Bác Hồ của chúng ta - Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:16 05/08/2020 Lượt xem: 1.365
 
Lời Tòa soạn:
  
     Ban Biên tập Trường Sơn vừa nhận được bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền. Bài báo Thiếu tướng viết trong dịp kỷ niệm lần thứ 130 Ngày sinh của Bác. Bài báo đã được Thiếu tướng đưa lên trang facebook của ông.
Đây là bài báo hay, công phu và tâm huyết của Thiếu tướng với Bác Hồ.
Trân trọng giới thiệu bài báo của Thiếu tướng Hoàng Kiền với bạn đọc Trường Sơn.
 
BBT.

 
                    BÁC HỒ CỦA CHÚNG TA

                                             Thiếu tướng Hoàng Kiền

         

 
     Hôm nay 19 - 5 - 2020,  kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, Người Anh hùng giải phóng dân tộc , Danh nhân Văn hoá thế giới.
Tôi viết bài về Bác Hồ của chúng ta
 
                             CHỦ TỊCH HCHÍ MINH
                     CẢ ĐỜI VÌ NƯỚC VÌ DÂN

 
    Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, Anh đến chào cha, người cha dặn: Con ra đi tìm đường cứu nước, khi về tìm nước chứ đừng tìm cha.
 
     Sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài , Nguyễn Ái Quốc đã trở về Pắc Bó - Cao Bằng. Tại hang Cốc Bó, Bác và đồng chí Võ Nguyên Giáp nằm ở đây bàn việc cách mạng. Tôi vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ tôn tạo  lại hang Cốc Bó bị đánh sập năm 1979. Nghe Đại tướng kể về Bác Hồ với những lời thật sâu sắc và xúc động . Đại tướng kể: Khi Bác về đây, hai Bác cháu tâm sự trong cái hang này 7 đêm. Bác nói : Chú Văn ạ, làm người cách mạng là phải " Dĩ công vi thượng ", có nghĩa là phải đặt lợi ích của Cách mạng lên trên hết, Tôi khắc sâu lời căn dặn của Bác, không bao giờ quên, suốt đời tôi phấn đấu vì nước vì dân.
 Bác nói tiếp: Con đường của cách mạng Việt Nam là " Vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền ".
  Chính từ cái hang này, mới có NQTW 8 vào tháng 5/1941, dẫn tới Cách mạng  8/1945 thành công. Đại tướng nói: Không có cái hang này thì không có Nghị quyết TW 8, không có cách mạng Tháng 8, không có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là Di tích lịch sử số 1, di tích hàng đầu của Việt Nam”.
 
    Đại tướng kể tiếp:
    Bác sang Trung Quốc bị Tưởng Giới Thạch bắt giam, năm 1943 được thả tự do, Bác về nước, cũng tại cái hang này, hai Bác cháu nằm trao đổi. Bác giao cho Tôi thành lập " Đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân ". Đây là lực lượng vũ trang đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Nghe Đại tướng nói tôi hiểu sâu thêm về Bác, về Đại tướng và hứa với Đại tướng và Anh linh của Bác, sẽ nhanh chóng tổ chức khôi phục lại hang Cốc Bó - Một di tích Lịch sử hàng đầu của nước ta.
 
Tháng 5/1945 khi bị trận ốm nặng, Bác gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến lán Nà Nưa ở Tân Trào - Tuyên Quang dặn dò: Thời cơ đã đến, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập tự do!...
 
      Ngày 28-5-1948 tại lễ phong tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Buổi lễ được tiến hành vào 13 giờ chiều, không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng cạnh. Một lúc, Bác cầm khăn mùi xoa ra lau nước mắt cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào.... Những giây phút yên lặng thiêng liêng.
Mãi sau Bác mới cất tiếng " Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hi sinh cố gắng. Hôm nay phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hi sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thoả lòng những người đã mất".
Tiếp đó, Bác giao bản sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói " Nhân danh chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ , làm tròn sứ mệnh mà nhân dân giao cho ".
 
     Năm 1954, Bác và Bộ chính trị tin tưởng trao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng, chắc thắng mới đánh, không thắng không đánh".
 
  Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, suốt cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra và lãnh đạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói chuyện thường nói Bác và Đảng, Bác trước, Đảng sau, điều đó rất đúng, vì Bác sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
    Hôm Đại tướng giao nhiệm vụ tôn tạo hang Cốc Bó xong, Đại tướng hỏi tôi: Đường Hồ Chí Minh sắp khởi công đồng chí Tư lệnh Công binh thấy thế nào. Tôi trình bầy ý kiến của mình....Nghe xong , Đại tướng nói : Đường Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ Pắc Bó - Cao Bằng. Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, Bác về đây là nơi đặt chân đầu tiên, tại đây Bác vạch ra con đường cho cách mạng Việt Nam để chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh phải từ Bắc Bó đến Cà Mau. Từ Hà Nội vào Cà Mau là chưa đủ. Tôi sẽ viết thư cho Bộ chính trị và Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị về vấn đề này.
   Thật khâm phục tâm, tầm nhìn rộng, sâu của Đại tướng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
   Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau.
 
     Bác Hồ đã chọn giao cho Võ Nguyên Giáp một người chưa được đào tạo qua trường lớp quân sự một ngày nào, nhưng là thầy giáo dạy sử làm người chỉ huy quân đội. Lúc bệnh tật lâm nguy Người gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến dặn dò. Phong quân hàm một lần lên đại tướng ngay. Trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thể hiện một sự lựa chọn sáng suốt, sự tin tưởng tuyệt đối vào người học trò của mình. Đây là một trong những người Bác đã chọn giao nhiệm vụ như vậy. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, nhắc lại mấy lời để chúng ta thấy một trong những nội dung về Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh mà Đảng ta đang phát động học tập và làm theo.
   Vừa qua Bộ chính trị, Ban bí thứ đã có qui định người giới thiệu nhân sự vào các chức vụ đảng ở các cấp phải chịu trách nhiệm về lời giới thiệu của mình, chính là làm theo Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh.
 
                             BÁC HỒ
 
     Cụm từ Bác Hồ có từ bao giờ? Bác nói với ai?
 
     Tôi không có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu sâu, nhưng qua các hình ảnh của Bác, các bài phát biểu, nói chuyện, sách báo tôi đã đọc. Tôi thấy Bác chỉ xưng Bác với các cháu nhi đồng, thiếu niên; khi các cháu đến thăm và khi Bác gửi thư cho các cháu. Bác xưng với các chiến sỹ trẻ: "Các vua hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
 
     Tôi đã lên Đền Hùng, ngồi cạnh bia đá ghi câu nói này của Người, chụp tấm ảnh kỉ niệm với niềm kính yêu; xúc động.
 
     Với nhân dân, Người chỉ xưng tôi với đồng bào. Tất cả các thành phần, đối tượng, Người có các cách xưng hô khác nhau; nhưng không bao giờ dùng từ Bác. Hồ Chí Minh có dùng từ Bác với các Chú, để chỉ tình cảm thân mật anh em, theo cách xưng hô của người xứ Nghệ; chứ không phải là bác - cháu.
      Bác xưng Bác với chú Giáp, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn xưng với người là Bác với Cháu, nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng vậy.
     Thật là hạnh phúc khi mà nhân dân ta từ trẻ đến già, từ người dân thường đến người đứng đầu Đảng, nhà nước; ai cũng gọi Người là Bác Hồ, vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vv...
 
     Có được những danh từ và cách gọi đó, không phải ngẫu nhiên. Đó chính là kết tinh cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Bác Hồ.
 
 Người đã hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng, vì nước vì dân; để lại tấm gương đạo đức  mẫu mực sáng ngời, không bao giờ phai mờ!
 
  Người là Anh hùng giải phóng dân tộc
 
  Người là Danh nhân Văn hoá Thế giới.
 
  Người chăm lo cho tất cả, chỉ quên bản thân mình.
 
 Cả cuộc đời Bác luôn giản dị, tiết kiệm. Vẫn đôi dép cao su, chiếc mũ cát, bộ quần áo ka ki bạc mầu. Bữa ăn đơn giản, nhặt từng hạt cơm rơi dưới bàn, ăn hết.
 
     Tôi đã nghe Thiếu tướng Trần Bá Đặng là Tư lệnh Công binh trong những năm chống Mỹ, được ngồi ăn cơm với Bác tại Đá Chông K9. Khi ăn xong, mọi người ngồi nói chuyện, Bác nhặt hết mọi hạt cơm rơi trên bàn đưa vào miệng ăn rất ngon lành. Ai cũng xúc động!
 
  Người thân mất, Bác không về chịu tang được. Người thân ra thăm, Bác bận lo việc nước, không dành nhiều thời gian tiếp được.
 
 Bác không có vợ con gia đình. Người coi đất nước Việt Nam là gia đình của mình, các thanh thiếu niên là con cháu của mình.
 
 Một con người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
 
Câu chuyện CHỦ TỊCH XƯNG CHÁU VỚI DÂN” là một trong các mẩu chuyện ngắn về bác được trích trong tuyển tập Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Câu chuyện kể về cách xưng hô giản dị, coi trọng dân, xuất phát từ tấm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    Tháng 5-1948, trong một bức thư gửi cho một người dân là cụ Phùng Lục, hội viên Phụ lão Cứu quốc (80 tuổi), ở huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, Bác Hồ đã viết: Thưa cụ, những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà. Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình, mà đem số tiền 500 đồng quyên vào quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo. Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc. Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng” – Hồ Chí Minh.
 
Hồ Chí Minh mãi mãi là vị Lãnh tụ thiên tài kính yêu của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Người mãi mãi là Bác Hồ của nhân dân Việt Nam.
 
                       BÁC LO CHO ĐẢNG MAI SAU
 
    Vào năm 1967, Bác Hồ cho sửa chữa nhà sàn Bác ở và làm việc. Công việc hoàn thành, Bác giữ đoàn cán bộ kĩ thuật, cán bộ và công nhân xây dựng ở lại; nghe Bác nói chuyện. Các thợ xây, cả tổ Kiến trúc, kỹ sư Trương Ánh Hồng có mặt đầy đủ, thật vui mừng, xúc động!
 
     Bác nói: Sửa chữa nhà Bác xong rồi, các chú nhớ thiết kế giùm Bác 1 số nhà tù nhé!”
 
     Kỹ sư Trương Anh Hồng hỏi: Thưa sắp hòa bình, xây nhà tù làm chi, Bác?”
     “Ấy! Hòa bình hết gian khổ, các chú ham vui, hưởng thụ biến chất, thoái hóa; xây nhà tù để nhốt các chú ấy!”.
 
      Vào năm 1969, Bác biết sức khoẻ của mình yếu. Bác đã có bài viết về: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; đã được đăng trên báo Nhân dân vào ngày thành lập Đảng 3/2/1969; trân trọng trên trang nhất. Nội dung của bài báo, chính là vấn đề mà Bác thường xuyên quan tâm, trong suốt mấy chục năm qua.
 
     Lần này sau một thời gian suy nghĩ, Ngày 25 tháng 01 năm 1969, Bác cho mời đồng chí phụ trách Tuyên huấn của Đảng đến, giao nhiệm vụ chuẩn bị bài viết quan trọng này. Bác nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu ngắn gọn, tập trung vào chủ đề: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
     Và đó cũng là tên của bài báo.
 
     Ngày 28/01/1969, Bác sửa lại bài viết rồi cho đánh máy thành nhiều bản, gửi đến từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị; đề nghị tham gia ý kiến. Đây hẳn cũng không phải là việc ngẫu nhiên! Dưới hình thức tham gia một bài viết trong dịp Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, mỗi đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị sẽ có trong tay một tài liệu, mà ngay câu đầu tiên là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
 
     Chiều 30 tháng giêng, Bác cùng Văn phòng đọc lại từng ý kiến đóng góp của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, bổ sung vào bản thảo; rồi cho đưa đi đánh máy. Bác dặn đánh máy xong gửi lại cho Bác 1 bản.
 
     Ngày 01/02/1969 tiết trời trở lạnh. Cả buổi sáng, Bác sang họp Bộ Chính trị về công tác quân sự. Ba giờ rưỡi chiều, đồng chí phụ trách Tuyên huấn sang gặp Bác, xin bản thảo chính thức để kịp thời đăng báo.
 
     Cầm bản thảo cuối cùng, do Bác tự tay đánh máy, liếc sang bản thảo đầu do Ban Tuyên huấn chuẩn bị; đồng chí cán bộ Tuyên huấn gượng cười, thưa với Bác:
Bác chữa hết cả rồi, còn gì nữa đâu ạ?
 
     Bác mỉm cười độ lượng:
Bác chữa nhưng vẫn còn giữ nguyên ý chính của bài là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Cái đó là quan trọng nhất!
 
     Đồng chí Phụ trách Tuyên huấn đề nghị với Bác, xin sửa lại đầu đề: Đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, chuyển vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra phía sau, với lý do là cán bộ Đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản! Bác quay sang hỏi ý kiến đồng chí Văn phòng:
Ý kiến chú thế nào?
 
     Đồng chí cán bộ Văn phòng nhất trí với ý kiến đồng chí Phụ trách Tuyên huấn. Bác im lặng suy nghĩ, cuối cùng Bác nói:
Ý kiến của các chú, Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này. Gia đình các chú tiết kiệm, mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ, hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào?
 
     Chúng tôi thật sự bất ngờ trước cách đặt vấn đề của Bác. Đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào, thì Bác đã nói:
Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ; đổi lại tên đầu bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
 
     Ý tứ ấy của Bác, cho mãi đến hôm nay càng thấy vô cùng sâu sắc!
 
     Mở đầu bài báo, Bác viết: Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với Đảng viên và cán bộ chúng ta”.
 
     Bác nêu lên những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta đã giành được, dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong suốt 39 năm qua:Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi; và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng CHXH ở miền Bắc.
 
     Nhân dân ta tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt, đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
 
     Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất; rất nhiều cán bộ, Đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước; hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang!
 
     Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng; gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.
 
     Đó là những bông hoa tươi thắm của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế!”.
 
     Tiếp đó, Bác nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thoái hoá, biến chất của một số cán bộ, Đảng viên:
 
Mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ tới lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo mình vì mọi người” mà chỉ muốn mọi người vì mình”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn; sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, bê tha. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền.
Chủ nghĩa cá nhân xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập tiến bộ”.
 
     Phần cuối của bài báo, Bác đề ra phương hướng cụ thể để cán bộ, Đảng viên sửa chữa, tiến bộ; khắc phục những thiếu sót, làm cho Đảng luôn luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình:
 
     Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, Đảng viên. Chế độ sinh hoạt chi bộ phải thật nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ...
 
     Mỗi cán bộ, Đảng viên phải đặt lợi ích của Cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết!
 
     Phải kiên quyết Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
 
     Đó là cách thiết thực để kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 130 của Người, người đã sáng lập ra Đảng ta, Đảng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân anh hùng của chúng ta.
 
     Bài báo của Bác đã hơn nửa thế kỷ, tiên liệu nhìn xa trông rộng, những lời dạy của Bác vẫn là phương hướng phấn đấu đối với toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân ta hiện nay. Để “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, để “Xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
 
     Bọn quan tham ngày nay, tất cả vì lòng tham, hám danh, hám lợi, ham tiền. Đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Chúng không xứng đáng được gọi Bác Hồ.
Hãy cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo Tư tưởng- Đạo đức- Phong cách Hồ Chí Minh, tấm gương mẫu mực sáng ngời của Bác. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm do Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động và chỉ đạo, điều hành. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng một nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa Giầu mạnh, Văn minh, nhân dân được ấm no hạnh phúc.
 
Hãy học tập tấm gương của Người: Chăm lo tất cả chỉ quên Mình.
 
Ngày 19/5/2020
 
  
 
 
 
tin tức liên quan