"Hương Đoài" của Nguyễn Sơn Hải

Ngày đăng: 11:27 23/02/2021 Lượt xem: 1.243
  “HƯƠNG ĐOÀI” CỦA NGUYỄN SƠN HẢI

                                           NB-NV Phạm Thành Long

      


      “Hương Đoài” là tên của tập thơ thứ 4 mà Nguyễn Sơn Hải (Hội viên Hội VHNT Trường Sơn) vừa ra mắt bạn đọc cuối năm 2020. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
      Nguyễn Sơn Hải sinh năm 1951 tại thôn 7, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Anh nhập ngũ và vào Trường Sơn (Binh trạm 44) năm 1970. Anh có hơn 3 năm công tác tại Viện quân y 46 rồi Tiểu đoàn quân y 18 của Sư đoàn 471. Năm 1973, anh chuyển về làm cán bộ khung của Tiểu đoàn 15 – Tiểu đoàn huấn luyện của Sư đoàn 471…
      Trường Sơn đã se duyên cho anh. Bà xã của anh – chị Phạm Thị An (quê Thái Bình, nhập ngũ và vào chiến trường năm 1972. Chị là lính kho của Binh trạm 44, rồi chị được chuyển về công tác cùng Tiểu đoàn Huấn luyện với Nguyễn Sơn Hải). Họ đã hẹn hò dưới tán rừng của đại ngàn Trường Sơn. Sau năm 1975 họ xuất ngũ và xây tổ ấm…
     Lâu nay, Nguyễn Sơn Hải là một doanh nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm gỗ mít tại Làng nghề xã Hương Ngải. Vài ba năm gần đây do tuổi tác, lại bận nhiều công tác Hội Trường Sơn nên anh đã “bàn giao” cho con trai đảm đương công việc kinh doanh, sản xuất, để anh có nhiều thời gian cho hoạt động của Hội Trường Sơn…
      Hiện nay Nhà thơ Nguyễn Sơn Hải đảm đương khá nhiều trách nhiệm: Chủ nhiệm CLB Thơ Trường Sơn Thạch Thất, Hà Nội – CLB là Hội viên Tập thể của Hội VHNT Trường Sơn; Phó Chủ tịch Hội TS huyện Thạch Thất, Hà Nội; Chủ tịch Hội TS xã Hương Ngãi; Trưởng ban liên lạc truyền thống TS Xứ Đoài (Hội TS Sư đoàn 471); Ủy viên BCH Hội TS Sư đoàn 471; Cộng tác viên tích cực của Trang thông tin điện tử và Bản tin Trường Sơn. Với ngần ấy trọng trách, vậy mà anh vẫn đều đều cho ra mắt liên tiếp 4 tập thơ: “Hương Đoài” (tập 1 và 2),Lính Trường Sơn” (tập 1 và 2). Đấy là chưa kể anh còn cùng Ban Chủ nhiệm CLB Thơ Trường Sơn Thạch Thất cho ra đời liên tiếp 5 tập thơ “Trường Sơn một thời để nhớ”. Đủ thấy cảm xúc thơ trong anh dồi dào và câu thúc anh như thế nào. Không chỉ viết cảm xúc bởi quá khứ Trường Sơn luôn đầy ắp trong anh, Nguyễn Sơn Hải còn viết cảm xúc về quê hương, đất nước con người hôm nay. Nhiều sự kiện thời sự của đất nước cũng thúc giục anh viết ra những lời thơ sinh động, tình cảm…Có lẽ không tuần nào anh không gửi thơ cho Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Trường Sơn chúng tôi.
      Là người từ lâu nay vẫn đọc và theo dõi thơ của anh, tôi thấy càng ngày thơ Nguyễn Sơn Hải càng có sự “chuyển động” đáng mừng về chất lượng. Gần đây, anh có nhiều bài thơ đọc thấy “rất được”; nhiều câu thơ trong bài thơ khá ấn tượng. Trở về từ Trại viết Đồ Sơn lần thứ nhất của Hội VHNT Trường Sơn, được trang bị kiến thức và phương pháp sáng tác, các tác phẩm anh viết sau này có sự trưởng thành khá rõ nét về câu từ, về tứ thơ. Những bài thơ anh viết từ cuối 2019 đến nay ít thấy bài anh viết “dễ dãi” như trước khi dự Trại viết Đồ Sơn (tháng 10/2019).
      Thơ của Nguyễn Sơn Hải chân thật, mộc mạc và tình cảm như chính con người anh vậy. Tập thơ “Hương Đoài 4” của anh xuất bản lần này gồm 102 bài thơ đủ các đề tài, nhưng đề tài về Trường Sơn vẫn có tới 25 bài. Có thể nói Nguyễn Sơn Hải viết khỏe, viết liên tục và đề cập nhiều đề tài trong cuộc sống. Trong những bài thơ chưa thật ưng ý nhưng vẫn có những câu thơ đọc thấy rất được.
      Trong tập “Hương Đoài”, Nguyên Sơn Hải viết khá nhiều bài về xuân và mùa xuân: “Xuân về nhớ bạn”, “Chợ quê ngày Tết”, “Xuân nay”, “Chúc xuân”, “Lúa xuân”, “Mưa xuân”, “Xuân của tuổi xuân”, “Đồng xuân”, “Xuân này lỗi hẹn”, “Mãn xuân”… thì bài “Sáng xuân” là một bài thơ nhiều âm sắc, hình ảnh: Se se mưa bụi sáng xuân/Long lanh giọt nắng trong ngần đào tơ/Bòng chồi chen nụ lơ thơ/Hoa chanh loang tím lửng lơ vươn cành/Chích chòe gọi bạn lanh chanh/Tìm sâu lẩn khuất nấp nhành chồi non/Chào mào lảnh lót véo von/Gọi đàn chim én mải còn chao nghiêng/…
      Ngay từ ấu thơ, hơi thở của ruộng đồng, của lũy tre làng, của gió heo may, của mưa phùn và gió bấc… đã lặn vào, đã tràn vào Nguyễn Sơn Hải. Có lẽ vì thế mà anh đã viết khá thành công về đề tài thời tiết xuân, hạ, thu đông, viết về những cơn mưa giông, những ngày nắng hạn…của quê mình. Bài “Đợi mưa” là một bài như thế: Mãi không thấy cậu ông Trời/Nghiến răng để gọi mưa rơi xuống đồng/Mong mưa sớm đợi, chiều trông/Cây xanh héo rũ, ruộng đồng nứt khô/Mưa rơi cho mạ xuống bờ/Mau xanh kín ruộng, mai chờ bội thu/Canh khuya nghe vọng lười ru/Trăng quầng thì hạn, trăng lu mưa về./ Bài “Tình thu” cũng là một bài thơ nhiều hình ảnh đẹp: …Thu vàng sóng lúa lao xao/Phất phơ hoa cỏ, liệng chao cánh chuồn/Chiều tà ửng đỏ hoàng hôn/Vi vu diều sáo thả hồn lãng ru/Hồn quê lắng đọng gió thu/Người quê thắm đượm lời ru dịu dàng/…
      Bài thơ “Tìm nhau”“Chiều cuối năm” là hai bài thơ cảm động về tình đồng đội, tình yêu của người lính một thời Trường Sơn, về nỗi cô đơn “Lẻ loi một bóng, nửa giường chờ ai”… Sự chờ đợi người yêu trong vô vọng cứ dài theo năm tháng…Hai bài thơ đã tạo nên một đấu ấn về một thời của chiến tranh…

       Xin chúc mừng “Hương Đoài” của Nguyễn Sơn Hải.

       PTL

 

tin tức liên quan