“TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” – MỘT CUỐN SÁCH CÔNG PHU CỦA THIẾU TƯỚNG HOÀNG KIỀN.

Ngày đăng: 07:07 14/10/2020 Lượt xem: 1.978
“TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” – MỘT CUỐN SÁCH CÔNG PHU
CỦA THIẾU TƯỚNG HOÀNG KIỀN.


 
      Đầu tháng 10/2020 này, Thiếu tướng – Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam – Hội viên Hội Văn học  Nghệ thuật Trường Sơn vừa cho ra mắt cuốn sách “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI”. Sách do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, dày 300 trang, in với số lượng 3.000 cuốn.
       Đây là tác phẩm thứ 11 đã xuất bản của Thiếu tướng Hoàng Kiền.
      Năm 2019, tôi có vinh dự được Thiếu tướng Hoàng Kiền nhờ đọc bản thảo của cuốn sách này. Tôi tranh thủ đọc mấy đêm liền. Cuốn “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” là một góc nhìn mới và rất khác tất cả những cuốn sách viết về lịch sử Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
    Cuốn sách được kết cấu với 11 phần: Chủ trương mở đường Trường Sơn/Những con đường/ Hai vị chỉ huy/Cuộc chiến ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Trường Sơn/Những con đường chi viện phối hợp khác/Trường Sơn huyền thoại/Xây dựng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn/Binh đoàn 12 – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn/Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh/Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam/Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Đồng Quê.
      Sách còn có phần phụ bản khá phong phú: Tài liệu tham khảo/Đôi nét về tác giả Thiếu tướng Hoàng Kiền/Các bản đồ và hình ảnh hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam và một số hình ảnh và hoạt động về Trường Sơn trong bảo tàng Đồng Quê.
      32 hình ảnh tư liệu quý về Trường Sơn cũng được tác giả sưu tầm đăng trong cuốn "TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI".
 
            Khi thể hiện cuốn “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” , tác giả không xa vào những chi tiết, số liệu vụn vặt, dài dòng mà với văn phong ngắn gọn, cô đọng, đi thẳng vào làm rõ những vấn đề mà mình đặt ra. Có thể nói, để hoàn thành cuốn sách này, tác giả không chỉ có vốn sống phong phú của một trợ lý công binh của một Sư đoàn công binh Trường Sơn và sau này là một vị tướng Tư lệnh Bình chủng Công binh mà còn thể hiện ở sức đọc, sức nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn cùng tham khảo nhiều tư liệu, nhiều đánh giá về Trường Sơn từ sách báo trong và ngoài nước.
            Điều khiến người đọc nhận ra sự khác biệt không trộn lẫn với bất cứ cuốn sách nào cùng thể loại là trong cuốn “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI”, bao giờ tác giả cũng có thơ tóm tắt, khái quát những vấn đề vừa trình bày.  15 bài thơ tác giả đã dùng minh họa, làm rõ nét một cách khái quát, rất dễ nhớ về 15 vấn đề mà tác giả đã trình bày (Đường giao liên Trường Sơn/Đường sông Trường Sơn/Dòng sông mang lửa/Thông tin Trường Sơn/Đại bàng – Tuấn mã Trường Sơn/Bộ binh Trường Sơn/Kho hàng Trường Sơn…/Bài ca Trường Sơn/Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/vv...) Đấy là chưa kể tác giả còn sử dụng 13 khổ thơ khác làm phong phú, sinh động cho bài viết của mình. Ví dụ như: "Rừng tì ngọn cỏ không ra/Bom cầy đạn xới, đất xoa bột màu/Công binh anh dũng tuyệt vời/Phá bom mở lối bắc cầu xe đi"/.

            Phần viết về Trường Sơn trong Bảo tàng Đồng Quê cũng là nét đặc biệt – một góc nhìn khác về Trường Sơn…Tác giả còn dành 13 trang để giới thiệu về một nhân vật đặc biệt của Trường Sơn – “Ông chủ” Nguyễn Đức Phương – Nhà tư sản lớn đã khai thác, vận chuyển cung cấp hậu cần cho chiến trường Nam Bộ và Nam Tây Nguyên từ đất Campuchia.
           Cuốn “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” đã  khẳng định sự lao động với cường độ cao, nghiêm túc và đầy trách nhiệm với Trường Sơn của Thiếu tướng Hoàng Kiền.
          “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” là một đóng góp đầy ý nghĩa vào kho tàng truyền thống, lịch sử vĩ đại của Trường Sơn huyền thoại.
         Trân trọng cám ơn Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có đóng góp đầy ý nghĩa vào giá trị vi vật thể về Trường Sơn huyền thoại của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
         Xin chúc mừng và giới thiệu “TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI” với bạn dọc và hội viên Trường Sơn.
 
NB-NV Phạm Thành Long
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn.

tin tức liên quan