"Sờ-lâu…đâu có dễ" - Chuyện vui đầu năm của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:20 21/02/2021 Lượt xem: 413
Sờ-lâu…đâu có dễ.
( Chuyện vui đầu năm)
Hoàng Văn Kính

 
          Mồng 3 tết Tân Sửu mấy anh em rủ nhau lượn quanh Hà nội vừa để lấy cái may đầu năm mới, vừa để khai xuân môn thể thảo ưa thích, vừa để thưởng thức không khí đầu xuân.
          Hà Nội đẹp, đương phố thông thoáng người xe qua lại thưa thớt, yên tĩnh lạ thường, băng rôn khẩu hiệu, áp phích, đèn lồng… trang hoàng lộng lấy. Đúng là Thủ đô văn minh, Xanh – Sạch – Đẹp.
          Lòng vòng cũng phải mất gần hết buổi sáng, chúng tôi táp vào một quán café, không quên ngồi đúng giãn cách phòng Em Covid. Chị chủ quán  mặc đẹp, niềm nở: Các bác thấy Hà Nội có đẹp không, chỗ nào cũng băng rôn, khẩu hiệu cứ như lạc vào chốn bồng lai.
          Anh bạn tôi tiếp lời: Ừ đẹp thật nhưng cũng phải nói thật trừ mấy cái băng rôn to đùng đập vào mắt còn lại nhiều như.. lá cải nhưng chẳng đọc thấy gì cả.
          -À tại ông không tập trung – Tôi nói.
          -Giời ơi. Treo rõ nhiều, chữ thì bé, phải tập trung nhìn đường chứ lại ghếch mắt lên đọc khẩu hiệu nữa thì có mà…tèo à.
          Một anh ngồi bàn bên nghe thấy chúng tôi chuyện trò rôm rả cũng cầm cốc café sang góp chuyện: Các bác đang nói về Sờ-lâu-gần đấy à.
          Thấy chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, anh giả thích:
          Nôm na theo từ điển Anh – Việt thì Sờ-lâu-gần ( Slogan ) dịch sang tiếng ta là Khẩu hiệu. Mà ở nước mình thì nhiều Sờ lắm. Đến bất kì địa phương nào, bất kì chỗ nào có dân cư sinh sống đều thấy nhản nhản Sờ-lâu-gần. To có, bé có, có cái đến cả chục m2 chứ chả ít. Các Sờ thường nền mầu đỏ, chữ in ( hoặc dán ) lên đó là màu vàng. Ngắn thì cũng cỡ phải chục chữ. Có cái lòng thòng nom hoa cả mắt. Các Sờ-lâu-gần chủ yếu để động viên, tuyên truyền, kêu gọi, khích lệ người dân. Cứ treo đấy, gọi là phong trào cho khí thế còn ai xem, ai đọc thì tùy, nhưng cũng có cái gây choáng như dịp kỉ niêm 67 năm ngày Thương binh liệt sỹ  tại trường THPT Hai Bà Trung ( TP Huế ) treo cái Sờ  “ Nhiệt liệt chào mừng 67 năm ngày Thương binh liệt sỹ ( 27/7/1947 – 27/7/ 2014 )”. Chắc mấy anh chị làm văn hóa ở đây sờ mãi chẳng tìm được chữ nào chuẩn hơn! Còn sai chính tả thì nhiều vô số kể. Điển hình như năm 2013 dư luận sôi sục khi tấm biển chào mừng 68 năm Quốc khánh 2/9 to đùng đặt tại ngã tư Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội viết sai tên nước một cách khó hiểu: “ Nhiệt liệt chào mừng 68 năm quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam Việt Nam”. Thế mà người ta cứ để hàng tháng trời, chứng tỏ cũng chẳng mấy ai đọc cả.
          Tôi cắt ngang: Nhiều Sờ như thế chắc cũng phải tiền tỷ đấy.
          -Tỷ thế nào hở bác, to mất tiền to, bé chi tiền bé. Đống tiền cả đấy. Sờ-lâu-gần kêu gọi tiết kiệm, nhưng khi sờ vào thì chẳng ai nghĩ đến tiết kiệm cả. Vừa rồi em đọc được cái bài viết về Sờ-lâu-gần hay lắm, để em kể góp vui đầu xuân cho các bác nghe nhé:
          Em hay đi công tác Bắc-Nam, có ngồi ô tô đi trên đường mới thấy cánh lái xe thông minh thật. Sờ-lâu-gần của họ vừa ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ lại tinh tế nữa, dán ngay đít xe, đập ngay vào mắt thằng đi sau. Nó nhắc nhở phải cẩn thận không thì gặp họa: XA EM RA. Rồi: TỪ TỪ EM SẼ CHO đến như thế thì ai còn liều mình xán lại gần nữa. Lại có cái “Sờ” mà tôi bảo đảm bất kì em nào nhìn thấy cũng phải đỏ chín mặt: CHÚ Ý: KHI ĐÍT EM ĐỎ. Mà đít em đã đỏ thì đố thằng nào dám cố!


 
          Đôi khi bắt gặp một anh đi phía trước rất tế nhị: NGƯỜI LỊCH SỰ KHÔNG BÓP CÒI INH ỎI. Cũng có gã tỏ ra bất cần: ĐỪNG GẦN ANH, ĐỜI EM SẼ KHỔ. Cũng có cái “Sờ” giả nai, tỏ ra e ấp: ĐỪNG ANH, MẸ THẤY…
          Mấy chúng tôi cười khoái chí: Hay đấy chứ. Ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thấy và điều quan trọng nó có tác hiệu rất tốt, có sức cảnh báo làm các bác tài phải thức tỉnh, không được chủ quan, liều mạng.
          Anh bạn không mời mà đến lại kể tiếp:
          Có một lão nhà ở đầu ngõ, vị trí ấy lại hơi bị khuất, có mấy bụi hoa ngũ sắc lùm lùm. Chỗ thuận lợi ấy tự nhiên biến thành nơi lí tưởng để các thượng đế xa gần qua lại giải quyết nỗi buồn, dậy mùi sú uế. Lão cú lắm không làm gì được, đành chương cái biển: CẤM ĐÁI BẬY. Nhưng chẳng cấm được ai, tuần sau lão thay bằng cái biển khác có sức răn đe nặng kí hơn: ĐÁI BẬY, XẺO CHIM. Nhưng chẳng đứa nào sợ cả, có cho  kẹo mút lão cũng chẳng dám xẻo. Biết đâu lão lại bị xẻo trước. Ngồi trong nhà thỉnh thoảng lại thấy có thằng vội vã dừng lại xả, lại còn huýt sáo nữa chứ. Có đứa đang phóng xe máy cũng phanh kít lại làm tý. Lại mấy con mẹ đi chợ qua đặt quang gánh, ngó trước ngó sau rồi tụt cứ tự nhiên như…chỗ không người. Bực quá lão thay bằng cái “Sờ” khác: ĐÁI BẬY PHẠT 50.000K. Tâm đắc lắm, tưởng đánh vào kinh tế thiên hạ ai cũng phải kinh, nhưng mấy bữa sau  mới ngộ ra: Ai cho phạt mà phạt ai. Ai cũng tùy tiện làm cái “Sờ” rồi phạt thì thiên hạ này loạn hết à. Bởi vậy nên chẳng ai sợ cả, có tay đứng sát vào cái Sờ xè xè đến vài phút cứ như chọc tức, thách đố vậy.
          Xem ra các giải pháp ấy không có tác dụng. Lão nghĩ: tẩn thì không  được, chửi thì cũng không xong chỉ còn mỗi cách đánh thẳng vào lòng tự trọng của họ. Thế là bỏ ra 1 ngày lão cắt cắt, dán dán làm cái Sơ-lâu-gần rõ to, chữ in hẳn hoi bằng đề-can màu đỏ: CHỖ NÀY CHỈ DÀNH CHO CHÓ ĐÁI.
          Trưa hôm sau lão thấy một thằng bụng phệ dừng cái ô tô bóng loáng bước xuống kéo cái phọc đánh xoẹt, quay đi ngó lại thấy cái Sờ trịnh trọng đập ngay vào mặt. Chắc nó nghĩ mình cũng là thằng người, chẳng lẽ lại cùng đẳng cấp với chó à, thế là nó quay mặt kéo cái phọc ngược lên, bước vội vào xe, miệng còn lẩm bẩm chửi đổng.
          Cũng nhờ cái Sờ-lâu-gần ấy mà từ đấy già trẻ, gái trai qua lại ai cũng thể hiện mình là người lịch sự, tử tế.
          Nghe đến đây làm tôi sực nhớ dến bài viết của anh Phạm Thành Long đăng  vào dịp tết Tân Sửu trên báo Điện tử Hội VHNT Trường Sơn: tại sao chúng ta không Sờ-lâu-gần môt câu mạnh mẽ để thể hiện khí phách của dân tộc: Việt Nam tiến lên thay vì câu: Việt Nam cố lên thường dậy sóng trên các sân cầu, nghe nó không được tự tin lắm.
          Tưởng là đơn giản, chỉ một câu khẩu hiệu vô thưởng vô phạt, nhưng: Một Sờ-lâu-gần có ý nghĩa nó sẽ trở thành một thữ vũ khí mạnh mẽ. Đúng thế.

Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan