Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 10)
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
(Tiếp theo 10)
CHƯƠNG VIII
Đối mặt với sự thật
(Tiếp theo Chương VIII)
Trên đường về, khi hai cha con ngồi nghỉ bên bờ suối. Bun Hoa mời cha xuống suối rửa mặt cho đỡ mệt. Ngồi nghỉ dưới bóng cây vả xòa che mát cả một bờ suối. Ông Bun Nha nhìn con gái. Nó càng ngày càng xinh đẹp. Con trai của cái bản này chẳng có đứa nào làm ông ưng cái bụng. Tất cả chúng nó không đứa nào xứng với con gái ông. Ông tự hào về Bun Hoa của ông. Đến cái anh cán bộ Pa Thét Vông Sắc Kha ấy cũng còn thích nó cơ mà… Rồi ông cười.
- Có điều gì vui mà cha cười vậy? Bun Hoa quay sang hỏi ông.
- Cha cười vì con đấy!
- Con làm sao ạ?
- Nhìn con của cha càng ngày càng đẹp thế này, cha không vui sao được. Chợt ông nhớ đến chuyện con rể tương lai của ông đã về Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu ác liệt kia, chẳng may nó hy sinh thì con gái ông sẽ thế nào đây… Nỗi buồn và lo sợ ập đến với ông như một cơn gió… Nhìn sắc mặt cha biến đổi rất nhanh, Bun Hoa như đọc được suy nghĩ của cha. Cô động viên cha:
- Con biết cha đang lo cho con rể tương lai Lê Bình của cha, đúng không? Cha không phải lo sợ gì hết. Anh ấy giỏi lắm. Hai lần bom đạn đã tìm đến anh ấy rồi. Sẽ không có lần thứ ba đâu. Con tin là thế.
- Như vậy là con rể đã hai lần bị thương rồi hả con? Ông lo lắng hỏi lại.
- Vâng. Nhưng chỉ bị vào phần mềm trên người thôi cha. Không ảnh hưởng gì đâu.
- Nhưng cha muốn biết làm sao con lại quen biết nó chứ. Kể cha nghe nào?
Bun Hoa suy nghĩ. Liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để cô kể tất cả cho cha nghe hay không? Cô có nên nói về cái mầm bé của anh ấy trong bụng mình lúc này không? Cha đang vui mà. Đây là cơ hội để mình nói tất cả. Cha phải được biết sự thật. Chỉ có cha mới che đỡ cho mình cái chuyện tày trời này của một cô gái Lào như mình. Nghĩ vậy, cô mới từ từ kể cho cha nghe từ cái ngày bất ngờ gặp anh Lê Bình bị thương, lạc vào chòi đựng cà phê của gia đình; chuyện cô cứu chữa cho anh, chuyện cô gặp và tiêm cho anh ở lớp y tá, chuyện cô và anh Lê Bình đem lòng yêu thương nhau… Và cuối cùng là chuyện cái đêm thứ tám định mệnh, mình đã chủ động tặng anh tình yêu cháy bỏng… Khi nghe Bun Hoa kể lại toàn bộ sự việc, ông Bun Nha đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông cảm động trước mối tình của chàng tà hàn Việt với con gái mình. Nhưng ông không thể hiểu nổi chuyện con gái ông đã chủ động trong chuyện làm chuyện vợ chồng với nó. Ngày ông yêu mẹ nó, dù trước đó ông rất muốn cùng người yêu đi xa hơn trong tình yêu. Nhưng cả ông và vợ ông đều gắng giữ mình cho tới ngày họ chính thức về với nhau. Bây giờ thì chính con gái ông lại chủ động chuyện ấy. Cũng may mà chuyện ấy chưa xảy ra hậu quả gì. Ông nhìn Bun Hoa:
- Con có thật sự tin tưởng vào lời hẹn ước của người yêu của con không đấy?
Bun Hoa nhìn thẳng vào mắt cha.
- Cha không tin con ư? Con tin anh ấy - chồng của con mà. Chúng con đã thề ước với nhau có trời đất chứng giám mà cha. Con tin dù thế nào đi chăng nữa, hết chiến tranh anh ấy sẽ trở về với con. Con trai Việt nói lời giữ lời lắm cha ơi. Cha hãy tin anh ấy như con tin anh ấy đi.
- Cha tin con, con gái yêu của cha à.
Bun Hoa lấy hết sức can đảm. Cô hít một hơi thở sâu, rồi nói:
- Cha. Con muốn nói với cha chuyện này… Trong bụng con bây giờ có cái mầm của anh ấy rồi cha à. Con xin lỗi cha đã làm chuyện này. Con biết mình có lỗi với cha. Nhưng để gắn kết giữa con và anh ấy, nên con đã chủ động tặng anh ấy tình yêu của con. Chúng con sẽ gắn kết với nhau qua cái mầm bé con của hai đứa chúng con, cha à.
Bun Hoa nói một hơi. Cô sợ nếu để đứt quãng thì có thể cô sẽ không đủ can đảm để nói hết tất cả với cha.
Nghe con gái thú nhận mà chân tay ông Bun Nha như rời ra. Ông thật không ngờ chuyện này lại đi xa như thế? Dù có yêu nhau đến mấy thì cũng phải nghĩ tới hậu quả nữa chứ. Sao con gái ông lại ngây thơ đến thế kia chứ! Bây giờ nó và cả ông nữa sẽ ăn nói sao đây với bà con, họ hàng trong bản đây? Có ai biết mặt mũi chồng của nó đâu… Đầu ông gục xuống vì buồn, vì cố suy nghĩ cách “tháo gỡ” êm đẹp cho chuyện cái thai trong bụng của con gái đây? Nếu cứ giấu giếm thì càng bất lợi. Phải chủ động thôi. Hãy mời họ hàng thân thiết tới nhà, thông báo việc mình đã đồng ý cho Bun Hoa kết hôn với tà hàn Lê Bình. Nhưng vì nhiệm vụ gấp gáp, Lê Bình phải về Việt Nam chiến đấu. Tôi đã đồng ý để cho hai đứa kết hôn vội trước lúc con rể lên đường làm nhiệm vụ cao cả… Bây giờ thì Bun Hoa và Lê Bình đã có con với nhau rồi. Chỉ ít tháng nữa thôi em bé sẽ ra đời. Tôi sẽ được bế bồng cháu ngoại mang hai dòng máu Lào Việt… Nghĩ tới đây, ông ngẩng đầu lên nói với Bun Hoa về kế hoạch của ông. Nghe xong kế hoạch của cha, Bun Hoa nhảy tới ôm chầm lấy cha. Cô không ngờ cha cô lại có lòng vị tha như thế! Không ngờ cha cô lại có kế hoạch tuyệt vời như thế!
- Con cám ơn cha! Cha thật tuyệt vời! Cha đã tìm cho con lối thoát thật tuyệt vời! Con cám ơn cha ngàn lần!
Ông Bun Nha cũng vỗ vỗ bàn tay lên cái lưng tròn lẳn của con gái.
- Cha không lo cho con thì còn lo cho ai nữa. Bây giờ cha chỉ có mình con ở bên thôi mà.
- Nhưng anh Bun Lợt và Bun Hùm nhất định sẽ trở về mà. Các anh ấy sẽ lấy vợ và sinh cho cha những đứa cháu nội khỏe mạnh, đẹp trai, xinh xắn mà…
- Nhưng bao giờ điều ấy mới trở thành hiện thực đây. Cả hai đứa đều đang ở xa và chưa biết bao giờ mới về thăm cha chứ nói gì đến chuyện lấy vợ, đẻ con kia chứ? Ông nói mà mắt thẫn thờ nhìn ra xa. Chợt ông nhìn bóng nắng. Ông giật mình khi thấy mặt trời đã tròn bóng rồi. Ông vội đẩy con gái ra rồi kéo cô đứng dậy:
- Muộn rồi con gái. Về nhà đi con. Cứ thế nhé. Ngày mai con chuẩn bị hoa trái và hông xôi, mổ gà. Cha sẽ tới nhà họ hàng, mời phò bản tới nhà mình để cha thông báo chuyện của con nhé.
Bun Hoa nhảy chân sáo khi nghe mệnh lệnh ấy của cha. Cô nắm lấy tay của cha kéo cha đi thật nhanh…
“Kịch bản” ấy được hai cha con cô diễn thật tuyệt vời. Không ngờ họ hàng ai cũng ủng hộ. Nhiều người còn tự hào khi biết cháu rể của mình là tà hàn Việt. Họ tự hào vì lần đầu tiên trong bản, trong họ có một người con rể Việt…
Đầu tháng chín năm 1975, Bun Hoa chuyển dạ. Cô sinh hạ một bé trai kháu khỉnh và khỏe mạnh. Nó khóc rất to. Chân tay thằng bé dài rộng quá. Bà Khăm Di phụ giúp đỡ đẻ cho Bun Hoa bảo: Sau này thằng bé sẽ là một chàng trai sẽ cao lớn đây.
Ngắm nhìn con, Bun Hoa vui lắm. Thằng bé vừa giống cha vừa giống mẹ. Cái da trắng thì của cha. Khuôn mặt tròn của mẹ. Cái mũi cao của cha. Cái mắt đen và đẹp của mẹ. Cái lông mày to của cha. Cái môi hồng của mẹ… Vẻ đẹp của cả cha và mẹ nó như trộn vào nhau trên hình hài thằng bé. Hai dòng máu đã trộn vào nhau để có một bông hoa đẹp như thằng Lê Bun Hà - tên của thằng bé. Cô biết, nó là con trai của anh, vì thế nó phải mang họ bố. Cô cũng muốn lấy họ của mẹ làm tên đệm cho con trai. Còn tên chính của thằng bé thì cô tạm đặt như thế. Sau này, nếu anh không vừa ý thì có thể đặt lại. Không sao mà.
Bun Hùm đột ngột xuất hiện trước ngôi nhà của anh ta ở bản Na. Anh ta bước vào nhà với cái dáng mệt mỏi và tàn tạ. Khi anh ta xuất hiện trước cổng nhà, ông Bun Nha là người nhìn thấy anh đầu tiên. Ông vội chạy ra nắm lấy tay Bum Hùm.
- Bun Hùm ư? Con đã về. Mày chỉ về thăm hay ở hẳn nhà đấy? Bun Hùm cũng nắm lấy tay ông một cách hững hờ.
- Con về hẳn nhà rồi. Phu Mi sắp thua rồi. Con trốn từ cái đồn ở giáp biên giới với Campuchia về đây đấy. Cha có gì ăn không? Đã hai ngày nay con chưa có cái gì nhét vào bụng đâu. Toàn phải luồn rừng sợ chúng nó bắt lại. Thế con Bun Hoa đâu rồi cha?
- Nó bế con sang nhà chú Bun Ma chơi với con của thằng Bun Kha rồi. Chắc nó cũng sắp về.
- Sao? Nó đã lấy chồng rồi ư?
Hỏi rồi, Bun Hùm lại lẩm bẩm tự trả lời cho chính mình - Cũng phải thôi. Năm nay nó đã hai mươi mốt tuổi rồi còn gì!
- Nhà còn gì ăn không? Tôi đói lắm.
Ông Bun Nha nhìn Bun Hùm một lúc rồi vào bếp mang lên cho Bun Hùm một tuýp xôi và mấy con cá. Bun Hùm như vồ lấy đồ ăn trên tay cha. Nó ngấu nghiến ăn như con ma đói. Hai ngày nay nó chỉ uống nước suối và vơ vội mấy quả cây rừng cho vào miệng để trốn cái đói cồn cào. Bây giờ phải ăn để “trả thù” cho hai ngày phải nhịn đói.
Tay Bun Hùm dốc ngược tuýp xôi không. Nó hỏi cha:
- Còn xôi không? Tôi vẫn muốn ăn.
- Ở dưới bếp đấy. Mày xuống đó mà lấy…
Ông Bun Nha ngồi yên lặng bên cái bàn nhỏ mà lâu nay ông thường ngồi như thế. Mắt ông nhìn xa xăm về hướng tây. Thằng Bun Hùm con ông thay đổi nhiều quá. Ngày nó chưa bị bắt đi lính cho Phu Mi, tính tình nó đâu như bây giờ. Nó ngoan và biết lễ phép lắm chứ. Sau mấy năm ăn cơm, mặc áo của Phu Mi, nó đã thay đổi nhiều quá. Không biết chúng đã làm gì với đứa con trai của ông trong mấy năm qua vậy? Nó nói toàn những câu cộc lốc. Với ông, là cha nó mà nó nói như ra lệnh. Ông mong nó về bao nhiêu thì bây giờ ông lại thất vọng bấy nhiêu. Nó như một người xa lạ…
Bun Hùm tay xoa xoa cái bụng no nê. Nó đi từ dưới bếp đi lên nhà. Vừa rót nước uống, mặt thì quay về phía ông Bun Nha, hỏi:
- Áo cũ của Bun Lợt còn cái nào không? Tôi mượn mặc tạm mấy hôm?
- Áo của anh mày em gái Bun Hoa lấy mặc rồi. Không biết có còn không?
- Sao con Bun Hoa lại mặc áo của con trai vậy? Nó điên à!
- Nó không điên đâu. Nó bảo mặc những chiếc áo ấy để đỡ nhớ tới anh Bun Lợt.
- Thế áo cũ của tôi để đâu rồi?
- Mày để chỗ nào thì vẫn còn nguyên chỗ ấy. Mà tao nhớ, trước khi đi lính, mày đã lấy cho mấy thằng bạn của mày rồi còn gì?
Nghe cha nói thế Bun Hùm vẫn vào buồng lục tìm. Cuối cùng nó cũng tìm được cái áo cũ của Bun Lợt. Nó vắt lên vai rồi đi thẳng ra bờ suối trước nhà. Nó sẽ gột rửa sự bẩn thỉu suốt hai ngày chui rúc trong rừng. Nó muốn tắm rửa để rũ sạch “mùi lính” đã “dính” vào nó mấy năm nay. Nước có thể làm sạch những thứ bám bên ngoài. Nhưng nước không thể rửa sạch những thứ đã ngấm vào bên trong người của nó. Nó đâu biết môi trường lính ô hợp của chính quyền hoàng gia thân Mỹ, làm tay sai Mỹ mà hơn bốn năm qua nó đã phục vụ đã làm thay đổi nhiều tính nết của nó. Môi trường cướp bóc và đe nẹt dân chúng đã làm cho những người lính thay đổi và đánh mất mình. Bun Hùm đã là một người như thế. Nó cần phải có thời gian để tự “gột rửa” những thói hư, tật xấu bị nhiễm từ môi trường lính…
Bun Hoa bế con về nhà thì cũng là lúc Bun Hùm từ dưới suối bước lên. Hai anh em gặp nhau ở cổng nhà. Nhìn thấy anh trai, Bun Hoa bế con chạy lại kêu lên:
- Anh Bun Hùm! Anh về khi nào thế?
Bun Hùm nhìn chằm chằm vào thằng bé mà cô em gái bế trên tay. Nếu không được cha thông báo từ trước thì nó nghĩ là em gái nó bế đứa bé con nhà ai trong bản. Thắng bé trắng trẻo, kháu khỉnh và đáng yêu nhỉ! Bun Hùm vuốt má nó. Thắng bé không biết lạ. Nó cười
toe toét.
- Tên nó là gì vậy?
- Dạ cháu là Lê Bun Hà? Bun Hoa trả lời nhưng nhìn anh với thái độ thăm dò.
- Sao họ gì mà lạ thế? Cha nó người Luồn à? (tên gọi người Việt một cách miệt thị).
- Sao anh lại gọi thế? Cha nó là tà hàn Việt mà anh?
- Thế cha nó đâu? Gọi về đây chào anh vợ đi!
Vẫn cái giọng như ra lệnh ấy, Bun Hùm bảo em gái.
- Bây giờ thì chưa được đâu anh. Chồng em đang về Việt Nam chiến đấu. Hòa bình, anh ấy sẽ trở lại.
Cô nói câu nói ấy với anh trai nhưng cô như động viên chính mình vậy.
- Nó được mấy tháng rồi?
- Dạ mới ba tháng mà anh.
- Mới ba tháng à? Thằng này lớn nhanh đấy. Đưa tao bế nó một tý nào.
Chưa kịp chờ mẹ thằng bé có đồng ý hay không, Bun Hùm đón ngay thằng bé từ trên tay của mẹ nó. Bun Hùm hai tay ôm lấy hai nách thằng bé rồi giơ nhanh lên cao, hai tay rung rung khiến thằng bé thích thú cười ré lên. Bun Hùm giơ lên hạ xuống mấy lần khiến thằng bé cười sặc sụa. Nhìn anh chơi với con mình như thế, Bun Hoa cảm thấy xót ruột quá. Thằng bé cười nhiều như thế chắc sẽ mệt lắm… Nhìn gương mặt em gái, biết nó lo cho thằng bé, Bun Hùm vội lên tiếng:
- Mày sợ à? Trẻ con cười nhiều mới nở phổi, nhanh lớn. Hiểu chưa. Tao đọc sách rồi. Sách nó bảo thế mà! Mày không phải lo!
- Em được học kiến thức y, em biết chứ. Nhưng anh làm mạnh và đột ngột thế không tốt cho con em đâu. Nó mới có ba tháng tuổi mà.
- Mày cứ làm như mày được học trường y ấy không bằng. Lo vớ vẩn.
Thấy hai con tranh cãi với nhau, ông Bun Nha mới lên tiếng:
- Em gái mày có bằng y tá đấy. Mày chưa biết sao? Nó được tà hàn Việt đào tạo suốt sáu tháng đấy. Nó chữa bệnh cho nhiều người trong bản mình rồi đấy. Ai cũng khen nó, mày biết không? Mày cũng biết chuyện anh Bun Lợt mày đi học sĩ quan ở Việt Nam và đang là Tiểu đoàn phó Pa Thét ở ngoài Savanakhet không? Nó sắp về thăm tao rồi.
Bun Hùm ngạc nhiên. Cái nhà này có nhiều biến đổi quá mà nó không hề biết. Điều ấy khiến nó thần người ra. Chỉ có nó, bốn năm qua bây giờ tay trắng về nhà. Đến bộ quần áo thứ hai nó cũng không có… Bun Hùm trả thằng bé cho mẹ nó, rồi vào nằm vật lên giường. Nó nhắm mắt suy nghĩ về cuộc đời. Nó sẽ sống ra sao đây? Lại quay về với vườn tược và rẫy cà phê như bốn năm trước ư? Cuộc đời vẫn không thay đổi gì dù bốn năm đã trôi qua ư? Không thể như thế được. Nghĩ đến đấy, nó nắm hai tay đập mạnh xuống giường. Miệng nó hét lên: A! A! A!
Sau hai tháng về nhà, Bun Hùm vẫn không chịu mó tay vào bất kỳ việc gì trong nhà. Nó cũng không buồn ra khỏi nhà. Ăn rồi ngủ. Đi tắm và ăn, rồi lại ngủ. Thái độ của thằng con trai khiến ông Bun Nha vô cùng khó chịu. Sáu mươi tuổi rồi mà ông vẫn phải phục vụ thằng con lớn xác của ông hằng ngày. Một buổi tối, sau khi ăn xong, ông kêu Bun Hùm ra ngồi bên cái bàn nhỏ kê ở giữa nhà. Ông pha hai chén cà phê. Ông cầm uống và hất đầu sang Bun Hùm:
- Uống đi!. Rồi ông lên tiếng:
- Bun Hùm à! Mày trốn về nhà đã hơn hai tháng rồi đấy. Mày định làm gì? Tao muốn biết để còn lo. Năm nay mày hai mươi bốn tuổi, lấy vợ được rồi đấy! Mày ưng ai để tao còn lo cưới chứ?
Nghe cha giục chuyện lấy vợ, Bun Hùm nhảy dựng lên.
- Tôi chưa muốn lấy vợ đâu. Bây giờ mà lấy vợ, tôi không có tiền. Tôi đang lo chuyện ra Pắc Sế để làm ăn đây.
- Mày vừa trốn lính, mày ló mặt về Pắc Sế không sợ bị bắt lại à?
- Tôi không sợ. Ở nhà thì làm gì để sống?
- Làm rẫy, trồng cà phê, trồng rau, nuôi lợn gà… Lâu nay cha và em gái mày vẫn sống như thế mà?
- Tôi khác cha. Tôi không thể sống như cha được. Tôi phải ra thành phố để làm ăn và sinh sống. Cha khỏi lo. Ít ngày nữa chờ tin của một thằng bạn, tôi sẽ đi.
- Mày nhất định phải đi sao?
- Tôi không thể sống ở bản được. Tôi phải ra Pắc Sế. Cha không phải lo cho tôi đâu. Cha hãy lo cho con Bun Hoa đi. Biết bao giờ chồng nó mới trở lại. Chồng nó là người Luồn, à người Việt. Ở Việt Nam sướng hơn ở Lào, chắc gì nó muốn quay về đây sống khốn khổ ở cái xó xỉnh gần rừng rú này cơ chứ. Rồi mày sẽ khổ thôi em ạ. Tao nghĩ mày sẽ phải nuôi con một mình đấy. Tao làm ăn được, tao sẽ gọi mày ra Pắc Sế nhé. Mày đẹp thế, không sợ không kiếm được chồng đẹp và giàu ở Pắc Sế đâu. Tao biết mà.
Nghe anh trai nói những câu xui xẻo với mình, Bun Hoa giận lắm. Cô vội bật lại:
- Sao anh lại nói xui xẻo thế! Chồng em không như anh nghĩ đâu. Mà em cũng không nhờ anh đâu. Anh khỏi lo cho em. Anh hãy lo làm sao để cha khỏi buồn vì anh ấy. Thằng Bun Kha con chú Bun Ma bằng tuổi anh mà nó đã có con hai tuổi rồi. Nó chăm chỉ nhất cái bản này. Năm nào nó cũng có nhiều cà phê và gà lợn để bán đấy.
- Mày so tao với nó làm gì. Nhiều cà phê, nhiều gà lợn mà làm gì khi vẫn còn ở cái bản nghèo khó này. Mày sẽ thấy tao đổi đời như thế nào khi tao ra Pắc Sế.
- Ra Pắc Sế anh không có tiền, lấy gì mà buôn bán. Anh chỉ có đi làm thuê cho người ta thôi. Sướng nỗi gì?
Biết có nói nữa với anh thì cũng chả thay đổi được gì khi mà anh ấy nhất quyết ra thành phố, Bun Hoa không nói nữa.
- Bun Hoa nó nói đúng đấy. Đến quần áo mày cũng chả có, nói gì chuyện làm ăn buôn bán chứ. Ở nhà làm ăn chả sướng hơn đi làm thuê cho người ta à? Ở nhà thôi con.
- Nếu bố và con Bun Hoa nói nữa tôi đi luôn đấy. Nói xong, Bun Hùm đùng đùng bỏ vào giường nằm.
Nghe Bun Hùm nói thế, ông Bun Nha và Bun Hoa im lặng. Ông nghĩ thà nói với cái cột nhà còn hơn nói với nó.
Từ hôm ấy, Bun Hùm sống trong nhà với cha và em gái nó mà nó tưởng như sống với hai người câm. Cha và em gái không chịu mở miệng nói với nó một lời. Chỉ có thằng bé Lê Bun Hà thỉnh thoảng mẹ nó bế đi ngang qua, nó lại cười toét với Bun Hùm. Thằng bé đáng yêu thế!
Một tuần sau, có một thanh niên đến tìm gặp Bun Hùm. Hai đứa kéo nhau ra bờ suối thì thào chuyện gì đó rồi người thanh niên lạ mặt phóng Honda bỏ đi. Bun Hùm vào nhà. Nó nói với ông Bun Nha:
- Cha có tiền không? Cho tôi một ít. Tôi cần bắt xe đi Pắc Sế.
Nghe con nói thế, ông Bun Nha cũng thấy thương nó. Bỏ ngũ là đúng rồi. Nhưng không biết bây giờ nó định làm gì ở cái thị xã sầm uất Pắc Sế - thủ phủ của miền Nam Lào ấy chứ? Ở Pắc Sế ông biết còn nhiều quân Phu Mi lắm. Không biết liệu thằng Bun Hùm xuống đó sẽ xoay sở thế nào để không bị bắt lại… Thôi, ông vẫn còn một ít tiền bán cà phê từ năm trước, ông phải giúp nó thôi. Nó là con trai ông mà. Nghĩ rồi ông im lặng đi vào buồng. Bun Hùm định đi theo ông nhưng ông gạt đi:
- Mày ở yên ngoài này. Tao mang ra cho. Nhưng tao không có nhiều đâu. Chỉ có hai mươi ngàn kíp thôi. Tao và con Bun Hoa còn phải sống chứ!
- Cha cho tôi thêm đi. Sau này làm ăn được tôi trả mà. Nó năn nỉ.
- Nhưng tao chỉ còn có ngần ấy thôi. Bom đạn như thế, cà phê có bán được đâu mà có tiền. Cà phê còn để ở ngoài chòi nhiều đấy. Mày gùi đi mà bán lấy tiền.
- Nhưng nếu tôi tìm được khách mua cà phê, cha phải cho tôi bán đấy nhé.
- Tao cho mày một phần ba cà phê đang có. Bun Lợt không tính. Còn tao, em Bun Hoa và mày. Chia làm ba phần, mày có một phần trong đó. Hiểu chưa?
- Thế cha đồng ý bán hết nhé. Có được sáu ngàn kí không? Bun Hùm hỏi.
- Chỉ khoảng thế thôi. Bun Hoa lên tiếng.
- Được rồi. Cha đồng ý nhé. Tôi sẽ tìm người về mua. Tôi có một phần ba đấy. Nói rồi, nó đón lấy hai mươi ngàn kíp trong tay ông Bun Nha rồi bước nhanh ra khỏi nhà.
- Tôi đi đây. Này Hoa. Nhớ lời tao nói đấy nhé. Đừng có chờ đợi thằng chồng Việt của mày làm gì. Mày đồng ý để thằng bé cho cha nuôi, lên Pắc Sế tao bảo đảm giới thiệu cho mày một thằng chồng giàu có. Tao quen người này mà. Nghe đến đây, ông Bun Nha quá tức giận. Ông nổi nóng quát:
- Cút ngay! Đừng bao giờ về đây gặp tao nữa. Đồ con lợn. Mày xui em gái mày làm điều xấu thế à! Cút ngay!
Bum Hùm ngoái nhìn ông Bun Nha với con mắt tức giận rồi chạy thẳng ra cổng. Ngoài kia thằng bạn vẫn đứng chờ nó. Trong đầu nó đã tính sẵn mọi chuyện rồi. Nếu ở Pắc Sế làm ăn không được, nó sẽ cùng mấy đứa bạn sang Thái Lan làm ăn. Nó tự tin trước khi ngồi lên xe Honda của bạn nó…
Ông Bun Nha tiến lại phía con gái. Một tay ông ôm lấy con gái:
- Đừng nghe cái lời mất dạy của nó con ạ. Còn có cha ở bên con đây.
Nói rồi ông đón lấy thằng bé trên tay Bun Hoa. Ông nựng yêu thằng cháu:
- Chỉ có thằng ngoại của ông là ngoan thôi. Suốt ngày chỉ cười. Thằng này lớn lên thì vui vẻ phải biết đấy. Lúc nào cũng tươi cười thế này thì con gái theo chả đếm được đâu. Rồi ông thơm lên má thằng bé với câu mắng yêu “thằng cha mày!”.
Bun Hoa chứng kiến tình cảm mà cha dành cho bé Hà, lòng cô ngập tràn niềm vui…
( Kỳ sau - Tiếp theo Chương VIII)