, nhưng bài: Đồng đội vào thăm, Vũ Hồng Thái cảm nhận sâu sắc hơn, đằm thắm hơn. Hình ảnh ngưòi chiến sỹ lái xe và cô gái mở đường qua những vần thơ của Vũ Hồng Thái thật đáng yêu:
Đồng đội nhìn xe anh thần tốc
Thấy gót chân son “Dài theo đất nước
Nghe tiếng pháo gầm Đường Chín - Khe Xanh
Em đứng đó mở đường Trường Sơn - A Lưới.
Vẻ đẹp thiên nhiên và sự khốc liệt của bom đạn được tác giả Vũ Hồng Thái thể hiện trong bài: Gặp lại trung đoàn thật sinh động. Bằng những vần thơ ngồn ngộn sự sống, tác giả vừa miêu tả núi rừng Trường Sơn bao la, hùng vĩ, vừa phản chiếu hình ảnh người chiến sỹ lái xe Trường Sơn vượt ngàn, dưới tầm bom rơi đạn nổ.
Đêm Trường Sơn vui sao lạ thế
Sừng sững núi cao xe anh vượt qua
Vào trong rừng sảng ra càng lạ
Vượn hú, suối reo lẫn tiếng bom thù.
Những bài thơ viết tri ân các anh hùng liệt sỹ và sự hy sinh của đồng đội ở Trường Sơn, sự hy sinh của những người mẹ, người vợ ở hậu phương có nhiều bài viết, chân thật mà cảm động, khó cầm được nước mắt. Không văn hoa cầu kỳ, câu thơ có khi chỉ là những lời mộc mạc toát ra từ tâm tác giả đọc vẫn thích.
Bài: Nhớ ơn - Vũ Hồng Thái viết:
Con ở Trường Sơn vẫn chưa về
Mẹ chỉ mong biết tin phần mộ
Chỉ mong sờ vào nắm xương hộp sọ
Nơi con nằm - Mẹ nhắm mắt mới yên.
Dựa vào nhân vật thật, Vũ Hồng Thái mô tả hình ảnh một thương binh quả cảm qua bài thơ: Sơn Cháy. Sơn ngoài đời nguyên là một chiến sỹ lái xe Trường Sơn, dũng cảm, bị bom cháy hết thịt da. Trở về không cam chịu nghèo khó, anh tiếp tục vượt lên làm kinh té và giúp đỡ đồng đội. Từ đây tâm hồn Sơn lại cháy lên một ngọn lửa mới, một ngọn lửa anh hùng. Những vần thơ Vũ Hồng Thái mô phỏng Sơn Cháy vừa huyền thoại, vừa rất cảm động.
Cháy hết quần áo, cháy hết tóc da
Còn răng trắng, mắt anh long lanh
Đồng đội gọi anh là Sơn Cháy
Đất nước hòa bình về với quê hương
Không chịu đói nghèo Sơn lại cháy lần hai
Nhưng không cháy da, cháy tóc
Mà cháy lòng - Vì cuộc sống vươn lên.
Sơn Cháy quả là một tấm gương rất xứng danh anh hùng. Bất chợt tôi nẩy ý tưởng muốn dựng tượng anh và tượng đồng đội của anh, của Vũ Hồng Thái tại dãy núi mô phỏng: Trường Sơn huyền thoại ở Bảo tàng tác phẩm Hậu chiến tranh của tôi.
Phần văn xuôi trong tập thơ văn: Từ Tâm gồm các bài văn chính luận và bút ký. Âm hưởng của phần văn xuôi tiếp tục ngân lên khúc ca bi tráng về những người chiến sỹ Trường Sơn anh hùng, quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì con đường đi cứu nước của dân tộc Việt Nam - Đường 559, thuộc Binh đoàn Trường Sơn.
Các tác phẩm: Cuộc hành trình đặc biệt, Đêm ấy Trường sơn, Truyện của Mỵ, Đại bàng tung cánh. Cái tâm của người chiến sỹ.v.v... Vũ Hồng Thái khắc họa mỗi câu chuyện không chỉ là một số phận, một nỗi đau chiến tranh mà còn vang vọng một khúc ca về những người anh hùng. Tác giả là một người trong cuộc từng sống chết trong gang tấc ở Binh trạm 42 nên văn anh không cầu kỳ, không làm duyên câu chữ mà nặng về hồi ức tự sự. Đây là một thế mạnh của Vũ Hồng Thái. Với con mắt quan sát tinh tế, anh tả thực, tả sâu vào từng chi tiết đời sống nhân vật để khắc họa hình tượng nhân vật, hình tượng những người anh hùng. Đêm ấy Trường sơn, Vũ Hồng Thái dành riêng ngòi bút và tâm hồn thi sỹ của mình cho đơn vị Binh trạm 42 của anh. Đó là những kỷ niệm để đời, những tháng năm khốc liệt mà anh và đồng đội anh đã kiên cường bám trụ, kiên cường vượt qua đạn bom để hoàn thành nhiệm vụ. Những mẫu nhân vật như Sơn Cháy, như Phạm Văn Sức.v.v., là những tấm gương sáng nơi núi rừng âm u giữa đại ngàn Trường sơn. Những tấm gương đó đã thấm vào máu thịt của cán bộ chiến sỹ Binh trạm 42, thấm vào ngòi bút hiện thực của Vũ Hồng Thái để anh viết nên những con người rất đỗi tự hào của Binh trạm, của dãy Trường Sơn anh hùng. Trên cơ sở chọn lọc những mẫu người điển hình và vẫn theo phong cách tả thực, Vũ Hồng Thái đã có những trang viết khá thành công trong nhiều câu chuyện mà anh tâm đắc. Chuyện của Mỵ có nhiều tình tiết, đọc hấp dẫn. Phạm Thị Mỵ là một mẫu người thật. Rung động trước tâm hồn người phụ nữ cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa, Vũ Hồng Thái đã có những trang văn làm rung động lòng người. Rung động bởi câu chuyện miêu tả trạng thái tinh thần của một cô gái trẻ mới 16 tuổi, thấp bé, vì khao khát được vào bộ đội đi đánh giặc cứu nước, đã mượn người cân hộ, đo hộ để trúng tuyển bộ đội. Rồi tình nguyện vào Trường Sơn làm chiến sỹ công binh mở đường cho xe ra trận. Từ đó gắn bó cả tuổi xuân với núi rừng. Ở nơi bom đạn hủy diệt từng ngày, tình yêu của Mỵ với người chiến sỹ lái xe Trường Sơn nảy nở. Họ yêu nhau qua mỗi chuyến xe anh băng qua trạm và thủy chung thành vợ nên chồng cho đến ngày nay.
Chuyện: Đại Bàng tung cánh, tác giả Vũ Hồng Thái hướng cách nhìn vào một người anh hùng với chiến công nổi tiếng một thời. Đó là chiến sỹ lái xe Trường Sơn Phạm Văn Sức. Câu chuyện có nhiều cảnh huống và chi tiết sống động được tác giả chọn lọc, đan cài trong từng chương đoạn, làm hình tượng Đại bàng tung cánh dưới đại ngàn Trường Sơn càng thêm lồng lộng. Có thể nói nhân vật Phạm Văn Sức trong Đại bàng tung cánh là một câu chuyện hay, hấp dẫn, có tính giáo dục thế hệ trẻ về một thời cha anh dâng hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Phần văn xuôi của Vũ Hồng Thái còn có các ghi chép: Cuộc hành trình đặc biệt, phụ nữ làng tôi.v.v...viết về nỗi đau sau chiến tranh và sự tri ân của các anh hùng liệt sỹ. Tuy ngòi bút văn chương chưa đậm nét, có chi tiết còn nhạt nhòa, nhưng tính hiện thực đời sống được tác giả khắc họa khá rõ. Tư tưởng tác phẩm mang đậm nét nhân văn. Bút ký. Cái tâm của người chiến sỹ với nhà nông, cũng trên nền tảng của một hiện thực rất điển hình, một thương binh có tên Trần Mạnh Báo được Vũ Hồng Thái mô phỏng càng tôn thêm phẩm chất về một tấm gương đáng ghi nhớ. Từ con mắt quan sát của một nhà từng làm công tác chính trị tác giả đã kết nối hai quãng thời gian “Anh hùng” trong một con người. Trần Mạnh Báo người lính thời trận mạc. Trần Mạnh Báo thời bình với nông dân. Những năm chống Mỹ toát lên trong anh là tinh thần kiên cường dũng cảm trước quân thù. Trở về quê hương tinh thần ấy lại tiếp tục tỏa sáng. Trần Mạnh Báo trở thành một hình tượng đẹp, cả đời gắn bó với đạn bom, rồi cả đời gắn bó với đồng ruộng với nông dân, anh đã làm nên bài ca hạt giống vàng, xứng danh người anh hùng quê lúa.
Bước đầu ghi nhận sự thành công của tác giả Vũ Hồng Thái. Anh đã biến: Từ Tâm đưa cái bi của thời hậu chiến thành tác phẩm mang chất anh hùng trong thời bình qua các mẫu nhân vật như Sơn cháy, như Trần Mạnh Báo.v.v... làm cho vẻ đẹp của tác phẩm thêm huyền ảo, lung linh. Xin chúc mừng tác giả Vũ Hồng Thái đã được chọn “góp mặt” vào bộ sách nhiều tập: Nỗi đau sau chiến tranh, để lưu giữ cho mai sau. Chúng tôi đã giới thiệu tập sách: Từ Tâm của Vũ Hồng Thái cho nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản trong thời gian sắp tới. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
                                                                                         
                                                                                    Nhà văn Minh Chuyên

 

tin tức liên quan