Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 4)

Ngày đăng: 06:48 31/08/2020 Lượt xem: 425

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
(Tiếp theo 4)
CHƯƠNG IV
Lớp y tá trong rừng
         
         Ngày 20 tháng 5 năm 1971
Bun Hoa đeo gùi bước ra khỏi nhà. Cô vui lắm, cứ nhảy chân sáo. Vừa đi, cô vừa hát. Hát những câu hát tình yêu. Con gái bước vào tuổi đang yêu thật lạ. Tuổi mười bảy, cái tuổi tràn đầy năng lượng của Bun Hoa căng tròn mơ mộng và sự háo hức khám phá. Bun Hoa dễ vui mà cũng dễ buồn đấy. Cô không tự lý giải được tại sao mình lại thế. Không biết có phải tại con gái khi bước sang tuổi biết yêu đều thế hay chỉ riêng cô?...Là lá la… Cô lại cất tiếng hát. Kệ đời đi. Cứ vui cái đã…
         Chợt cô nhớ, hôm qua, cả nhà nhận được thư của anh cả Bun Lợt. Anh báo tin: “Phò mẹ và hai em à. Con được đơn vị chọn sang Việt Nam để học thành sĩ quan đấy. Xa lắm. Cán bộ nói phải đi bộ mất gần hai tháng mới đến chỗ học. Cái trường mà con học không xa Thủ đô Hà Nội đâu. Bên Việt Nam lúc này cũng đang có chiến tranh như ở bên Lào mình mà. Bọn Mỹ ác lắm. Nó dùng máy bay ném bom khắp đất nước Việt Nam. Nhưng cán bộ bảo bên đó vẫn sướng hơn nhiều bên Lào mình. Chỉ hai năm thôi mà. Sau hai mùa cà phê là con lại trở về. Phò mẹ và các em đừng lo cho con nhé…” Cái đầu đang nhớ lại bức thư của anh trai thì cô bất ngờ gặp Trưởng bản. Ông gọi giật giọng:
- Bun Hoa à!
         Cô ngạc nhiên đứng lại.
- Có tin vui cho cháu đây này.
- Tin gì vậy già?
- Mày được chọn đi học y tá do bộ đội Việt Nam dạy cho đấy.
         Tưởng tai mình nghe lầm, Bun Hoa hỏi lại:
- Già nói gì cơ? Con được đi học ư?
- Mày được đi học thành y tá về chữa bệnh cho dân bản. Hiểu chưa?
- Thật thế ư? Thế bao giờ thì được đi ạ?
- Ba ngày nữa mày phải lên huyện tập trung.
- Thế già có biết học ở đâu không?
- Học ở đâu thì tao không biết. Tao chỉ được ông Bun Lươn, cán bộ trên huyện báo là huyện đã chọn mày được đi học. Vì mày có anh là bộ đội Pha Thét, hiểu chưa. Gắng mà học cho giỏi về chữa bệnh cho bà con dân bản, con nhé.
- Thế bản mình có những ai được đi học y tá, hả già?
- Chỉ có mày thôi à. Vì mày biết đôi chút tiếng Việt, anh mày lại là bộ đội Pha Thét nên mày được ưu tiên đấy. Cố gắng lên con nhé! Nói rồi ông vỗ vai Bun Hoa gửi gắm tin tưởng.
Trưởng bản đi rồi. Bun Hoa vẫn đứng ngẩn người ra. Cô lâng lâng vui đến bần thần. Đây là sự thật ư? Thật không tin nổi. Chỉ ít ngày nữa thôi, mình sẽ được đi học để trở thành một y tá ư? Nhưng làm y tá thì làm những công việc cụ thể gì, và phải học bao lâu để có thể chữa bệnh cho người khác?... Hàng loạt câu hỏi cứ dồn đến trong đầu cô. Đôi chân Bun Hoa sao nặng thế. Cô vội ngồi thụp xuống, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt. Phải một lúc lâu cô mới định thần trở lại… 
         Bun Hoa cùng với bảy cô gái khác trong huyện được chọn đi học lớp y tá lần này. Tại một bến sông, họ được một chiếc thuyền của bộ đội Việt Nam trở qua bên kia sông. Bến vượt sông ở đây thuộc bản Bạc nên bộ đội Việt Nam gọi luôn sông này là sông Bạc. Còn Bun Hoa và người Lào thì gọi tên con sông này là sông Sê Công.
Bun Hoa và nhóm học viên phải đi hơn một giờ luồn rừng theo đường giao liên Trường Sơn, rồi rẽ trái đi tiếp hơn nửa giờ nữa mới tới địa điểm của lớp học.
         Nơi này là một cánh rừng nguyên sinh. Ở đây có rất nhiều cây gỗ lớn cao tới ba bốn chục mét. Có cây to phải hai ba người ôm. Trước khi bộ đội Việt đặt chân tới đây thì khu rừng này đã in dấu chân người chưa thì không ai biết. Bởi vì những cánh rừng thì rộng mà người Lào lại ở rất thưa thớt. Ở Trường Sơn có rất nhiều cánh rừng cả ngàn đời không hằn dấu chân người… Lá rừng rụng tầng tầng lớp lớp. Đi trên thảm lá rừng ấy, chân người ta bị thụt xuống đến ngang bụng chân. Các tán cây ở đây ken dày vào nhau nên mặt đất rất ít ánh nắng. Trước mắt Bun Hoa như một thế giới khác mà cô chưa bao giờ nhìn thấy. Mặt đất dưới những tán cây được dọn sạch sẽ. Những căn nhà lợp bằng nứa núp kín dưới tán cây rừng. Những căn nhà ở đây rất lạ. Nó được đào sâu xuống dưới đất. Bên trên được bộ đội Việt rải một lớp gỗ ken dày để chống bom đạn. Phía bên trên mái nhà được lợp bằng những cây nứa chẻ ra thay cho những tấm cỏ tranh. Bên dưới mỗi nhà hầm đều có những chiếc hầm tránh bom rất chắc chắn. Nơi này có hàng chục ngôi nhà hầm như thế. Mỗi ngôi nhà cách xa nhau từ năm mươi đến một trăm mét. Có những con đường được lát bằng gỗ nối các ngôi nhà với nhau. Các cô được giới thiệu nơi đây là một bệnh xá lớn của bộ đội Việt. Bun Hoa thấy có nhiều bộ đội Việt ngồi chơi bên những chiếc bàn ghế được làm bằng nứa đặt trước các ngôi nhà. Có anh quấn băng trên đầu. Có anh quấn băng ở tay hoặc chân… Họ là thương bệnh binh đang được điều trị ở đây… Nếu không tận mặt thấy một bệnh xá giữa rừng như thế này, Bun Hoa không bao giờ có thể tưởng tượng ra dưới tán rừng Lào lại có “một cái bản” nhiều nóc nhà và cư dân là những tà hàn Việt đông đúc như thế.
         Bun Hoa được dẫn về những ngôi nhà phía cuối bệnh xá. Có tới hơn mười ngôi nhà hầm khá lớn dành cho các học viên như Bun Hoa ở. Một cái nhà hầm lớn ở giữa các ngôi nhà hầm dành cho các học viên. Nơi này theo hướng dẫn, đó là hội trường dành cho lớp học y tá.
         Tám cô gái đến từ Viêng Thoong của Bun Hoa về lớp học muộn nhất. Hơn hai mươi cô gái Lào đến từ các huyện khác trong tỉnh đã có mặt ở đây từ sáng sớm. Thấy nhóm của Bun Hoa đến, các cô chạy ra đón chào tíu tít, dù tất cả đều không quen biết nhau. Có rất nhiều bộ đội Việt ở các ngôi nhà hầm bên cạnh. Họ cũng được chọn về đây để học y tá như các cô gái Lào.
         Tốp học viên huyện Viêng Thoong của Bun Hoa được ở chung trong một ngôi nhà hầm. Mỗi người ngủ trên một chiếc giường làm bằng gỗ rừng. Mặt giường được lát bằng những tấm nứa. Học viên đều được phát chăn màn, bát đũa, đồ dùng cá nhân đầy đủ như bộ đội Việt. Mỗi bên nhà hầm kê bốn chiếc giường rất gần nhau. Ở giữa là lối đi. Giữa ban ngày, mà ngôi nhà hầm khá tối. Hầm được đào sâu dưới đất khoảng hơn một mét. Xung quanh nhà hầm được bộ đội ke bằng những cây gỗ xếp chồng lên nhau rồi đổ đất lên như một chiến lũy. Ánh sáng chỉ lọt chiếu qua khoảng trống sát với sàn gỗ lát bên trên và ánh sáng từ cửa nhà hầm chiếu vào. Bun Hoa không nghĩ bộ đội Việt lại cẩn thận xây dựng những ngôi nhà hầm phòng tránh bom đạn như thế.
         Bun Hoa là học viên cao nhất nhưng lại nhỏ tuổi nhất trong số các cô gái Lào học viên của lớp. Cô mười bảy tuổi. Còn tất cả các cô gái Lào khác đều mười tám, hai mươi. Những học viên y tá là bộ đội Việt thì nhiều tuổi hơn. Họ đến từ nhiều đơn vị của Binh trạm. Tất cả được chọn về đây để đào tạo thành y tá bổ sung cho các đơn vị.
         Bun Hoa và các học viên vô cùng háo hức chờ đợi. Rồi ngày đó cũng đến. 
         Buổi sáng cuối mùa khô. Một trận mưa rào bất chợt đổ xuống. Không khí dịu mát. Khu bệnh xá ngày thường giữa mùa khô cũng không có cảm giác nóng bởi nó được những tán cây cổ thụ che mát suốt ngày. Chỉ khi nào đi qua những khoảng nắng chiếu xuống mặt đất, người ta mới có cảm giác của mùa nắng nóng.
         Trong không khí dịu mát ấy, sáng nay là buổi khai mạc của lớp y tá. Các học viên từ các nhà hầm túa về hội trường lớn được dựng giữa bốn cây cổ thụ lớn. Hội trường đủ lớn để có chỗ cho cả trăm người ngồi. Có thể nói đây là một công trình nhà hầm vĩ đại. Bốn phía của nhà hầm đều có đường giao thông hào dẫn về các ngôi nhà ở của các học viên. Vì ở đó có các hầm trú ẩn chữ A chắc chắn để ẩn nấp khi bệnh xá bị đánh bom.
         Sau bài phát biểu ngắn gọn của bác sĩ Chủ nhiệm Quân y Binh trạm, Bác sĩ Nguyễn Kha, bệnh xá trưởng cũng là chủ nhiệm của khóa học đã giới thiệu rất hấp dẫn chương trình và nội dung đào tạo của lớp y tá đầu tiên được mở tại chiến trường. Bác sĩ nồng nhiệt chào mừng hai mươi tám học viên Lào. Ông chúc các học viên - những cô gái xinh đẹp đến từ các bản làng của tỉnh Nam Lào có một trăm tám mươi ngày đáng nhớ tại lớp học này. Ông không quên nhắc những học viên bộ đội Việt đoàn kết giúp đỡ cho các cô gái Lào tiếp thu kiến thức, học được nhiều điều bổ ích từ lớp học này, kể cả học tiếng Việt…
         Bun Hoa hỏi Khăm Đi - người bạn gái đến từ bản Phồn. Cô cũng là người dân tộc Lào Thơng. Da tuy không được trắng như Bun Hoa nhưng khuôn mặt cô lại ưa nhìn. Bun Hoa có cảm tình với Khăm Đi ngay từ khi gặp mặt. Hai đứa nhanh chóng làm quen và kết thân ngay trên đường tới lớp học này.
- Khăm Đi nghe có hiểu không?
- Mình nghe được ít lắm. Tiếng Việt của mình chưa giỏi mà. Suy nghĩ một lúc, Bun Hoa giơ tay xin phát biểu. Bác sĩ Nguyễn Kha tươi cười chỉ tay mời Bun Hoa.
- Chúng em không biết nhiều tiếng Việt nên nghe chỉ hiểu chút chút thôi ạ. Bác sĩ cho người dịch sang tiếng Lào được không?
         Bác sĩ Nguyễn Kha chuyển sang nói bằng tiếng Lào:
- Thành thật xin lỗi các bạn. Binh trạm có cử một đồng chí chuyên gia dân vận xuống lớp của chúng ta làm phiên dịch. Rất tiếc, đồng chí Lê Hân đã không về kịp buổi khai mạc lớp sáng nay. Tôi hy vọng là đồng chí Lê Hân sẽ có mặt để giúp các đồng chí trong học tập. Nghe thế, các học viên Lào vỗ tay hoan hô không ngớt.
- Nhưng - bác sĩ Nguyễn Kha nói tiếp - Trong thời gian học tập tại đây, các đồng chí cố gắng học thêm tiếng Việt cho giỏi nhé. Cả lớp học lại vỗ tay…
         Sau đó đội văn công của Binh trạm đã biểu diễn một vài bài hát ca ngợi tình hữu nghị đoàn kết Việt Lào chào mừng lớp học. Các cô gái Lào ngạc nhiên và thích thú khi được giới thiệu “Chương trình do văn công của Binh trạm tới biểu diễn chào mừng”. Các diễn viên hát cả những bài hát bằng tiếng Lào rõ mà hay nữa.
Buổi khai mạc diễn ra nhanh gọn chỉ không đầy nửa giờ. Các học viên có mười lăm phút nghỉ giải lao, làm quen nhau. Trong số các học viên nam bộ đội Việt có nhiều anh biết một ít tiếng Lào. Họ tranh thủ trao đổi, làm quen với các cô gái Lào.
         Bun Hoa dắt tay Khăm Đi đi đến một vườn hoa nhỏ trước sân hội trường và các nhà ở của các học viên. Vườn hoa trồng mấy luống hoa rừng. Xung quanh được rào lại bằng những cây nứa đan vào nhau thành những hoa văn đẹp mắt. Mùa này hoa chưa trổ bông nhưng nhìn cũng rất đáng yêu. Nó tạo ra một không gian đẹp trong lòng “một doanh trại” núp dưới bóng cây ngàn. Nhìn cái vườn hoa nhỏ, Bun Hoa thấy cuộc sống của các anh bộ đội Việt ở đây thật yêu đời. Bước chân vào đây, nhìn cái vườn hoa xinh xinh này người ta không còn nghĩ tới bom đạn nữa. Cho dù từ đây đến những trọng điểm mà máy bay Mỹ đánh phá ngày đêm rất gần.
         Một anh học viên tiến lại bên Bun Hoa và Khăm Đi:
- Sa bai đi! Anh chào bằng tiếng Lào.
- Em chào anh! Cả Bun Hoa và Khăm Đi đều chào lại bằng tiếng Việt. Hai cô nhìn anh cười.
- Anh hãy nói tiếng Việt đi. Em còn “hụ” (biết). Bun Hoa chưa biết biết nói từ “biết” bằng tiếng Việt nên cô phải dùng tiếng Lào.
- Anh là Nguyễn Hoa.
- Em chào anh Nguyên Hoa. Khăm Đi chắp tay trước ngực, khẽ nhún chân và gật đầu chào lại. Tuy nhiên cô phát âm từ “Nguyễn” không có dấu. Thấy vậy, Nguyễn Hoa liền sửa phát âm cho cô.
- Nguyễn Hoa. Chứ không phải Nguyên Hoa. Em nói lại đi. Cả Bun Hoa và Khăm Đi cùng nói:
- Nguyễn… Hoa.
- Chốp lai lai. (Tốt lắm!). Nguyễn Hoa giơ ngón tay cái lên trước mặt, khen.
         Ba học viên đang say sưa trao đổi thì tiếng còi báo hết giờ nghỉ tuýt lên. Họ dắt tay nhau vào lớp. 
         Tiết học đầu tiên là bài học giới thiệu khái quát về y học. Bác sĩ Nguyễn Kha trực tiếp lên lớp. Rất may là giờ này phiên dịch Lê Hân đã kịp có mặt. Lần đầu tiên Bun Hoa được nghe giới thiệu lịch sử ra đời của y học, những thành công của y học hiện nay; những chuyên khoa hiện nay của y học thế giới và y học Việt Nam… Nghe vô cùng hấp dẫn. Điều ngạc nhiên với Bun Hoa và các học viên người Lào của lớp là không biết anh Lê Hân học ở đâu mà nói tiếng Lào giỏi và hay thế. Những từ về y học mà anh ấy cũng biết rành lại dịch tiếng Lào rất hay, rất đúng nữa. Nguyễn Hoa đã tới ngồi cạnh Bun Hoa và Khăm Đi. Anh rỉ tai Bun Hoa mách nhỏ: “Anh Lê Hân đang phiên dịch kia đã vào Trường Sơn từ năm 1961, sống với bà con người Lào từ năm 1962 đấy. Anh ấy là chuyên gia giúp huyện San Sây”.
         Bun Hoa cũng bắt chước Nguyễn Hoa giơ ngón tay cái lên và gật đầu với Nguyễn Hoa. 
         Theo chương trình của lớp y tá, Bun Hoa và các học viên sẽ được giới thiệu về các triệu chứng của một số bệnh thường gặp biểu hiện qua lâm sàng; kỹ thuật tiêm bắp, tiêm ven, tiêm mông; kỹ thuật điều trị các vết thương phần mền; kỹ thuật băng bó, cấp cứu gãy xương, cấp cứu ngoại khoa đơn giản; hiểu tính năng, tác dụng của một số loại thuốc thông thường; Những bài thuốc dân gian của Việt Nam trong điều trị một số bệnh thường gặp; cách điều trị bằng xông lá cây; kiến thức cơ bản về vệ sinh và phòng dịch; một số hiểu biết về dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho người bệnh… Đặc biệt, Bun Hoa và các học viên Lào rất thích thú khi được giới thiệu về dược lý một số cây thuốc sẵn có của Lào trong điều trị một số bệnh thường gặp. Nhiều lá cây, củ quả rất sẵn ở trong rừng, ngoài nương rẫy, ven bờ suối lâu nay Bun Hoa vẫn thường gặp nhưng lại không biết nó có tác dụng chữa bệnh. Thú vị nhất là việc sử dụng lá chanh, lá bưởi. Lâu nay, người Lào đâu có biết vỏ quả bưởi, lá cây bưởi lại dùng để gội đầu mượt và sạch tóc. Lá cây bưởi, cây chanh và lá cây xả lại là những lá cây dùng đun nước để xông hơi chữa cảm cúm rất tốt. Rồi việc nấu cháo với trứng gà và hành có tác dụng bồi bổ và chữa cho người cảm cúm. Các thầy còn hướng dẫn dùng cây ngải cứu thái nhỏ trộn với trứng gà, rán lên ăn rất tốt cho người mới bị ốm và người mới đẻ… vân vân và vân vân. Càng học Bun Hoa và các bạn sáng ra rất nhiều điều. Bun Hoa có cảm tưởng giống như mình đang bước vào một khu rừng lạ. Càng đi, càng khám phá ra bao điều kỳ thú về cây rừng, về hoa lá, cây cỏ lạ trong rừng.
         Mỗi tuần, lớp còn có hai tiết học tiếng Việt dành cho các học viên Lào và học tiếng Lào cho học viên Việt. Đấy là những tiết học luôn vang lên những tiếng cười thoải mái, thích thú.
         Khó nhất là những tiết học về dược. Nhiều tên thuốc kêu bằng tiếng nước ngoài rất khó nhớ. Các học viên lại còn phải nhận biết được cấu tạo bên ngoài của các loại thuốc thông thường, liều lượng dùng và tác dụng chữa bệnh của nó nữa. Riêng bài thực hành này, Bun Hoa đã được thầy cho điểm 9, còn Khăm Đi được điểm 8. Nhiều học viên Việt Nam đã được điểm 10. Thật tuyệt vời!.
         Nhưng run và hồi hộp nhất vẫn là việc thực tập chuyên môn y tá trong điều trị. Bun Hoa và Khăm Đi cùng các học viên đi xuống các nhà hầm nơi ở của các thương bệnh binh. Lớp học chia làm nhiều tổ, mỗi tổ chỉ 6 học viên. Mỗi tổ thực hành một chuyên môn khác nhau. Tổ của Bun Hoa, Khăm Đi và anh Nguyễn Hòa được thực hành tiêm cho thương bệnh binh. Nhìn bên ngoài tưởng là đơn giản, nhưng khi cầm chiếc bơm tiêm trên tay, Khăm Đi run lên bần bật. Bun Hoa cũng run nhưng cô cố trấn tĩnh để tiêm thành công. Tiêm ven vô cùng khó khăn. Mặc dù thuộc làu lý thuyết nhưng phải hai ba lần Bun Hoa lấy ven mới được. Trước khi tiêm, Bun Hoa đã động viên anh bộ đội bị thương ở cánh tay trái.
- Anh ơi, đừng sợ nhé. Em tiêm chỉ đau một ít ít thôi. Anh tên là gì ạ?
- Thế khi tiêm, y tá đều phải hỏi tên bệnh nhân hả em?
         Anh thương binh ngước nhìn Bun Hoa, cười hỏi lại.
- Em hỏi để còn biết mà gọi tên chứ.
- Tiếc quá. Sáng mai anh đã được ra viện rồi. Giá mà được em tiêm thuốc sớm hơn thì tốt quá nhỉ.
         Thấy sự thật thà của Bun Hoa, đồng chí thương binh nhìn Hoa động viên:
- Anh chịu đau được mà. Em “xẹp lái”! Có lẽ vì mới chỉ biết vài câu tiếng Lào nên đồng chí thương binh đã dùng sai từ ngữ. Lẽ ra anh phải nói “Ngam lai” - “đẹp lắm” thì anh lại dùng từ “xẹp lái” - tức là “ngon lắm”. Những người có mặt trong hầm biết tiếng Lào cười ré lên. Bun Hoa cũng cười. Cô còn đùa vui bằng tiếng Việt:
- Em “ngon lắm” cũng được mà. Không sao đâu anh!
         Mọi người lại cười vui một cách thoải mái, làm cho không khí trong hầm bệnh nhân vui vẻ và thân thiện quá. Vui nhất có lẽ là anh chàng thương binh đẹp trai kia. Tiêm xong, Bun Hoa mới quan sát kỹ hơn anh thương binh. Anh ấy có khuôn mặt rất con trai, da trắng trẻo, đôi mắt tình cảm. Cô ít gặp người con trai nào đẹp như anh thương binh này. Mà tên anh ta là gì nhỉ? Chưa kịp hỏi tên thì Khăm Đi đã cầm tay Bun Hoa:
- Đi thôi. Cậu đứng đây làm gì? Cô Kim dẫn học viên sang hầm khác để tiêm cho thương bệnh binh rồi. Đi nhanh lên.
         Rồi Khăm Đi kéo thốc Bun Hoa đi. Ra tới cửa hầm, Bun Hoa còn quay đầu nói với lại:
- Anh ơi, em vẫn chưa biết tên anh đấy!
         Anh thương binh cũng đùa lại:
- Tên anh là bộ đội Việt mà, em y tá Lào xinh đẹp…
         Chính sự giao tiếp thân thiện với bệnh nhân mà Bun Hoa được cô giáo Kim - y sĩ phụ trách hướng dẫn thực hành tiêm đã biểu dương trước lớp:
- Người y tá giỏi còn phải là người biết giao tiếp với người bệnh. Sự giao tiếp thân thiện với bệnh nhân vô cùng cần thiết. Đồng chí Bun Hoa đã làm tốt điều này. Cần phát huy nhé!
         Cả lớp vỗ tay chúc mừng về lời khen khiến Bun Hoa mặt đỏ bừng vì ngượng. Tuy nhiên trong lòng cô rất vui. Hóa ra những câu đùa vui của cô với bệnh nhân lại “cần được phát huy” ư? Lạ nhỉ?
         Bun Hoa, Khăm Đi và Nguyễn Hoa trở thành “tổ tam tam” thân thiết trong quá trình học tập. Họ không chỉ giúp nhau học tốt về chuyên môn mà Bun Hoa, Khăm Đi còn giúp Nguyễn Hòa học thêm tiếng Lào. Ngược lại, Nguyễn Hòa đã giúp hai cô học tiếng Việt. Cả ba đều phải vận dụng tất cả hiểu biết và cả động tác tay chân, cơ thể để khắc phục vốn từ ngữ hạn chế của mình, giúp cho bạn hiểu. Học trên lớp, học ngoài lớp, học trong các bữa ăn, học vào ban đêm… Môi trường học tập ấy đã giúp cho những cô gái - học viên người Lào tiến bộ rất nhanh về nói và viết tiếng Việt. Ngược lại, các học viên bộ đội Việt cũng hiểu biết tiếng Lào nhanh chóng. Vì thế giao tiếp của các học viên lớp y tá vô cùng thú vị. Tiếng cười không lúc nào thiếu trong không gian ngoài lớp học. Có rất nhiều “sự cố” vui vẻ trong khi dùng tiếng Việt và tiếng Lào của họ đã làm cho cuộc sống giữa đại ngàn Trường Sơn thật lạ.
         Bước sang tháng thứ ba thì việc phiên dịch của anh Lê Hân đã nhàn đi rất nhiều. Trừ những hôm lên lớp học lý thuyết anh vẫn phải phiên dịch, còn những giờ thực hành thì các học viên có thể tự giao tiếp với các thương bệnh binh một cách ngon lành. Các cô gái Lào thích điều đó. Vì như thế, họ sẽ nhanh tiến bộ về tiếng Việt và chuyên môn. 
         Khi lớp học của Bun Hoa bước sang tháng thứ tư thì Bun Hoa và các học viên được chứng kiến một câu chuyện vô cùng cảm động.
         Buổi chiều hôm ấy, bệnh xá vừa tiến hành xong ca mổ cấp cứu một chiến sĩ công binh bị thương ở Chà Vằn thì nhận được tin báo: Một phụ nữ Lào sắp sinh, tính mạng rất nguy kịch đang trên đường được cáng về Bệnh xá. Thai phụ đến từ phía bản Hạt Vi, xã Đắc Xa Mo, huyện San Xây.
         Thế là theo lệnh của bác sĩ Bệnh xá trưởng, một tổ cấp cứu gồm hai nữ y sĩ lên đường ngay.
         Trường Sơn mùa này trời tối rất nhanh. Sau gần một giờ luồn rừng, ra tới con đường mòn dẫn về bản Hạt Vi thì tổ cấp cứu gặp một tốp dân bản đang khiêng cáng. Tổ cấp cứu ra hiệu cho bà con dừng lại.
Trên chiếc cáng làm vội bằng nứa, là một sản phụ chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi. Mặt chị ta nhợt nhạt vì mất máu, mắt nhắm nghiền. Thăm khám, hai nữ y sĩ của tổ cấp cứu thấy mạch của chị rất yếu. Máu từ cửa sinh của chị ra rất nhiều. Một bàn tay nhỏ của thai nhi đã thò ra khỏi cửa sinh. Biết là một ca thai ngược và đang bị băng huyết, tổ cấp cứu quyết định tiêm ngay cho chị một mũi cầm máu và một mũi trợ sức cấp cứu. Họ đặt ngay dây truyền huyết thanh cho chị. Biết là đã gặp một ca cấp cứu rất nguy kịch nhưng tổ cấp cứu vẫn không hết hy vọng. Hoàn thành việc sơ cứu cho sản phụ rất nhanh, rồi họ giục bà con nhanh chóng đưa sản phụ tới Bệnh xá để cấp cứu. Bệnh nhân được khiêng đi như chạy trên lối mòn trong rừng.
         Dưới ánh sáng của đèn măng sông và bóng đèn điện phát ra từ mô tơ điện đạp chân, căn hầm mổ sáng trưng. Bác sĩ Nguyễn Kha cầm dao mổ. Anh đã mổ thành công nhiều ca cấp cứu cho đồng đội ở Trường Sơn. Nhưng đây là lần đầu tiên anh phải đối mặt với một ca mổ đẻ hy hữu như thế này. Trán anh lấm tấm mồ hôi. Anh đã rạch một đường quyết định để lôi được cháu bé thò tay ra ngoài. Đây là một cháu trai. Rất không may là cháu đã chết lưu vì ra gần cửa sinh khá lâu, không được nước ối của mẹ bảo vệ. Khi đưa cháu trai ra khỏi thai của mẹ, kíp mổ phát hiện trong bụng thai phụ còn một cháu bé thứ hai. Hóa ra người mẹ trẻ này mang thai đôi. Bác sĩ Kha nhanh chóng đưa cháu bé thứ hai ra khỏi bụng mẹ. Cháu bé đã khóc. Tất cả kíp mổ ai cũng mừng vì cháu bé còn sống. Đây là một bé gái. Các bác sĩ và y sĩ, y tá của Bệnh xá không ai có chuyên môn sản khoa, nhưng cháu bé và người mẹ đã được cấp cứu nhanh chóng, chuẩn xác. Cháu bé được vệ sinh và ủ ấm nhanh chóng.
         Người mẹ trẻ được cấp cứu hồi sức tích cực cao nhất sau khi mổ. Tất cả thuốc men và phương tiện hiện có của Bệnh xá đều được huy động để cấp cứu hồi sức cho chị kể cả việc truyền máu. Tuy nhiên, vì bị mất máu quá nhiều, chị lại bị rơi vào tình trạng trụy tim mạch, nên đã ra đi hai ngày sau ca mổ cấp cứu. Cả Bệnh xá và lớp y tá lặng đi trong sự thương xót vô hạn khi chứng kiến sự ra đi của chị. Người chồng của chị chứng kiến sự tận tụy hết lòng cứu chữa của bộ đội Việt Nam cho người vợ không may của mình đã lặng đi và gục xuống bên xác vợ. Sau khi cùng Bệnh xá chôn cất người vợ thân yêu của mình, anh đã gặp lãnh đạo Bệnh xá đề nghị được gửi lại con gái yêu quý nhờ Bệnh xá nuôi nấng hộ. Anh phải trở về bản để chăm sóc đứa con trai mới hơn hai tuổi đang phải gửi ở nhà bà con trong bản.
         Bệnh xá Binh trạm có sáu y sĩ, y tá là nữ. Hầu hết họ đang tuổi đôi mươi. Họ được học để làm thầy thuốc, còn học để làm mẹ thì quá bỡ ngỡ. Chả ai có kinh nghiệm gì. Nhìn một thiên thần bé bỏng không có bầu vú mẹ đang khát sữa, cả sáu nữ quân y khẩn trương chia làm nhiều kíp để thay nhau nuôi nấng cháu. Họ lấy găng tay cao su của phòng mổ, cắt lấy một “ngón tay” để chụp lên cái chai đựng thuốc, pha sữa hộp cho cháu “bú”. Cháu bé mút một cách ngon lành dòng sữa trong chai trước những cặp mắt âu yếm của các mẹ, các bố bộ đội Việt Nam.
         Bun Hoa và các học viên Lào vô cùng cảm động trước tấm lòng yêu thương hết lòng của những người lính quân y Việt Nam.
         Bệnh xá đã đặt tên cho bé gái là Ngọc Việt.”Cháu Ngọc Việt khôn lớn là sự thể hiện cụ thể tình nghĩa Việt - Lào. Vì thế, các đồng chí hãy dành cho cháu Ngọc Việt tình cảm và sự chăm sóc tốt nhất có thể”. Đó là mong muốn của lãnh đạo Bệnh xá khi giao nhiệm vụ chăm sóc cháu bé cho các nữ quân y của Bệnh xá.
Hằng tuần, ông bố của bé Ngọc Việt đều đến thăm con gái của mình. Anh ôm con gái vào lòng mà nước mắt rưng rưng. Điều kiện và hoàn cảnh gà trống nuôi con chưa cho phép anh đón con gái về nuôi. Mỗi lần đến thăm con gái, trong chiếc gùi của anh khi thì vài củ sắn, khi thì một ít măng rừng hoặc một vài quả dưa gang để tặng “các mẹ” của bé Ngọc Việt. Các nữ quân y vô cùng cảm động trước tấm lòng chân thật của người thanh niên Lào Lum này…
         Cứ thế, cứ thế, bé Ngọc Việt lớn lên trong vòng tay yêu thương của sáu người mẹ Việt Nam. Sáng sáng, họ bồng cháu ra sưởi nắng dưới những tán cây lớn trước hầm. Hát ru cho bé nghe những bài hát ru dân ca Việt. Họ hát cho bé nghe những bài hát về người lính, về Trường Sơn hùng vĩ - quê hương thân yêu của bé…
Một đêm như mọi đêm trên Trường Sơn. Chỉ nghe tiếng bom rền, đạn nổ vọng về từ các trọng điểm, thương bệnh binh đã chìm trong giấc ngủ. Bỗng cả khu Bệnh xá nghe một tiếng nổ “ầm” trong hầm ngủ của các quân y sĩ nằm giữa Bệnh xá. Căn hầm bốc cháy. Anh em thương bệnh binh lao đến dập lửa. Nguy hiểm quá! Nếu không dập tắt được đám cháy thì máy bay Mỹ đang bắn phá trọng điểm ở Chà Vằn phát hiện ra sẽ lao đến quăng bom ngay lập tức. Các anh bộ đội Việt đã dũng cảm đạp tung cửa hầm xông vào đưa toàn bộ các mẹ và cháu Ngọc Việt đang ở trong hầm thoát ra ngoài. Thì ra, trong khi đang nấu cháo cho bé Ngọc Việt trên bếp đèn khò thì đèn khò nổ tung. Lửa bắn lên nóc hầm bén vào mái nứa bùng cháy. Ngọn lửa được nhanh chóng dập tắt. Tai nạn làm hoảng hồn cả Bệnh xá.
         Bun Hoa và các học viên Lào thường xuyên tới thăm bé Ngọc Việt. Ngọc Việt trở thành đứa con chung của cả Bệnh xá và các học viên lớp y tá Lào Việt… 
         Con gà rừng chưa gáy lần thứ năm, nhưng Bun Hoa đã tỉnh dậy. Ngoài cửa hầm, trời vẫn tối um. Nhưng cô vẫn tung chăn ngồi dậy. Ngoài trời mưa đã ngớt, không còn mưa ào ào suốt đêm nữa. Không biết liệu chiếc cầu bắc qua suối gần kho gạo có bị nước lũ cuốn trôi không? Sáng nay cô muốn dậy sớm hơn ngày thường để chuẩn bị kỹ cho chuyến đi… Cô rón rén sang giường Khăm Đi. Cô ghé tai nói nhỏ:
- Này này! Dậy đi. Sáng nay đi lấy gạo đấy! Cậu nhớ không?
          Khăm Đi không mở mắt. Cô hỏi lại.
- Nhưng đã nghe còi báo thức đâu. Còn sớm mà. Tối qua mình học khuya. Để tớ ngủ thêm mà. Nói rồi cô lại trùm chăn ngủ tiếp.
         Lớp y tá của Bun Hoa và Khăm Đi học trong thời gian mùa mưa. Mỗi tháng các học viên phải lội rừng, vượt suối ra kho của Binh trạm để lấy gạo. Mỗi học viên chỉ phải gùi hai mươi cân gạo, tiêu chuẩn ăn của mỗi người nhưng đường đi thì vô cùng vất vả. Mưa xối xả. Nếu không biết cách che chắn thì gùi gạo sẽ ướt. Đường trơn trượt, giữ không để bị ngã là nghệ thuật đi của mỗi người. Bun Hoa và Khăm Đi chưa bao giờ sống ở rừng. Gùi gạo đi giữa trời mưa to, gió lớn và đi đường dốc, suối sâu với hai cô càng chưa bao giờ. Bản làng của người Lào Thơng của Bun Hoa, Khăm Đi không có núi cao, không có rừng sâu. Chỉ có những rẫy cà phê chạy dài trên những triền đồi thấp của một vùng đất đỏ bazan rộng lớn. Vì thế mỗi lần đi lấy gạo là một lần vượt qua thử thách đối với các cô. Bun Hoa vô cùng cảm phục những anh bộ đội Việt làm công tác cảnh vệ của Bệnh xá. Các anh là lực lượng chủ yếu xây dựng những căn hầm điều trị, hầm ở cho thương bệnh binh… Các anh không chỉ đi lấy gạo tiêu chuẩn ăn của mình mà còn phải đi lấy phần gạo cho các thương bệnh binh. Mỗi tháng họ phải đi cả chục lần để gùi gạo về, bất kể nắng mưa. Gian khổ vô cùng…
         Các học viên lầm lũi đi trong cơn mưa nhỏ. Đi được nửa đường thì trời lại đổ mưa to. Mưa đổ ào ào như trút nước. Mặc dù chiếc áo mưa mà Bun Hoa choàng trên người khá lớn, nhưng cô vẫn bị nước mưa tạt vào người. Những giọt nước mưa chảy xuống cổ. Có những giọt nước mưa chảy qua nhũ hoa xuống bụng, khiến cô rùng mình vì lạnh.
         Mưa vẫn đổ. Bun Hoa và các học viên lo lắng về chiếc cầu bắc qua con suối sang kho gạo bên kia. Nước lớn thế này không biết nó có bị cuốn trôi hay không? Nếu chiếc cầu tự nhiên bắc qua con suối ấy mà bị cuốn trôi thì làm sao lấy được gạo đây? Chỉ sau khi ngớt mưa vài giờ nước mới rút. Nếu thế thì lấy được gạo rồi, có kịp quay trở về bệnh xá trước khi trời sập tối không? Bao câu hỏi cứ rộn lên trong đầu các học viên.
- Cây cầu vẫn còn các bạn ơi! Tiếng ai đó đi trên đầu đoàn đi lấy gạo reo lên. Không ai bảo ai, tất cả đều hò reo vang cả cánh rừng.
         Đã vài lần đi lấy gạo qua chiếc cầu tự nhiên này, nhưng hôm nay Bun Hoa mới có dịp dừng lại để quan sát nó. Thật kỳ lạ, một cái cây lớn tới vài người ôm không biết vì lẽ gì mà đổ ngang con suối lớn. Nó vô tình tạo thành một chiếc cầu tự nhiên. Các anh bộ đội Việt đã làm một cái thang bằng cây rừng bắc từ mặt đất tựa vào thân cây. Tận dụng những cây rừng mọc sát thân cái cây đổ, bộ đội đã buộc những cây nứa lớn làm tay vịn để giúp người đi trên thân cây gỗ đổ đi lại dễ dàng. Ở phía thân cây gỗ bên kia suối, bộ đội cũng làm một cái thang gỗ lớn để giúp người ta bước xuống mặt đất. Dòng nước lũ chảy cuồn cuộn mấp mé thân cây. Chỉ cần xảy chân thì người đi trên cầu không biết sẽ bị dòng nước lũ cuốn trôi về đâu. Nguyễn Hòa chỉ tay về những túm rác mắc lại trên một cái cây ven bờ suối.
- Bun Hoa nhìn những túm rác kia kìa. Nước lũ đã từng cao hơn cái cây đổ này đấy. Thế mà cái cây cầu tự nhiên này vẫn không hề suy suyển. Chứng tỏ sức nặng của nó đã chiến thắng sức mạnh khủng khiếp của nước lũ Trường Sơn. Ông trời đã giúp bộ đội Trường Sơn bọn anh bắc chiếc cầu tự nhiên này đấy.
Bun Hoa cũng vô cùng ngạc nhiên. Cô không thể nào tưởng tượng được sự kỳ lạ của thiên nhiên khi nhìn cây cầu tự nhiên này. Và cô càng cảm phục trước sự sáng tạo của các anh tà hàn Việt khi biến cái cây đổ trở thành một cây cầu tự nhiên thật vĩ đại. Tận mắt chứng kiến nhiều việc làm, nhiều sự việc, Bun Hoa thật sự cảm phục sự sáng tạo tuyệt vời của các anh bộ đội Việt. Họ đã “bắt” núi rừng Trường Sơn phục vụ cuộc sống chiến đấu của họ…
- Tại bộ đội Việt làm việc nghĩa giúp đồng bào Lào nên Trời Phật đã ủng hộ đấy, phải không anh?
- Bun Hoa nghĩ thế à?
- Vâng. Thì anh nhìn đấy, liệu bàn tay con người có làm được việc này không anh? Phải có một bàn tay vô hình sắp xếp để cái cây này đổ đúng chỗ để nó trở thành một cầu tự nhiên này anh ạ. Nguyễn Hòa gật đầu rồi nắm tay Bun Hoa kéo đi.
- Ta đi thôi em. Anh dìu Bun Hoa cùng bước lên chiếc thang gỗ lớn để lên “cầu”… 
         Lớp đào tạo y tá dần trôi về những ngày cuối cùng. Tháng cuối cùng của chương trình đào tạo, các học viên được thực tập nhiều hơn. Có lần mấy học viên giỏi nhất lớp được chọn đi chi viện cho Trạm phẫu thuật ở trọng điểm Chà Vằn.
         Hôm ấy lãnh đạo bệnh xá nhận được lệnh cử một nhóm quân y ra Chà Vằn hỗ trợ cho Đội phẫu thuật. Tối hôm trước đội hình xe vận tải vượt qua trọng điểm bị địch bắn phá dữ dội. Năm chiếc xe bị cháy. Một số lái xe và lính công binh bị trọng thương được đưa gấp vào Đội phẫu thuật đặt sát trọng điểm. Thế là một tốp quân y do y sĩ ngoại khoa Lê Hùng dẫn đầu một tốp bốn y tá, y sĩ băng rừng ra hỗ trợ Đội phẫu thuật, trong ấy có hai học viên y tá nam được chọn vào nhóm tăng cường ấy. Cùng đi còn có tám vệ binh của bệnh xá mang cáng đi theo. Khi các thương binh được Đội phẫu thuật xử lý vết thương ban đầu thì sẽ được chuyển gấp về Bệnh xá tiếp tục điều trị…
Học viên Vân và Dũng trở về. Cả lớp học kéo đến hỏi chuyện. Ai cũng nhìn hai anh bằng con mắt nể phục pha chút ghen tỵ. Có phải ai cũng được chọn đâu. Họ vừa phải vững chuyên môn lại dũng cảm nữa. Hỗ trợ trong hầm phẫu thuật ở sát trọng điểm ác liệt ấy đâu phải chuyện đùa. Đứng vững để làm nhiệm vụ trong tiếng nổ của bom, của rốc két cày xới ngay sát với trọng điểm phải có thần kinh thép. Nghe Vân và Dũng mô tả công việc diễn ra ở Đội phẫu thuật khiến các học viên ai cũng “lắc đầu lè lưỡi”.
         Họ nhìn Vân và Dũng với con mắt ngưỡng mộ, thán phục…
 
 
 
tin tức liên quan