"Vài cảm nhận về cây cầu lạ nhất thế giới" - TG: Vũ Phong

Ngày đăng: 05:42 01/11/2020 Lượt xem: 451


VÀI CẢM NHẬN VỀ CÂY CẦU

LẠ NHẤT THẾ GIỚI

 
Tg: Vũ Phong

 
          Tôi đã từng là sinh viên khoa cầu đường của trường đại học giao thông thời chống Mỹ; là cử nhân sư phạm ngành văn học. Tôi đã từng đọc, nghe và xem nhiều về các loại cầu trong thực tế và trong cả thơ văn, nghe các cụ xưa nói "Bắc cầu dải yếm"đã thấy hay, thấy lạ... nhưng khi đọc tập thơ "Gió Mùa" của nhà thơ Nguyễn Quốc Lập, tôi mới bàng hoàng kinh ngạc gặp một cây cầu hi hữu, độc nhất vô nhị, chưa từng có trên thế gian này; đó là "Cầu người". Bài thơ gồm ba khổ, khổ thơ đầu tác giả giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện của cây cầu thật đặc biệt.
"Mấy ai biết được cầu người!
Bắc qua sông suối trong thời chiến tranh
Ngày đêm bom đạn hoành hành
Cầu cây vừa bắc tan thành khói mây".
         Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các chiến sỹ Công binh Trường Sơn có nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông: "Địch phá, ta lại sửa ta đi". Thực tế bao công sức, bao tháng trời mới bắc được cây cầu. Nhưng thật khắc nghiệt cây cầu mới bắc lại là mục tiêu đánh phá của kẻ thù "tan tành khói mây", cây cầu bị phá, Nhưng không thể để thương binh chết trên vai người tải thương. Bom đạn địch đã dồn người chiến sĩ công binh đến chân tường, cứu người như cứu hỏa: "Cùng tắc biến, tắc tất thông", trong giây phút tuyệt vọng nhất. Người lính Công binh đã xuất thần nghĩ ra phép màu và cũng thông minh, sáng tạo; đó là bắc cầu Người. Hàng trăm chiến sĩ công binh đã nhảy ào xuống sông, suối vai sát vai, chôn chân dưới dòng suối chảy xiết làm những trụ cầu, lòng tự nhủ phải sống để các chiến sĩ tải thương đi qua, đưa thương binh kịp thời đến nơi cứu chữa.
         Khổ thơ thứ hai nhân vật trữ tình; một là tâm trạng của người lính làm nhiệm vụ của người tải thương; thương lắm, đau lắm khi đi trên đầu trên vai, trên lưng đồng đội của mình, bạn đau một thì mình đau mười, nỗi thương bạn đã bật thành tiếng khóc.
"Buộc lòng sử dụng cầu này
Đi qua thương lắm người thay chân cầu
Thân người chìm dưới nước sâu
Nghiến răng chịu đựng nỗi đau trong lòng".
         Người lính Công binh đã phải gồng mình lên, phải nghiến răng chịu đựng đau buốt trong lòng; để người tải thương bước đi đè nặng trên vai, trên thân thể đồng đội mình, thật là dũng cảm đến phi thường. Bài thơ được viết lại bằng hình ảnh; sự dũng cảm, sự hiến thân của người lính đã góp phần lớn lao để làm nên chiến thắng.
"Chuyển thương vượt suối qua sông
Thân chìm từng bước chiến công đến gần
Chiến trường pháo nổ mừng xuân
Bạn tôi đứng vững! Hiến thân làm cầu".
         Có thể nói – Bằng âm ngữ Văn học của mình – Nguyễn Quốc Lập đã điểm thêm một dấu ấn vào trang sử hào hùng của Bộ đội Công binh Trường Sơn, với vần họa từ bức ảnh cùng tên – “Cầu người” nói về các chiến sĩ Công binh, Trường Sơn. họ đã hiến thân làm cây cầu vĩ đại nhất trong tất cả các cây cầu vĩ đại của thế giới. Bắc cầu Người để cứu Người, bài thơ mang giá trị nhân văn cực kỳ sâu sắc.
 
Vũ Phong

tin tức liên quan