Thơ mùa hiếu hạnh của Lê Bích Ngọc và điều tâm đắc của Vũ Đức Thúy

Ngày đăng: 04:18 01/09/2020 Lượt xem: 601

 
THƠ MÙA HIẾU HẠNH CỦA LÊ BÍCH NGỌC
VÀ ĐIỀU TÂM ĐẮC CỦA VŨ ĐỨC THÚY
 
VU LAN HIẾU HẠNH
 
Tháng bảy về khắc khoải những niềm thương
Bóng lặng lẽ đổ theo đường nhỏ vắng
Lòng trống trải với hồn vương trĩu nặng
Nhớ mẹ hiền dai dẳng mãi không thôi

Căn nhà xưa gốc nhãn cũ đâu rồi
Nơi ngày trước mẹ hay ngồi dệt vải
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên đọng lại
Phía sau vườn luống cải trổ ngồng tươi

Biết tìm đâu tiếng của mẹ ru hời
Đêm thanh vắng giọng à ơi khe khẽ
Con say ngủ trong vòng tay đu nhẹ
Nếp nhà xinh cùng lũ trẻ quây quần

Ngày trở về bên mái ấm tình thân
Bàn chân bước cứ bần thần đến lạ
Trời nóng vậy trái tim côi lạnh giá
Bởi trên đời khuất cả mẹ cùng cha

Mười mấy năm con bươn chải xa nhà
Nay trở lại nơi sinh ra máu mủ
Tìm đâu thấy một bờ vai trú ngụ
Năm tháng dài con ấp ủ đợi trông

Lễ Vu Lan ngực cài đoá sen hồng
Đặt trên mộ thêm chùm bông hoa cúc
Lạy kính bái công sinh thành giáo dục
Ơn cao dày Người hun đúc dưỡng nuôi.
 
Ngày 27/8/2020
Lê Bích Ngọc
Hội viên Trường Sơn Sư đoàn 472
(Chủ nhiệm trang thơ: Những vần thơ và người lính)
 
VŨ ĐỨC THÚY - ĐÔI ĐIỀU TÂM ĐẮC VỚI “VU LAN HIẾU HẠNH ”
 
         Mùa lễ Vu lan tôi dạo trang lính ta và bắt gặp nhiều bài thơ hay mà cảm xúc đều lắng đọng ở lòng thương nhớ, sự biết ơn sâu sắc đến bậc sinh thành, cùng với sự nhắc nhớ đến sự hiếu hạnh giàu chất thơ và tính nhân văn. Nhiều tác giả đã rất thành công về đề tài này đã truyền được cảm hứng cho người đọc, có thể kể đến : "Mẹ tôi" lục bát của Huệ Đoàn," Tình mẹ" song thất lục bát của Phạm Thanh Bình , " Vu lan nhớ cha" bát ngôn của Vân Hà , "hay Vu lan nhớ mẹ" thơ tự do của Thanh Phương vv…
         Bên cạnh đó tôi cũng tâm đắc với một bài thơ hay của nữ thi sĩ CCB Lê Bích Ngọc, Chủ nhiệm trang thơ: Những vần thơ và người lính .
         “VU LAN MÙA HIẾU HẠNH”. Bài thơ viết theo thể bát ngôn, một thể thơ không quá gò bó về niêm luật. Tác giả đã khá thành công ở cách kể chuyện nhẹ nhàng, chân thật và truyền cảm cuốn hút người đọc vào từng khổ thơ và xuyên suốt bài thơ phảng phất một lời tâm sự.
         Đọc cả bài thơ ta không gặp bất kỳ từ nào mà người ta hay gọi là " hàm ngôn" cũng chẳng thấy châu rơi lệ chảy, tim nhói hồn vương ...hay vật vã của người xa xứ khi về quê hương khi cha mẹ không còn mà tất tưởi vừa chạy vừa khóc ôm mộ song thân mà vật vã kêu gào.
        Khai tâm cho bài thơ là sự khắc khoải một niềm thương, thấy lòng trống trải như thiếu đi cái gì đó rồi cái bóng mình không phải dáng mình vừa hình tượng vừa chứa đựng cả bối cảnh, tâm hồn, nhịp đập trái tim hướng về cõi tâm linh .
         Cái bóng theo một con đường vừa nhỏ vừa vắng, cái vắng vẻ của tâm hồn của sự tĩnh lặng để làm lên một sự trăn trở, hồi hộp, mong mỏi. Tất cả hình ảnh được đẩy lên rồi như nghẹn lại " Nhớ mẹ hiền tóc bạc trắng như vôi "
         Thì ra vậy, những câu trên chỉ là từ hướng - hướng đến cái đích rõ ràng nhất: Nhớ mẹ hiền. Thơ là vậy, ngôn ngữ tài tình là vậy.
         Những tưởng chị đi thẳng ra Nghĩa trang nơi có âm phần cha mẹ thì nhà thơ bỗng ngơ ngác với những từ căn nhà, gốc nhãn, nơi trước mẹ ngồi, mảnh vườn luống cải - đâu rồi? Sao không là những hình ảnh mới, những con đường thẳng tắp thênh thang, những ngôi nhà lộng lẫy với bao đổi mới của xóm làng . Bởi chỉ có những cái xưa ấy mới gắn chặt chúng ta vào hình ảnh của mẹ như những câu chuyện cổ tích. Thôi đành, cảnh sắc đổi thay vốn là lẽ tự nhiên chỉ chợt nhớ mà thôi không quá nặng nề với nó. Cái mà chị tìm , mà muốn phải có là
"Biết tìm đâu tiếng của mẹ ru hời
Đêm thanh vắng giọng à ơi khe khẽ
Con say ngủ trong vòng tay mẹ
Nếp nhà xinh cùng lũ trẻ quây quần"
         Biết tìm đâu - những từ ấy quả là đã chạm vào trái tim của những người con không còn mẹ. Dù ở lứa tuổi nào, dù đi xa hay về gần thì khi nhớ mẹ xưa đều tìm về với những lời ru, với bàn tay ôm ấp nâng niu...
         Luật bằng trắc trong thơ là sự cân bằng hồn cốt bài thơ, là nốt bổng trầm của nhạc điệu ... chị đã nhẹ nhàng khi kết thúc và chuyển tiếp giữa hai khổ thơ bằng hai từ mang thanh bằng rồi đẩy lên bằng hai vần thanh trắc liên tục làm cho những từ " bần thần đến lạ" " tim côi lạnh giá " ...để rồi lại lắng xuống bằng một cung bậc buồn thương, nuối tiếc da diết :
" Bởi trên đời khuất cả mẹ cùng cha "
         Quả đúng là màu sắc của thơ không phải là màu sắc ta nhìn thấy được , hương vị của thơ cũng không phải là hương vị ta cảm nhận được, nó khác với các hương vị thông thường. Còn hương sắc trong thơ Bích Ngọc hẳn cũng riêng chị cảm nhận được từ đáy lòng mình khi " đi tìm một bờ vai trú ngụ" mà bao năm tháng xa nhà chị " vẫn đợi trông". Bích Ngọc không khóc nhưng tôi vô cùng xúc động khi thấy chị... trên ngực "...cài đoá sen hồng" mà không phải bông hoa hồng trắng hay đỏ để tỏ sự hiếu nghĩa của người con mà lại là một đoá sen loài hoa cao quý, một biểu tượng của Đức Phật từ bi. Phải chăng chị đã có sự an ủi khi cha mẹ mình đã thanh thản nơi cõi Phật . Chị nhẹ nhàng đặt lên mộ song thân những bông cúc để " tạ ơn cao dày..."của bậc sinh thành và nuôi dưỡng.
         Cảm ơn Bích Ngọc, cảm ơn nhà thơ của lính đã cho tôi một cảm xúc dâng trào khi đọc bài thơ mà chị dành cho bạn đọc mùa Vu lan mùa hiếu nghĩa này.
         Tôi không biết bình thơ chỉ do tâm đắc với bài thơ mà có đôi điều chia sẻ , Chúc chị hạnh phúc và tự hào về cha mẹ của mình

10 tháng Bẩy năm Canh Tý - 28/8/2020
Vũ Đức Thuý

tin tức liên quan