Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 04:52 27/08/2020 Lượt xem: 552

----------------------------------------------------------------------------------
           Một thời rong ruổi trên khắp các chiến trường B; C; K cùng đội ngũ của những chàng trai, cô gái – những con người huyền thoại đã làm nên một con đường huyền thoại - Trường Sơn… Nhà Báo - Nhà Văn Phạm Thành Long có nhiều lắm trong “phần mềm” bộ não của mình những dữ liệu mà trong ấy là những dòng nhật ký của cuộc chiến, là những kỷ niệm vui buồn, là những cảm xúc, những góc nhìn của riêng anh… Trường Sơn cùng với tố chất “Thiên định” cho mình đã giúp anh có được khối tài sản vô hình quý giá ấy để rồi anh đã đích thực trở thành một Nhà Báo – Nhà Văn luôn mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho đời và mang lợi ích cho xã hội.
           Trong khối lượng đồ sộ “sản phẩm” là những tác phẩm Báo chí và Văn học Nghệ thuật của mình – Với nhiều sắc màu và thể loại khác nhau nhưng có lẽ mảng đề tài về chiến tranh; về Trường Sơn được anh quan tâm hơn cả.
           Chiến tranh và Trường Sơn cứ canh cánh trong anh – Anh mãi không bao giờ muốn xa rời nó… Và chính vì lý do ấy mà anh đã trở thành một trong số ít người từng là thành viên sáng lập ra Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn toàn quốc (nay là Hội Trường Sơn Việt Nam). Với cương vị là Ủy viên Thường vụ BCH Hội và đảm nhận vị trí Trưởng Ban Tuyên truyền thi đua của Trung ương Hội. Anh dành nhiều thời gian cho công việc “Vác tù và hàng Tổng” để đổi lại có được cái vô giá, đó là “Truyền thống và nghĩa tình Trường Sơn”. Song song với bộn bề công việc Hội anh vẫn viết và còn viết nhiều hơn. Cuốn Tiểu thuyết của anh vừa mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành mang tên “ Tám ngày định mệnh” là câu chuyện kể có thật về tình yêu và số phận đặc biệt của đôi trai gái Việt – Lào với một anh lính tình nguyện Bộ đội Trường Sơn và một cô gái Lào thủy chung, xinh đẹp… Cái đặc biệt và lớn hơn là song trùng cùng câu chuyện này là một ý tưởng “rất đắt” đó là tác giả biết dẫn câu chuyện đi đến như một điều khẳng định cái trong sáng, thủy chung trong câu chuyện được gắn liền và gìn dưỡng từ mối tình thủy chung son sắt đặc biệt giữa hai dân tộc Việt – Lào anh em…
           Nhận cuốn Tiểu thuyết do chính tác giả gửi tặng – Ban Biên tập Trường Sơn không có ý phân tích bình họa hoặc tô vẽ nào khác cho tác giả và tác phẩm, mà muốn giữ nguyên hồn cốt của nó để rồi được chuyển tải tới các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn một tác phẩm đầy ắp bóng hình Trường Sơn của một người lính Trường Sơn.
           Xin trân trọng cảm ơn tác giả - Nhà Báo - Nhà Văn Phạm Thành Long. Xin trân trọng lần lượt giới thiệu toàn văn cuốn tiểu thuyết “ Tám ngày định mệnh” tới các đồng chí và bạn đọc .

 
BAN BIÊN TẬP
 
 
LỜI TÁC GIẢ
 
         “… Trong các cuộc chiến tranh trên thế giới, ít thấy có một nước nào cho nước khác mượn đất, để phục vụ cho cuộc chiến tranh của nước họ. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nước Lào đã chủ động, tự nguyện cho Việt Nam mượn gần một nửa phần đất Trung - Hạ Lào…” Câu nói từ gan ruột ấy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tại cuộc “Gặp mặt kỷ niệm tình hữu nghị chiến đấu Việt - Lào trên Trường Sơn, ngày 8/9/2012”, cứ hằn lên trong tôi, cứ đeo đuổi tôi - một người lính Trường Sơn năm nào.
         Đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ chủ yếu được xây dựng và phát triển ở Tây Trường Sơn - Trung và Hạ Lào. Có biết bao câu chuyện cảm động về tình đoàn kết chiến đấu anh em đặc biệt Việt - Lào trên đại ngàn Trường Sơn ngày ấy…
         “Tám ngày định mệnh” là câu chuyện tôi muốn kể về số phận đặc biệt của một đôi trai gái Việt - Lào. Lê Bình - một chàng trai Việt - một người lính tình nguyện của Bộ đội Trường Sơn và Bun Hoa - một cô gái Lào xinh đẹp, chân thật và thủy chung. Thực tế của cuộc chiến tranh đã gắn kết số phận của họ, giúp họ vượt qua tập tục và văn hóa để đến với nhau. Trải qua thử thách nghiệt ngã của chiến tranh, mối tình của họ đẹp như hoa Chăm pa. Tình yêu của họ đã “đơn hoa, kết trái”… Số phận của họ, tình yêu của họ dường như là một phần của số phận và mối tình thủy chung son sắt đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Lào suốt 30 năm của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam và đất nước Lào anh em…
         “Tám ngày định mệnh” - không chỉ là câu chuyện kể về 192 giờ định mệnh giữa chàng trai Việt và cô gái Lào. Hành trình trở lại Trường Sơn, trở lại đất nước Lào để thực hiện lời thề ước với người yêu của chàng trai Lê Bình, bạn sẽ được chứng kiến biết bao câu chuyện bất ngờ về những số phận con người mà chiến tranh đã mang đến cho họ…
         “Tám ngày định mệnh” là lời tri ân cố Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và bao đồng đội Trường Sơn của tôi hôm qua và hôm nay.
Phạm Thành Long
  -------------------------------------------------------
NGƯỜI “TẬN TỤY” VỚI
TRANG VIẾT TRƯỜNG SƠN
Nhà báo Nguyễn Đức Quang
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
 
         Ký ức về những năm tháng chiến tranh như mãi còn hằn sâu trong tâm khảm, tình cảm của nhà văn - nhà báo Phạm Thành Long - người lính của Trường Sơn đại ngàn năm xưa.
         Dẫu đã đọc, đã biết về Trường Sơn qua những tác phẩm anh đã viết, đã gửi tới bạn đọc: Lính Trường Sơn kể chuyện Trường Sơn (Tập truyện - NXB Kim Đồng - 2011), Thuốc tiên Trường Sơn (Tập truyện - NXB Thanh niên 2011), Chiếc nhẫn đính hôn (truyện ký - NXB Thanh niên - 2014), Đêm cuối cùng ở Trường Sơn (truyện vừa - NXB Hội Nhà văn - 2018), Truyện Trường Sơn - Người Trường Sơn (truyện ký - NXB Thanh niên - 2020)… nhưng cầm trên tay bản thảo Tám ngày định mệnh (tiểu thuyết) tôi đã bị cuốn hút ngay từ những trang đầu, chương đầu của tác phẩm.
         Câu chuyện tình đẹp của người lính Lê Bình và cô gái Lào xinh đẹp Bun Hoa diễn ra trong tám ngày ngắn ngủi đã trở thành bản tình ca của những lứa đôi, của một thế hệ cầm súng, dâng hiến tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc. Mối tình của họ cũng là kết tinh cho tình cảm hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt - Lào trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhà văn - nhà báo Phạm Thành Long đã dành những tình cảm trân trọng nhất của mình để viết về họ, về tình cảm lứa đôi trong sáng ấy. Bạn đọc chắc sẽ yêu hơn tâm hồn của những người lính trận, yêu hơn phẩm chất, tình cảm của những người anh em đất nước Triệu Voi thân yêu.
        Hành trình trở lại nước Lào của người lính Lê Bình cũng là hành trình của cuốn tiểu thuyết với những ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm, ký thác. Tác giả đã dẫn dắt người đọc bằng lối kể chuyện chân thực, dung dị với bao bất ngờ “mà ở Trường Sơn cái gì cũng có thể xảy ra”. Ai có thể ngờ người con gái chăm sóc tà hàn Việt Lê Bình ở chòi càphê khi anh bị thương lại chính là cô y tá năm nào đã anh khen nhầm “xẹp lái” (ngon lắm). Ai có thể ngờ giữa khung cảnh rừng núi hai anh em họ ở hai chiến tuyến lại gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le. Đó là một dụng công, sáng tạo của tác giả. Dường như những bất ngờ ấy làm cho người đọc bị cuốn hút theo ngòi bút của tác giả, làm cho mỗi sự việc, mỗi số phận thêm sinh động, sâu sắc.
        Thật vậy, tám ngày trở lại nước Lào thực hiện lời thề ước với cô gái Bun Hoa của Lê Bình, tác giả đã giúp bạn đọc nhìn rõ hơn, hiểu rõ hơn những số phận trong cuộc chiến, về Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt.
         Chiến tranh đã lùi xa, nhà văn - nhà báo Phạm Thành Long đã có dịp chiêm nghiệm quá khứ và hiện tại, trở về “tâm thế” của con người thời bình. Những trang viết mà tác giả dành cho ngày trở lại Trường Sơn của Lê Bình thật ấn tượng, chỉ có những người lính mới đồng cảm được như thế.
       “Lê Bình sải bước. Con đường Trường Sơn dưới chân anh bây giờ thật khác lạ. Bốn bề tĩnh lặng. Tĩnh lặng đến nỗi cũng có thể nghe rất rõ tiếng bước chân của mình. Và anh cũng cảm nhận rất rõ sự cô đơn giữa đại ngàn Trường Sơn. Con người trở nên thật bé nhỏ giữa thiên nhiên. Chuyến đi của mình có mục đích. Không vô vọng. Mình không rơi vào sự cô đơn gần như tuyệt vọng giữa hoang đảo như Robinson. Nhưng lúc này Lê Bình đã cảm nhận được thế nào là sự cô đơn giữa thiên nhiên…”
      ...“Lúc này không phải là cuộc hành quân gấp gáp vào chiến trường. Bữa ăn của Lê Bình thật khác xưa. Một mình anh ngồi trên tảng đá lớn giữa đại ngàn Trường Sơn. Trời đã nhá nhem tối. Bình vẫn thong thả nhai từng miếng cơm nóng thơm ngập mùi muối vừng trong mồm. Anh đã tìm thấy cái cảm giác như ngày nào ăn cơm nắm giữa trưa trên đường hành quân, trên đường giao liên Trường Sơn. Nhưng lúc này cảm giác thì hơi khác, không phải ăn vội vàng, không phải thiếu chất…”

        Tám ngày định mệnh có nhiều trang “đồng cảm” như vậy. Với “tạng” của mình tôi thấy hợp nên trích một số đoạn trên, có chút gì của “nỗi buồn chiến tranh” thời hậu chiến. Viết như vậy gợi nhiều cho bạn đọc, đó là thành công của tác giả với mảng đề tài chiến tranh cách mạng.
       “Tận tụy” với những trang viết về Trường Sơn - nhà văn - nhà báo - người lính  Phạm Thành Long qua mỗi trang viết không chỉ tri ân đồng đội mà còn mong muốn những năm tháng hào hùng của cha anh luôn được khơi dậy, sống mãi với các thế hệ bạn đọc. Bởi có được những trang viết ấy là bao nhiêu máu xương, hy sinh, được đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân của mỗi người lính. Thế nên những giá trị tinh thần đã và đang nuôi dưỡng cảm xúc, tình cảm của mỗi độc giả hôm nay cần được giữ gìn, trân trọng.
        Đề tài chiến tranh giữ nước, cảm hứng Trường Sơn vẫn còn dạt dào trong mỗi suy nghĩ, trăn trở của nhà văn - nhà báo Phạm Thành Long. Chắc chắn bạn đọc sẽ còn hy vọng - còn được đọc thêm những tác phẩm về một thời Trường Sơn sau Tám ngày định mệnh của anh. Đó là niềm mong chờ chính đáng và cần thiết.
 
tin tức liên quan