TƯỚNG HOÀNG KIỀN VÀ “CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM”

Ngày đăng: 10:41 14/02/2021 Lượt xem: 1.262
TƯỚNG HOÀNG KIỀN VÀ “CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM”



     Một ngày cận Tết Tân Sửu, anh Hoàng Kiền đã tặng tôi và một số anh em trong cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam cuốn sách mới của anh “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Cuốn sách 148 trang khổ 14,5 x 20,5 cm.
     Tướng Hoàng Kiền có 16 năm công tác tại Quân chủng Hải quân (từ 1981 -1997). Anh trực tiếp tham gia thiết kế công trình chiến đấu trên đảo Bạch Long Vỹ rồi tham gia thiết kế, trực tiếp chỉ đạo xây dựng các công trình chiến đấu và phòng thủ tại quần đảo Trường Sa… Sau này làm Tư lệnh Công binh anh lại tham gia một số mặt về công trình xây dựng DK1, chỉ đạo kỹ thuật xây dựng các công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Có thể nói biển đảo Việt Nam không chỉ gắn bó 16 năm với tướng Hoàng Kiền mà nó còn thu hút nhiều tâm sức để tìm hiểu, nghiên cứu về biển đảo kể cả sau khi anh đã rời xa Hải quân nhiều năm. Khi cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” được nhóm của Lê Mã Lương cho xuất bản, đã hút Tướng Hoàng Kiền vào “cuộc bút chiến nảy lửa” với nhóm biên soạn Lê Mã Lương. Anh đã viết hàng trăm trang để vạch trần những điều sai trái lịch sử về cuộc chiến tại đảo Gạc Ma giữa một đơn vị  hải quân Việt Nam và lực lượng xâm lược của hải quân Trung Quốc.
       Cuốn sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam” của Hoàng Kiền bao gồm 7 phần:
     Phần thứ nhất: “Nhà nước Việt Nam đã từ lâu và liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”. Với những cứ liệu lịch sử, Hoàng Kiền đã giúp bạn đọc hiểu rõ: Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Việc nước Pháp nhân danh nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; Việc bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
     Phần thứ hai: “Từ trước tới nay quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc”. Dùng các chứng cứ lịch sử xác thực và vững chắc, Hoàng Kiền giúp bạn đọc khẳng định: “Cái gọi là sự “phát hiện” và “khai thức, kinh doanh” của nhân dân Trung Quốc”; “Cái gọi là sự “cai quản” của các triều đại Trung Quốc”; “Một luận điệu của Bắc Kinh: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam không phải là “Tây Sa”, và “Nam Sa” của Trung Quốc”!
       Phần thứ ba: “Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
     Tướng Hoàng Kiến đã giúp bạn đọc biết rõ qua các chứng cứ lịch sử vạch trần việc “Trung Quốc chiếm phía đông quần đảo Hoàng Sa”, “Trung Quốc chiếm phía hết phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” và sự thật “Hải chiến Hoàng Sa”; “Trung Quốc xuyên tạc công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng”; “Thỏa thuận của Mỹ - Trung về Hoàng Sa”; “Những vấn đề diễn ra trong lịch sử trên biển”.
      Phần thứ tư: “Quần đảo Trường Sa của Việt Nam”. Đây là phần mà Tướng Hoàng Kiền đã đưa ra những sự kiện xây dựng và bảo về quần đảo Trường Sa của Hải quân Việt Nam. Đây cũng là phần chiếm nhiều trang nhất của cuốn sách. Anh còn viết về nội dung: Cả nước hướng về Trường Sa; Trên các đảo chìm; Cải tạo luồng, mở luồng ở Trường Sa; Tiếp tục xây dựng công trình giai đoạn 1989-1993; Xây dựng công trình giai đoạn 1994 về sau; Kết quả chung; Xây dựng cảng, sân bay, âu tàu.
      Phần thứ năm:  “Thềm lục địa và nhà giàn DK1, quyết định chốt giữ khu vực các bãi cạn thềm lục địa nam Biển Đông thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt, quyết tâm rất cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta”: Kiên trì, quyết tâm bảo vệ chủ quyền khu vực thềm lục địa trên Biển Đông; quản lý, hoạt động, khắc phục sự cố; Vấn đề nghiên cứu khoa học; Xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 giai đoạn mới; Tiểu đoàn DK1.
      Phần thứ sáu: “Mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ngày càng quyết liệt”: Trung Quốc tham lam vô lý; Trung Quốc đang thực hiện hóa “đường lưỡi bò” để độc chiếm biển Đông”; Tại sao Trung Quốc quyết tâm độc chiếm biển Đông?
      Phần thứ bảy: “Quyết tâm bảo vệ chủ quyền – đối sách của Việt Nam”. Phần này với các nội dung: Khẳng định chủ quyền; Đối sách của Việt Nam; Đối sách trên biển; Tiếp tục kiên trì giải quyết bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc; Xây dựng hải quân cách mạng – chính quy – tinh nhuệ - hiện đại; Tự hào Hải quân (bài thơ ‘Tự hào Hải quân” của Hoàng Kiền).
      Cuốn sách còn có một phụ lục là Hồi ức “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa” của Lê Văn Thự, nguyên sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa.  
      Sách còn công bố một số hình ảnh tư liệu, bản đồ cổ về Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuốn sách được Tướng Hoàng Kiền trình bày ngắn gọn, cô đọng theo lối viết tư liệu lịch sử. Dù cuốn sách chưa phải là một công trình khoa học nghiên cứu lịch sử đầy đủ về Hoàng Sa và Trường Sa nhưng những kiến thức và cứ liệu lịch sử mà tác giả trình bày trong cuốn sách đã giúp bạn đọc hiểu biết cơ bản về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa và những biến động lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
      Có thể nói cuốn sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam” là một tài liệu quý giúp chúng ta hiểu và thêm yêu Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc thân yêu.
      Trân trọng cám ơn Tướng Hoàng Kiền về cuốn sách này.

      NB-NV Phạm Thành Long
 
 

tin tức liên quan