"Nợ em một lời hứa". TG: Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 06:30 15/09/2020 Lượt xem: 781
NỢ EM MỘT LỜI HỨA
NGUYỄN KIM CHÚC
 
         Chương trình sân khấu truyền thanh của đài tiếng nói Việt Nam đang phát vở chèo: “Tiếng hát người Dao”. Một giọng nữ hát ru: “Lấy anh em biết ăn gì, lộc sắn thì chát, lộc si thì già”. Hồng Sa chất vấn tôi:
- Sao lại thế hả anh.
- Sao cơ. Tôi hỏi lại.
- Là cái cô gái trong đài ấy. “Lấy anh em biết ăn gì?” Phải cho cô ta vào đây với bọn mình để cho cô biết ăn gì.
- Là nhân vật trong đài, văn nghệ ấy mà. Chấp nhặt gì hả em …
         Em nói vào đây nghĩa là vào bắc Tây Nguyên - vùng Đakpét mới giải phóng - nơi chúng tôi đang mắc võng trò chuyện cùng nhau. Đăkpét là điểm dân cư cực bắc của tỉnh Kon Tum, nằm ngay trên quốc lộ 14 - có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ phía bắc Cao nguyên Trung phần. Nơi đây đất đai màu mỡ là hợp lưu của những dòng suối lớn thuộc thượng nguồn sông Pa Kô, có nhiều dân tộc sinh sống. Vì vậy Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã biến nơi đây thành căn cứ không thể mất - nơi đồn trú của tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng Ngụy. Trước tháng 5.1974 ta đã nhiều lần đánh chiếm nhưng chưa dứt điểm được.
         Từ Tây Trường Sơn lật cánh về Đông Trường Sơn, Bộ tư lệnh 471Trường Sơn được giao phụ trách theo trục đường 14 từ Trao (Quảng Nam) - phía Bắc đến Sa Thầy (Kon Tum) phía Nam, tiếp giáp với Bộ tư lệnh 470. Để thông tuyến phải mở đường tránh qua Đăk Pét. Bộ tư lệnh 471 Trường Sơn phối hợp chặt chẽ với chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum khảo sát thiết kế, Trung đoàn 10 Công binh của Bộ tư lệnh 471 thi công đường tránh qua Đăk Pét. Đường tránh Đăk Pét thông tuyến cũng là lúc căn cứ Đăk Pét nằm trong tầm ngắm của pháo binh ta. Thời cơ đến quân ta tiến công giải phóng Đăk Pét, có sự đóng góp to lớn của Bộ tư lệnh 471 Trường Sơn.
         Tôi vặn nhỏ đài và lắng nghe tâm sự của em:
         Em hỏi:
- Năm năm qua anh đi những đâu.
- Chia tay em ở đầu mối B46 em về Kon Tum còn bọn anh về Quảng Nam, em biết rồi mà.
- Đành là thế, nhưng sao bây giờ mình mới gặp nhau nhỉ. Năm năm rồi còn gì.
         Yên lặng! Tôi biết em đang nén tiếng thở dài …


(Ảnh minh họa)
 
         Tôi và Hồng Sa cùng quê đất Tổ vua Hùng, cùng ở hữu ngạn sông Thao. Em ở huyện trên - Cẩm Khê; tôi ở huyện dưới - Tam Nông. Tháng 6 năm 1969 tôi và Hồng Sa gặp nhau trên đường giao liên Trường Sơn cùng vào chi viện cho chiến trường khu 5. Chuyện trên đường giao liên ngày ấy giữa tôi và Hồng Sa vừa là đồng hương vừa là sức trẻ có nhiều chuyện đáng để nhớ. Ngày 15 tháng 5 năm 1974, Đakpét được giải phóng. Hơn 3.000 dân rời bỏ ấp chiến lược, được sự giúp đỡ của chính quyền cách mạng họ về lập bản làng mới. Bộ tư lệnh 471 Trường Sơn được giao tiếp quản Đakpét lập sở chỉ huy nhẹ chỉ huy các lực lượng bộ binh, công binh, cao xạ … giữ vùng giải phóng - giúp dân ổn định đời sống. Tôi gặp lại Hồng Sa tại đây - nơi tan hoang sau cuộc chiến.
         Hồng Sa trong đoàn cán bộ tỉnh Kon Tum trực tiếp giúp dân xây dựng cuộc sống mới. Em giới thiệu với mọi người tôi là anh họ của em. Ngày nào em cũng từ nơi ở mới của dân tới thăm tôi và tất nhiên, tôi lại “phải” đưa em về. Dân được giải phóng, không còn cảnh tù túng trong ấp chiến lược. Họ được về với núi rừng nương rẫy. Hàng ngày họ tự do lên nương rẫy trồng tỉa, săn bắt thú rừng, tìm kiếm ong mật. Cuộc sống thanh bình trở lại. Những nếp nhà mới được dựng, bến nước được khai thông rộn rã tiếng trẻ thơ. Đêm đêm bên bếp lửa hồng họ tụ tập nhảy múa ca hát. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc nước vang xa. Hạnh phúc lứa đôi trở về với buôn làng. Nhớ hôm chính quyền cách mạng phóng thích hàng binh đợt đầu, tôi chứng kiến những cô vợ trẻ địu con, những ông bố, bà mẹ đi đón chồng con trở về. Họ gặp nhau rồi mà vẫn còn rơi nước mắt. Ba người ngồi bên vệ cỏ, anh lính vừa được phóng thích, mẹ anh và vợ anh. Anh con trai tư lự, cô gái có vẻ cương quyết, bà mẹ cau có. Cô gái muốn giành chồng về với mình, bà mẹ quyết giữ con. Những cuộc dùng dằng như thế, người vợ bao giờ cũng thắng. Anh chồng cắp áo sống về với vợ. Mẹ già thất thần nuốt nước mắt vào trong. Bộ tư lệnh 471 Trường Sơn cùng với chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum phối hợp chặt chẽ giúp dân xây dựng cuộc sống mới; nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến vận tải và tuyến ống xăng dầu; tuyến tải ba sắp thi công qua khu vực này…. Ngày mai dân xã C mở hội mừng buôn làng mới, các đồng chí tỉnh Kon Tum mời chúng tôi tham dự cùng dân. Tôi được tham mưu phó Bộ tư lệnh 471 Trường Sơn Đỗ Hữu Tần cử đi. Vì vậy mới có đêm nay tâm sự cùng em …
- Năm năm qua anh có gặp lại Cẩm không? Em hỏi tôi.
- Có một lần anh gặp lại Cẩm vào tháng 7 năm 1970. Cũng vào một đêm như thế này.
- Nó có khỏe không anh!
         Bên ngoài có tiếng gọi, Hồng Sa tung bọc võng ngồi dậy. Hai người đàn bà một già một trẻ bước vào lán. Họ nói với Hồng Sa gì đó, Hồng Sa đáp lại cũng bằng tiếng của họ. Em khoác túi thuốc bảo tôi:
- Anh nghỉ đi. Em phải đi với họ một lát. Nói rồi em bấm đèn rời lán theo họ …
         Em đi rồi, tôi tắt đài nghe ngóng và lại nghĩ tới Cẩm cô dược sỹ cùng vào Nam với Hồng Sa. Cái ngày nhóm hành quân vào khu 5 bọn tôi thân và luôn bám sát nhau có tôi cùng hai dược sỹ trẻ Hoàng Hồng Sa và Cẩm. Cẩm dân Hải Dương lém lỉnh và hay chuyện luôn bám sát tôi ngay cả mắc võng nghỉ qua đêm ở bãi khách Cẩm cũng treo võng gần tôi. Còn Hồng Sa lặng lẽ nhường nhịn và ít nói. Chia tay Hồng Sa ở B46 tôi và Cẩm còn đi với nhau thêm ba ngày nữa. Điều làm tôi ngạc nhiên là sau năm năm gặp lại, Hồng Sa hầu như không thay đổi; nước da có phần trắng hồng hơn; tươi tắn, trẻ trung và có phần xinh hơn khi tôi mới gặp. Chỉ có khác là em nói nhiều hơn. Khi chỉ còn hai người em nói mọi chuyện, còn tôi chỉ còn biết lắng nghe …
         Em về, lặng lẽ treo túi thuốc bấm đèn về võng.
- Em trở thành Y sỹ khi nào vậy - Tôi hỏi.
- Tưởng anh ngủ rồi. Y với Dược gì đâu anh. Em bé sốt, hai mẹ con không phân biệt được thuốc cần uống, mới gọi em phân giải mà. Công việc bọn em là thế, buộc phải tiêm, phải truyền dịch, kê đơn phát thuốc lại đỡ đẻ nữa chứ. Chả hiểu em là Dược hay là Y nữa đây.
- Em giỏi quá rồi còn gì. Lại còn nói được cả tiếng Ba Na nữa.
         Em không ngồi vào võng mà bấm đèn tung bọc võng tôi ra, cầm tay tôi kéo dậy.
- Dậy ra ngoài cùng em. Trăng lên đẹp lắm. Em muốn đêm nay là của em.
         Tôi ngồi dậy bước theo em ra khỏi lán. Ở cái tuổi tôi ngấp nghé 30 chưa vợ lại chỉ quen với súng đạn, bản đồ có thể coi vào loại hâm dở với chuyện tình khác giới. Quả thực, khi chỉ còn hai đứa em bảo gì tôi cũng lắng nghe và làm theo. Em coi đó là đặc quyền của em với tôi. Trăng cuối tháng dát vàng trên cánh rừng Xà nu chúng tôi đang đứng. Tiếng lanh canh, ầm ào, lách cách của dàn nhạc nước, tiếng vi vu, xào xạc của rừng Xà nu theo gió bủa vây hai đứa tôi. Không gian huyền ảo thơ mộng. Em nắm tay tôi tản bộ.
- Anh bảo anh gặp Cẩm tháng 7 năm 1970 cũng vào một đêm như thế này là sao.
- Là cũng vào dịp tháng 7 như thế này. Chỉ có điều khác là anh không được tản bộ cùng Cẩm như thế này. Ngày ấy ở vùng sâu Quảng Nam ác liệt lắm mà em.
- Thì ngày ấy bọn em cũng khác gì đâu - “Đi không dấu, nấu không khói, nói không lời…” mà. Tất cả xa rồi phải không anh.
- Đúng vậy!
- Chả hiểu giờ cái Cẩm ra sao. Quả thực lúc đó em ghen với nó. Gặp anh, em với anh là đồng hương mà nó không nhường nhịn, cứ xoắn lấy anh. Hôm chia tay ở B46 nó biết còn được đi cùng anh vào sâu trong đó nó ra điều hãnh diện lắm. Bây giờ thì sao nhỉ. Trời thương em, nên trả anh về vùng Đakpét này cùng em. Anh có tin không.
- Anh tin mà.
         Hai đứa tản bộ dưới bóng Xà nu lay động bởi gió rừng. Em kể cho tôi nghe về những năm tháng em ở với con người và đất đỏ Tây Nguyên. Chính bà con đã chỉ cho em nhiều điều để em vững vàng trong cuộc sống. Cây rừng Tây Nguyên nuôi sống và bồi bổ sức khỏe cho em. Qua những lời tâm sự của em, tôi hiểu hơn về em. Cô Dược sỹ họ Hoàng trẻ trung xinh đẹp này đã trưởng thành như thế nào. Rời miền sơn cước đất Tổ, cô con gái của ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện hăm hở lên đường chống Mỹ cứu nước. Sau nhiều tháng hành quân vượt Trường Sơn, cô đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên giàu truyền thống đánh giặc giữ buôn làng. Cơ quan dân y của cô ba cùng với dân - Cùng phát rãy trồng tỉa, đánh giặc giữ buôn làng; cùng lũ làng trồng rãy cách mạng để quân giải phóng có cái ăn khi đói. Hết năm thứ hai ở Tây Nguyên cô được kết nạp Đảng và bây giờ cô là cán bộ Y tế có uy tín với nhân dân vùng giải phóng. Em kể về những đồng nghiệp của em (có người tôi đã gặp) về những mối tình của họ. Có người tìm được bến đỗ bình yên. Có cô phải làm mẹ đơn thân với án kỷ luật và âm thầm chịu đựng. Còn em - tôi hiểu em đang tìm “một nửa” của mình.
- Anh còn bị sốt rét nữa không? - Em hỏi.
- Hầu như không, anh ở rừng đã gần 10 năm rồi còn gì, muỗi nào còn dám bám anh nữa.
- Đúng vậy, muỗi nó bám vào anh được gì chứ. Anh vẫn thế chả “xôi xỉnh” chút nào. Nghe chừng còn thư sinh hơn. Em bóp nhẹ vào cánh tay tôi. Chắc sợ tôi hiểu sai ý của em, em tiếp:
- Em đùa mà. Trông anh đáng yêu lắm. Ước gì em san sẻ cho anh được một chút thì hay biết mấy.
         Tôi biết em định nói gì rồi, nhưng vẫn hỏi.
- Em muốn sẻ cái gì cho anh cơ.
Em đấm vào tôi dài giọng:
- Biết rồi còn hỏi này!
         Hai đứa ngồi trên tảng đá nhẵn thín có chỗ dựa lưng tựa như đang ngồi ghế đá công viên. Lúc này tôi mới để ý hình như cả buôn làng không ngủ. Các nếp nhà phát ra những vệt sáng qua cửa, chập chờn theo ngọn lửa trên bếp. Phía đóng quân của các đồng chí Bộ đội và Chính quyền tỉnh Kon Tum vẫn sáng đèn văng vẳng tiếng cười nói. Mọi người chờ đón một ngày mới - ngày ra mắt Chính quyền Cách mạng và chuẩn bị đón nhận hàng binh được phóng thích. Tiếng chim “chót thì vót” khắc khoải gọi nhau trong đêm. Tiếng gọi nhau của đôi chim đã gần nhau hơn. Mà cũng lạ khi tiếng “chót thì vót” của hai con hòa làm một cũng là lúc trời sáng. Cũng như tiếng chim “bắt cô trói cột” lính ta thường nhái là “khó khăn khắc phục”, thì tiếng chim “chót thì vót” lính ta cũng chế thành “chót thì bóp” và cũng là đề tài bàn tán không lời phân giải …
- Anh nghĩ gì vậy. Em hỏi.
- Anh nghĩ về đôi chim “chót thì vót” khoắc khoải tìm nhau trong đêm. Tôi thành thực.
- Chim tìm nhau, người cũng tìm nhau mà anh.
- Còn em đã tìm được người nào chưa.
- Anh còn hỏi thế à! Lại đấm tôi thùm thụp chỉ có điều nhịp đấm thưa dần rồi ngừng hẳn. Có cái gì đấy thay đổi trong em … Em tỏ rõ sự thất vọng với câu hỏi của tôi. Em khẽ ngồi ra xa lặng lẽ buông tiếng thở dài cố nén.
         Tôi thực sự thương em, đồng cảm với em. Sau năm năm gặp lại, biết tôi vẫn “chưa có ai” em đối với tôi thật lạ. nhưng tôi có triết lý của riêng tôi. “Trong chiến tranh đàn bà và của dân” nên tránh. Điều này tôi thấu hiểu khi đọc “Chiến tranh và hòa bình” và cũng tin hơn khi nghe diễn giả Hoàng Thiếu Sơn nói chuyện với hàng trăm sinh viên chúng tôi về tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” ở nhà hát 3-2 Nam Định trước ngày nhập ngũ. Đại đội trưởng đầu tiên của tôi Trung úy Đỗ Đức Giang thường khuyên nhủ bọn tôi: “Các cậu còn trẻ chớ vướng chuyện ấy, vướng vào bị thương là ra nhiều máu lắm đấy”. Chả hiểu điều ông nói đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi rất tin và thực hiện đúng - tránh xa đàn bà và của dân …
         Bên tôi Hồng Sa vẫn yên lặng. Tôi chủ động nhích lại gần em hơn nắm tay em tôi hỏi:
- Bây giờ em còn giữ ba điều kiện nữa không.
- Điều kiện gì hả anh.
- “Trình độ tương đương, tuổi tác tương xứng, gần gũi”. Em quên sao.
- Chuyện xưa rồi anh! Không hiểu sao ngày ấy bọn em lại ngốc thế không biết. Giờ nghĩ lại thật buồn cười. Chuyện tình yêu trai gái nó là duyên số lại tính điều này điều nọ, nghe thì có lý nhưng suy cho cùng là viển vông phải không anh.
- Thú thật ngày ấy nghe các em nói thế và nhìn các em tươi trẻ, xinh đẹp thích thật, nhưng lính chiến bọn anh nay đây mai đó thành thử chả dám với bọn em.
- Bây giờ chỉ cần một bờ vai như thế này để dựa mà khó thế không biết. Vừa nói em vừa tựa vào tôi. Từ nơi em một sự nồng ấm lan tỏa sang tôi. Một cảm giác thật lạ. Tôi ngồi yên cho em tựa. Bất giác tôi nhớ tới hàng trăm, hàng ngàn em gái miền Bắc ở Bộ tư lệnh 471, ở Bộ tư lệnh Trường Sơn chúng tôi. Có em trẻ măng mới rời ghế nhà trường và cũng có những chị nhập tuyến từ những năm 1966, 1967. Họ làm đủ mọi việc của người lính: mở đường, đảm bảo giao thông, lái xe, thông tin, kho hàng, cấp dưỡng. quân y … khó khăn gian khổ đè lên họ và đã có nhiều người tuổi xuân đã gửi lại ở những cánh rừng mịt mù bom đạn, có người bị hao mòn sức lực do sốt rét rừng khiến tóc rụng, da đen sạm … Nhưng không ai rời khỏi vị trí chiến đấu vẫn mong ngày trở về với ngôi nhà hạnh phúc.
         Hồng Sa dựa hẳn vào tôi, người em nóng rực, thở gấp gáp. Chỉ cần khẽ xoay người lại em sẽ nằm gọn trong tôi và chuyện gì sẽ đến đây? Nhưng tôi thật sự không thể và còn vì một lẽ nữa thiêng liêng và đầy thương nhớ là tôi đang nợ Cẩm một lời hứa. Tháng 7 năm 1970 tôi gặp lại Cẩm ở nam Trà My - Quảng Nam và đã nhận với em một lời hứa. Và từ sau cái ngày này tôi luôn mong ngày ấy sẽ đến sớm để thực hiện lời hứa với em là: “Ngày chiến thắng tìm em ở thành phố Tam Kỳ”. Điều này tôi không thể thổ lộ cùng Hồng Sa, thương em vô cùng …
         Tiếng nhạc hiệu của đài tiếng nói Việt Nam từ lán của các đồng chí ở tỉnh Kon Tum vang lên báo hiệu vào một ngày mới. Tôi khẽ kéo Hồng Sa đứng lên, đặt nhẹ nụ hôn nơi trán em. Chút ngỡ ngàng, bối rối em ôm ghì và khóa chặt môi tôi… và như chợt tỉnh Hồng Sa kéo tôi về lán trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã của dân làng thúc giục nhau vào hội. Phía đông - bình minh đang hửng sáng.

 
Nguyễn Kim Chúc
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

tin tức liên quan