Nguyễn Viết Lợi: "Chờ mưa ở Trường Sa" - Bài thơ khắc họa hình ảnh đẹp Anh bộ đội Cụ Hồ

Ngày đăng: 11:15 07/09/2020 Lượt xem: 537

------------------------------------------------------------------------------------------------

“CHỜ MƯA Ở TRƯỜNG SA”
Bài thơ khắc họa hình ảnh đẹp Anh bộ đội Cụ Hồ
 
         Một thói quen cố hữu, cứ đứng trước các quầy sách tôi lại tò mò rút cho được một vài cuốn ở cái kệ sách Văn học nghệ thuật, hoặc rút tờ báo lạ xem qua. Trong một lần như thế ở tủ sách của khối dân cư. Tôi bắt gặp bài thơ “Chờ mưa ở Trường Sa” đăng trên báo: Hải Quân Việt Nam số 1056 ra ngày 16/7/2012.
 
CHỜ MƯA Ở TRƯỜNG SA
Kính tặng Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa
 
Những cơn mưa muôn đời vấn thế
Sấm chớp chói lòa sau đó hạt mưa rơi
Những hạt mưa rơi tràn trề mặt đất
Dòng nước trôi xuôi theo những dòng sông.
 
Mưa ở Trường Sa là nỗi khát cháy lòng
Mọi ánh mắt dồn vào đám mây trĩu nước
Hạt mưa có rơi không ? Đảo mình nhỏ quá
Cầu trời gió đừng thổi mây qua.
 
Chúng tôi hò nhau mình trần bắc dàn hứng nước
Gió thổi mát sau lưng mà thấp thỏm chờ mong
Lác đác hạt mưa rơi…
                         Ai cũng mừng rơn…
 
Bỗng ánh mặt trời tỏa sáng
Thế là mây bay qua mưa chẳng đến
Chúng tôi nhìn theo những hạt mưa rơi
Cây bàng vuông vẫn đứng nắng giữa trời.
 
Vẫn biết đấy mưa làm chi thêm nữa
Để chúng tôi lính đảo cứ chờ mưa
Chờ vị ngọt của trời, của đất
Của tình yêu biển cả với con người.
Dầu không có mưa lính đảo vẫn cứ cười
Thu xô chậu để chờ cơn mưa khác
Bởi mảnh đất này là quê hương Tổ quốc
Trường Sa ơi ! Lính đảo vẫn chờ mưa.

Nguyễn Hồng Sinh
 
         Bài thơ có 6 khổ, độ dài như vậy để miêu tả về một cơn “mưa lạ”, là vừa không dàn trải. Khổ đầu khẳng định cái quy luật bất biến muôn đời của tạo hóa. Mưa, bão dập dồn vào miền Trung là thế. Nhưng không có mưa mới là điều “khát cháy” của con người. Hiện tượng sa mạc hóa dẫn đến sự nghèo đói triền miên ở lục địa đen đã nói lên điều đó.
         Còn ở đây:
“… Mưa ở Trường Sa là nỗi khát cháy lòng
Mọi ánh mắt dồn vào đám mây trĩu nước…”
         Người viết đã khéo léo kết nối tự nhiên với con người bằng thủ thuật tả thực, thiếu nước ngọt của người lính đảo là chuyện có thực.
         Tác giả đã tái hiện hình ảnh cơn mưa bất chợt giữa trùng dương bao la mà ở đó Đảo “Tiền tiêu” chỉ là chấm nhỏ trên đại dương mênh mông. Bài thơ cho ta nhiều xúc cảm, nhưng lượng ngôn từ lại rất kiệm:
“…Chúng tôi hò nhau mình trần bắc dàn hứng nước
Lác đác hạt rơi…
                         Ai cũng mừng rơn…”
         Những câu thơ như bức kỳ họa về hình ảnh người lính chờ mưa mà cứ lo ngay ngáy: “…Cầu trời gió đừng thổi mây qua…”, làm người đọc rưng rưng xúc cảm bởi cái hoàn cảnh ngặt nghèo thiếu trước hụt sau. Từ mớ rau xanh, giọt nước ngọt đến tiếng khóc trẻ thơ của người lính đảo.
         Viết đến đây tôi liên tưởng những tháng năm chiến đấu ở Trường Sơn:
        Ngày đó do điều kiện tác chiến đơn vị tôi phải “cắm chốt” hai mùa mưa, một mùa khô ở Km102 đường 24 kéo dài, nằm sâu trong rừng đại ngàn hạ Lào. Hơn 2 năm không ra Bắc, không gặp một người dân nào, kể cả người Lào, vì họ xa “đường tuyến” để tránh bom rơi, đạn lạc. Ngày được lệnh rút quân ra Quảng Bình an dưỡng, học tập chính trị để chuẩn bị cho chiến dịch mới, đơn vị đêm đi, ngày nghỉ ai cũng háo hức. Hành quân ra đến ngã ba đường 10, bỗng cả Tiểu đoàn xe dừng lại trong đêm tối, ánh đèn pin hạt đỗ được che kín dò dẫm hỏi nhau:
- Có gì phía trước mà xe bị “ách” lại thế này. Chờ ăn bom hả ? Chiến sỹ lái xe truyền tin cho nhau.
- Có tiếng… trẻ con khóc, tiếng ru ?
         Hóa ra Tiểu đoàn trưởng Đào Phú Thuật, một chỉ huy đa cảm hào hoa. Khi đoàn xe rẽ sang đường 15A trên đất Lệ Thủy, chợt nghe tiếng người mẹ ru con khóc. Ông đã bảo lái xe dừng bánh để cả đơn vị lặng nghe tiếng trẻ khóc trong đêm, mà hơn hai năm trời chúng tôi không hề được nghe, được thấy bóng hình người mẹ.
         Nói thế để biết nỗi gian lao, vất vả của người lính dù ở nơi đâu, tình cảm gia đình, hình ảnh thân quen của quê hương trong ta nơi quê nhà. Khi đi cày về, cứ đến cạnh bếp vục cái gáo dừa vào vại nước dưới cây cau thoải mái uống, uống không hết còn xối nước rửa đôi chân lấm bùn vừa từ ruộng về. Còn ở Trường Sa:
“… Thế là mây bay qua, mưa chẳng đến
Cây bàng vuông vẫn đứng nắng giữa trời…”
        Cách miêu tả đầy tính chân thực làm bài thơ thêm gồ ghề, ý thơ va đập làm tươi mới hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ không ngẫu nhiên mà bài thơ có đến 14 từ “mưa”. Mới thấy hết sự khát khao đợi giọt nước… trời từ đám mây trôi qua đảo. Người viết đã đem được chất thơ vào đảo khát.
        Bài thơ: “Chờ mưa ở Trường Sa” có nét rung động, xao xuyến như nhật ký chiến sỹ. Tác giả đã ghi lại những chặng đường đã đi qua, những vùng đất đã sống, những khoảng khắc tình cảm chân thật của lòng mình.
        Hai câu thơ cuối nhất quán, tự nhiên “…Bởi mảnh đất này là quê hương Tổ Quốc / Trường Sa ơi ! Lính đảo vẫn chờ mưa” làm cho người đọc thấm thía vị ngọt của hạt mưa nơi đảo xa, bùi ngùi đến vậy.
        Thơ văn, để đi vào được lòng người. Trước hết phải thực trong cảm xúc. Là tiếng lòng, biết gợi mở trong xây dựng hình tượng và chọn cấu tứ. Với: “Chờ mưa ở Trường Sa” tác giả đã diễn đạt được thông điệp đó. Nhưng cũng có câu dễ dãi khô cứng, làm mất duyên thơ:”…Dẫu không có mưa lính đảo vẫn cứ cười/ Thu xô chậu…”. Câu thơ mang đầy khái niệm chính trị, thiếu cảm xúc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói: “Thơ đừng nói thẳng tuột ra. Như cái cây thẳng quá chim không về”.
         Lửa đạn đã tắt rồi, nhưng vẫn còn đó những người lính lặng thầm ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Họ không tính toán riêng tư, sẵn sàng hy sinh. Bồi đắp tâm hồn, tình cảm bằng tình yêu quê hương đất nước.
         “Chờ mưa ở Trường Sa” đầy ân tình, là bài thơ được cất lên từ một trái tim yêu đời, yêu cuộc sông./.
 
Nguyễn Viết Lợi
Hội VHNT Trường Sơn VN 
ĐC: Số 11, Dương Vân Nga, P.Hưng Phúc,
TP. Vinh, Nghệ An
ĐT:  0368 851502

tin tức liên quan