Nhạc sĩ Trần Viết Được và Ca khúc "Trái tim chiến sĩ". Nhà Văn Phạm Trọng Thanh
Hướng về kỷ niệm ngày thành lập Quân đội NDVN (22-12)
NHẠC SĨ TRẦN VIẾT ĐƯỢC
VÀ CA KHÚC "TRÁI TIM CHIẾN SĨ"
Phạm Trọng Thanh
Năm 1979 đánh dấu một thành công của Nhạc sĩ Trần Viết Được.Ca khúc "Trái tim chiến sĩ", sáng tác của Trần Viết Được, do ca sĩ Mai Chung, đội "Văn nghệ xung kích" Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nam Ninh thể hiện, được trao huy chương Vàng tại Hội diễn văn nghệ Quân khu Ba. Tiết mục phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận được cảm tình đặc biệt của bạn yêu ca nhạc. "Trái tim chiến sĩ" có trong hành trang những người lính trẻ lên đường bảo vệ Tổ quốc kể từ ngày ấy. Sau đó, "Trái tim chiến sĩ" trở thành tên tập ca khúc chọn lọc của Trần Viết Được. Năm 1990, UBND tỉnh Hà Nam Ninh đã trao Giải thưởng Nguyễn Khuyến cho tập ca khúc này - tác phẩm của người nhạc sĩ Thành Nam trưởng thành từ phong trào ca nhạc quần chúng.
Sinh ngày 15 tháng 5 năm 1929, lớn lên trong một gia đình công nhân máy Sợi Nam Định, Trần Viết Được yêu ca nhạc từ tuổi học trò. Thành Nam quê hương với nhịp điệu cần lao của tiếng thoi, tiếng máy, với truyền thống đấu tranh cách mạng, cũng là nơi nuôi dưỡng nhiều tài năng âm nhạc.Từ đây, thời kỳ đầu tân nhạc, nhạc sĩ Lê Thương (1914- 1996) viết ca khúc đầu tiên về mùa xuân quê hương. "Ông được biết đến như một bậc thầy về âm nhạc với ba ca khúc nổi danh: Hòn Vọng Phu I, Hòn Vọng Phu II, Hòn Vọng Phu III" (Phạm Đình Sáu - Lời giới thiệu Tuyển tập ca khúc Nam Định thế kỷ XX- Hội VHNT Nam Định, 2001). Đầu những năm Bốn mươi thế kỷ trước, nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1942) làm nên một "hiện tượng âm nhạc Việt Nam" với chùm ca khúc nổi tiếng viết về mùa thu: Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu. Trong những ngày đầu khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (1919-1985) khởi đầu từ ca khúc Hồn Việt Nam đến Ba Đình nắng khoáng đạt, hào hùng được xem là "những bài ca đi cùng năm tháng".
Trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ quê hương Thành Nam những tài năng âm nhạc trẻ đã lên đường, phấn đấu trưởng thành, có những cống hiến đáng kể cho nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Đó là các nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, Văn An, Phong Kỳ, Trần Quý, Văn Ký...
Năm 1946, Trần Viết Được nhập ngũ, trở thành anh Vệ quốc quân khi mới mười bảy tuổi. Rèn luyện, trưởng thành trên các nẻo đường chiến đấu, công tác, anh được kết nạp Đảng khi đang tại ngũ. Là "cây văn nghệ" của đơn vị, Trần Viết Được tranh thủ tự học, trang bị thêm kiến thức âm nhạc, sáng tác ca khúc lấy đề tài từ đời sống bộ đội phục vụ sinh văn nghệ ở đơn vị.
Năm 1957, Trần Viết Được xuất ngũ, về nhà máy Dệt Nam Định trực tiếp sản xuất và phụ trách công tác văn nghệ quần chúng. Ông góp công xây dựng lực lượng văn nghệ nhà máy Dệt thành đơn vị mạnh của thành phố phục vụ sản xuất và chiến đấu. Quê ta thành phố Dệt- ca khúc phổ thơ Nguyễn Bính của Trần Viết Được, Bước chân trên dãy Trường Sơn của Vũ Trọng Hối, Mùa xuân trên thành phố Dệt của Trần Chung...các tiết mục do ông dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật từng vang lên trên các chiến hào, bên các mâm pháo bảo vệ bầu trời thành phố, có cả tiếng phong cầm dìu dặt một phong cách Trần Viết Được chưa dễ gì quên.
Sau hơn mười năm gắn bó với nhà máy Dệt, Trần Viết Được về công tác tại Đài phát thanh Hà Nam Ninh, phụ trách phòng Văn nghệ, trực tiếp biên tập âm nhạc, xây dựng các chương trình ca nhạc, chăm lo bồi dưỡng các năng khiếu, tài năng trẻ. Các chương trình Tiếng hát hoa phượng đỏ do ông chỉ đạo đạt những thành công xuất sắc, giới thiệu phong trào ca nhạc thanh thiếu niên học sinh Hà Nam Ninh với thính giả cả nước. Về sáng tác, ngoài hai đề tài chính là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Trần Viết Được còn viết cho các em những ca khúc của tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên:Em yêu cô thợ dệt, Dưới mái trường xinh, Em yêu cả bốn mùa...được các em yêu thích, được chọn vào Tuyển tập ca khúc Thiếu nhi 1945- 2000 (NXB Âm nhạc, Hà Nội, 2002). Nhạc sĩ Trần Viết Được là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng bộ môn Âm nhạc, uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh khoá II (1983- 1988).
Xin trở lại với ca khúc “Trái tim chiến sĩ”. Mùa xuân năm 1979, anh em văn nghệ sĩ của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) tổ chức các chuyến đi thâm nhập phòng tuyến biên giới phía Bắc. Nhạc sĩ Trần Viết Được tham gia lực lượng văn nghệ xung kích này. Lên với đồng bào và bộ đội miền cao, ông có dịp sống lại những ngày hào hùng ở miền biên khu trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Hoà chung tiếng hát trên các điểm cao biên ải phục vụ bộ đội, hình tượng người chiến sĩ “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...” bừng dậy cảm hứng sáng tạo. Ca khúc được viết rất nhanh trong chuyến đi. Trần Viết Được gửi vào đây nghĩa tình đồng chí đồng đội những tháng năm tuổi trẻ lên đường ra mặt trận. Ông gửi vào đây lòng yêu thương, niềm tự hào về những người lính tiếp bước cha anh đi suốt hành trình gian khổ, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông chọn cách biểu đạt “Trái tim chiến sĩ” trong một ca khúc trữ tình. Mở đầu với những ô nhịp có đảo phách, tạo tiết tấu sôi nổi, khoáng đạt:
Là người chiến sĩ nhiệm vụ đẹp biết bao
Gìn giữ quê hương gian khổ coi thường
Vì nhân dân chiến đấu...
Âm nhạc - Lời ca được đẩy lên cao hơn, nêu bật phẩm chất, lý tưởng của người lính trẻ tiếp nối truyền thống chống xâm lăng từ nghìn xưa và cốt cách nhân văn của thời đại mới: “Nêu cao truyền thống thời Trần, Đinh xưa/ Nay con cháu Bác Hồ...” và đẩy tới cao trào lộng lẫy, giai điệu vút lên bừng sáng:
Đảng cho anh một trái tim
Một trái tim biết yêu tha thiết đất nước quê hương
Một trái tim biết căm thù quân xâm lược
Một trái tim rực lửa anh hùng
Lời ca hai lần trở lại đủ cho tác giả khắc hoạ hình tượng Người chiến sĩ có "trái tim rực lửa anh hùng" ấy là anh bộ đội thân thiết, có tác phong "giản dị thật đáng yêu" với cây súng trên vai và "ngôi sao trên mũ". Đó là vẻ đẹp của người chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân có đạo đức và phẩm cách "trí , dũng, liêm, trung" như lời Bác dạy, một cốt cách "đẹp hồn nhiên như chân lý cuộc đời". "Trái tim rực lửa", "trái tim hồng" vượt chặng đường xa, nồng cháy tình yêu quê hương đất nước. Người chiến sĩ biết "dệt đẹp nhiều ước mơ", trái tim anh đón nhận và mang cả nhịp đập của "trái tim người mà anh nhớ anh thương". Thật yên lòng khi người lính có cả hậu phương tin cậy, để cùng đồng đội đứng ở tuyến đầu của công cuộc dựng nước và giữ nước. "Trái tim chiến sĩ" đã được nhạc sĩ nâng lên thành một biểu tượng cao đẹp của tình yêu Tổ quốc.
Ca từ như một bài thơ. Trần Viết Được tập trung bút lực dựng "chân dung tinh thần", khai thác vẻ đẹp tâm hồn cùng sự giàu có của trái tim người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Và anh đã thành công. Đoạn kết, được đẩy lên một cấp độ nữa, một sự khẳng định - một lời nhắn nhủ thiết tha: “Có gì đẹp bằng trái tim, đẹp bằng trái tim người chiến sĩ Việt Nam”...
"Trái tim chiến sĩ" nằm trong mạch sáng tạo dồi dào cảm hứng của nhạc sĩ Trần Viết Được cùng với các ca khúc: Đôi mắt, Thư gửi mẹ, Từ thành phố tiếng thoi chúng tôi đến sông Đà...
Nhận xét về các sáng tác của nhạc sĩ Trần Viết Được, sinh thời, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo viết:"Âm nhạc của anh khiêm nhường, giản dị, đáng yêu. Bố cục thường gọn gàng, mạch lạc, bình dị, thanh thoát. Những điều nói ra trong ca khúc của anh cũng nhiệt thành, mộc mạc như anh sống với đồng chí, bạn bè. Không cầu kỳ trong tiết tấu, không có những chuyển điệu gượng ép...Trần Viết Được đã góp được phần nhỏ của mình động viên chúng ta trong cuộc sống xây dựng và giữ gìn đất nước".( Bùi Đình Thảo- Lời giới thiệu tập ca khúc Trái tim chiến sĩ, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1986).
Vào lúc sức sáng tạo đang ở độ chín, nhạc sĩ Trần Viết Được đột ngột ra đi ngày 14-6-1983, trong một "ca" cảm sốt ngỡ như chẳng mệnh hệ gì. Đó là một ngày nở đầy sắc tím bằng lăng thành phố Dệt...
Có trên ba mươi năm hoạt động âm nhạc, danh mục tác phẩm chưa dài... Nhưng với các ca khúc đã được người nghe đón nhận đủ để chúng ta trân trọng những cống hiến của người nhạc sĩ Thành Nam. Riêng với "Trái tim chiến sĩ", nhạc sĩ Trần Viết Được đã ghi một dấu son, một vang hưởng còn lay động trong trái tim mọi người.
Di ảnh cố nhạc sĩ Trần Viết Được (1929-1983)
Tác phẩm – Tuyển tập ca khúc có tác phẩm của nhạc sĩ Trần Viết Được.
Nhà Văn Phạm Trọng Thanh