"Tiểu đội xe không kính" - Một bài thơ độc đáo và hấp dẫn. TG Đoàn Hải Hưng

Ngày đăng: 07:28 22/10/2020 Lượt xem: 4.325

-----------------------------------------------------------------
"TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH' - MỘT BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO VÀ HẤP DẪN
Đoàn Hải Hưng
 
          Thơ ca từ Cách mạng tháng Tám đến nay có nhiều bài thơ hay viết về người lính – “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại : Nhớ - Hồng Nguyên, Đồng chí – Chính Hữu, Tây Tiến – Quang Dũng, Hoan hô chiến sỹ Điện Biên – Tố Hữu, Nấm mộ và cây trầm – Nguyễn Đức Mậu, Bài thơ về tiểu độ xe không kính – Phạm Tiến Duật, Năm anh em trên một chiếc xe tăng – Hữu Thỉnh,  Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân... trong đó “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, sáng tác năm 1969 là một bài thơ hay, độc đáo, mới lạ và hấp dẫn.
          Nhiều Nhà thơ và Nhà phê bình nghiên cứu văn học nhất trí với nhau về các mốc đầu tiên của thơ chống Mỹ và coi Phạm Tiến Duật là người mở đầu cho giai đoạn. Nhà thơ, Nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương đã nhật xét; “Anh Duật có thể coi là lứa đầu của lớp Nhà thơ xuất thân trong kháng chiến chống Mỹ. Phải đến Phạm Tiến Duật, thơ lớp trẻ mới thực sự vào trận. Trước đó, mới chỉ là người đưa tiễn, người cắm lá ngụy trang cho trận địa”.
          Là người trong cuộc, gắn bó máu thịt với Trường Sơn, Phạm Tiến Duật đã có nhiều bài thơ hay viết về vùng đất này, về đường Trường Sơn – “Đường Hồ Chí Minh” nổi tiếng trong lịch sử.
          Với chùm thơ bốn bài : Nhớ, Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ do “Báo Văn nghệ” tổ chức năm 1969 – 1970.
Về xuất xứ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, anh Duật kể: “Năm 1966, hai năm sau khi tôi nhập ngũ, tôi công tác tại Trung đoàn xe 225 thuộc Tổng cục Hậu cần. Trung đoàn 225 làm nhiệm vụ vận tải từ Hà Nội vào nam Khu 4 cũ. Hầu như toàn bộ xe của đơn vị này đều bị găm đầy mảnh bom, mảnh đạn và hiếm có chiếc xe nào giữ được tấm kính chắn gió. Sau mấy đêm đi dài, vượt sông Lam đầy bom lửa cùng một chiến sĩ lái xe tên là Văn Mâu, tôi đã ngồi viết “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
          “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là sản phẩm của những năm tháng gian khổ mà hào hùng của người lính lái xe Trường Sơn.
          Tứ thơ được hình thành từ một hình tượng, một chi tiết độc đáo – những chiếc xe không kính chắn gió vẫn băng băng trên đường ra trận :
                             Không có kính không phải vì xe không có kính
                             Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
                             Ung dung buồng lái ta ngồi.
                             Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
          Lời thơ của Phạm Tiến Duật hết sức tự nhiên chẳng khác gì lời nói bình thường hàng ngày. Điều đó cũng được thể hiện trong nhiều bài thơ khác của anh. Đó là một nét độc đáo trong phong cách thơ của thi sĩ – chiến sĩ này.
          Cái gian khổ hiểm nguy: Bom giật làm vỡ kính xe được anh kể lại một cách tự nhiên như không. Đó là chuyện bình thường với người lính lái xe trong thời chiến. Tác giả đã miêu tả sinh động sự khắc nghiệt của chiến tranh, những khó khăn gian khổ mà người lính phải trải qua : “Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”, Xe không có kính nên “gió vào xoa mắt đắng”, “bụi phun tóc trắng như người già”, ướt áo vì “mưa xối như ngoài trời”.
          Những người lính chấp nhận gian khổ, coi thường hiểm nguy, ung dung, hồn nhiên, pha một chút ngang tàng đáng yêu của lính lái xe. Mặt đầy cát bụi nhưng :
                             Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
                             Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
          Cái dáng “phì phèo châm điếu thuốc” và tiếng cười “ha ha” thoải mái, trẻ trung càng làm nổi bật tư thế hiên ngang, tâm hồn lạc quan của người chiến sĩ lái xe trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
          Mưa to, áo quần ướt sũng nhưng :
                             Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
                             Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
          Cái hay, vẻ đẹp của bài thơ còn thể hiện ở sự hồn nhiên, giàu chất hiện thực và lãng mạn, gợi ta nhớ đến một ý kiến sâu sắc: “Tác phẩm nào đối với ta có vẻ hồn nhiên và như sản phẩm tự nhiên của thời đại, bao giờ cũng là kết quả của sự dụng công cố ý... không có nghệ thuật nào mà chẳng có dụng ý”.
                                                (Osacar Wilde, 1854 – 1900, Ái Nhĩ Lan)
          Vượt qua bom đạn, qua thử thách khó khăn, tình cảm đồng chí đồng đội càng keo sơn gắn bó:
                             Những chiếc xe từ trong bom rơi
                             Đã về đây họp thành tiểu đội.
                             Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
                             Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
          Hình ảnh “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” thật độc đáo, giàu ý nghĩa và ta nhớ tới hình ảnh “ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” của người lính trong những năm kháng chiến chống Pháp qua bài thơ “ Đồng chí” của Chính Hữu. Tình cảm đồng chí đồng đội keo sơn, gắn bó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của các anh “Bộ đội Cụ Hồ”.
          Nổi bật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là hình ảnh người lính lái xe dũng cảm, hiên ngang, trẻ trung, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng.
          Sức nặng của bài thơ, tư tưởng chủ đề của bài được thể hiện tập trung ở bốn câu thơ kết :
                             Không có kính, rồi xe không có đèn,
                             Không có mui xe, thùng xe có xước,
                             Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước :
                             Chỉ cần trong xe có một trái tim.
          “Trái tim” ở đây là trái tim yêu thương đối với đồng bào miền Nam, trái tim đã nguyện chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước. “Những con đường chạy thẳng vào tim” đang được trái tim cầm lái.
          Bài thơ viết về xe không kính nhưng ý tưởng sâu xa của bài thơ là ở chỗ: qua những chiếc xe đó, tác giả muốn nói với chúng ta về đất nước và con người Việt Nam thời chống Mỹ. Về vật chất, đất nước chúng ta có thể thiếu nhiều thứ, nhưng có một thứ không thể thiếu được, đó là trái tim, là ngọn lửa nhiệt tình yêu nước.
          Sức hấp dẫn, sự độc đáo của Bài thơ về tiểu đội xe không kính được thể hiện ở chất giọng trẻ trung, khỏe khoắn, tinh nghịch, tự nhiên, giàu âm thanh nhạc điệu. Bài thơ giàu chất hiện thực, lãng mạn và nhiều suy tưởng. Hình ảnh người lái xe trong bài thơ đã trở thành biểu tượng đẹp về người lính Trường Sơn trên “Đường Hồ Chí Minh” trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, hào hùng của dân tộc.
          Với Vầng trăng – quầng lửa(tập thơ, 1970), “Ở hai đầu núi(tập thơ, 1981), Thơ một  chặng đường (tập thơ, 1971), “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” (trường ca, 2000), “Vừa làm vừa nghĩ” (tiểu luận, 2003), “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” (2007), “Phạm Tiến Duật toàn tập” (2009)... Phạm Tiến Duật trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc của nền thơ ca chống Mỹ, xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (tháng 5/2012).
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (bên trái) và tác giả Đoàn Hải Hưng về dự lễ đón nhận 
đơn vị “Anh hùng lao động” của trường THPT Hùng Vương (1/12/2004)

Tháng 10/2012
Đoàn Hải Hưng
Ủy viên Ban Thường vụ Hội TT Trường Sơn, Đường HCM tỉnh Phú Thọ;
Ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ.
Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, thị xã Phú Thọ.
ĐT: 0988 027 547
 
tin tức liên quan