Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 1)

Ngày đăng: 07:57 28/08/2020 Lượt xem: 481

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 
(Tiếp theo)
 
CHƯƠNG I
Gặp bạn trước lúc trở về quê hương
  
         Ngày 15 tháng 11 năm 1975
         Cầm giấy xuất ngũ trong tay, Lê Bình bước ra khỏi Tiểu ban Quân lực trung đoàn. Anh tìm một gốc cây trong vườn hoa trước cơ quan Trung đoàn bộ. Bình rơi vào tình trạng bâng khuâng. Anh vừa thấy vui vì sau sáu năm khoác áo lính chiến đầu ở Nam Lào, bây giờ sắp được trở về với mẹ, với quê hương, không gì vui bằng. Mẹ mình sắp bước vào tuổi sáu mươi, tóc chắc đã có nhiều sợi bạc. Cái Loan không biết đã đi lấy chồng chưa? Còn anh trai Lê Hòa bây giờ thế nào? Anh ấy vào chiến trường sâu hơn mình. Nghe nói chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ kia? Liệu anh có hề hấn gì không? Lê Bình ở đơn vị bộ binh Trường Sơn phải cơ động thường xuyên nên việc nhận thư từ quê nhà gặp khá nhiều khó khăn. Từ ngày vào chiến trường, anh mới chỉ nhận được vẻn vẹn ba lá thư. Mà chiếc cuối cùng cũng đã hơn hai năm rồi… Về quê, mình làm gì đây? Đi học đại học hay ở nhà làm nông nghiệp? Nghe mấy đứa bạn trong đơn vị kháo nhau, bây giờ muốn xin đi thoát ly nếu không có người quen thì khó khăn lắm.”Nhất thân, nhì quen” mà! Câu ngạn ngữ ấy bây giờ trở nên rất nghiệm trong cuộc sống. Sau chiến tranh, người cởi bỏ áo lính thì nhiều mà công việc ngoài dân sự lại chưa nhiều… Một cuộc đua tranh đang diễn ra trong việc tìm kiếm việc làm sau chiến tranh khó khăn hơn lúc nào hết… Lê Bình nghĩ, đó cũng chỉ là sự đồn đoán, đưa tin của cánh lính tráng trong đơn vị mà thôi. Có ai đã vào cuộc đâu mà biết rõ thực hư? Cứ xin về quê cái đã. Sau ngần ấy thời gian ở chiến trường, bây giờ được trở về nhà gặp bố mẹ và họ hàng là nhu cầu số một đối với Lê Bình. Anh vô cùng háo hức lên trung đoàn làm thủ tục ra quân…
        Nhìn tờ quyết định ra quân trên tay, Lê Bình mỉm cười với chính mình. Phục viên không có nghĩa là chấm hết sự bay nhảy. Trong tay anh còn có một tờ giấy khá đặc biệt. Nó có thể là cứu cánh cho mình rời khỏi quê hương. Bình nhìn tờ giấy giới thiệu gửi Tỉnh đội Hà Tây của Trung đoàn mà anh đang cầm trên tay. Đấy là món quà mà Nguyễn Hà - đứa bạn học đồng hương đã bất ngờ “tặng’ cho Lê Bình.
         Chuyện là thế này. Chiều qua, Bình đang lớ ngớ hỏi thăm đường đến Tiểu ban Quân lực - nơi giải quyết các chế độ cho lính tráng của Trung đoàn thì bất ngờ anh gặp Nguyễn Hà. Hà cùng tuổi Bình. Nguyễn Hà học khác lớp Bình nhưng cùng tốt nghiệp lớp 10 một khóa. Hai đứa cùng huấn luyện trong một tiểu đoàn và cùng được bổ sung vào chiến trường một đợt. Hà cùng xã với anh. Trên đường đi học, Bình thường phải đạp xe đi qua làng của Hà. Hằng ngày, hai đứa cùng đạp xe đi học nên Bình và Hà khá thân thiết. Chiến đấu dũng cảm, Nguyễn Hà may mắn được thăng tới chức đại đội trưởng. Nói là may mắn cũng đúng. Vì chỉ trong một mùa khô mà Nguyễn Hà được lên tới ba cấp. Từ tiểu đội trưởng, anh lên chức trung đội phó chỉ sau một trận đánh. Trung đội phó trực tiếp của anh hy sinh. Trong số ba tiểu đội trưởng của trung đội thì Nguyễn Hà là tiểu đội trưởng “cứng” nhất. Thế là anh được chỉ định giữ chức trung đội phó ngay trong trận chiến đấu giải phóng Viêng Thoong đầu năm 1972. Trong trận chống phản kích chiếm lại Viêng Thoong của địch, Nguyễn Hà chiến đấu dũng cảm, chỉ huy thông minh, anh được chỉ định thay trung đội trưởng được bổ nhiệm làm đại đội phó ngay trong cuộc chiến chống phản kích ấy. Thế là chỉ sau hai tháng, Nguyễn Hà được thăng tới hai chức. Cuối mùa khô năm 1972 trong cuộc chiến đấu chống bọn ngụy Lào nống lấn từ Pắc Soòng ra, Nguyễn Hà được chỉ định làm đại đội phó… Mùa khô năm 1973, anh được bổ nhiệm giữ chức đại đội trưởng… Sau hòa bình anh được điều động lên làm Phó Trưởng tiểu ban Quân lực của Trung đoàn… Còn Bình mới chỉ là thượng sĩ, trung đội phó… Bình cảm thấy có cái gì đó tủi thân. Nhưng rồi anh tự an ủi mình: Con người ta có số phận cả. Trời cho ai may mắn thì người đó được hưởng… Trải qua bao nhiêu trận chiến đấu, tuy không lành lặn nhưng ít ra cũng giữ được cái gáo là may mắn lắm rồi. Nhiều cậu trong tiểu đội, trong trung đội của mình mãi mãi nằm lại trên đất Lào thì hôm nay có được về quê hương như mình đâu. Chậc! Tổ tiên đã phù trợ cho mình nên mới được may mắn như bây giờ! So sánh làm gì…
Bất ngờ gặp Nguyễn Hà, đêm ấy hai đứa đã dốc bầu tâm sự gần như suốt đêm không ngủ. Khi biết Nguyễn Hà là xếp phó ở Quân lực Trung đoàn, Lê Bình vô cùng ngạc nhiên trước sự thăng tiến của bạn. Đêm ấy, Hà đã hỏi Bình:
- Thế đồng hương đã tính chuyện về nhà làm gì chưa?
- Chưa. Mình chưa nghĩ đến. Cứ về nghỉ ít ngày đã rồi tính sau. Nói thế thôi chứ Lê Bình đã có dự tính trong đầu rồi. Anh không muốn chia sẻ với bạn.
- Nếu thế thì không ổn đâu. Cậu phải tính từ bây giờ mới được. Không thể được chăng hay chớ như thế! Cậu phải tính toán cuộc đời cho chính mình chứ không ai tính thay cho cậu đâu. Theo mình cậu nên ôn tập và thi tiếp vào đại học. Ngày trước cậu học cũng giỏi mà. Như thế cậu sẽ có tương lai tốt hơn. Quê mình bán sơn địa. Dù đất đai rộng đấy nhưng với vùng đất mà gạt đi lớp đất dày ba bốn mươi phân là toàn thấy đá ong rồi, khó mà phát triển được lắm. Đất ấy chỉ trồng sắn là thích hợp. Thử hỏi, giàu lên sao được. Bám ở quê hương, làm sao mà mở mắt ra được. Cậu hãy tính con đường thoát ly cho mình đi…
         Nghe Nguyễn Hà nói, Lê Bình mới thấy nó lên chức nhanh là phải. May mắn chỉ là “xúc tác” để tốc độ nhậm chức của nó nhanh hơn mà thôi. Nó có suy nghĩ “dài hơi” hơn mình. Đấy là điều khác biệt giữa mình và Hà. Mình có ghen tỵ với nó cũng chả được. Bạn mình xứng đáng. Làm cán bộ phải cần có cái nhìn xa, trông rộng như nó…
Còn Hà, lúc này mắt anh nhìn ra xa. Công việc giải quyết chính sách cho ngần ấy chiến sĩ của Trung đoàn mà bộ phận quân lực của anh đảm nhiệm không biết đến bao giờ mới ngớt đây. Giải quyết nghỉ phép, giải quyết chính sách ra quân, chuyển ngành, đi học… Chắc phải tới đầu năm 1976, mình mới có thể có điều kiện nghỉ phép về thăm quê. Hà cũng muốn được đi học lắm chứ. Chiến tranh như thế quá đủ rồi. Bây giờ là lúc phải tự lo cho tương lai của chính mình thôi. Anh đã mạnh dạn thăm dò Tham mưu trưởng - thủ trưởng trực tiếp của anh về nguyện vọng được chuyển ngành đi học. Chưa trình bày hết câu, ông Dũng ấy đã nhảy dựng lên:
- Cậu không thấy cơ quan đang có một núi công việc sau chiến tranh à? Giải quyết chính sách cho cánh lính đi qua chiến tranh, rồi chuyện tiếp nhận lính nghĩ vụ bổ sung, thay thế… Cậu mà đi, lấy ai làm việc đây? Cậu là người có triển vọng nhất cơ quan này. Một sĩ quan tốt nghiệp cấp 3, lại đã trải qua kinh nghiệm chiến đấu ở cơ sở. Không đi đâu hết nhá.
         Nghe ông ấy tuôn ra một tuyên bố xanh rờn như thế, Hà thất vọng vô cùng. Nhưng anh vẫn cố phân trần:
- Anh tạo điều kiện cho em đi. Quân đội không phải là nghề phù hợp lâu dài với em, anh ạ.
         Nghe Hà nói thế, ông Dũng lại nhảy dựng lên:
- Thế cậu bảo mặc áo lính là phù hợp với những thằng như tớ hả? Đất nước cần thì chúng ta mới phải cầm súng.           Chả lẽ cậu không hiểu điều đó!
         Hà cười, tiếp tục phân trần:
- Em hiểu chứ anh. Nhưng bây giờ đất nước được thống nhất, hòa bình đã trở về với dải đất hình chữ S rồi… Những thanh niên ra đi cầm súng như em chả lẽ lại không có quyền mơ ước cho tương lai của mình ư anh? Anh đừng chụp mũ cho em là dao động tư tưởng đấy nhé. Ngày trước bom đạn thế mà em chả ngán nữa là…
- Này! Tham mưu trưởng giật giọng - Cậu nghĩ tớ máy móc và hẹp hòi thế sao? Tớ hoàn toàn thông cảm với nguyện vọng của cậu. Tớ đây này, trước khi mặc áo lính, là một anh trung cấp điện. Tớ cũng mong được chuyển ngành về lại cơ quan cũ lắm chứ. Nhưng cậu thấy đấy. Sư đoàn, rồi Trung đoàn của mình vừa mới về đứng chân ở địa bàn này, có biết bao công việc phải làm sau chiến tranh. Nếu đội ngũ cán bộ ra đi hết thì lấy ai làm việc kia chứ? Trong lúc này mà chỉ nghĩ cho mình cũng là tội ác đấy, cậu hiểu chưa?...
         Nghe giọng gay gắt của Tham mưu trưởng Dũng, Nguyễn Hà cảm thấy tự ái. Máu trong người anh dần dật. Anh định phản ứng lại. Bao nhiêu năm cầm súng đối mặt với kẻ thù, anh đâu có ngán. Vậy mà hôm nay khi nghĩ tới nguyện vọng cá nhân một chút thì lại bị chụp cho cái mũ là “tội ác” không thể tha thứ… Nhưng rồi anh kịp bình tâm trở lại. Hà biết, kể từ khi được điều lên quân lực, Tham mưu trưởng Dũng rất yêu quý mình. Nghĩ kỹ thì thấy cũng có cái khó của anh ấy. Phải thông cảm cho anh ấy. Lãnh đạo nói như vậy mà không phải vậy…
         Lê Bình đặt tay lên vai bạn. Nguyễn Hà mới dứt được mạch suy nghĩ.
- Thế bao giờ cậu đi phép về thăm nhà? Lê Bình hỏi.
- Chắc phải đầu năm 1976. Cậu thấy bọn tớ bận ngập đầu thế này thì đi sao được.
         Bình nhìn thẳng vào mắt Hà. Bình lưỡng lự:
- Không biết tớ có nên tham khảo cậu chuyện này không? Hà đập tay vào vai người bạn học, cười:
- Nếu cậu vẫn coi tớ là bạn thì nói đi!
- Tất nhiên cậu vẫn là bạn của tớ. Mặc dù cậu bây giờ đã đeo lon trung úy rồi. Còn tớ thì chỉ là một thượng sĩ quèn… Đó không phải là lý do tớ định tham khảo cậu. Nhưng thôi. Chuyện cá nhân ấy mà.
         Nguyễn Hà cầm lấy tay bạn, lắc lắc, giục:
- Có gì thì nói đi. Hay cậu cần tiền hả?
- Không! Không phải chuyện tiền nong. Đây là chuyện riêng của tớ. Nhưng thôi, tớ nghĩ trao đổi với cậu lúc này e chưa thích hợp. Vì tớ chưa nghĩ về nó một cách chi tiết… Nhưng thôi. Không sao đâu!
- Này! Mày nghĩ - lúc này Nguyễn Hà đã thay đổi cách xưng hô, chứng tỏ anh đã bực mình với sự dền dứ, ỡm ờ của thằng bạn học. Từ ngày còn đi học, chưa bao giờ Hà thấy Bình có thái độ như thế. Tính nó mình chả lạ gì. Có điều gì nó chả để bụng được lâu. Những ngày cùng đạp xe đi học ở trường huyện, mình và nó có giấu nhau chuyện gì - tao bây giờ không còn đủ tin cậy để mày trao đổi như ngày xưa nữa à?
         Sự lưỡng lự của mình khiến bạn hiểu lầm, nghĩ thế, Bình nắm lấy tay bạn:
- Cậu hiểu lầm tớ rồi. Chuyện là… tớ định tham khảo ý kiến của cậu về việc… mình định quay trở lại Lào ấy mà.
- Cậu nói sao! Quay trở lại Lào? Cậu quay trở lại chỗ nào và quay lại làm gì? Nguyễn Hà hỏi một thôi một hồi, trong khi hai tay thì nắm lấy tay bạn lắc lắc giục bạn trả lời.
         Lê Bình nhìn bạn. Rồi mắt anh cụp xuống. Trong anh ngổn ngang như nỗi tơ vò. Liệu có nên nói thật với bạn về ý định của mình không? Nếu thế phải thú nhận với nó tất cả. Như thế có nguy hiểm không? Liệu bí mật mà anh tiết lộ với Hà, có được nó giữ kín không? Nếu chuyện đến tai trung đoàn thì liệu mình có bị kỷ luật? Và liệu mình có được ra quân?... Tốt nhất là không nên nói thật với nó. Dù nó là bạn học, nhưng giờ thì vị trí và trách nhiệm của nó đã khác rồi… Biết đâu đấy… Bình tự trách mình mau miệng. Cái bệnh của anh từ thuở học trò. Vào lính, mình đã tự kiềm chế đi nhiều. Nhất là khi đã khoác trên mình trách nhiệm của một trung đội phó. Cuộc chiến đối mặt với cái sống, cái chết chỉ trong tích tắc đã khiến Lê Bình phải thay đổi. Anh đầm tính hơn trong suy nghĩ và ứng xử… Thế mà không hiểu sao hôm nay mình lại tồng tộc với nó kia chứ! Đã lỡ hỏi nó rồi thì phải tìm cách đánh lạc hướng cho qua thôi. Nghĩ vậy, Lê Bình ngẩng lên nhìn Nguyễn Hà:
- Tớ tính nước định quay trở lại Saravan làm ăn kinh tế ấy mà?
- Cậu không nói đùa chứ? Cụ thể, cậu định làm gì ở bên đó?
- Thì cậu biết rồi đấy, Saravan là vùng đất đỏ bazan, trồng cây gì tốt cây đó. Tớ sẽ trồng cà phê, trồng cây ăn quả chẳng hạn. Đất quê mình như vậy, làm ăn sao bằng ở bên đó được…
- Nhưng cậu có biết khí hậu bên đó khắc nghiệt như thế nào không? Sáu tháng mùa mưa. Giao thông lại chưa phát triển, liệu trồng được rồi, cậu mang đi bán bằng cách gì khi không có đường, không có xe cộ, hả? Cậu có tính hết được chuyện đó không? Đồ điên. Nói rồi Nguyễn Hà đứng dậy.
- Thôi, đi làm thủ tục đi. Nhưng mà này: Cậu nghĩ kỹ rồi hãy quyết định nhé. Kẻo sang được vài bữa lại khăn gói quay về thì dân làng, bạn bè họ cười vào mũi cho đấy. Lúc ấy, tớ sợ cậu lại khăn gói đi khỏi làng vì xấu hổ… Nhưng thôi, đấy là chuyện riêng của cậu. Là bạn, tớ chỉ khuyên thế thôi. Quyết định là do cậu. Chuyện của cậu cũng giống như khi xây dựng quyết tâm chiến đấu ấy. Ta phải tính toán kỹ lưỡng hết các tình huống có thể xảy ra để có phương án đối phó cho phù hợp. Chuyện đánh đấm ấy, cậu còn lạ gì. Nhưng tớ vẫn phải nhắc cậu để cậu nhớ mà thận trọng. Thôi. Tớ đi trước đây.
         Lê Bình nhìn theo Nguyễn Hà. Thằng bạn mình bây giờ nó khác xa thằng bạn thuở học trò rồi. Bom đạn và chiến trường đã nhào nặn nó, làm cho nó già dặn, chín chắn, trưởng thành hơn rất nhiều. Nghe những lời nói của nó mình mới biết, cuộc đời nó không chỉ gặp may. Nó đã vượt lên chính mình để nhanh chóng trưởng thành… Điều này thì mình thật sự thua kém Nguyễn Hà…
(Còn nữa) 
 
tin tức liên quan