"Hạnh phúc muộn màng". Truyện ngắn của Duy Lưu
HẠNH PHÚC MUỘN MÀNG
Truyện ngắn
Gần một giờ chiều, thằng Minh đi học chưa về, nhìn mâm cơm nguội ngắt chị Hoa thấy ruột gan nóng như lửa. Đã xảy ra chuyện gì với con - Nghĩ vậy, chị đóng cửa, hối hả đạp xe ra đường nhằm hướng lớp học. Tới cổng trường, bác bảo vệ cho biết, thằng Minh đã về từ mười một giờ. Sáng nay con kêu mệt, bỏ bữa, chị nói con nghỉ học một buổi, nó không chịu. Không biết giờ này con ở đâu? Càng nghĩ càng lo. Hối hả đi tìm con, chị vào mấy tiệm internet nơi thằng Minh hay chơi game. Đi ba, bốn tiệm không thấy con, linh cảm mách bảo, hình như con đã biết sự thật thân phận của nó, có khi nào nó bỏ chị mà đi. Cắm cúi đạp xe, chị tìm về con sông nơi thằng Minh cùng đám bạn thường ra tắm mỗi chiều. Đứng trên bờ sông, nhìn dòng nước cuồn cuộn đục ngầu, bất giác chị hét to - Minh ơi con ở đâu. Tiếng hét lan tỏa khắp mặt sông, dội vào vách núi vọng lại như những đợt sóng xô, nhỏ dần rồi tắt lịm. Thất vọng, mệt mỏi, chị ngồi bệt xuống vệ cỏ, đôi vai gầy rung lên, nước mắt chảy tràn.
Cô Hoa, cô làm gì sao ngồi một mình ở đây - Tiếng hỏi đột ngột làm bừng tỉnh, chị nhận ra thằng An, học cùng thằng Minh liền hỏi dồn:
- Cháu có biết thằng Minh nhà cô đi đâu, cháu biết không, nói cho cô với!
- Nó sửa xe chỗ chú Hùng, đầu thôn Hạ, cách đường chừng mười mét, chỗ cây đa to ấy. Nghe thằng An mách, chị bật dậy, hối hả đạp xe đi…
Đến đầu thôn Hạ, đã thấy cây đa, thằng Minh ngồi bên người đàn ông cụt hai chân, anh ngồi trên chiếc ghế, quay mặt ra đường, hí húi cân cái vành xe, vừa làm vừa nói gì đó với thằng Minh rồi cười rất tươi. Vừa rõ khuôn mặt của anh, trống ngực bỗng đập mạnh, chị đứng chết lặng. Anh vẫn tập trung làm việc, không hay biết ngoài đường chị đang nhìn dán mắt vào mình. Có khi nào họ là anh em - Chị tự hỏi. Cũng dáng người cao to, khuôn mặt chữ điền. Cũng bộ quân phục bạc màu đóng thùng nghiêm trang. Cái miệng, nụ cười, mái tóc chẻ ngôi giữa bồng bềnh, hàm râu quai nón rậm rì. Càng ngắm càng thấy giống Huy đến kì lạ. Miên man suy nghĩ chị quên rằng, đang đi tìm con. Đúng lúc ấy, anh bỏ dụng cụ cân vành, vươn vai nói với thằng Minh: “ Xong rồi, giờ thì lắp vô là ok. Chắc đói lắm hả cậu nhóc”. “ Còn chú… chú cũng đói chứ”. “Chú là lính chiến, nhịn vài bữa nhằm nhò gì. Chú từng nhịn sáu ngày khi quần nhau với tụi Bành trướng, bị chúng bao vây, chỉ lo cho con thôi nhóc ạ”.
Thay vì vào trả tiền sửa xe cho con bởi chị biết con không có tiền, chị vội vã lên xe đạp đi. Con không sao là yên tâm rồi, chị không muốn anh biết sự có mặt của mình. Trên đường đạp xe về, hình ảnh người Thương binh bám riết trong đầu, bất giác nhớ đến Huy, chị nhớ cái ngày đầu tiên gặp Huy.
Hôm ấy, đang đạp xe đi dự đám cưới, cái xe bỗng trở chứng, tuột xích. Loay hoay mãi không thể gắn chiếc xích, giờ đám cưới thì đã đến, nước mắt muốn trào ra.
- Cô để tôi giúp cho. Giật bắn người bởi tiếng nói đường đột của anh bộ đội. Anh nhìn chị cười tươi rồi cúi xuống với chiếc xích xe. Chiếc ba lô vẫn trên lưng, bộ quân phục bạc màu bỏ thùng gọn gàng, khuôn mặt chữ điền, mái tóc chẻ ngôi giữa bồng bềnh cùng hàm râu quai nón rậm rì khiến chị bối rối, trống ngực đập dồn.
Chưa đầy một phút, chiếc xích đã được gắn xong, anh đứng dậy: “ Ổn rồi, cô có thể đi. À mà cô về đâu”. “ Em qua thôn Bồ dự đám cưới”. “ Vậy hả! Tôi cũng về thôn Bồ, cho quá giang nghe”. Gỡ chiếc ba lô đưa chị, anh giành phần chạy xe. Trên đường đi, anh giới thiệu tên Huy, đóng quân ở Lạng Sơn, anh được về phép…
Khi chia tay, anh xin địa chỉ, hai ngày sau Huy tìm chị. Hai người có buổi trò chuyện thật vui và bắt đầu hẹn hò. Thời gian hai mươi ngày phép đủ để hai người thăm thú vài nơi. Huy đưa chị về ra mắt bố mẹ. Phải chăng là duyên số. Dù mới quen, chị cảm nhận được tình yêu của Huy, đặc biệt là mẹ anh. Lần đầu gặp mẹ, bà cầm tay chị giọng ấm áp: - Mẹ nghe thằng Huy kể về con, mẹ đã đi coi, thầy nói tuổi hai đứa rất hợp. Mẹ chỉ có mình nó nên muốn các con sớm thành thân, mẹ sớm có cháu bồng. Thằng Huy còn ba ngày phép, hai đứa làm đám hỏi, qua năm thì cưới…
Đám hỏi được diễn ra trước ngày khi Huy trở lại đơn vị.
Hồng nhan bạc phận. Câu nói ấy có lẽ đã đúng với chị. Vốn là cô gái đẹp trong làng, nhiều người săn đón, mong nhận được tình yêu của chị nhưng đều thất vọng, rồi chị gặp Huy. Chị yêu màu áo lính, sự chân thành, lãng tử của Huy. Chị dành tất cả tình yêu cho Huy và chờ đợi… Chị tin mình sẽ hạnh phúc. Nhưng người tính không bằng trời tính. Tháng 2 năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Bọn Bành trướng tràn qua như nước vỡ bờ, tới đâu chúng đốt sạch, phá sạch. Những trận đánh dữ dội đã diễn ra giữa bộ đội và lũ giặc cướp. Với hỏa lực mạnh, chúng điên cuồng tấn công vào các đơn vị bộ đội. Những trận mưa đạn của lũ giặc diễn ra hàng tiếng đồng hồ. Nhà cửa sập đổ, cây cối gãy gục, gây thương vong rất nhiều cho bộ đội, nhân dân trên toàn tuyến biên giới. Với quyết tâm đánh đuổi lũ giặc ra khỏi biên cương, các đơn vị bộ đội, công an, dân quân trên toàn mặt trận đánh trả quyết liệt khiến lũ giặc kinh hồn bạt vía.
Ở hậu phương, theo dõi bản tin thời sự hàng ngày, chị vô cùng lo lắng bởi trên mặt trận Lạng Sơn, cuộc chiến ngày càng ác liệt. Chị cầu mong cuộc chiến sớm kết thúc, được đón Huy trở về. Vậy nhưng, số phận thật cay nghiệt!
Vào một ngày mặt đất tối sầm, trời mưa tầm tã, người đồng đội của Huy trở về báo tin, anh đã hi sinh và trao chiếc ba lô kỷ vật của Huy cho chị. Nhận chiếc ba lô, đất dưới chân như sụp xuống, chị không đứng vững. Nỗi đau quá lớn biến chị từ một cô gái sôi nổi trở nên câm nín, gương mặt luôn trĩu nặng, u uất. Ngày ba hy sinh trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, chị mới tám tuổi. Ôm chặt chị trong lòng, mẹ khóc rất nhiều. Chị cũng khóc nhưng chưa cảm nhận hết nỗi đau. Khi Huy hi sinh chị mới hiểu, nỗi đau mất người thân lớn nhường nào. Là mối tình đầu, chị dành tất cả tình yêu cho Huy với bao hy vọng... Vậy mà, lũ giặc đã cướp đi tất cả. Nỗi đau mất chồng tưởng không thể vượt qua. Cũng may có mẹ bên cạnh, mẹ thường động viên: “Mạnh mẽ lên con, thằng Huy hi sinh vì Tổ quốc âu cũng là vinh dự. Tương lai phía trước còn dài, mẹ tin con sẽ vượt qua cũng như mẹ đã vượt qua khi ba con hy sinh”. Có mẹ sớm tối ở bên, chị đã gượng dậy. Biết chồng chưa cưới của chị hy sinh, nhiều người đã đến với chị nhưng tình yêu trong chị đã nguội lạnh. Chị hứa với lòng - không bao giờ đi bước nữa và đã ở vậy cho tới ngày nay.
Miên man với dòng kí ức, chị về tới nhà khi nào không hay. Vừa vào nhà, thằng Minh cũng về tới. Nó lặng lẽ bới cơm cắm cúi ăn, không ngẩng mặt lên. Đến bên thằng Minh, giọng nhỏ nhẹ: “Con sửa xe hết bao tiền để mẹ đưa, trả người ta”. “Sao mẹ biết con sửa xe?”. “ Con về muộn, mẹ lo nên đi tìm, thấy con ở tiệm sửa xe”. “Con xin lỗi, tại cái vành xe bị quẹo, chú Hùng đã sửa cho. Chú không lấy tiền. Chú nói, chú làm cho có việc để đỡ buồn. Chú sửa cho nhiều người, chỉ lấy tiền khi thay phụ tùng mới”. “Có người tốt vậy sao…? Mẹ thấy bữa nay con lầm lì rất lạ, có chuyện gì nói mẹ nghe được không”. Thằng Minh bỗng òa khóc nức nở, buông bát, ôm lấy chị: “Mẹ… Có phải mẹ nhặt con từ bãi rác… Con không phải con mẹ?
Không kìm được nước mắt khi nghe con hỏi, chị ôm chặt thằng Minh vào lòng: “Chỉ vì mẹ không muốn con biết về cái quá khứ buồn, giờ con đã lớn, mẹ không giấu nữa. Dù không sinh ra con nhưng con là tất cả của mẹ. Mẹ rất yêu con…
Mười hai năm đã trôi qua, chị giấu biệt không cho thằng Minh biết nó là đứa con bị bỏ rơi. Cứ nhớ tới ngày định mệnh xui khiến gặp con, chị không thể kìm nước mắt.
Hôm ấy, trận mưa lớn kéo dài từ nửa đêm khiến chị thấp thỏm không yên. Đám lúa mới vãi phân, nếu nước tràn bờ, phân sẽ trôi hết. Bốn giờ sáng chị đã thức, tất tả ra đồng. Đám ruộng cách nhà chừng cây số, bên cạnh là bãi rác. Khi đi ngang bãi rác, thấy con chó hoang sủa oang oẳng, nghĩ nó bắt chuột, chị không để ý. Tới đám ruộng của mình, đi một vòng kiểm tra. Đúng như chị lo lắng, mấy đoạn bờ bị tràn nước. Hì hục đắp lại kĩ càng, công việc vừa xong thì bình minh ló dạng. Rửa qua chân tay bùn đất, lững thững ra về. Đi ngang bãi rác, thấy con chó vẫn sủa, chị đứng lại quan sát. Con chó chạy quanh chiếc thùng cát tông, chân cào miệng sủa. Bất giác chị nghe như tiếng mèo kêu yếu ớt. Chị tiến tới cái thùng, con chó vẫn gầm gừ rồi lại sủa dữ dội. Cúi xuống mở nắp cái thùng, chị hoảng hốt thét lên, ngã bệt ra sau, toàn thân run rẩy. Mất vài phút hoàn hồn, chị ngồi dậy nhìn kĩ trong hộp, một sinh linh bé nhỏ còn nguyên dây rốn, tím tái, kiến vàng bu khắp người. Vượt qua nỗi sợ hãi, bế bé ra khỏi hộp. Thằng bé bật khóc, tiếng nó như con mèo hen yếu ớt làm tim chị thắt lại. Phủi hết bầy kiến, ôm chặt bé trong lòng, chạy một mạch tới trạm y tế. Sau khi sơ cứu ban đầu, bé được chuyển lên bệnh viện huyện. Mất hai mươi ngày để các bác sỹ giành giựt lại bé từ tay tử thần.
Khi đón bé về chị mừng lắm. Cái tên Minh được đặt cho bé vì bé đến với chị đúng lúc bình minh vừa lên.
Nghe kể về thân phận của mình, thằng Minh cứ nấc lên, nó ôm lấy chị, miệng bật gọi nghẹn ngào: - M.e e e e ẹ!… rồi nó khóc, chị khóc, cả hai mẹ con cùng khóc.
Khi biết rõ thân phận của mình, thằng Minh trầm tính hẳn, ít nói ít cười. Đã mười hai tuổi, nó hiểu, mẹ Hoa không sinh ra nó nhưng cho nó cuộc sống, dành hết tình yêu thương cho nó. Tối ngày lăn lưng với mấy sào ruộng, làm lúa vụ thất vụ được, kinh tế rất khó khăn nhưng không khi nào mẹ bắt nó làm việc. Con gắng học cho giỏi, vào Đại học, kiếm cái nghề, mẹ có mệnh hệ gì cũng tự nuôi được thân - Mẹ thường nói với nó vậy. Được mẹ nuông chiều, thằng Minh chỉ biết học, không bao giờ giúp mẹ việc nhà chứ đừng nói ra đồng. Giờ thì nó hiểu, nó phải làm việc, phải giúp mẹ. Nó không muốn mẹ buồn. Không theo bạn chơi game, bỏ thú vui đá bóng mỗi chiều, nó chú tâm vào học, dọn nhà cửa, phụ mẹ nấu ăn. Chủ nhật, theo mẹ ra đồng khiến chị vui lắm.
Một bữa, thằng Minh đi học về, đứng tần ngần một hồi rồi nói với mẹ: - Cả tuần rồi không thấy chú Hùng ra chỗ sửa xe, nghe nói chú ốm, con muốn đi thăm chú…
Buổi chiều, chở con qua thôn Hạ tìm tới nhà anh. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm giữa vườn cây trái sum suê. Cửa nhà mở nhưng không thấy anh, chị lên tiếng: - Có ai ở nhà không? Không có tiếng trả lời. Nghe tiếng rên nho nhỏ, linh tính mách bảo, anh đang gặp chuyện gì, chị bước nhanh vào. Căn nhà thật gọn gàng ngăn nắp. Trên chiếc giường ở góc nhà, anh nằm co quắp, run rẩy. Thằng Minh ào tới lay người anh hỏi dồn:
- Chú Hùng! Chú đau hả?
Đặt tay lên trán anh, chị rụt vội lại, quay qua thằng Minh: - Con kiếm chậu nước, cái khăn mặt mang ngay cho mẹ… Một loáng, thằng Minh đã bê chậu nước, cái khăn tới. Chị dấp ướt chiếc khăn đắp lên trán. Mắt anh nhắm nghiền, hơi thở mệt nhọc, người nóng như cục than. Cơn sốt cao khiến toàn thân co giật liên hồi. Thằng minh mếu máo:
- Chú có chết không mẹ? Không trả lời con, chị dùng khăn ẩm lồng qua lần áo lau khắp toàn thân, mặt, cổ, chân tay. Kiên trì lặp đi lặp lại nhiều lần, chừng hai mươi phút, anh đã hết co giật, nằm im, hơi thở đều đều. Phủ chiếc khăn lên trán anh, chị xuống bếp tìm gạo nấu cháo. Ra sau vườn, quá bất ngờ vì anh trồng được cả rau, có hành, rau cải, tía tô. Hái một nắm tía tô và hành, rửa sạch, bỏ vô nồi cháo. Cháo vừa chín, nghe tiếng thằng Minh reo lên: - Chú! Chú tỉnh rồi hả? Chú cứ giật đùng đùng làm con sợ quá!
- Con đến khi nào vậy?... Mỗi khi trở trời vết thương lại hành chú vậy đấy nhưng không sao đâu nhóc. Từ dưới bếp chạy lên, bất ngờ bắt gặp ánh mắt của anh, chị vội nhìn đi chỗ khác rồi quay qua thằng Minh: - Con múc cháo cho chú ăn và ở đây nghe, mẹ phải về, sáng mai mẹ qua đón con đi học. Nói rồi, chị đi nhanh ra cửa.
Nhìn theo tấm lưng khuất sau cánh cửa, anh không kịp nói gì. Mẹ con đó chú - thằng Minh lên tiếng. Anh nhìn thằng Minh gật gầu rồi từ từ nhắm mắt. Một thứ tình cảm rất lạ trào dâng. Mặc dù cơn sốt hành hạ mê man nhưng anh cảm nhận được, có bàn tay phụ nữ chăm sóc mình…
Kể từ buổi gặp gỡ ấy, chị và con qua nhà anh thường xuyên hơn. Chị giúp anh cơm nước, giặt giũ, đôi khi hai mẹ con ở lại cùng ăn tối. Những lúc ba người bên mâm cơm, thằng Minh cứ ríu rít, khuôn mặt nó bừng sáng rạng rỡ khiến chị và anh cũng vui lây. Căn nhà nhỏ bỗng rộn rã tiếng cười.
(Ảnh minh họa)
Với Hùng, mẹ con thằng Minh đã trở nên quá đỗi thân thiết. Anh nhận thằng Minh làm con nuôi khiến nó vui lắm, cứ khi nào rảnh, nó lại về với ba Hùng. Anh cảm thấy căn nhà trở nên trống vắng khi không có mẹ con thằng Minh. Bao năm sống một mình, chưa khi nào anh có cảm giác ấy. Từ ngày bị thương, không một lần nghĩ tới chuyện lập gia đình, vậy mà… với mẹ thằng Minh, tình cảm yêu thương thôi thúc mãnh liệt, anh cứ miên man nghĩ về hai mẹ con họ. Nhìn khuôn mặt buồn buồn của thằng Minh, anh nhớ tuổi thơ của mình. Cũng bị mẹ đẻ bỏ rơi khi mới chào đời. Mẹ nuôi vì cưu mang anh, bà không lấy chồng. Bà nuôi anh trong sự ghẻ lạnh của người đời và cái nghèo cùng cực. Bằng tuổi thằng Minh anh đã phải nghỉ học để phụ mẹ việc đồng áng. Lam lũ tối ngày vẫn thiếu trước hụt sau. Cuộc sống vừa khá nên thì mẹ đột ngột ra đi. Mẹ chết gục trên đồng vì cảm nắng khi cố cấy hết mấy bó mạ giữa trưa hè tháng sáu. Đau buồn vì mất mẹ, chưa đầy mười tám tuổi, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ…
Sau mấy tháng huấn luyện, đơn vị chuyển về đóng ở Lạng Sơn. Vừa tròn một tuổi quân thì cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Cả đơn vị gồng mình chống trả lũ giặc cướp hung hãn với quân số và hỏa lực vượt trội. Những trận đánh luôn diễn ra ác liệt. Anh tham gia hàng chục trận đánh với bọn giặc. Có lần bị chúng vây ép, đồng đội hi sinh, bị thương anh vẫn không hề hấn gì. Đúng vào ngày bọn Bành trướng tuyên bố rút quân, anh bị thương nặng. Mặc dù rất cố gắng, các bác sĩ vẫn không thể giữ đôi chân dập nát cho anh. Trở về với cơ thể không lành lặn, chân mất, cả chục vết thương trên người, anh cự tuyệt mọi mối quan hệ dẫn tới hôn nhân. Vậy mà, bước vào tuổi sáu mươi, anh lại không thể làm chủ được mình…
Ngày giỗ mẹ, chị làm mâm cơm mời người thân. Mọi người vừa vào bàn ăn, cơn mưa bất chợt ập tới. Mặc ngoài trời mưa mỗi lúc một to, mọi người vẫn ăn uống, nói cười rôm rả. Riêng chị cứ nhấp nhổm, mắt hướng ra đường. Ông Thành - bác ruột của chị thấy vậy buông đũa, quay qua hỏi: - Hình như cháu còn đợi ai? Đúng lúc ấy, xuất hiện chiếc xe lăn tiến vào sân. Thằng Minh reo to: - Ba Hùng đến mẹ ơi. Nó chạy ào ra, đẩy nhanh chiếc xe lên hiên nhà. Bố thằng Minh - tiếng ai đó thốt lên khiến mọi ánh mắt đổ dồn vào Hùng. Sau một hồi ngỡ ngàng, ông Thành tiến lại, đưa tay bắt tay Hùng, giọng ông thân mật: - Anh là bố cháu Minh, sao giờ mới tới, quần áo ướt cả rồi!
Nãy giờ chị cứ đứng ngây chưa biết làm sao, nghe ông Thành nói quần áo anh bị ướt mới sực tỉnh. Bước vội vô phòng trong, lát sau quay ra với bộ đồ bộ đội trên tay.
Đưa bộ đồ cho Hùng, giọng chị nghèn nghẹn: - Bộ đồ này là của Huy, anh ấy hi sinh ở mặt trận Lạng Sơn, bao năm tôi cất giữ cho riêng mình, giờ anh có thể mặc nó.
Tay run run, anh đỡ bộ đồ. Con đưa ba xuống nhà tắm - Chị nói với thằng Minh…
Vài phút sau, chiếc xe lăn cùng Hùng trở lại, bữa tiệc bỗng sôi động hẳn. Những thắc mắc thi nhau nổi lên: “Thằng Minh mười mấy tuổi rồi, sao bây giờ anh Hùng mới về ra mắt họ hàng”. “ Chị Hoa nữa, giấu kĩ thế. Phải làm mấy mâm để ra mắt chú rể chứ”. Thấy mọi người tranh nhau chất vấn, ông Thành đứng lên cắt ngang: - Thôi nào mọi người, ngày giỗ em tôi, con rể về ra mắt là quý hóa rồi. Để anh Hùng thắp nhang đã (ông đốt nhang đưa cho Hùng). Bất ngờ bị đưa vào thế không thể từ chối, anh nhìn chị cầu cứu. Chị đáp lại anh bằng ánh mắt rạng rỡ, nụ cười hạnh phúc cùng cái gật đầu khiến Hùng chỉ biết răm rắp làm theo sự hướng dẫn của ông Thành… Giúp Hùng cắm nhang lên bàn thờ xong, ông Thành quay xuống chắp tay, trịnh trọng:
- Hôm nay là ngày kị của em tôi, song cũng là ngày vui của cháu Hoa, mời mọi người tiếp tục ăn uống vui vẻ. Căn nhà càng lúc càng trở nên rộn rã tiếng cười. Thằng Minh ghé tai ba Hùng thì thầm: - Ba! Từ nay ba ở đây với mẹ con con luôn nghe.
Nghe thằng Minh nói, chị nguýt con với nụ cưòi rất tươi.
Hoàng hôn dần buông, phía xa đường chân trời bất chợt xuất hiện chiếc cầu vồng với những màu sắc rực rỡ ẩn hiện sau màn mưa bụi giăng giăng.
Cao Nguyên tháng 7/ 2020.
Duy Lưu - 122 đường 30/4 Đạ tẻh – Lâm Đồng.
Hội viên Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng
ĐT: 077 777 4811