Cuộc sống - Trang viết: "Những ngón tay vuông"

Ngày đăng: 03:14 06/01/2021 Lượt xem: 320
Cuộc sống - Trang viết:

                              "Những ngón tay vuông"


                                                   Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Tò mò với tựa đề của hồi ký "Những ngón tay vuông", chúng tôi được tác giả của cuốn sách-cựu chiến binh Trần Quang Thành, nguyên Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1), từng là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, lý giải: "Bàn tay lính lái xe Trường Sơn, thực sự là các ngón tay bị vuông.



Đưa tay lên nhìn không thấy các khe hở. Ngón tay bẹt ra, vuông cạnh do cầm và cố giữ vành tay lái ngày này qua ngày khác. Bẹt tay trên vô lăng dưới bom đạn khốc liệt đã gợi nên trong tôi hình ảnh "Những ngón tay vuông".

Nghe ông nói trong xúc động, chúng tôi phần nào hình dung được một hiện thực pha trộn giữa sự vất vả, hy sinh cùng cái chất ngang tàng của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Để rồi khi lật giở, cuốn hồi ký đã giữ chân tôi đọc một mạch từ đầu tới cuối, và khi gấp lại vẫn bâng khuâng như chưa ra khỏi những trang viết.

"Những ngón tay vuông"
Trang bìa cuốn hồi ký.

Dày 177 trang, "Những ngón tay vuông" chứa đựng toàn bộ cuộc đời của Trần Quang Thành và mang trong đó những mảng màu chân thực về cuộc sống trong chiến tranh. Nói những gì từng trải qua bằng con mắt của người trong cuộc đã tạo nên điểm đặc biệt của cuốn sách, khiến tất cả được vẽ ra chân thật mà sinh động. Bạn đọc sẽ hồi hộp dõi theo một tình thế nguy cấp được tác giả tái hiện: "Nhưng chân phải của tôi nặng trĩu, không đi ga được. Tôi phải xoay người, dùng chân trái đi ga. Trong buồng lái, Phương đã đổ gục xuống, lại càng vướng. Chân trái, không quen đi ga. Xe cứ chồm lên, giật cục. Chạy đua với thời gian, chạy đua với cái chết...". Và sau đó là niềm hạnh phúc tột độ khi vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, người chiến sĩ ấy đã giải thoát được rất nhiều xe, giải cứu được nhiều đồng đội ở phía sau, lập thành tích xuất sắc.

Là người lính ở lâu năm trong rừng sâu, tác giả không ngần ngại, né tránh khi nói về trạng thái tâm lý và tinh thần lúc gặp... con gái: "Con gái-mày ạ. Mấy cô con gái đi đường giao liên qua bên kia. Tao thấy, định chạy về gọi mày, nhưng lại tiếc. Đứng nhìn một lúc, thế là họ đi mất rồi". Mong ước, thèm khát được nhìn thấy bóng dáng người con gái khi đó, được tác giả mô tả là cái gì đó rạo rực và cuộn trào, bởi các anh "chưa hề biết cầm tay một người con gái".

Không chỉ là hiện thực khốc liệt, cuốn hồi ký còn ẩn chứa những điều tươi tắn và lãng mạn. Có đoạn tác giả viết: "Những đêm đẹp thế này... Người yêu của tôi có nhìn lên bầu trời đêm nay không? Em nhìn trăng là chúng mình thấy nhau đấy". Hay có đoạn: "Trong lòng nghĩ rằng, mình có hy sinh, thì nơi quê nhà, hay rộng hơn là trên cõi đời này, ngoài bao người khác biết đến mình, thương yêu mình, đã có người con gái ấy. Cô ấy sẽ đến với gia đình mình, sẽ gắn bó với mình, với mẹ và chị em, dù mình không còn nữa. Cái ý nghĩ đã có người con gái yêu thương, đến với gia đình mình, mà lại chưa phải là vợ, chưa chính thức là người nhà, nó mới mạnh mẽ làm sao, có thể còn hơn tất cả". Với những người chiến sĩ, nhiều năm sống trong xa cách và nhớ thương, những lúc ác liệt nhất, cận kề cái chết nhất, tình yêu là động lực tiếp thêm sức mạnh.

Cứ như thế, mỗi câu chuyện chiến trường mà tác giả trải nghiệm và ghi lại tuy giản dị nhưng tươi mới, bởi ở đó có lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ, cả những vất vả, nhọc nhằn và hạnh phúc thiêng liêng. Bởi vậy, không đơn thuần là những mảnh ghép ký ức chiến tranh, cuốn hồi ký là một trong những tư liệu sinh động và thuyết phục để thế hệ hôm nay hiểu đầy đủ hơn, tự hào hơn về thế hệ cha anh.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan